1. Bằng lái xe hạng D lái được xe gì?
Khoản 9 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về các loại phương tiện mà người sở hữu bằng lái xe hạng D có thể điều khiển như sau:
9. Hạng D cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.
Theo quy định này, khi sở hữu bằng lái xe hạng D, tài xế được phép lái những loại xe sau:
- Ô tô số tự động đến 9 chỗ (tính cả lái xe).
- Ô tô tải (kể cả xe tải chuyên dùng số tự động) có trọng tải dưới 3.500 kg.
- Ô tô dùng cho người khuyết tật.
- Ô tô đến 9 chỗ (tính cả lái xe).
- Ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng) có trọng tải dưới 3.500 kg.
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải dưới 3.500 kg.
- Ô tô chuyên dùng có trọng tải dưới 3.500 kg.
- Ô tô tải (tính cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng) có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.
- Ô tô từ 10 đến 30 chỗ (tính cả lái xe).
2. Chưa bằng lái ô tô, học bằng D luôn được không?
Tại Chương II, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT đã quy định cụ thể về chương trình đào lái xe các hạng. Trong đó, đối với các loại giấy phép lái xe ô tô, Thông tư 12 chỉ quy định về chương trình đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C; còn với hạng bằng lái xe ô tô còn lại chỉ có chương trình đào tạo nâng hạng bằng lái từ các hạng thấp lên.
Điều 14 Thông tư 12 đã quy định các chương trình đào tạo nâng hạng bằng lái xe bao gồm:
- Hạng B1 (số tự động) lên B1.
- Hạng B1 lên B2.
- Hạng B2 lên C.
- Hạng C lên D.
- Hạng D lên E.
- Hạng B2 lên D.
- Hạng C lên E.
- Hạng B2, D, E lên F tương ứng.
- Hạng C, D, E lên FC.
Theo đó, tài xế chưa có bằng lái không thể học trực tiếp bằng lái xe hạng D mà phải học bằng lái xe hạng B2 và hạng C rồi sau đó học và thi nâng hạng lên bằng D.
3. Điều kiện học và thi bằng lái xe hạng D quy định thế nào?
3.1. Tiêu chuẩn về sức khỏe
Tài xế lái xe hạng D có các tình trạng bệnh, tật thuộc Phụ lục số 01 của Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT thì không đủ điều kiện để lái xe hạng D.
3.2. Tiêu chuẩn về độ tuổi và trình độ văn hóa
* Về độ tuổi: Căn cứ Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tính đến ngày dự sát hạch lái, người thi bằng lái xe hạng D phải từ đủ 24 tuổi trở lên.
* Về trình độ văn hóa: Khoản 4 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT yêu cầu người học để nâng hạng bằng lái xe lên các hạng D phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
3.3. Tiêu chuẩn về thời gian lái xe
Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, điều kiện về thời gian lái xe để học nâng hạng lên hạng D như sau:
- Học nâng hạng bằng lái xe B2 lên D: Người học phải có thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
- Học nâng hạng bằng lái xe C lên D: Người học phải thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên.
Lưu ý: Trường hợp tài xế vi phạm giao thông với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt.
4. Học bằng lái xe hạng D mất bao lâu?
Căn cứ Điều 14 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, thời gian học bằng lái xe hạng D được quy định như sau:
- Trường hợp học lái xe hạng D đối với người đã có bằng lái xe hạng C: Tổng thời học là 192 giờ, bao gồm 48 giờ lý thuyết và 144 giờ thực hành.
- Trường hợp học lái xe hạng D đối với người đã có bằng lái xe hạng B2: Tổng thời học là 336 giờ, bao gồm 56 giờ lý thuyết và 280 giờ thực hành.
Khi kết thúc khóa học, người học nâng hạng lên bằng lái xe hạng D được kiểm tra và cấp chứng chỉ đào tạo môn Pháp luật giao đường bộ theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết; môn Thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.
5. Bằng lái xe hạng D được sử dụng mấy năm?
Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định thời hạn sử dụng của bằng lái xe hạng D như sau:
4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
Theo đó, tài xế được sử dụng bằng lái xe hạng D được sử dụng để điều khiển phương tiện trong thời gian 05 năm kể từ ngày cấp. Thời hạn này sẽ được in trực tiếp trên giấy phép lái xe của mỗi người.
Khi bằng lái xe hạng D hết hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, tài xế phải làm thủ tục cấp lại bằng lái xe. Nếu hết hạn mà không làm thủ tục cấp lại, căn cứ Nghị định 123/2021/NĐ-CP, tài xế sẽ bị phạt từ 05 - 07 triệu đồng nếu sử dụng giấy phép lái xe hết hạn dưới 03 tháng, còn nếu để giấy phép lái xe hết hạn từ 03 tháng trở lên thì người này sẽ bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng.
Trên đây là những thông tin đáng chú ý về bằng lái xe hạng D. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được tư vấn chi tiết.