Một nhịp bán hạ giá xuất hiện trong phiên chiều nay đẩy VN-Index tạo đáy sâu nhất ngày tại 1270,32 điểm. Tuy nhiên thanh khoản cũng không lớn và cuối phiên cổ phiếu hồi giá lại. Chỉ số đóng cửa đạt 1272,07 điểm, vẫn chưa vi phạm vào biên độ tăng của phiên bùng nổ ngày 5/12 vừa qua.
Tại điểm đáy thấp nhất lúc 2h15, độ rộng VN-Index chỉ có 138 mã tăng/248 mã giảm. Kết phiên ghi nhận 170 mã tăng/223 mã giảm. Tuy số lượng cổ phiếu đảo chiều vượt tham chiếu không nhiều nhưng biên độ phục hồi giá xuất hiện ở hầu hết mã.
Cụ thể, chỉ 24% số cổ phiếu sàn HoSE chốt giá ở mức thấp nhất phiên, nhưng chỉ khoảng 15% là có giá dưới tham chiếu. Ngược lại, hơn 34% số cổ phiếu có biên độ phục hồi từ 1% trở lên so với mức thấp nhất. Dù không nhiều mã trong số này có thể vượt tham chiếu để đổi màu giá và thay đổi độ rộng tổng thể nhưng khả năng phục hồi này vẫn cho thấy hiệu quả của lực cầu bắt đáy.
Với phần lớn thời gian của phiên chiều thị trường trong xu hướng trượt giảm, bên bán đã lấn át đáng kể. Tuy vậy thanh khoản khá thấp tiếp tục cho thấy hiệu ứng trượt giảm này là do bên mua lùi giá hơn là bên bán quá mạnh. Cụ thể, sàn HoSE khớp thành công 6.714 tỷ đồng, tuy tăng 38,9% so với phiên sáng nhưng lại là thấp nhất trong 5 phiên chiều, thậm chí giảm 10% so với chiều hôm qua và giảm 8% so với phiên chiều ngày 6/12 là phiên có dao động tương tự hôm nay.
Nhóm cổ phiếu giảm giá đã xuất hiện nhiều hơn các mã chịu sức ép rõ rệt. Trong 223 mã đỏ có 61 mã giảm hơn 1% (chốt phiên sáng mới là 32 mã). Thanh khoản nhóm này chiếm 14,1% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. STB là cổ phiếu yếu nhất trong rổ VN30 chiều nay khi lao dốc 1,47%. May mắn là mã này vốn hóa khá nhỏ trong chỉ số. VIC chốt phiên sáng giảm nhẹ 0,24%, chiều nay lao dốc thêm 1,32% nữa, đóng cửa giảm chung cuộc 1,55%. GVR cũng khá tệ, chốt phiên giảm 1,09% và toàn bộ mức giảm này xuất hiện trong phiên chiều.
VN30-Index đóng cửa giảm 0,02% với 11 mã tăng/17 mã giảm. Mặt bằng giá nhóm blue-chips đã yếu hơn phiên sáng. Thống kê cho thấy có 19/30 mã tụt giá trong khi 9 mã khác cải thiện. VIC, STB, VHM, GVR là những cổ phiếu yếu nhất, giá đều giảm trên 1%.
Tuy nhiên thanh khoản của rổ VN30 không cao, mức khớp cả ngày chưa tới 5.000 tỷ đồng, thấp nhất 4 phiên. Các cổ phiếu giảm sâu nhất nói trên chỉ có STB và VHM thanh khoản cao trên 100 tỷ đồng. Nhóm Midcap lại có nhiều cổ phiếu bị xả hơn với các đại diện như DXG giảm 1,11%, VTP giảm 2,58%, HDG giảm 1,29%, CSV giảm 1,09%, HAG giảm 1,19% YEG giảm 1,74%, VSC giảm 1,23%... Các cổ phiếu này đều thanh khoản từ 50 tỷ đồng trở lên.
Ở chiều tăng giá, nhóm Smallcap có vẻ khá nhất, chỉ số đại diện rổ đóng cửa tăng 0,02% với độ rộng cân bằng 79 mã tăng/76 mã giảm. Dù vậy cũng có khá nhiều cổ phiếu tầm trung khác tăng giá tích cực. Hiệu ứng sức mua cụ thể vẫn đang điều khiển giá các mã riêng lẻ. Trong 170 cổ phiếu xanh của VN-Index có 80 mã tăng hơn 1% với thanh khoản chiếm 18,3% sàn. HDB, FPT và POW là 3 mã blue-chips nổi bật ở nhóm này. HDB dẫn đầu nhóm về thanh khoản với 543,5 tỷ đồng, giá tăng 3,7%. FPT đứng thứ hai với 533,5 tỷ, giá tăng 1,7%. POW khớp 163 tỷ, giá tăng 1,2%. Rổ VN30 có thêm BVH và SAB cũng tăng khá tốt nhưng thanh khoản hạn chế.
Nhóm tầm trung nổi bật là ORS, SZC, HVN, PAN, ANV, DXS, VDS, KDC, CTI, IMP giao dịch từ 20 tỷ tới quanh 70 tỷ đồng mỗi mã. Mức thanh khoản này không phải là nhỏ so với bình quân. Hiện dòng tiền đang khá hạn chế và chưa dám đẩy giá mạnh nên lợi thế có vẻ tập trung nhiều vào các cổ phiếu nhóm này.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay giảm bán và tăng mua. Cụ thể, khối này giải ngân mới 663,2 tỷ đồng trên sàn HoSE, tăng 67% so với phiên sáng. Phía bán giảm 2% còn 590 tỷ, tương ứng mua ròng 73,2 tỷ đồng. Phiên sáng khối này bán ròng 205 tỷ. Sàn HNX xuất hiện thỏa thuận mua ròng 198,3 tỷ đồng với DHT. Các mã khác được mua tốt là FPT +123,7 tỷ, HDG +89,5 tỷ, DGC +30,1 tỷ, HDB +25,8 tỷ. Phía bán ròng có MWG -80,1 tỷ, KDC -47,8 tỷ, BID -22 tỷ, VNM -33,9 tỷ, VCB -28,5 tỷ, VHC -24,1 tỷ, VPB -20,8 tỷ.