Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất năm 2024
Dù VN-Index kết thúc năm 2024 với vị thế tăng điểm nhưng nhiều cổ phiếu vẫn ghi nhận kết quả không mấy tích cực khi không những giảm điểm mà còn phải hủy niêm yết hoặc đình chỉ giao dịch.
Cùng Vietstock điểm lại 10 cổ phiếu có thị giá giảm mạnh nhất năm 2024
Ngày 12/09, HĐQT GKM công bố Nghị quyết lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản về phương án kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 24 tháng, tương ứng ngày đáo hạn là 20/09/2026. Sau đó, giá cổ phiếu GKM đã có pha lao dốc liên tục cho đến phiên cuối năm.
Với việc vẫn chưa công bố BCTC soát xét bán niên 2024 và BCTC quý 3/2024, cổ phiếu RDP đã bị HOSE lần lượt đưa từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch kể từ ngày 24/10, sau đó là đình chỉ giao dịch từ ngày 19/11 cho đến nay.
Cổ phiếu DFF chứng kiến pha tuột dốc không phanh trong giai đoạn tháng 7-8/2024 khiến nhiều lãnh đạo Công ty phải bán giải chấp. Đà giảm của cổ phiếu có lẽ là sự phản ánh của kết quả kinh doanh có phần bê bết của Công ty khi lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lỗ hơn 188 tỷ đồng, qua đó nâng mức lỗ lũy kế ở cuối tháng 9/2024 lên gần 288 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, LTG gặp phải sự kiện bất khả kháng, ảnh hưởng tới dòng vốn hoạt động kinh doanh, khiến toàn bộ Công ty phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt. Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ thường niên 2024 được tổ chức trễ hơn so với các năm trước. Sau đại hội, Lộc Trời có sự biến động về nhân sự, thay đổi một số nhân sự chủ chốt.
Hệ quả, giá cổ phiếu LTG lao dốc và đặc biệt giảm sâu trong tháng 10 - thời điểm Công ty triệu tập họp bất thường để giải quyết vấn đề tồn đọng. Tuy nhiên, đến nay, LTG vẫn chưa thể tổ chức Đại hội do thiếu hồ sơ ứng cử thành viên Ban Kiểm soát.
Cổ phiếu FIR có đà trượt dài trong năm 2024, tương tự kết quả kinh doanh của Công ty. Cụ thể, cả niên độ tài chính 2024 (từ 01/10/2023-30/09/2024), FIR chỉ lãi ròng gần 224 triệu đồng, trong khi năm trước hơn 19 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm của doanh thu tài chính khi chỉ ghi nhận vỏn vẹn gần 43 triệu đồng, quá chênh lệch so với con số gần 17 tỷ đồng của niên độ 2023.
Cổ phiếu KPF đang bị hạn chế giao dịch từ ngày 11/10, do Công ty chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2024 quá 45 ngày so với quy định. Về kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng, KPF lỗ ròng hơn 283 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 24 tỷ đồng do Công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 324 tỷ đồng. Hệ quả, KPF lỗ lũy kế gần 142 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024.
Giá cổ phiếu LMH giảm trong bối cảnh Công ty vi phạm nhiều lỗi về công bố thông tin, trong đó có cả việc công bố thông tin sai lệch và việc Công ty có các giao dịch với người nội bộ/người có liên quan dù không được HĐQT chấp thuận.
PSH trải qua chuỗi ngày khó khăn sau vụ việc bị cưỡng chế thuế vào cuối năm 2023. BCTC kiểm toán 2023 ghi nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ với một phần nguyên nhân từ việc cưỡng chế thuế này, theo đó cổ phiếu cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 03/04. Đến tháng 10/2024, cổ phiếu liên tục bị chuyển sang diện kiểm soát và hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2024.
Giá cổ phiếu CEN lao dốc trong bối cảnh Công ty vi phạm nhiều quy định về công bố thông tin, bao gồm cả không công bố đối với thông tin phải công bố và công bố thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, CEN chỉ lãi sau thuế gần 16 triệu đồng sau 9 tháng đầu năm 2024, giảm hơn 92% so với cùng kỳ.
Cổ phiếu ITA hiện đang thuộc diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch của HOSE. Tính đến ngày 11/11/2024, ITA đã có 8 lần gửi báo cáo tình hình khắc phục và đề nghị HOSE đưa cổ phiếu của Công ty ra khỏi diện cảnh báo, tuy nhiên đến nay HOSE vẫn chưa có văn bản chấp thuận.
Hà Lễ
FILI
- 18:58 31/12/2024