Tăng giá bằng lần, tiền ảo sẽ ra sao?
Năm 2024 đánh dấu kỷ lục lịch sử của bitcoin khi đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới này vượt qua mốc 100.000 USD/BTC - cột mốc mang biểu tượng. Năm 2024 cũng đánh dấu bước ngoặt lịch sử với bitcoin khi các quỹ ETF bitcoin và Ethereum xuất hiện, ghi dấu sự tham gia bài bản của các nhà đầu tư tổ chức, các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp hàng đầu thế giới vào thị trường tiền số.
Bitcoin đã đạt đỉnh 108.000 USD/BTC ngày 17/12, sau đó quay đầu giảm về mức 92.000 USD/BTC ngày 20/12 sau khi ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, cơ quan này không được phép sở hữu bitcoin và không muốn sửa luật để làm điều này. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhắc đến việc sẽ lập kho dự trữ bitcoin khi ông nhậm chức.
Dù vậy, bitcoin đã nhanh chóng hồi phục sát ngưỡng 99.000 USD/BTC trong những ngày cuối cùng của năm 2024, khi các nhà đầu tư “tay to” vẫn liên tục mua gom và nắm giữ.
Nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin khi BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - cho rằng, bitcoin không còn là “ý tưởng cấp tiến” nữa, mà là một tài sản hợp pháp. Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính toàn cầu cho rằng, vàng số bitcoin có thể là tài sản thay thế vàng, USD trong tương lai.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, bitcoin đã tăng giá 130%, các đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn khác cũng có mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ: Ethereum tăng 52%, BNB tăng 124%, Dogecoin tăng hơn 300%... PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các kênh đầu tư năm 2024, tiền ảo là kênh đầu tư mang lại hiệu quả sinh lời tốt nhất.
“Tôi cho rằng, triển vọng tăng giá của tiền ảo trong năm 2025 còn rất lớn. Đây là kênh đầu tư không chính thống tại Việt Nam, song thực tế rất nhiều người Việt tham gia đầu tư, nắm giữ tiền ảo. Chính phủ cần sớm ban hành hành lang pháp lý về tài sản số, tiền số để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa chống thất thu thuế”, ông Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.
Mặc dù tiền ảo là kênh đầu tư hấp dẫn, song việc lợi dụng kênh đầu tư này để lừa đảo rất phổ biến ở Việt Nam. Việc triệt phá nhóm lừa đảo của TikToker Phó Đức Nam (Mr Pips) với tổng số tiền bị phong tỏa là 5.200 tỷ đồng, hay Hồ Thị Bích Ngọc với số tiền gần 500 tỷ đồng là những ví dụ điển hình.
Ngoài nguy cơ bị lừa đảo, rủi ro thị trường tiền ảo bị thao túng là rất lớn. Hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ tới gần 1/3 lượng bitcoin trên toàn cầu, tăng mạnh so với mức 14% năm 2023. Như vậy, cuộc chơi tiền ảo đang nằm trong tay các “cá voi”.
Những tuần cuối năm 2024, các “tay to” vẫn liên tục mua vào bitcoin. Giới đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng của ngành công nghiệp tài sản do sự xuất hiện của nhiều người ủng hộ tiền điện tử trong chính quyền sắp tới của Tổng thống Donald Trump.
Forbes dự báo, năm 2025, rất có thể các nền kinh tế lớn trong G7 hoặc BRICS sẽ công bố chiến lược dự trữ bitcoin. Thế giới đang bước vào cuộc đua xem quốc gia lớn nào có thể dẫn đầu trong việc đưa bitcoin vào dự trữ quốc gia của mình, bên cạnh các tài sản truyền thống như vàng, ngoại tệ.
Động thái này không chỉ củng cố hơn nữa vị thế của bitcoin như một tài sản dự trữ toàn cầu, mà còn có thể định hình lại bối cảnh tài chính quốc tế và có tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu và địa chính trị. Nếu một nền kinh tế lớn đi đầu trong việc thành lập quỹ dự trữ bitcoin chiến lược, thì đồng nghĩa với kỷ nguyên mới về quản lý tài sản số có chủ quyền bắt đầu.
Forbes cũng dự báo, năm 2025, các quỹ ETF bitcoin sẽ tiếp tục phát triển và các quỹ ETF tập trung vào tiền điện tử mới, sau thành công của các quỹ Bitcoin ETF, Ethereum ETF.
Ngoài ra, từ năm 2025, việc các chuẩn mực kế toán mới được áp dụng có thể khiến các gã khổng lồ trong Big seven (Apple, Microsoft, Google, Amazon, Nvidia, Tesla và Meta) đầu tư vào tiền số. Bảy ông lớn này đang nắm giữ hơn 600 tỷ USD tiền mặt và không loại trừ khả năng sẽ phân bổ một phần cho bitcoin (hiện mới chỉ Tesla đầu tư tiền số).
Tại Việt Nam, cộng đồng đầu tư tiền số đang tăng nhanh. Ông Trịnh Hà, chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank cho rằng, giới trẻ ngày nay dễ dàng tiếp cận hơn các công nghệ mới và có nhiều kiến thức hơn về đầu tư. Với những biến động gần đây của thị trường tiền số, nhiều người sở hữu tiền số đã tăng tài sản nhanh chóng.
“Tiền số thời gian qua tăng mạnh và trong tương lai còn hấp dẫn bởi nguồn cung hạn chế (bitcoin bị hạn chế nguồn cung). Bên cạnh đó, thời gian gần đây, bitcoin được thế giới công nhận là một tài sản”, ông Trịnh Hà nhận định.
Theo chuyên gia này, có khoảng 45% người nắm giữ bitcoin muốn nắm giữ dài hạn. Điều này cho thấy hành vi của nhà đầu tư chủ yếu là nhà đầu tư dài hạn, kỳ vọng tài sản đó có tiềm năng gia tăng trong tương lai.
Hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý cho tài sản số. Tuy nhiên, vấn đề tài sản số đã được đề cập trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đối với Đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Cụ thể, sẽ thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam thí điểm cho phép thành lập sàn giao dịch tài sản số (có thể trước mắt lập ở quy mô nhỏ). Việc lập sàn giao dịch sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý và thu thuế dễ dàng hơn. Đồng thời, đưa các giao dịch tài sản số lên sàn cũng là cách để sàng lọc các tài sản số xấu độc, ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu huy động vốn cuối năm
BVBank vừa thông báo triển khai đợt phát hành trái phiếu lần thứ hai trong giai đoạn 2024-2025. Mục tiêu của đợt phát hành là gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng, đồng thời bổ sung vốn cấp 2 theo các quy định hiện hành.
Tổng lượng phát hành là 13 triệu trái phiếu, mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng, kỳ hạn 6 năm. Lãi suất cố định năm đầu tiên là 8,2%/năm, từ năm thứ hai được điều chỉnh theo lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5%. Thời gian đăng ký từ ngày 16/12/2024 đến 6/1/2025. Ngày phát hành chính thức là ngày 6/1/2025.
VietinBank cũng thông báo chào bán 40 triệu trái phiếu ra công chúng đợt 1, với tổng giá trị là 4.000 tỷ đồng. Cụ thể, ngân hàng này sẽ phát hành 2 mã trái phiếu bao gồm CTG2432T2/01 và CTG2434T2/01, số lượng lần lượt là 30 triệu trái phiếu và 10 triệu trái phiếu, tương ứng giá trị 3.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, mã trái phiếu CTG2432T2/01 có kỳ hạn 8 năm, mức lãi suất cộng biên độ 1,05 điểm %/năm so với lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm Big4. Còn mã trái phiếu CTG2434T2/01 có kỳ hạn 10 năm, mức lãi suất cộng biên độ 1,15 điểm %/năm so với lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm Big4.
Trái phiếu do VietinBank phát hành đợt này có mệnh giá là 100.000 đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của Ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian đăng ký và nhận tiền mua trái phiếu từ ngày 23/12/2024 đến 15/1/2025. Nhà đầu tư đăng ký mua tối thiểu 100 trái phiếu, tương đương 10 triệu đồng.
Theo kế hoạch, VietinBank sẽ phát hành tổng cộng 80 triệu trái phiếu ra công chúng theo 2 đợt, số lượng trái phiếu mỗi đợt là 40 triệu. Mục đích chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2024 là tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế.
FinnRatings nhận định, trái phiếu ngân hàng có một năm bận rộn hơn các năm trước. Giải ngân tín dụng sẽ được đẩy mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp.
“Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu”, FinnRatings nhận định.
Chỉ riêng trong tháng cuối cùng của năm nay, nhiều ngân hàng công bố phát hành trái phiếu thành công và huy động được hàng ngàn tỷ đồng. VIB công bố vừa phát hành lô trái phiếu riêng lẻ đợt 9 có mã VIBL2431010 kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và số lượng phát hành là 2.000 trái phiếu. Tổng cộng VIB huy động được 2.000 tỷ đồng với lãi suất 7,48%/năm.
Trước đó, đầu tháng 12, VIB cũng hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ đợt 8 lô trái phiếu mã VIBL2727008, với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,3%/năm. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và tổng cộng Ngân hàng huy động được 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ACB phát hành 250 trái phiếu kỳ hạn 5 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lãi suất 6,1%/năm, thu được 250 tỷ đồng. Eximbank phát hành 180 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6,4%/năm huy động 180 tỷ đồng...
MSB cũng phát hành lô trái phiếu MSBL2427012 có kỳ hạn 3 năm, khối lượng 1.000 trái phiếu, lãi suất 5,6%, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giúp Ngân hàng huy động được 1.000 tỷ đồng. Đầu tháng 12, MSB chào bán riêng lẻ thành công lô trái phiếu MSBH2429011 kỳ hạn 5 năm và huy động được 1.000 tỷ đồng, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và lãi suất 6,2%/năm.
TPB vừa phát hành thành công lô 500 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Mã trái phiếu TPBL2434031 có kỳ hạn 10 năm và lãi suất 6,2%/năm, giúp Ngân hàng huy động được 500 tỷ đồng.
OCB cũng là một trong những ngân hàng có nhiều đợt huy động trái phiếu trong tháng 12/2024. Cụ thể, OCB có 3 đợt phát hành 3 lô trái phiếu có cùng kỳ hạn 3 năm, lãi suất dao động 5,5-5,6%/năm. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và tổng cộng huy động được 3.700 tỷ đồng.
Theo Báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 11/2024 ước đạt khoảng 35.800 tỷ đồng, giảm 1,9% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất 71%. Các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng đến từ Techcombank (3.700 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5%), ACB (2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 5%).
Nhiều ngân hàng được tăng vốn cuối năm
Các ngân hàng thực hiện chi trả cổ tức theo phương án đã được thông qua nhằm mục đích tăng vốn điều lệ trong dịp cuối năm, nâng cao năng lực tài chính.
ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho phép Bac A Bank tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 1.579 tỷ đồng, dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên mức 10.538 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng tăng vốn điều lệ tối đa thêm 621 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến 31/12/2023 và tăng vốn tối đa thêm 958 tỷ đồng thông qua chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương án đã được thông qua trước đó.
Theo kế hoạch, Bac A Bank dự kiến sẽ phát hành 62,1 triệu cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cp, để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 6,93%. Thời gian dự kiến triển khai sẽ được thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế của ngân hàng năm 2023 sau khi đã trích lập các quỹ theo luật định. Nếu phát hành thành công, mức vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng thêm gần 621 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến sẽ phát hành thêm gần 96 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 10.000/cp với tỷ lệ dự kiến 10% trên tổng số cố phiếu đang lưu hành (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 10 cổ phiếu mới). Đợt chào bán này dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2025 sau khi kết thúc đợt tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức năm 2024 (62,1 triệu cổ phiếu). Cổ phiếu phát hành sau khi chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Bac A Bank sẽ tăng thêm 1.579 tỷ đồng, từ 8.959 tỷ đồng lên 10.538 tỷ đồng. Số vốn được tăng thêm sẽ được sử dụng để cho vay khách hàng (1.120 tỷ đồng), đầu tư kinh doanh giấy tờ có giá (458 tỷ đồng).
