Ngày 21 tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), tờ báo “Thanh Niên” - Cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên - Tờ báo đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc)
Tháng 11/1924, sau hơn một năm ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc được Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Quảng Châu - trung tâm của phong trào cách mạng dân chủ Trung Quốc. Ở đây, Người bắt liên lạc với những thanh niên Việt Nam yêu nước. Tháng 6 năm 1925, từ nhóm cách mạng đầu tiên, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước có xu hướng cộng sản. Nguyễn Ái Quốc từng bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một đảng mácxít ở Việt Nam. Người đã mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ, chuẩn bị cho sự ra đời chính Đảng ở trong nước.
Sau khi thành lập Hội, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ báo Thanh niên tại ngôi nhà số 13 (nay là số 248 - 250), đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để giữ vai trò tổ chức và hướng dẫn phong trào cách mạng trong nước. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh đã tham gia sáng lập và đồng hành cùng tờ báo.
Báo Thanh niên được viết tay bằng bút thép trên trang giấy sáp, in mỗi kỳ trên 100 bản tại cơ sở bí mật ở Quảng Châu, Trung Quốc. Thời gian đầu, báo ra một tuần một kỳ, về sau do điều kiện khó khăn nên số sau cách số trước có khi 3 tuần, khi 5 tuần. Măng sét báo viết hai chữ Thanh niên bằng tiếng Hán và tiếng Việt. Góc trái mỗi tờ báo là ngôi sao 5 cánh, trong đó ghi số báo. Phần lớn là 2 trang, một số ít ra 4 trang, khổ giấy trung bình 13cm x 19cm. Là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhưng từ số 1 đến số 107 không thấy có tiêu đề của tờ báo, cho đến số 108 ngày 28/7/1929 mới thấy có tiêu đề của tờ báo là “Cơ quan của Đảng Việt Nam cách mạng thanh niên” ở vị trí ngôi sao năm cánh được thay bằng một ngôi sao và hình búa liềm.
Ra đời trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam đang hoạt động bí mật ở nước ngoài, Báo Thanh niên số lượng in có hạn, mỗi số xuất bản được 100 bản. Sau khi báo phát hành, số lớn được đóng gói rất cẩn thận, theo đường dây bí mật của Đảng, từ Quảng Châu chuyển về trong nước và sang Xiêm, Nhật để tuyên truyền đường lối cách mạng. Báo Thanh niên đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp vô sản vào đầu năm 1930. Sự ra đời của báo Thanh niên đã mở đầu lịch sử truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.
Với ý nghĩa to lớn đó, ngày 05/02/1985 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 52/QĐ-TW, lấy ngày 21 tháng 6 hàng năm làm ngày Báo chí Việt Nam. Đến ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên gọi ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.
Đã 95 năm trôi qua kể từ khi số báo Thanh niên đầu tiên được xuất bản, qua từng giai đoạn cách mạng, báo chí Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; đồng thời, báo chí cách mạng trở thành là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng giành những thắng lợi to lớn.
Trong thời kỳ mới, báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cả về nội dung và hình thức, cả về đội ngũ những người làm báo. Báo chí luôn đi đầu trong việc định hướng tư tưởng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân. Phát huy truyền thống đáng tự hào, những người làm báo hôm nay không ngừng trau dồi kiến thức, đổi mới cách làm, xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, giàu tính nhân văn qua đó phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày một tốt hơn./.
Nguyễn Thị Hằng
Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu