Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2011 - 2022 thì cao nhất là năm 2011 với mức tăng 18.58%, thấp nhất là năm 2015 với mức 0.63%. Trong suốt những năm từ 2014 - 2022, Việt Nam đã rất nỗ lực để kiểm soát thành công lạm phát ổn định ở mức dưới 4%.
1. Biểu đồ lạm phát của Việt Nam
Lạm phát của Việt Nam qua các năm
2. Thống kê lạm phát ở việt nam qua các năm
Cả năm 2011, lạm phát ghi nhận ở mức tăng 18.58%, nền kinh tế không có sự đột phá về tăng trưởng dù dòng tiền chi ra rất nhiều, thúc ép lạm phát đạt các kỷ lục mới: CPI mỗi tháng trong năm này tương ứng với mức tăng khoảng 1.4%, chênh lệch giữa tháng tăng cao nhất với tháng tăng thấp nhất lên đến 3 điểm phần trăm.
Sang đến năm 2012, lạm phát được kiềm chế ở mức 9.21%, có tới 7 tháng CPI chỉ ở mức dưới 1%, hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0.5%. Có được kết quả này là nhờ Chính phủ triển khai kịp thời Chỉ thị 25/CT-TTg và tăng cường công tác quản lý, điều hành cũng như bình ổn giá.
Lạm phát năm 2013 ghi nhận là mức tăng thấp nhất trong suốt giai đoạn 10 năm từ 2003 - 2013, mức tăng chỉ số tiêu dùng là 6.6%, GDP tăng theo từng quý, lạm phát được kiềm chế đúng như mục tiêu (dưới 8%), xuất khẩu tăng, kinh tế vĩ mô ổn định.
Lạm phát năm 2014 thấp kỷ lục chỉ ở mức 1.84%, so với năm 2013 thì tăng 4.09%, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Chính phủ đã đặt ra. Nhóm hàng giao thông có mức giảm mạnh nhất, do giá xăng được điều chỉnh giảm.
CPI bình quân năm 2015 tăng 0.63% so với năm 2014, bình quân mỗi tháng trong năm 2015, CPI chỉ tăng 0.05%, giảm nhiều nhất là nhóm hàng giao thông, nguyên vật liệu xây dựng và lương thực.
CPI bình quân năm 2016 tăng 2.66% so với bình quân của năm 2015, nhưng vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu 5% theo như Quốc hội đã đề ra. Lạm phát cơ bản trung bình của năm 2016 tăng 1.83% so với trung bình năm 2015.
Mức lạm phát của năm 2017 tăng 3.53% so với năm 2016, CPI giảm tốc trong nửa đầu năm, lạm phát cơ bản cũng có xu hướng giảm. Tăng nhiều nhất là nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế do ảnh hưởng điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC.
Năm 2018, lạm phát chung tăng cao hơn lạm phát cơ bản, chủ yếu là do nhóm hàng giao thông, lương thực thực phẩm, dịch vụ y tế tăng. Biên độ dao động lạm phát cơ bản từ 1.18% - 1.72%, bình quân năm lạm phát cơ bản tăng 1.48%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2018 tăng 3.54%.
CPI bình quân năm 2019 tăng 2.79% so với bình quân năm 2018, mặt bằng giá thị trường năm 2019 tăng cao trong dịp nghỉ Tết, giảm nhẹ trong tháng 3, rồi tăng dần trong tháng 4, 5, giảm trở lại vào tháng 6 và tăng dần theo các tháng cuối năm.
CPI bình quân năm 2020 tăng 3.23% so với năm 2019, đạt mục tiêu kiểm soát dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra, nhóm hàng hóa tăng gồm lương thực thực phẩm, thiết bị y tế và giáo dục. Nhóm hàng giảm gồm xăng dầu khí đốt, vận tải du lịch.
CPI bình quân năm 2021 tăng 1.84% so với năm trước đó, sở dĩ ở mức này là do ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm mạnh mẽ.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2022 tăng 3.15% so với năm 2021 trong bối cảnh lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt là khu vực Châu u và Mỹ, một số nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, thiên tai diễn biến phức tạp. Nhóm hàng xăng dầu tăng 28%, thực phẩm tăng 1.62%. Diễn biến giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, bên cạnh đó xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn khá căng thẳng. Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch có thể sẽ khiến nhu cầu năng lượng gia tăng.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3.29% svck năm ngoái. Quốc hội đã đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5% (4.5%), GDP tăng 6.5%, tuy nhiên có lẽ, việc thực hiện mục tiêu CPI sẽ không dễ dàng. Năm 2023 được dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát neo đậu ở mức cao, khả năng suy thoái kinh tế càng rõ rệt, khiến rủi ro bất ổn chính trị, xã hội tại một số quốc gia càng gia tăng.
Một số chuyên gia kinh tế dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ dao động trong khoảng 4 - 4.5% do nhập khẩu tăng, lương cung tiền lớn tính từ cuối năm 2022, và một số nhóm hàng tăng giá như nhóm tiêu dùng thiết yếu, y tế, giáo dục…
Chi tiết các mức lạm phát qua các năm và những biến đổi của nền kinh tế
3. Nguyên nhân lạm phát của Việt Nam qua các năm
Những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lạm phát
Các nguyên nhân căn bản dẫn đến lạm phát tại Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2022 ở mức kiểm soát tốt đó là vì:
Thứ nhất, chênh lệch giữa sản lượng (GDP) thực và sản lượng tiềm năng
Theo trường phái kinh tế học cổ điển và trường phái Keynes thì một trong những nguyên nhân tác động đến CPI là việc tăng trưởng sản lượng thực của nền kinh tế so với tăng trưởng sản lượng tiềm năng. Khi sản lượng thực tế thấp hơn sản lượng tiềm năng thì có thể nền kinh tế bị suy thoái, nhưng khi sản lượng thực tế cao hơn sản lượng tiềm năng thì nền kinh tế đang phát triển quá mức, lạm phát tăng.
Khi hai đại lượng này cân bằng thì nền kinh tế cũng ổn định. Theo đó, tốc độ tăng GDP thực tế giai đoạn từ 2011-2022 lần lượt là: 6.41%; 5.50%; 5.55%; 6.42%; 6.99%; 6.69%; 6.94%; 7.47%; 7.36%; 2.87%; 2.56%; 8.02% (số liệu từ Tổng cục Thống kê) - trung bình là 5.85%.
Trong khi đó tỷ lệ tăng trưởng GDP tiềm năng trung bình tại Việt Nam giai đoạn 2011-2022 rơi vào khoảng 5.9%, tức là hai sản lượng này tăng gần bằng nhau, cho thấy nền kinh tế ở mức ổn định, lạm phát không thể tăng cao.
Thứ nhì, chi tiêu của Chính phủ
Các hoạt động chi Ngân sách Nhà nước dần có xu hướng mở rộng theo chiều phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Trong giai đoạn 2011 - 2015, chi NSNN đạt 6,324.5 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2 lần giai đoạn từ 2005 - 2010.
Giai đoạn 2016 - 2020, quy mô chi đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2005 - 2010. Trong đó, Chính phủ đã điều chỉnh cắt giảm các hoạt động chi thường xuyên do lo ngại ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.
Tuy quy mô chi tăng nhưng tốc độ tăng chi lại theo chiều hướng giảm, do trong giai đoạn 2009 - 2012, Chính phủ phải mở rộng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế hậu khủng hoảng tài chính thế giới 2008, nhưng đến giai đoạn 2014 - 2020, Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu chi tiêu công, khiến bội chi ngân sách và nợ công quốc gia giảm, từ đó tốc độ tăng chi NSNN cũng giảm theo. Như vậy, chính sách tái cơ cấu chi tiêu và đầu tư công của Chính phủ đã có những thành công nhất định, giúp nền kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển bền vững và kiểm soát thành công tỷ lệ lạm phát.
Thứ ba, chính sách tiền tệ
Theo NHNN thì trước năm 2011, tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, tăng rất nhanh từ giai đoạn 2007 - 2010 tăng bình quân 36%/năm, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh quá khiến kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát neo cao ở hai con số. Cho nên, từ năm 2012, NHNN đã điều hành nhiều giải pháp để định hướng toán ngành và giao chỉ tiêu tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng để có thể kiểm soát được lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong giai đoạn 2012 - 2021, tăng trưởng cung tiền M2 bình quân ở mức 14%/năm, tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2011 - 2022 cũng giảm chỉ khoảng 12 - 14%/năm nên thị trường tiền tệ được ổn định. Như vậy, ta thấy tỷ lệ tăng trưởng cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng biến động tương quan với chỉ số CPI.
Chính sách tiền tệ được thực hiện tốt thì cũng góp phần kiểm soát và duy trì lạm phát ở mức ổn định.
Các chính sách tiền tệ của Việt Nam ảnh hưởng nhiều tới tình hình lạm phát
Thứ tư, cán cân thương mại
Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở cao, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP luôn ở trạng thái trên 70%, bên cạnh đó 87% hàng hoá nhập khẩu về Việt Nam trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất trong nước, chủ yếu là tiêu dùng trong nước như sắt, thép, vải, máy, phân bón, linh kiện điện tử, ô tô nguyên chiếc, hoá chất các loại…
Nên, khi giá cả hàng hoá trên thế giới biến động theo chiều hướng tiêu cực thì giá cả hàng hoá trong nước cũng bị tác động xấu theo. Như vậy, Việt Nam “nhập khẩu” lạm phát từ nước ngoài vào. Xem thêm: Cán cân thương mại là gì?
Thứ năm, dịch bệnh bất ngờ
Sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 là thực sự bất ngờ và không thể lường trước được. Nền kinh tế trong thời kỳ này tăng trưởng âm, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu cho nên lạm phát cũng ở mức thấp.
4. Lạm phát ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam như thế nào?
Những tác động mạnh mẽ của lạm phát đối với nến kinh tế chung
Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam ở mức tương đối thấp kể từ năm 2014 đến nay, quanh quẩn ở mức dưới 4%.
Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra cũng là khởi đầu cho giai đoạn Việt Nam chìm trong vòng xoáy tăng trưởng chậm, khi GDP chỉ luôn ở mức thấp hơn 7%. Lạm phát ở những năm đó cao chưa từng thấy ở mức hai con số: 2008 ở mức 22.97% và 2011 ở mức 18.6%.
Ở giai đoạn 2012 - 2013 khủng hoảng nợ công ở Châu u nổ ra, kinh tế Việt Nam cũng không mấy thuận lợi, Chính phủ tung ra nhiều chính sách hỗ trợ với lãi suất lớn, nhưng do thiếu sự đồng bộ với chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khoá nên biện pháp này cũng không mấy hiệu quả. Nhiều cá nhân tổ chức đã lợi dụng điều này để vay vốn rẻ rồi lại gửi ngân hàng ăn chênh lệch, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế vĩ mô, đầu tư bị dàn trải, nợ đọng lại, lãng phí tiền của và nhiều dự án.
Khi lạm phát ở mức cao thì vàng sẽ bước vào một giai đoạn tăng dữ dội, vì lúc này, người dân đổ xô đi mua vàng giống như một biện pháp trú ẩn an toàn, càng tích trữ vàng thì giá vàng càng tăng cao.
Để có thể kiểm soát được lạm phát thì nhiều Chính phủ sẽ sử dụng công cụ lãi suất, lãi suất cao thì tạo nhiều sức ép lên lãi suất điều hành, lãi suất mua nhà, vay kinh doanh, vay tín dụng… Nếu thời gian càng lâu thì càng mài mòn tâm lý tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, họ ngại đi vay để đầu tư và phát triển. Từ đó kéo theo các khoản thu ngân sách cho Nhà nước cũng sẽ giảm.
Lạm phát khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, từ đó thì rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi, chi phí đầu vào tại nước ta cũng sẽ cao hơn, dễ dẫn đến sự tăng giá trong quá trình sản xuất hàng hoá, dịch vụ, nếu doanh nghiệp không muốn thua lỗ.
Bên cạnh đó, ngoài việc đối mặt với việc nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp còn gặp hàng loạt vấn đề như chi phí vận chuyển, khấu hao, lãi vay, tiền lương… cũng tăng theo. Hậu quả là, không thể tối ưu hoá công suất làm việc của nhân công và trang thiết bị, rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian lạm phát lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và dẫn đến phá sản, phải buộc cho công nhân viên thôi việc.
Điểm sáng của kinh tế Việt Nam đó là mảng xuất không bị ảnh hưởng trong những lần biến động của kinh tế thế giới kể từ năm 2012 đến 2022, kể cả trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành phức tạp.
Với một quốc gia lấy động lực phát triển chính là xuất nhập khẩu thì việc tăng trưởng kinh tế thế giới chậm, lạm phát gia tăng sẽ dẫn đến những khó khăn về nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy, chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.
5. Làm gì khi lạm phát xảy ra?
Để kiểm soát được lạm phát với mục tiêu dưới 5% thì Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, cũng như rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý để chi phí đầu vào của doanh nghiệp được giảm xuống, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, đảm bảo nguồn cung ứng luôn đủ đáp ứng tổng cầu.
Tình hình lạm phát qua các năm sẽ có những hướng vượt qua riêng
Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các chính sách về tiền tệ, chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế khác để ổn định vĩ mô, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, sao cho hạn chế được tối đa nhập khẩu lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.
Chính phủ cần có kế hoạch đánh giá các tác động của việc tăng giá hàng hoá, dịch vụ với tăng trưởng nền kinh tế để quyết định mức độ, cũng như thời điểm điều chỉnh giá, đặc biệt với những hàng hoá dịch vụ mang tính độc quyền, hoặc do Nhà nước quản lý, để tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy.
Các cơ quan chức năng cần minh bạch và đơn giản các quy trình thương mại, khuyến khích, đẩy mạnh và chia sẻ các thông tin thương mại, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong nước, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế xuống, đồng thời tăng thị phần hàng hoá của Việt Nam trên trường quốc tế lên.
Các cơ quan quản lý hàng hoá cũng cần đưa ra dự báo sớm về tình trạng thiếu hụt hàng hoá để doanh nghiệp có các chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào và tự chủ nền kinh tế.
Các cơ quan truyền thông lên thông tin kịp thời chính xác và rõ ràng về các chính sách, giải pháp của Chính phủ, tránh đưa những thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để hiện tượng lạm phát do tâm lý xảy ra.
Đối với những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng, nhiên liệu nhập khẩu thì nên tập trung đầu tư chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm chi phí nếu giá năng lượng tăng quá cao, cải thiện hình ảnh thương hiệu, gia tăng lợi thế cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư hơn. Xem thêm: 7+ cách xử lý các khoản nợ khi có lạm phát
Trên đây là những thông tin liên quan đến tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam qua các năm. TOPI hi vọng bạn đã có được cái nhìn tổng quan nhất về lạm phát tại nước ta tính đến thời điểm hiện tại.
Xem thêm: Khi lạm phát nên đầu tư gì? 5 kênh đầu tư hiệu quả khi lạm phát tăng cao