Trong kiến thức toán lớp 3 các em học sinh đã được học về khái niệm, tính chất và công thức tính chu vi, diện tích hình chữ nhật. Các em cần nắm rõ các kiến thức này áp dụng để giải bài toán tính chu vi hình chữ nhật và các dạng bài liên quan. Cùng Clevai tổng hợp lại kiến thức này và thực hành trong các bài toán thực tế nhé.
1. Công thức tính chu vi hình chữ nhật
Chu vi hình chữ nhật bằng tổng độ dài tất cả các cạnh. Đây cũng là công thức chung khi tính chu vi tất cả các hình.
Quy tắc tính chu vi hình chữ nhật: “Muốn tính chu vi hình chữ nhật ta lấy chiều dài cộng chiều rộng rồi nhân 2”.
Công thức: P = (a + b) x 2
Trong đó:
- P là chu vi hình chữ nhật (đơn vị độ dài m, cm, mm,...)
- a là chiều dài hình chữ nhật (đơn vị độ dài m, cm, mm,...)
- b là chiều rộng hình chữ nhật (đơn vị độ dài m, cm, mm,...)
2. Cách tính nửa chu vi hình chữ nhật
Nửa chu vi hình chữ nhật bằng tổng chiều dài và chiều rộng, bằng 1/2 chu vi hình chữ nhật.
Công thức: C = P/2 = a + b
Trong đó:
- C là nửa chu vi hình chữ nhật (đơn vị độ dài m, cm, mm,...)
- P là chu vi hình chữ nhật (đơn vị độ dài m, cm, mm,...)
- a là chiều dài hình chữ nhật (đơn vị độ dài m, cm, mm,...)
- b là chiều rộng hình chữ nhật (đơn vị độ dài m, cm, mm,...)
3. Một số dạng bài tập về chu vi hình chữ nhật
Có nhiều dạng bài tập yêu cầu các em học sinh cần nắm rõ công thức chu vi hình chữ nhật để làm bài. Dưới đây là một số dạng bài tính chu vi hình chữ nhật lớp 3 và 4, các em học sinh và phụ huynh cùng tham khảo nhé.
3.1 Tính chiều dài/chiều rộng hình chữ nhật khi cho biết chu vi và độ dài của một cạnh
Từ dữ liệu đề bài cho chu vi của hình chữ nhật, các em tính được nửa chu vi hình chữ nhật. Sau đó lấy nửa chu vi hình chữ nhật trừ đi độ dài cạnh đã biết sẽ được độ dài cạnh còn lại.
Ví dụ: Tính chiều dài hình chữ nhật biết chu vi là 20 cm, chiều rộng là 4 cm.
Hướng dẫn giải:
Nửa chu vi của hình chữ nhật là: 20 : 2 = 10 cm.
Chiều dài hình chữ nhật là: nửa chu vi - chiều rộng = 10 - 4 = 6 cm.
3.2 Tính chu vi hình chữ nhật khi biết chiều dài hoặc chiều rộng và hiệu/tổng giữa chiều dài và chiều rộng.
Các em dựa vào dữ liệu đề bài cho để tính chiều dài hoặc chiều rộng hình chữ nhật chưa biết. Khi có đầy đủ thông tin chiều dài, chiều rộng thì áp dụng công thức tính chu vi hình chữ nhật lớp 3.
Ví dụ: Tính chu vi hình chữ nhật biết chiều rộng là 3 cm, chiều dài hơn chiều rộng 2 cm.
Hướng dẫn giải:
Theo dữ liệu bài toán đưa ra chênh lệch giữa chiều dài và chiều rộng, ta tính được chiều dài hình chữ nhật là 5 cm.
Chu vi của hình chữ nhật là: P = (chiều dài + chiều rộng) x 2 = (3 + 5) x 2 = 16 cm.
3.3 Tính chu vi hình chữ nhật khi biết chiều dài hoặc chiều rộng và diện tích của hình chữ nhật.
Muốn tính chu vi hình chữ nhật lớp 3 trong dạng bài tập này, các em cần nắm rõ công thức tính chu vi và diện tích của hình chữ nhật. Tùy theo đề bài cho dữ liệu như thế nào để tìm ra chiều dài, chiều rộng, sau đó áp dụng công thức để tính.
Ví dụ: Tính chu vi hình chữ nhật biết chiều rộng là 2 cm, diện tích là 10 cm2.
Hướng dẫn giải:
Theo dữ liệu bài toán đưa ra diện tích hình chữ nhật, ta tính được chiều dài bằng 5 cm.
Chu vi của hình chữ nhật là: P = (chiều dài + chiều rộng) x 2 = (2 + 5) x 2 = 14 cm.
3.4 Tính chiều dài/chiều rộng hình chữ nhật khi biết chu vi và diện tích.
Các em học sinh đặt chiều dài và chiều rộng hình chữ nhật là ẩn chưa biết (a và b). Sau đó dựa vào dữ liệu đề bài để tìm được tổng và tích của a và b, từ đó tìm ra hai số a và b.
Ví dụ: Cho hình chữ nhật có chu vi là 14 cm, diện tích là 10 cm2. Tính chiều rộng và chiều dài của hình chữ nhật đó.
Hướng dẫn giải:
Chu vi hình chữ nhật là 14 cm nên ta có a + b = 14 : 2 = 7 cm.
Diện tích hình chữ nhật là 10 cm2 nên ta có a x b = 10
Tích a x b = 10 có 2 bội số phù hợp là (1, 10) và (2, 5). Dựa vào dữ liệu a + b = 7 thì kết quả cuối cùng chiều dài hình chữ nhật là 5 cm, chiều rộng hình chữ nhật là 2 cm.
Trên đây Clevai đã cùng bạn đọc tìm hiểu cụ thể công thức tính chu vi hình chữ nhật trong toán lớp 3 và lớp 4. Hy vọng sẽ giúp các em học sinh nắm rõ công thức và làm dễ dàng các dạng bài tập liên quan.