Điều gì khiến chứng khoán Mỹ lao dốc hơn 1,000 điểm?
Thị trường tài chính Mỹ vừa trải qua một phiên giao dịch đầy biến động sau động thái cắt giảm lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Dù quyết định giảm 0.25 điểm phần trăm nằm trong dự báo, nhưng thông điệp thận trọng từ Chủ tịch Jerome Powell đã kích hoạt làn sóng bán tháo mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán.
Chỉ số S&P 500 vừa trải qua một "ngày Fed" tồi tệ nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng Covid-19 tháng 3/2020, với mức sụt giảm 3%. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ chịu tác động nặng nề nhất khi chỉ số Russell 2000 lao dốc 4.4% - mức giảm sâu nhất trong 18 tháng qua. Trong 500 cổ phiếu thuộc rổ S&P, chưa đầy 20 mã có thể giữ được sắc xanh khi đóng cửa.
Thị trường trái phiếu cũng không nằm ngoài cơn địa chấn này. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bứt phá mạnh nhất kể từ năm 2013. Nỗi sợ hãi lan rộng khiến chỉ số đo lường biến động VIX - hay còn gọi là "chỉ số sợ hãi" - vọt lên mức 28, cao nhất kể từ đợt sốc hồi tháng 8.
Theo các chuyên gia Phố Wall, thị trường đang phản ứng thái quá với triển vọng cắt giảm lãi suất hạn chế hơn trong năm 2024.
Mark Luschini, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Janney Montgomery Scott đã phân tích tình hình: "Việc cắt giảm không gây bất ngờ. Xác suất được định giá gần như 100%. Nhưng tôi nghĩ có một số lo ngại về phát của ông Powell. Không chỉ về dữ liệu, mà còn về các sáng kiến chính sách của chính quyền sắp tới. Thị trường kỳ vọng hai đến ba đợt cắt giảm trong năm tới, và nghiêng nhiều hơn về ba lần. Giờ đây có thể chỉ diễn ra không quá 2 lần. Thị trường đang phản ánh điều gì đó lẽ ra phải được biết nhưng chưa được phản ánh đầy đủ vào giá. Tôi nghĩ đây là một phản ứng thái quá, một động thái giật cục trước điều đáng ra phải được biết".
Jamie Cox, đối tác quản lý tại Harris Financial Group, có cái nhìn thực tế hơn. Theo ông, quyết định của Fed chỉ là chất xúc tác để các nhà đầu tư thực hiện kế hoạch chốt lời sau một năm thăng hoa của thị trường chứng khoán. Đặc biệt với nhóm cổ phiếu công nghệ đang được định giá ở mức cao, việc bán ra để bảo toàn lợi nhuận trước kỳ nghỉ lễ là động thái dễ hiểu.
Michael O'Rourke từ Jonestrading cảnh báo những cổ phiếu tăng mạnh nhất sẽ chịu áp lực lớn nhất trong ngắn hạn. Trong khi đó, Jim Awad của Clearstead Advisors lo ngại về tác động kép của lạm phát và lãi suất cao kéo dài, vốn không chỉ ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề thâm hụt ngân sách thông qua chi phí tài trợ tăng cao.
Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Northlight Asset Management nói: "Fed đã cố gắng mang đến cho thị trường điều nó muốn, nhưng món quà này không được đón nhận tốt. Thị trường luôn hướng về tương lai và bỏ qua việc cắt giảm 0.25 điểm phần trăm cơ bản hôm nay, thay vào đó tập trung vào việc thiếu các đợt cắt giảm cho năm tới. Chỉ có hai đợt cắt giảm được dự kiến, ít hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường và rõ ràng các nhà đầu tư không hài lòng với lộ trình lãi suất dự kiến trong tương lai".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI