Chiều cao người Việt thuộc top 4 của khu vực Đông Nam Á
Chia sẻ về vấn đề chiều cao tại Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam thông tin: Theo Bảng thống kê chiều cao trung bình của các quốc gia trên thế giới dựa trên nghiên cứu của NCD Risk Factor Collaboration, chiều cao của người Việt Nam đang đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Như vậy, chiều cao của người Việt đã có sự vươn lên đáng kể so với 10 năm trước.
Dù vẫn còn thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, vốn là các nước có chiều cao trung bình tương đương hoặc thấp hơn nước ta trong quá khứ, nhưng tốc độ phát triển chiều cao của người Việt đang dần có sự cải thiện.
Với chiều cao mới này, ở khu vực Đông Nam Á, người Việt cao hơn Indonesia, Campuchia, Lào và Đông Timor. Việt Nam vào top 4 của khu vực Đông Nam Á về chiều cao, chỉ còn kém hơn so với Singapore, Malaysia và Thái Lan về chiều cao trung bình của nam nữ thanh niên.
Hiện, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 3,7cm/10 năm ở nam và 2,6cm/10 năm đối với nữ. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, dự đoán đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam sẽ xấp xỉ 1m72, nữ giới gần chạm mốc 1m59.
Cần tiếp tục duy trì chương trình tổng thể cải thiện chiều cao người Việt
Theo các chuyên gia, để có được kết quả này, Việt Nam đã có một chương trình tổng thể cải thiện chiều cao người Việt trong suốt 25 năm qua.
Theo TS Trương Hồng Sơn, Việt Nam đã có những chương trình can thiệp dinh dưỡng, sức khỏe được triển khai trên toàn quốc để chiều cao người Việt đạt được ngưỡng phát triển này.
Chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em do Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế là đầu mối với sự tham gia của hệ thống y tế trên toàn quốc trong giai đoạn 1998 đến nay, đặc biệt trong giai đoạn 1998-2012 là giai đoạn được tập trung nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Các hoạt động tiêu biểu là phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, tập trung cho chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, nâng cao kiến thức, hành vi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam.
Các chương trình, dự án phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ em, phòng chống thiếu máu dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, tẩy giun cho trẻ em tuổi học đường và các chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Chương trình sức khỏe học đường nâng cao chất lượng, xây dựng các hướng dẫn, tiêu chuẩn về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học; tuyên truyền, giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe học sinh bao gồm triển khai các phần mềm đánh giá tình trạng dinh dưỡng và phần mềm xây dựng thực đơn cho học sinh.
Chương trình sữa học đường: Bổ sung sữa vào chế độ dinh dưỡng của trẻ em trong trường học.
Các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về dinh dưỡng trong cộng đồng: Ngày Vi chất dinh dưỡng (1/6 và 1/12), Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (1-7/8), Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển.
Từ các can thiệp này và sự phát triển của kinh tế, bữa ăn của người dân nói chung và trẻ em nói riêng đã có các cải thiện rõ rệt.
So 10 năm trước, năng lượng trung bình trong khẩu phần của người dân nước ta đạt 2.023kcal/người/ngày, tăng nhẹ so năm 2010 (mức 1.925kcal/người/ngày).
Người dân Việt Nam cũng ăn rau quả nhiều hơn. Bình quân đầu người tăng từ 190,4g rau/người/ngày năm 2010 lên 231g. Năm 2010, người Việt chỉ ăn 60,9g quả chín mỗi ngày, nay đã tăng lên 140,7g.
Người Việt cũng ăn thịt nhiều hơn. Hiện, trung bình mỗi ngày một người ăn 136,4g thịt, trong khi năm 2010 chỉ tiêu thụ 84g. Đặc biệt người ở thành phố ăn thịt ở mức khoảng 155,3g thịt/người/ngày.
Hiểu biết và thực hành đúng về an toàn thực phẩm cũng có nhiều chuyển biến tích cực, thái độ của người dân cũng quan tâm nhiều hơn đối với phát triển chiều cao của trẻ em và các chủ đề dinh dưỡng cho các bệnh mãn tính không lây.