Từ bao đời nay người Việt Nam ta luôn tự hào về nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong đó có đoàn kết, tương thân tương ái , giúp đỡ lẫn nhau. Đây là một tình cảm đặc biệt giữa những con người trong một gia đình, trong một tổ chức, xã hội. Do vậy, từ lâu ông bà ta đã có câu tục ngữ giáo dục con cháu phải biết chia sẻ khó khăn trong cuộc sống “Lá lành đùm lá rách”.
1. “Lá lành đùm lá rách” nghĩa là gì? “Lá lành” là những chiếc lá còn xanh, tươi tốt, nguyên vẹn, chưa bị gió lay. Còn “lá rách” là những chiếc lá bị gió hoặc các vật cứng va chạm vào, bị rách do các tác nhân bên ngoài hoặc vàng úa, khô héo.
“Lá lành đùm lá rách” gợi ta liên tưởng đến hành động gói bánh bằng lá chuối, lá dong,... Trong lúc thiếu lá, nhân dân ta thường đặt những chiếc lá rách, lá nhỏ vào giữa, trong cùng. Sau đó, bọc những chiếc lá tươi xanh, nguyên vẹn bên ngoài chiếc bánh.
“Lá lành” là hình ảnh tượng trưng cho những người có cuộc sống sung túc, khỏe mạnh. Ngược lại, “lá rách” chỉ những người có số phận kém may mắn hơn, thiếu thốn, nghèo khổ, thiếu ăn, đau ốm hoặc gặp nạn. Như vậy, câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" là một lời khuyên của người xưa với chúng ta rằng những người may mắn, mạnh khỏe, ấm no hãy biết cưu mang, giúp đỡ người khó khăn, ốm đau, hoạn nạn, thiếu thốn…
2. “Lá lành đùm lá rách” tiếng Anh là gì? “Lá lành đùm lá rách” là câu tục ngữ rất hay nói về lòng yêu thương, đoàn kết của con người Việt Nam. Để diễn tả câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” sang tiếng Anh bạn có thể dùng câu “The intact leaves protect the tattered ones”.
3. Vì sao chúng ta cần phải giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với người khác? Câu hỏi tại sao chúng ta cần phải giúp đỡ người khác tưởng như khó hiểu, nhưng lại thật dễ hiểu. Đa số chúng ta, ngay từ khi sinh ra đến khi lớn lên đều sống trong tình yêu thương, bao bọc của ông bà, cha mẹ. Bạn được dạy phải biết quan tâm đến người khác, giúp đỡ mọi người. Điều này đã tạo thành thói quen, lối sống của mỗi người chúng ta sau này.
Khi bạn có đủ điều kiện thì tại sao bạn không bỏ ra một chút thời gian để giúp đỡ những người khó khăn hơn? Hành động đùm bọc, san sẻ khó khăn với những người trong gia đình, với những người xung quanh đôi khi có thể nhỏ bé nhưng chắc chắn sẽ tạo nên những sự thay đổi tích cực thậm chí là sự thay đổi lớn.
Con người ai cũng sẽ có lúc gặp khó khăn, sai lầm và thiếu thốn. Ai rồi cũng sẽ có lúc cần được sẻ chia và nhận được sự giúp đỡ. Người giàu có, đủ đầy cũng sẽ có lúc mệt mỏi cần sự đồng cảm, lắng nghe. Một doanh nhân cũng có lúc thất bại khi có những quyết định sai lầm và cần đến sự hỗ trợ của các cộng sự. Một chàng trai khỏe mạnh, cũng sẽ có lúc bị ốm đau, cần người chăm sóc. Một tiến sĩ tài ba cũng có lúc gặp khó khăn với một số vấn đề và cần sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Hay như một cậu bé, kiên cường, mạnh mẽ đến đâu cũng có lúc vấp ngã cần cha mẹ, người thân bên cạnh hướng dẫn, thương yêu, chăm sóc.
Sự đùm bọc, sẻ chia giúp chúng ta cảm thấy bình tâm hơn, có cơ hội, có sức mạnh để vượt qua khó khăn hay những lúc hoạn nạn. Khi ta biết được rằng nếu gặp khó khăn, thất bại thì vẫn sẽ có một bờ vai nào đấy cho ta dựa vào hoặc có ai đó sẵn sàng dang tay bao bọc, che chở, cuộc đời sẽ có hy vọng hơn.
Bởi vậy, hy vọng bạn không ngại giúp đỡ, sẻ chia, đùm bọc những người gặp khó khăn. Để không chỉ phát huy đạo lý “Lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc mà còn để khi gặp khó khăn, sẽ luôn có người đưa tay ra với bạn.
Xem thêm: Tổng hợp 30+ câu ca dao tục ngữ về yêu thương con người hay nhất Biểu hiện của sự đồng cảm và sẻ chia trong xã hội hiện đại Giải thích ý nghĩa tục ngữ "Chia ngọt sẻ bùi" khuyên ta điều gì?
4. Truyền thống “Lá lành đùm lá rách” - Chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt” Tiếp nối truyền thống "Lá lành đùm lá rách" của ông cha ta, trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức đứng lên kêu gọi quyên góp, thực hiện các chương trình từ thiện với mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn. Chương trình Phát thanh thực tế “Sát cánh cùng gia đình Việt ” của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM chính là một trong những chương trình ý nghĩa như vậy.
Chương trình kêu gọi, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, các mảnh đời cơ nhỡ, các bệnh nhân nghèo khó, các gia đình còn gặp nhiều gian nan trong quá trình mưu sinh. Ra đời từ năm 2011, sau hơn 10 năm phát sóng, “Sát cánh cùng gia đình Việt” đã vận động được hơn 180 tỷ đồng (từ 28/6/2011 - 12/2021) cùng hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm để thực hiện nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa.
Trong đó, có thể kể tới việc mang lại ánh sáng cho hơn 40.000 bệnh nhân nghèo trên cả nước; vận động xây dựng hơn 180 cây cầu, 27 ngôi trường mầm non và tiểu học, nhà bán trú, gần 2.000 căn nhà tình thương ở nhiều tỉnh thành trên cả nước; vận động ủng hộ cho bà con vùng lũ; vận động mổ tim cho hơn 400 bệnh nhi và người lớn…
Nhờ chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt”, tấm lòng của các “lá lành” đã đến được với các “lá rách”, nhiều ước mơ được thực hiện, nhiều cuộc đời mới được mở ra. Và hơn hết, những câu chuyện giàu cảm xúc, những giá trị tốt đẹp đã được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
5. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng nhân ái, sự yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau Tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau đã thấm sâu vào trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam ta từ bao đời nay. Chính vì thế, trong kho tàng văn học, ngoài câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”, chúng ta còn có nhiều câu ca dao , tục ngữ , thành ngữ hay về tấm lòng nhân ái .
Nhường cơm, sẻ áo. Chia ngọt sẻ bùi. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa. Cành dưới đỡ cành trên. Nhiều làm phúc, ít làm duyên. Nhiều no lòng, ít mát ruột. Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Có câu tích đức tu nhân/ Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri. Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Thấy ai đói rách thì thương/ Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn. Thương người như thể thương thân / Nhường cơm sẻ áo lòng nhân mới là.Anh em cốt nhục đồng bào/ Kẻ sau người trước phải hầu mới vui. Đó nghèo thì đây cũng nghèo/ Hai ta như bọt với bèo dưỡng nhau. Giúp lời không ai giúp của/ Giúp đũa không ai giúp cơm. Tóm lại "Lá lành đùm lá rách" là một truyền thống đạo lý vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Câu tục ngữ giáo dục cho con người lòng yêu thương, nhân ái, tinh thần đoàn kết dân tộc, biết sẻ chia, giúp đỡ những người gặp khó khăn, bất hạnh. Mỗi chúng ta cần phải biết kế thừa và phát huy truyền thống cha ông để lại, để vừa góp phần tạo nên thế giới tốt đẹp vừa giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet