Relationship Manager hiện là vị trí công việc thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Vậy RM là gì? RM làm công việc gì? Yêu cầu tố chất của RM là gì? Cơ hội việc làm và mức lương của RM ra sao? Bạn đọc hãy cùng Ms Uptalent khám phá RM và những điều thú vị có thể bạn quan tâm qua bài viết sau nhé. MỤC LỤC1- RM là gì? 2- Mô tả công việc của Relationship Manager 3- Relationship Manager yêu cầu những tố chất gì? 3.1- Học vấn và kinh nghiệm 3.2- Kỹ năng 3.3- Tính cách 4- Học gì để trở thành RM? 5- Cơ hội việc làm và mức lương của một Relationship Manager 5.1- Cơ hội việc làm RM 5.2- Mức lương của RM
>>> Xem thêm: Việc làm Marketing tại HRchannels.com
1- Relationship Manager (RM) là gì?
Thuật ngữ RM xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu. Tuy nhiên, rất ít người thực sự hiểu rõ về vị trí công việc này.
RM là viết tắt của cụm từ Relationship Manager. Khi dịch sang tiếng Việt được hiểu đơn giản là quản trị quan hệ. Nhiệm vụ chính của vị trí RM là làm việc với khách hàng và xây dựng mối quan hệ bền vững với họ.
Vị trí RM có mặt tại rất nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, cổ phiếu, chứng khoán, cung cấp giải pháp doanh nghiệp, du lịch,… Nhưng khi nhắc đến RM người ta thường nghĩ ngay đến vị trí nhân viên quản trị quan hệ trong ngành ngân hàng.
Vậy, tại sao RM lại được tuyển dụng chủ yếu tại các ngân hàng và công ty tài chính?
Chắc bạn cũng biết mỗi ngân hàng thường có các dịch vụ khác nhau. Trong khi đó khách hàng hay đối tác chiến lược sẽ dựa trên cảm nhận mà lựa chọn ngân hàng. Và vai trò của RM chính là làm cho khách hàng có thiện cảm và ấn tượng tốt với dịch vụ của ngân hàng. Qua đó thúc đẩy khách hàng lựa chọn và gắn bó lâu dài với ngân hàng trong tương lai, cũng như giúp ngân hàng gia tăng lợi thế cạnh tranh và hạn chế rủi ro kinh doanh.
Có thể thấy, tại các ngân hàng, vị trí RM sẽ phát huy được vai trò to lớn của họ trong việc quản trị mối quan hệ với khách hàng và các đối tác. Thực chất, các dịch vụ đang được các ngân hàng cung cấp không có quá nhiều khác biệt. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây chính là sự hài lòng của khách hàng khi trải nghiệm dịch vụ. Đây là nhân tố quan trọng quyết định sự trung thành của khách hàng. Bởi vậy, trọng tâm của RM chính là cải thiện trải nghiệm về dịch vụ và sản phẩm của khách hàng.
Đối với các doanh nghiệp, quản trị mối quan hệ hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu có thể giúp họ duy trì hoạt động kinh doanh, thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận và mở rộng thương hiệu. Do những giá trị cụ thể mà quản trị quan hệ mang lại nên các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến khía cạnh này. Đây cũng chính là lý do vị trí RM đang dần trở nên quan trọng hơn trong các tổ chức, doanh nghiệp. Quan tâm >>> Mô tả công việc chuyên viên quan hệ khách hàng
2- Mô tả công việc của Relationship Manager
Công việc của RM được chia thành 2 lĩnh vực chính là Quản lý quan hệ khách hàng - Customer relationship manager (CMR) và quản lý quan hệ kinh doanh - Business relationship manager (BRM).
Bên cạnh đó, công việc của RM còn phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng về cơ bản vị trí RM sẽ thực hiện những công việc chính sau đây:
- Xây dựng và phát triển mối quan hệ tích cực với khách hàng, đối tác chiến lược, nhà cung cấp và các đối tượng liên quan khác.
- Tìm kiếm và phát triển các mối quan hệ kinh doanh mới cho doanh nghiệp.
- Cập nhật các xu hướng mới, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
- Xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với xu hướng dựa trên các dữ liệu thu thập được và phổ biến cho các đội ngũ nhóm liên quan để cùng triển khai thực hiện.
- Thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc các mối quan hệ với khách hàng để thúc đẩy khách hàng tiếp tục gia hạn dịch vụ hoặc phát triển hợp đồng.
- Mở rộng, phát triển mối quan hệ để tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới và ký kết thêm nhiều hợp đồng mới.
- Tìm hiểu, cập nhật các thông tin, dữ liệu về đối thủ cạnh tranh từ đó tìm ra phương hướng phát triển phù hợp cho doanh nghiệp.
- Lắng nghe và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của khách hàng, từ đó tìm cách đáp ứng nhu cầu của họ nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
- Lên kế hoạch và tiến hành các hoạt động chăm sóc khách hàng.
- Xác định các yếu tố quan trọng, chủ chốt quyết định sự gắn kết của khách hàng cũng như các đối tác chiến lược để xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ và mang lại lợi ích bền vững cho doanh nghiệp.
- Xử lý nhanh chóng các khiếu nại của khách hàng một cách thông minh, khéo léo để khách hàng luôn cảm thấy hài lòng với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Từ những mô tả công việc trên đây có thể thấy RM là một vị trí khó nhằn chứ không hề dễ dàng gì. Trong phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng khám phá những yêu cầu đối với vị trí RM là gì nhé. Đừng bỏ lỡ >>> Kỹ năng của chuyên viên quan hệ khách hàng
3- Relationship Manager yêu cầu những tố chất gì?
Ưu điểm của vị trí RM là không phân biệt giới tính, cũng không phải làm những công việc chân tay nặng nhọc. Nói như vậy không có nghĩa đây là công việc dễ dàng. Khi đảm nhận công việc này bạn cũng phải đối mặt với không ít áp lực và những thử thách.
Chính vì vậy, để làm công việc quản lý quan hệ bạn sẽ phải có các kiến thức nền tảng vững vàng, thành thạo các kỹ năng cần thiết, năng lực nghiệp vụ tốt và có khả năng quản trị công việc để đạt hiệu suất làm việc tốt nhất.
Về cơ bản, một RM sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu về tố chất sau:
3.1- Học vấn và kinh nghiệm
Bạn cần có bằng cử nhân Quản trị kinh doanh hoặc bằng cấp thuộc các lĩnh vực liên quan để ứng tuyển vị trí RM. Đồng thời bạn còn phải có kiến thức về thực hành quản lý quan hệ khách hàng.
Ngoài bằng cấp và kiến thức, bạn còn phải có kinh nghiệm làm việc tại các vị trí có liên quan đến việc quản lý quan hệ khách hàng, có kinh nghiệm bán hàng và chăm sóc khách hàng.
3.2- Kỹ năng
Bên cạnh kiến thức và kinh nghiệm, người làm RM còn phải sở hữu các kỹ năng quan trọng sau:
- Kỹ năng giao tiếp
- Khả năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề
- Khả năng xây dựng, phát triển và quản lý các mối quan hệ
- Khả năng tư duy chiến lược
- Kỹ năng làm việc nhóm
- Kỹ năng lãnh đạo
- Kỹ năng quan sát và nắm bắt tâm lý khách hàng
- Kỹ năng thuyết phục Đọc thêm >>> Câu hỏi phỏng vấn chuyên viên quan hệ khách hàng
3.3- Tính cách
- Năng động, tự tin và luôn tràn đầy năng lượng
- Cẩn thận, tỉ mỉ và có trách nhiệm trong công việc
- Biết cách lắng nghe và thấu hiểu
- Luôn chủ động và có tư duy nhanh nhạy
4- Học gì để trở thành Relationship Manager?
RM là công việc đòi hỏi bạn phải đáp ứng được những điều kiện nhất định về bằng cấp và chuyên môn. Chính vì vậy, để theo nghề này bạn sẽ phải theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh hoặc các chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh khác.
Bạn sẽ phải trang bị cho mình những kiến thức về quản trị mối quan hệ kinh doanh, quản lý quan hệ khách hàng, các phương pháp nghiên cứu thị trường và cách thức tìm kiếm, tiếp cận các cơ hội kinh doanh trên thị trường.
Ngoài các kiến thức chuyên môn về kinh doanh, thị trường, khách hàng và quản trị mối quan hệ, bạn còn phải năng cao khả năng tiếng Anh và tin học. Bởi vì đây là những yếu tố giúp bạn tìm được nhiều cơ hội việc làm tốt và có thể thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp.
5- Cơ hội việc làm và mức lương của một Relationship Manager
5.1- Cơ hội việc làm RM
Thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu của khách hàng cũng trở nên phức tạp hơn. Do đó, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển và quản lý các mối quan hệ với khách hàng, đối tác cũng như hoạt động kinh doanh.
Điều này đã khiến nhu cầu tuyển dụng vị trí RM gia tăng mạnh mẽ. Bạn có thể tìm thấy cơ hội việc làm RM tại rất nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính,…
Bên cạnh đó, bạn còn có nhiều lựa chọn vị trí việc làm khác nhau. Chẳng hạn như:
- Senior Relationship Manager - Quản lý mối quan hệ cấp cao: nhiệm vụ chính của vị trí này là duy trì mối quan hệ với khách hàng, chuẩn bị hồ sơ tín dụng, phân tích báo cáo tín dụng và theo dõi, thực hiện các giao dịch lớn.
- Retail Relationship Manager - Quản lý quan hệ bán hàng: nhiệm vụ cơ bản của vị trí này là xây dựng, thiết lập và duy trì những mối quan hệ với các khách hàng lẻ. Họ phải đảm bảo cung cấp cho những khách hàng này các dịch vụ tốt nhất và làm cho họ cảm thấy hài lòng.
- Financial Institutions - Retail Relationship Manager - Quản lý quan hệ tổ chức tài chính: đây là vị trí đặc thù trong các công ty chứng khoán. Chức năng của vị trí này là tiếp cận với các tổ chức tài chính như các ngân hàng thương mại cả trong và ngoài nước, doanh nghiệp FDI, công ty chứng khoán, bảo hiểm,…, nhằm mở rộng và quản lý mối quan hệ với họ. Có thể bạn quan tâm >>> PR là gì? Tại sao trong truyền thông luôn cần đến PR?
5.2- Mức lương của Realationship Manager
Hiện tại, mức lương trung bình của Relationship Manager dao động từ 15 - 30 triệu/tháng. Mức lương cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả làm việc của từng người. Trên thực tế mức lương RM nhận được còn có thể cao hơn con số này.
Với những bạn có khoảng 1 năm kinh nghiệm tại các vị trí bán hàng hoặc chăm sóc khách hàng, có thể nhận được mức lương tối thiểu 10 triệu/tháng. Khi đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, bạn có thể đảm nhận vị trí chuyên viên Relationship Manager và nhận được mức lương trên 35 triệu/tháng.
Có thể thấy mức lương của Relationship Manager là con số đáng mong đợi đối với nhân sự trẻ và cũng là mức lương có phần cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường. Vì vậy, không quá khó hiểu khi vị trí RM lại thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ như vậy.
Tóm lại, RM là vị trí công việc tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi cao về năng lực chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm. Bởi vậy, bạn cần chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức và kỹ năng vững vàng nếu muốn theo đuổi công việc này. Hy vọng bài viết này của Ms Uptalent đã cung cấp cho bạn những thông tin thú vị về nghề Relationship Manager. Chúc bạn thành công!
-
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080 Email: sales@hrchannels.com / job@hrchannels.com Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet