Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, do nắng nóng ở mức lịch sử nên năm 2023 hầu hết các dòng sông lớn trên thế giới đều cạn nước, rõ nhất là dòng Amazon ở châu Mỹ, con sông nổi tiếng bậc nhất thế giới. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống cũng như càng khiến khí hậu Trái Đất khắc nghiệt hơn.
Theo ông Anoulak Kittikhoun - Giám đốc Điều hành Ủy hội sông Mekong quốc tế, chế độ dòng chảy của sông Mekong không còn tự nhiên, cụ thể là dòng chảy mùa khô cao hơn mức trung bình và trong mùa mưa dòng chảy lại thấp hơn. Điều này tiềm ẩn nhiều tiêu cực. Lượng cá giảm đáng kể và các cánh đồng trong lưu vực sông Mekong dần trở nên khô cằn.
Mekong là con sông lớn nhất ở Đông Nam Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) sông chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông Mekong có tổng chiều dài 4.350km, tổng diện tích lưu vực 795.000km2, là sông dài thứ 12 thế giới, dài thứ 7 ở châu Á. Là con sông vĩ đại, Mekong cũng ẩn chứa trong nó nhiều điều rất đặc biệt.
Con cá đuối “khủng” nhất thế giới
Tổ chức Guinness thế giới mới đây đã công nhận một con cá đuối cái nặng 300 kg bắt được tại sông Mekong đoạn chảy qua địa phận Campuchia là con cá nước ngọt lớn nhất thế giới. "Chúng tôi ghi nhận con cá đuối có chiều dài là 3,98m, rộng 2,2m và nặng 300kg là cá nước ngọt lớn nhất thế giới" - Tổ chức kỷ lục Guinness tuyên bố. Con cá khổng lồ này được đặt tên là “Trăng tròn”, trước đó vào ngày 13/6/2022 đã bị nhóm bảo tồn Wonders of the Mekong (Kỳ quan của sông Mekong) “bắt sống”, sau đó gắn thiết bị theo dõi rồi thả về với tự nhiên nhằm bảo vệ loài cá có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đó, vào năm 2005, kỷ lục cá nước ngọt lớn nhất thế giới trước đó thuộc về một con cá tra dầu nặng 293 kg phát hiện ở đoạn sông Mekong chảy qua Thái Lan.
Nói với Khmer Times, Giám đốc Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) tại Campuchia Seng Teak cho rằng, sông Mekong là nơi sinh sống tốt nhất cho cá đuối gai, cùng với rùa mai mềm, cá tra dầu và cá hô khổng lồ.
"Điều này có nghĩa là sông Mekong của chúng ta có rất nhiều loài “thủy quái”. Đây là điều khiến chúng ta tự hào và chúng ta phải nỗ lực hết sức để bảo vệ chúng" - ông Seng Teak nói sinh cảnh của sông Mekong có dấu hiệu phục hồi.
Con cá đuối khổng lồ bắt được ở đoạn sông Mekong chảy qua xã Koh Preah (huyện Siem Bok, tỉnh Stung Treng, Campuchia). Theo mô tả của người dân, trước khi bắt được con cá, họ đã nhìn thấy "những bóng đen lớn bên dưới mặt nước". Sau đó họ đã báo cho nhóm các nhà khoa học “Kỳ quan của sông Mekong”. Zeb Hogan, người dẫn đầu nhóm khoa học cho biết: “Khi chúng tôi nhìn thấy một con cá có kích thước quá lớn như vậy, đặc biệt là ở nước ngọt, thì đây là điều rất khó hiểu. Tôi và cả nhóm đã choáng váng". Ông Hogan cũng nhấn mạnh, việc cá vẫn có thể đạt được kích thước lớn như thế là một dấu hiệu đầy hy vọng cho sông Mekong khi mà dòng sông này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường.
"Cá lớn nước ngọt trong các dòng sông toàn cầu đang bị đe dọa tuyệt chủng. Chúng là loài có giá trị cao nhưng cũng mất nhiều thời gian để trưởng thành. Vì vậy, nếu chúng bị đánh bắt trước khi trưởng thành, chúng sẽ không có cơ hội sinh sản" - ông Hogan nói và cho biết thực tế cho thấy rất nhiều loài cá lớn đang di cư, vì vậy chúng cần những khu vực rộng lớn để tồn tại. Chúng bị ảnh hưởng bởi những thứ như môi trường sống bị chia cắt do các con đập và rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi việc đánh bắt quá mức.
"Vì vậy, khoảng 70% cá nước ngọt khổng lồ trên toàn cầu đang bị đe dọa tuyệt chủng" - ông Hogan nói.
Theo WWF, gần 1/3 tổng số loài cá nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng. Kể từ năm 1970, số lượng cá nước ngọt nặng từ 30kg trở lên đã giảm 94%. Chỉ riêng năm 2020, 16 loài đã bị tuyên bố tuyệt chủng.
Cũng theo WWF, sông Mekong dù chỉ đứng thứ 12 các dòng sông lớn trên thế giới nhưng lại là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt có kích thước khổng lồ hơn bất kỳ con sông nào. Trong danh sách 10 loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới thì sông Mekong có 4 loài, sông Amazon ở vị trí thứ nhì với 2 loài. Còn lại sông Mississippi (Mỹ), sông Dương Tử (Trung Quốc), Nile (châu Phi) mỗi nơi có 1 loài, cùng với cá nheo (Wels catfish) nước ngọt phân bố ở cả châu Âu và châu Á.
“Về mặt khoa học, một loài phải có khả năng phát triển chiều dài ít nhất 2m hoặc nặng 100 kg thì mới đủ tiêu chuẩn trở thành một loài cá khổng lồ” - đại diện WWF cho biết.
Những loài cá quý và vấn đề đặt ra với dòng Mekong
Tuy nhiên, không chỉ có cá đuối gai, sông Mekong còn nhiều loài “thủy quái” khổng lồ khác. Trước hết phải kể đến cá tra dầu. Vào năm 2005, một con cá tra dầu nặng 293 kg dài 2,7m bị ngư dân trong vùng bắt được. Thời điểm đó, nó vô cùng nổi tiếng khi được Guiness ghi nhận là con cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Từ đó, trong tiếng Anh có thêm tên gọi cho loài này là “Mekong Giant Catfish”, còn tại Thái Lan và Campuchia người ta gọi là “cá hoàng gia”, hoặc “cá vua”.
Loài cá này nằm trong sách đỏ thế giới, trọng lượng có thể lên đến 300kg. Nó từng là “nghi can” trong những vụ mất tích bí ẩn của con người ở vùng sông nước Mekong, vì với kích cỡ khổng lồ và sức mạnh khó tưởng tượng, chúng thừa sức kéo một người trưởng thành xuống nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cá tra dầu và các loài cá da trơn khổng lồ khác không có mục tiêu tấn công là con người. Nếu có, đó chỉ là hành động tự vệ.
Cá hô, mà người Thái Lan còn gọi là cá chép Xiêm, còn được biết đến với danh xưng "vua của các loài cá". Nó là loài lớn nhất trong bộ cá chép trên thế giới, con lớn nhất từng được ghi nhận ở Thái Lan, nặng 300kg. Cá hô cũng có tên trong sách đỏ thế giới khi đã rơi vào tình thế tuyệt chủng. Tuy to lớn và đáng sợ nhưng cá hô chỉ ăn các động thực vật thủy sinh cỡ nhỏ.
Tiếp đến là cá vồ cờ, thuộc họ cá tra, bộ cá da trơn, cũng thường bị coi là "đối tượng tình nghi" trong một số vụ mất tích của con người. Chúng có hành vi rất hung hãn cùng một chiếc vây tia vươn cao như lá cờ, tạo kiểu rẽ sóng giống cá mập. Một con cá vồ cờ có thể có chiều dài tối đa lên tới 3m, con lớn nhất từng được ghi nhận cũng khoảng 300 kg.
Với nhiều loài cá khổng lồ vô cùng quý hiếm như vậy, nhưng theo thời gian cũng như nhiều loài thủy sinh khác của sông Mekong, chúng cũng dần biến mất. Các đập thủy điện cùng việc đánh bắt quá mức đã làm nguồn thủy sản tự nhiên sông Mekong sụt giảm nghiêm trọng, nhiều loài quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính sông Mekong có khoảng 1.000 loài cá, nhưng ngư dân cho rằng kể cả các loài cá nhỏ thì cũng dần khó kiếm. Chea Seila - nữ nhân viên Dự án Kỳ quan sông Mekong nói: “Sự sụt giảm loài cũng như số lượng cá của sông Mekong tới nay đã rất nghiêm trọng. Có thể hình dung, vào những năm 90 của thế kỷ trước ngư dân có thể khai thác được 10kg cá/ngày thì nay chỉ còn 2 - 3 kg/ngày; tương đương sụt giảm 70 - 80%. Điều này cho phải cấp bách cần phải bảo vệ dòng Mekong hùng vĩ”.
Nhà nghiên cứu Blake Ratcliff dẫn Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn protein từ cá sông đối với cuộc sống người dân các nước trong lưu vực sông Mekong. Bên cạnh đó, nó còn là sinh kế cho hàng triệu người dân sống dựa vào nghề khai thác thủy sản. “Phát triển kinh tế là điều quan trọng nhưng cần phải bảo đảm sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên”, Tiến sĩ Blake Ratcliff nói.
Trong khi đó, ông Brian Eyler, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Stimson (Mỹ), nhấn mạnh: Các đập thủy điện biến sông Mekong thành những đoạn đứt gãy và cắt đường di cư của các loài cá. Điều này tác động lớn đến sản lượng tự nhiên của chúng vì làm mất khả năng phục hồi cá tự nhiên. Những hố nước sâu đến 80m, tối om và tĩnh lặng, là nơi trú ngụ, sinh sản và bảo tồn những loài cá quý hiếm. Trên toàn sông Mekong có 484 hố sâu tự nhiên như vậy, là “mái nhà” của các loài có kích thước lớn vào mùa khô. Nhưng khi các hố nước thăm thẳm và tĩnh lặng ấy mất đi thì cũng sẽ dẫn đến sự tổn thất của môi trường tự nhiên cũng như tính đa dạng sinh học.
Và đó cũng chính là vấn nạn của Mekong nếu như các nước vùng thượng du không thay đổi cách ứng xử phù hợp với dòng sông.
Amazon và “sát thủ” khét tiếng piranha
Sông Amazon ở Nam Mỹ, được xem là con sông dài hàng đầu thế giới cũng như có lưu vực rộng nhất và lưu lượng nước nhiều nhất thế giới. Sông Amazon chiếm khoảng 20% tổng lưu lượng nước ngọt cung cấp cho các đại dương. Chỗ rộng nhất của sông vào mùa khô khoảng 11 km. Vào mùa mưa lũ, chỗ rộng nhất của sông có thể lên đến 40 km, riêng khu vực cửa sông có thể rộng tới 325 km.
Lưu vực sông Amazon bao phủ phần lớn rừng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất trên thế giới, chiếm diện tích 5,5 triệu km2, với hơn 1.000 sông nhánh đan chéo nhau dệt thành một mạng sông dày đặc, trong đó có hơn 17 nhánh có chiều dài 1.500 km. Lưu vực Amazon chiếm khoảng 40% tổng diện tích lục địa Nam Mỹ, chảy qua 9 quốc gia, kéo dài tới 6.500km.
Vào mùa mưa, sông Amazon và các phụ lưu của nó dâng cao tới 9m, làm ngập lụt các khu vực rừng lân cận. Tính trung bình trong mùa khô, diện tích bị ngập nước khoảng 110.000km2, trong khi mùa mưa diện tích bị ngập nước trong lưu vực lên đến 350.000km2.
Do sự kỳ vĩ và bí ẩn, sông Amazon cũng có nhiều sinh vật hết sức khác biệt. Trong đó nổi bật là loài cá piranha còn được gọi là “cá răng đao”, “cá cọp”, hay “cá ăn thịt người”, khi nó có thể tấn công cả các loài động vật lớn hơn nó hàng trăm lần. Piranha được mệnh danh là "băng đảng sát thủ" khát máu nhất “thế giới ngầm Amazon”.
To không quá bàn tay của một người trưởng thành, sự tàn bạo của cá piranha không đến từ kích thước mà đến từ số lượng với tập tính săn mồi theo đàn. Sở hữu hàm răng sắc nhọn có thể cắn nát kim loại, loài cá piranha còn trang bị kỹ năng săn mồi khủng khiếp: Săn theo bầy đàn. Loài cá piranha sinh sống tại sông Amazon kéo dài từ Colombia đến tận Argentina, với khả năng đánh hơi vô cùng tinh nhạy chúng có thể "ngửi" thấy con mồi kể cả trong vùng nước tối đen.
Cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt viết trong cuốn “Xuyên qua Brazil hoang dã”, năm 1914, có đoạn: “Đó là loài cá hung bạo nhất thế giới. Chúng sẽ táp đứt rời ngón tay của những kẻ nghịch nước bất cẩn, chúng sẽ khiến những tay bơi lội ở mỗi khúc sông trở thành tàn tật. Chúng sẽ cắn xé và nuốt sống những vật thể sống nào bị thương vô phúc rớt xuống sông. Cả một con bò cũng bị chúng giết chết”.
Tuy nhiên, với thổ dân sống trong rừng mưa Amazon, thì piranha cũng không... đáng sợ lắm. Denis - thuộc nhóm thổ dân Matses cho biết, chính từ tập tính tham ăn và hiếu thắng mà piranha dễ bị bắt. Khi đã cắn câu thì chúng không rời ra do bộ răng cực chắc “vít” lại, vì thế mà dễ bị bắt.
Một con cá piranha trưởng thành cũng chỉ dài từ 14 - 26 cm. Đây là một loài cá dễ nhận dạng bởi đặc thù ngoại hình của nó, với một thân hình tam giác và màu sắc của chúng thay đổi từ bạc với mặt dưới màu cam đến gần như đen hoàn toàn và nổi bật nhất là bộ răng chắc khoẻ sắc nhọn. Khi nó đóng miệng, hai hàm răng khít lại giống như một cái bẫy thú. Đuôi của piranha khá to so với cơ thể giúp chúng bơi nhanh và linh hoạt để đuổi bắt con mồi.
Lâu nay, người ta vẫn cho rằng piranha là loài cá ăn thịt người. Điều đó có đúng không, nhất là khi chúng được mô tả một cách vô cùng đáng sợ trong nhiều bộ phim của Hollywood. Nhưng trên thực tế, piranha chỉ đáng sợ với những loài nhỏ hơn hoặc lớn hơn kích thước của chúng chút ít và không thực sự nguy hiểm đối với con người. Chúng cũng chỉ trở nên hung dữ vào mùa khô khi thức ăn khan hiếm và mực nước xuống thấp. Khi đó, cơn đói có thể khiến chúng tấn công mọi thứ trước mắt, kể cả đồng loại. Loài cá này không ăn thịt người, chúng thường tránh con người hay những loài động vật có kích thước lớn hơn chúng.
Tiến sĩ Axelrod - chuyên gia nghiên cứu về các loài cá cho biết, dù không nguy hiểm đối với con người nhưng cá piranha vẫn bị nhiều nước cấm nhập khẩu và nuôi giống. Nguyên nhân loài cá này có thể gây ảnh tới hệ sinh thái vì đặc thù của chúng là loài cá ăn tạp và nó cũng là mối đe dọa cho các loài cá bản địa vì chúng sinh sản rất nhanh và có thể tấn công các loài cá khác một cách tàn bạo.
Trăn khổng lồ cũng bị bức tử
Đó là loài trăn anaconda chỉ tìm thấy trong những vùng đầm lầy rừng mưa Amazon. Chúng sống cả dưới nước và trên cạn. Đặc biệt, khi bơi trong dòng Amazon, chúng có khả năng ngụy trang rất tài tình vì thế trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng. Chúng giấu mình dưới nước và săn mồi bằng cách quấn chặt thân quanh con mồi, xiết chặt khiến nạn nhân chết vì ngạt thở.
Trăn anaconda khi trưởng thành thường dài hơn chục mét, nặng cả tấn, sống đơn độc và nổi tiếng với cú ra đòn đột ngột khiến con mồi không thể chạy thoát. Trăn là loài rắn lớn, tuy không có nọc độc như rắn nhưng chúng có sức mạnh khủng khiếp. Khi xiết mồi, chúng có thể làm tan nát bộ xương của một con trâu rừng. Răng của chúng cong vào trong, không có ống tiết nọc nhưng nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng (đến 180 độ) nên có thể nuốt được những con mồi lớn.
Trăn anaconda có thể bơi với vận tốc 20 km/h, ở dưới nước tối đa 20 phút. Anaconda sống dưới nước nhưng không ăn cá. Con mồi ưa thích của chúng là cá sấu Nam Mỹ, các loài rắn khác, dê và thậm chí cả báo Nam Mỹ.
Khi mới đẻ, một con anaconda sơ sinh dài khoảng 75cm và nặng khoảng 250gram, chúng có thể sống tự lập ngay lập tức. Trong điều kiện tự nhiên, một con anaconda có thể sống tới 15 năm qua nhiều lần lột xác. Cực đại, một con trăn anaconda có thể dài tới 9 m, nặng tới 550 kg.
Jonathan Bloch- nhà cổ sinh học chuyên về động vật có xương sống (Đại học Florida, Mỹ) cho rằng, trăn anaconda có thể là loài mạnh nhất hành tinh còn tồn tại tới nay, khi một con vật to hơn chúng vài ba lần cũng không thể thoát chết khi bị chúng quấn.
Nhưng tới nay, do nhiều nguyên nhân, trăn anaconda trong những khu rừng và các dòng sông nhánh của Amazon đã dần biến mất. “Điều đó cho thấy môi trường tự nhiên của Amazon đã thay đổi quá mạnh mẽ. Quá nhiều vụ cháy rừng đã khiến chúng mất môi trường sống. Nhiều đoạn sông nhiễm độc thủy ngân từ việc khai thác vàng tự do cũng không khác nào việc truy đuổi loài rắn khổng lồ đã sống sót qua biết bao lần trong quá khứ” - Tiến sĩ Jonathan Bloch nói.
Cùng chung một cách nhìn, giới khoa học môi sinh thế giới cho rằng xét trên nhiều góc độ, Amazon là một biểu tượng đặc trưng của cái gọi là "vẻ đẹp thiên nhiên". Nhưng cũng chính ở Amazon này, "không có thứ gì thích nghi được với hỏa hoạn", đồng nghĩa với việc phục hồi sự đa dạng sinh học sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả khi.
Giáo sư Mazeika Sullivan (Đại học bang Ohio, Mỹ) - người có nhiều nghiên cứu về sông Amazon cho rằng, nhìn chung giữa một trận cháy, động vật không có nhiều sự lựa chọn. Chúng có thể chạy trốn bằng cách chui vào hang hoặc nhảy xuống nước.
Điều đó khiến chúng mất đi mái nhà của mình, nhưng còn hơn là chết cháy. Dù vậy, trong lúc chạy trốn, nhiều con vật vẫn sẽ bỏ mạng vì bị bén lửa, sốc nhiệt do sức nóng đột ngột hoặc ngạt khói. Trăn anaconda cũng không là ngoại lệ. Lửa ở những đám cháy rừng hoàn toàn có khả năng bức tử chúng vì chúng chỉ có trốn dưới nước không quá 20 phút thì phải lên bờ.
“Dòng Amazon vĩ đại cũng không che chở được cho các loài thú, vì chính dòng sông cũng bị đe dọa. Đó là điều thật sự lo ngại nếu như loài người vẫn không thực sự quan tâm tới việc bảo vệ những dòng sông mà chỉ tính chuyện khai thác chúng” - Giáo sư Mazeika Sullivan nói.
Con cá đuối khổng lồ bị bắt ngày 13/6/2022 trên sông Mekong đoạn chảy qua Campuchia, dài 3,98m, nặng 300kg. Ngày 4/10/2023 nó được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là cá nước ngọt lớn nhất thế giới
10 dòng sông lớn nhất thế giới
-Sông Nile: Dài 6.650 km, chảy qua 10 quốc gia. Đây là dòng sông có ảnh hưởng nhất ở châu Phi, gắn liền với sự hình thành, phát triển và lụi tàn của nhiều vương quốc cổ đại, góp phần tạo dựng nên nền văn minh sông Nile.
-Sông Amazon, dài 6.500 km, chảy qua 9 quốc gia Nam Mỹ. Dòng sông được coi là mạch nguồn nuôi dưỡng rừng mưa Amazon lớn nhất thế giới.
-Sông Trường Giang (Trung Quốc), còn gọi là sông Dương Tử, là con sông dài nhất châu Á dài khoảng 6.300 km
-Sông Mississippi (Bắc Mỹ), dài 6.275 km, chảy chủ yếu ở Mỹ, còn lại ở Canada đổ ra vịnh Mexico theo nhiều nhánh nhỏ.
-Sông Enisei là một trong những hệ thống sông lớn nhất đổ ra Bắc Băng Dương, với chiều dài 5.539 km. Chảy chủ yếu qua những khu rừng taiga hoang vắng ở nước Nga (97%), phần còn lại ở Mông Cổ, mỗi năm bị đóng băng khoảng 6 tháng.
-Sông Hoàng Hà, là con sông dài thứ hai ở Trung Quốc, sau sông Trường Giang, dài 5.464 km.
-Sông Obi dài 5.410 km, chảy qua các Nga, Kazakhstan, Trung Quốc và Mông Cổ.
-Sông Parana, chảy qua Brazil, Paraguay và Argentina với chiều dài khoảng 4.880 km.
-Sông Congo (Cộng hòa Dân chủ Congo), dài 4.700 km, đây là sông sâu nhất thế giới, nơi sâu nhất 220 m.
-Sông Amur là biên giới tự nhiên giữa miền Viễn Đông của Nga và tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Vì thế, người Trung Quốc gọi là sông Hắc Long Giang.