Để khởi động cuộc chiến, Pháp đã mượn cớ với danh nghĩa giải quyết tại chỗ vụ Đuypuy (Jean Dupuis) người Pháp là một lái buôn súng đang mong độc chiếm dòng sông Hồng để ngược lên vùng Vân Nam (Trung Quốc) bán hàng. Mặc dù không được triều đình Huế cho phép những Đuypuy vẫn ngang nhiên tự tiện kéo đoàn tàu buôn vào cửa cấm rồi ngược sông Hồng lên vùng biên giới (3- 1873), lúc trở về Hà Nội Đuypuy còn mang thêm một số lính Trung Quốc. Với lực lượng quân sự mới được tăng cường, Đuypuy càng hung hăng đòi hỏi quá đáng.
Cùng thời điểm đó thì thực dân Pháp ở Sài Gòn phái thiếu tá hải quân Gácniê (Francis Garnier) đưa quân ra Bắc. Đội tàu chiến của Gácniê khởi hành từ Sài Gòn vào ngày 11-10-1873 và tới Hà Nội vào ngày 5-11-1873, bề ngoài với danh nghĩa là theo yêu cầu của triều đình Huế để giải quyết vụ Đuypuy, nhưng thực chất là để kiếm cớ can thiệp sâu vào vấn đề Bắc Kỳ.
Quân Pháp tấn công thành Hà Nội, ngày 20/11/1873.
Ngay khi đến Hà Nội, ngày 15 - 11 - 1873 Gácniê đã kết hợp quân với Đuypuy và đưa ra những yêu sách ngang ngược, đòi đóng quân trong thành, đòi mở sông Hồng cho ngành thương mại Pháp, đòi được quyền thu thuế và còn cho quân tiến vào khu vực đông dân cư để cướp bóc. Đến nước này nhân dân Hà Nội không chịu ngồi yên, các giếng nước của đội quân của Gácniê thường bị bỏ thuốc độc, ban đêm luôn lo sợ vì bị quân dân của Hà Nội tấn công tiêu diệt, kho thuốc súng của Pháp ở bờ sông nhiều lần bị đốt cháy. Gácniê lâm vào tình thế nguy khốn.
Được tin cấp báo triều đình Huế cử phái viên Trần Đình Túc ra Bắc và đã cắt chức một số quan lại ở Hà Nội rồi ra bố cáo cấm nhân buôn bán giao thiệp với Pháp, đồng thời vạch rõ trách nhiệm của Gácniê ra Bắc chỉ là để xử lý Đuypuy.
Giữa lúc tình hình đang căng thẳng thì Gácniê nhận được viện binh từ Sài Gòn và Hương Cảng đến. Lực lượng được tăng cường, ngày 16 - 11- 1873 Gácniê đơn phương tuyên bố mở đường sông Hồng cho chuyên chở hàng hóa và buôn bán, thiết lập chế độ thuế quan mới. Đến ngày 19 - 11 - 1873 Gácniê gửi tối hậu thư buộc Nguyễn Tri Phương (Tổng đốc thành Hà Nội) phải giải giáp quân đội, rút hết súng thần công được đặt trên mặt thành, khai phóng sông Hồng.
Thiếu tá Hải quân Pháp Francis Garnier, người chỉ huy quân Pháp tấn công thành Hà Nội, tháng 11/1973.
Không đợi trả lời, sáng sớm ngày 20 - 11- 1873, Gácniê ra lệnh nổ súng đánh thành Hà Nội.
Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, người chỉ huy quân triều Nguyễn bảo vệ thành Hà Nội.
Lực lượng quân triều đình đông hơn so với quân viễn chinh Pháp rất nhiều nhưng trang bị thì kém, súng đạn thiếu, việc chuẩn bị đối phó tấn công của quân Pháp không được chú ý đúng mức. Mặc dù vậy khi tiếng súng của quân Pháp nổ ra thì quân và dân Hà Nội chiến đấu rất anh dũng, chủ động đốt kho chứa 20 vạn viên đạn của Pháp ở bờ sông để hạn chế sức mạnh tấn công của Pháp. Khi quân Pháp từ bờ sông tiến vào phố thì bị một đội quân của ta có 100 người do một viên Chưởng cơ (không rõ tên) chỉ huy chặn đánh quyết liệt dù phải hi sinh đến người cuối cùng ở cửa ô Đông Hà (thuộc phường Đông Hà, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, sở tại của tỉnh Hà Nội ngày nay là phường Đồng xuân, Hà Nội. Từ đó cửa ô này có tên là ô Quan Chưởng).
Ô Quan Chưởng, nơi diễn ra trận đánh ác liệt giữa quân Pháp và quân Nguyễn khi Pháp tấn công thành Hà Nội, tháng 11/1873.
Tổng đốc Nguyễn Tri Phương lên cửa thành trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu của quân và dân ta, bảo vệ thành Hà Nội. Nguyễn Tri phương bị trúng đạn ở bụng, quân Pháp cố tình cứu chữa để mua chuộc về sau, nhưng ông đã xé băng, rồi nhịn ăn mà chết. Dựa vào thế của hỏa lực, quân Pháp đã vượt qua nhiều trở ngại để tiếp cận chân thành. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ngay trên mặt trận thành. Con trai của Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Lâm cùng hiệp quản Trần Văn Cát và suất đội Ngô Triều đã hăng hái xông lên chiến đấu nhưng đều bị hi sinh. Một số quan bị Pháp bắt và đưa vào Sài Gòn, còn phần lớn chạy lên Sơn Tây hợp với quân của triều đình do Hoàng Tá Viêm chỉ huy.
Quân Pháp ở cửa Bắc sau khi chiếm được thành Hà Nội.
Sau khi chiếm thành Hà Nội, Gácniê đóng luôn quân trong thành, cho bịt kín các của thành chỉ để lại Cửa Đông để đề phòng quân ta tấn công.
Tuy đã thất bại nhưng nhân dân Hà Nội dưới sự chỉ huy của các sĩ phu yêu nước vẫn duy trì cuộc chiến đấu trong lòng Hà Nội. Đáng chú ý là hoạt động của Nghĩa hội - một tổ chức quần chúng do các nhà Nho tập hợp vẫn tìm cách phá hoại các kho tàng của Pháp, trấn áp những kẻ theo quân Pháp. Trong phong trào yêu nước chống Pháp hồi đó cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng cùng rất nhiều sự kiện tiêu biểu.
Chính - Huệ (tổng hợp)
Nguồn:
- Đại cương Lịch sử Việt Nam, tác giả Đinh Xuân Lâm. NXB Giáo dục.
- Những công trình ngiên cứu Lịch sử Hà Nội. NXB Hà Nội 2010.
- Bách khoa thư Hà Nội, Lịch sử. NXB Văn hóa Thông tin và Viện nghiên cứu & phổ biến kiến thức Bách khoa.
- Lược sử Việt Nam, tác giả Trần Hồng Đức. NXB Văn hóa Thông tin.