Tương tự, NHNN cũng có quyết định sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Theo đó, vốn điều lệ của NCB chính thức được điều chỉnh tăng từ hơn 5.600 tỷ đồng lên gần 11.800 tỷ đồng, sau khi phát hành thành công hơn 617 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cho các nhà đầu tư trong nước, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 6.178 tỷ đồng. Đợt phát hành đã kết thúc vào ngày 26/11 vừa qua.
Trước đó, nhiều ngân hàng đang cấp tập thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong những tháng cuối năm, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các quy định an toàn vốn và mở rộng quy mô hoạt động. ĐHCĐ bất thường của LPBank diễn ra giữa tháng 11/2024 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ với hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,8% (phương án điều chỉnh). Vốn điều lệ sau khi tăng tối đa là 29.873 tỷ đồng.
HDBank vừa thay đổi tổng số lượng cổ phiếu lên 3,51 tỷ cổ phiếu, sau đợt phát hành trả cổ tức năm 2023, tỷ lệ 20%. Theo đó, HDBank đã phát hành thêm gần 583 triệu cổ phiếu, tương ứng với 5.825 tỷ đồng vốn điều lệ. Sau thay đổi trên, tổng vốn điều lệ của HDBank tăng từ 29.276 tỷ đồng lên hơn 35.101 tỷ đồng. Trước đó, HDBank có thông báo về việc phân phối xong gần 583 triệu cổ phiếu, trong đó 582,5 triệu cổ phiếu cho 19.330 cổ đông. Số cổ phiếu lẻ 4.049 cổ phiếu được tặng cho công đoàn HDBank. Thời gian kết thúc đợt phát hành là 12/12. Ngày dự kiến chuyển giao cổ phiếu trong quý I/2025.
Vietbank cũng công bố ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% là ngày 29/11. Được biết, nguồn phát hành đến từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tới ngày 31/12/2023. Thời gian dự kiến hoàn tất chậm nhất là vào cuối năm 2024. Vietbank sẽ phát hành thêm 142,8 triệu cổ phiếu, từ đó giúp nâng vốn điều lệ thêm 1.428 tỷ đồng, lên mức 7.139 tỷ đồng. Theo HĐQT VietBank, phần vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng cho việc đầu tư tài sản, bổ sung nguồn vốn để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động và sinh lợi cho hoạt động kinh doanh.
PSG TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học kinh tế TP.HCM cho rang, tăng vốn điều lệ là một trong những vấn đề quan trọng và cách hữu hiệu nhất giúp ngân hàng tăng tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo an toàn hoạt động và là cơ sở để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD).
Theo quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng (Điều 138), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Luật cũng nêu rõ, Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định đối với từng loại hình TCTD. Dự thảo thông tư được xây dựng theo hướng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%. Tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Dự thảo quy định giao quyền cho Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ trong trường hợp cần thiết và chưa đưa ra yêu cầu cụ thể đối với tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ. Tỷ lệ này nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Đồng thời, tỷ lệ này cũng linh hoạt trong từng thời kỳ do NHNN quyết định với mức dao động trong khoảng 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định. Trường hợp ngân NHTM không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt.
Trông đợi kịch bản tỷ giá năm 2025
Năm 2024, tỷ giá VND/USD đảo chiều liên tục và lập kỷ lục mới trong tuần cuối cùng của năm. Sức nóng của tỷ giá có thể kéo dài đến năm 2025 khi nhiều biến số mới có thể xuất hiện.
Không “nghẹt thở” như năm 2022, song tỷ giá năm 2024 cũng ghi nhận biến động rất mạnh với nhiều kỷ lục mới được thiết lập. Diễn biến như tàu lượn của tỷ giá năm nay làm nhà điều hành và doanh nghiệp không ít lần thót tim.
Cụ thể, tỷ giá đột ngột tăng mạnh trong quý II (VND mất giá tới hơn 3% chỉ trong 2 tháng 4 và 5), buộc ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Bước sang quý III, tỷ giá đảo chiều trở về mức “đáy” của quý I, rồi bất ngờ tăng vọt vào quý IV.
Lần đầu tiên, tỷ giá USD trên thị trường tự do vượt mốc 26.000 VND/USD (cuối tháng 6/2024). Tỷ giá tại các ngân hàng cũng đang đứng ở mức 25.530 VND/USD (bán ra) - một trong những mốc “lịch sử” từ trước tới nay.
Tính tới cuối tháng 12/2024, tỷ giá trong nước tăng khoảng 4,5%, nhẹ hơn mức tăng của Chỉ số USD Index (tăng 5,4%). Bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 3 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất từ tháng 9/2024 đến nay với tổng mức giảm lên tới 1%, USD Index vẫn liên tục neo cao. Việc tỷ giá căng thẳng trong bối cảnh cầu xuất nhập khẩu cuối năm tăng cao đang gây sức ép lớn cho doanh nghiệp.
Chiến thắng của Tổng thống Donald Trump, cầu ngoại tệ tăng vọt cuối năm, Kho bạc Nhà nước tăng mua USD để đáp ứng nghĩa vụ nợ… là những yếu tố khiến tỷ giá “nóng”. Mặc dù vậy, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là một trong các quốc gia có đồng nội tệ ổn định nhất. Các giải pháp như phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ can thiệp thị trường, điều hành lãi suất trên thị trường liên ngân hàng… của NHNN đã giúp tỷ giá không chịu các cú sốc lớn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, năm 2024, NHNN đã điều hành tỷ giá khá tốt, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực. Thực tế, những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng ít khi than phiền về tỷ giá.
“Thời gian qua, NHNN đã điều hành khá hài hòa bài toán lãi suất - tỷ giá để vừa ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng”, ông Khánh nhận xét.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động có dấu hiệu tăng, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng. Dù vậy, NHNN cũng cho biết, khó có thể giảm sâu thêm lãi suất bởi sức ép tỷ giá.
Chưa kể, dư địa can thiệp tỷ giá của NHNN cũng đang bị thu hẹp. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, dự trữ ngoại hối hao hụt đáng kể trong năm 2024 khiến tỷ giá dễ biến động hơn trước các “cú sốc” của USD. Ngoài ra, việc Việt Nam tiếp tục có mặt trong danh sách các nước bị theo dõi về thao túng tiền tệ cũng khiến NHNN khó khăn hơn trong việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường.
“Dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị thu hẹp hơn trước áp lực của USD mạnh lên và nguy cơ Mỹ tiếp tục điều tra về thao túng tiền tệ. Trong bối cảnh này, NHNN có thể cần duy trì lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, đồng thời hạn chế khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ”, bà Hiền nhận định.
Nhiều khả năng, Chỉ số USD Index tiếp tục được neo ở mức hiện tại trong năm 2025. Trong bối cảnh đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường tại VPBankS Research dự báo, tỷ giá năm 2025 sẽ tăng khoảng 3%, tức biến động nhẹ hơn năm nay.
Dù vậy, giới phân tích cũng cảnh báo về những “biến số” có thể khiến đồng bạc xanh bật tăng trong năm tới. Nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed giảm lãi suất thêm 2 lần trong năm 2025, song cũng không loại trừ khả năng này sẽ không xảy ra. Khi đó, USD sẽ bật tăng mạnh. Ngoài ra, nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp dụng các chính sách thuế quan khắc nghiệt, USD cũng sẽ chịu thêm sức ép.
Với thị trường trong nước, ngoài áp lực tăng giá từ USD, tỷ giá tăng còn do nguyên nhân đầu cơ ngoại tệ, nếu chênh lệch lãi suất USD và VND tăng cao. Ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa kinh tế học tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho hay, tỷ giá trong những năm qua chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới.
Giai đoạn trước đây, Việt Nam đã giải quyết tương đối tốt vấn đề thâm hụt thương mại, với thặng dư thương mại mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chênh lệch lãi suất lại nổi lên như một yếu tố gây bất ổn tỷ giá, do hiện tượng dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, nhà điều hành cần theo dõi sát sao chênh lệch lãi suất giữa VND và USD để có giải pháp can thiệp kịp thời.
10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024
Xác thực sinh trắc học, chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng, NHNN trực tiếp bán vàng cho nhóm ngân hàng big 4, đổi mới cơ chế điều hành tín dụng, Luật Các TCTD có hiệu lực… là những điểm nhấn của ngành ngân hàng năm 2024.
1. Cơn sốt vàng và những giải pháp chưa từng có tiền lệ: NHNN bán vàng cho nhóm ngân hàng big 4
Năm 2024 là một trong những năm giá vàng biến động mạnh nhất trong lịch sử. Vàng bắt đầu lên cơn sốt từ tháng 2/2024, kéo dài đến tận tháng 10 và chỉ hạ nhiệt sau khi ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Giá vàng trong nước và thế giới đều lập đỉnh kỷ lục mọi thời đại, vàng miếng SJC đã có lúc đạt tới 92,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tính tới ngày 25/12/2024, giá vàng thế giới đã tăng 28%, vàng miếng SJC tăng 14%, vàng nhẫn trong nước tăng 35% so với đầu năm.
Nửa đầu năm 2024, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng, người dân đổ xô đi mua vàng gây tâm lý hoang mang.
Trước yêu cầu cấp bách, NHNN đã đưa ra loạt giải pháp để ổn định thị trường vàng. Theo đó, trong tháng 4 và tháng 5/2024, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng, cung ứng ra thị trường hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, giải pháp này không mang lại hiệu quả.
Từ đầu tháng 6/2024, NHNN đưa ra giải pháp chưa từng có tiền lệ: trực tiếp bán vàng cho nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (big 4) và Công ty SJC để các doanh nghiệp này bán vàng cho người dân.
Bên cạnh đó, đoàn thanh tra liên ngành cũng được thành lập. Ngành thuế cũng quy định từ 15/6/2024, mua bán vàng không có hóa đơn điện tử, doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép.
Nhờ một loạt giải pháp đồng bộ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ chỗ 18 triệu đồng/lượng hiện đã giảm còn hơn 3 triệu đồng/lượng. Dù vậy, thị trường vàng vẫn chưa thể vận hành bình thường khi người dân có nhu cầu đều rơi vào cảnh mua không được, bán khó khăn.
2. Thay đổi cơ chế điều hành tín dụng, 2 lần nới room tín dụng
Nếu như những năm trước NHNN cấp tín dụng thành nhiều đợt trong năm, nặng cơ chế xin - cho thì sang năm 2024, cơ quan này đã thay đổi cơ chế cấp room tinsn dụng. Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng cho các ngân hàng với mức tăng khoảng 15%.
Sau đó, vào tháng 9 và tháng 11/2024, NHNN có hai lần nới room tín dụng cho các ngân hàng. Cụ thể, ngày 28/8/2024, NHNN thông báo sẽ xem xét nới room cho những TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu giao đầu năm. Quyết định này được thực hiện trên cơ sở điểm xếp hạng từng tổ chức. Việc nới room được thực hiện tự động, các ngân hàng không phải “xin” NHNN. Tiếp đó, cuối tháng 11/2024, NHNN tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm room tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
Tính tới 13/12, tín dụng toàn hệ thống tăng 12,5%. Lãnh đạo NHNN nhiều lần tự tin khẳng định, tín dụng cả năm có thể tăng trưởng ở mức 15%, theo đúng mục tiêu đề ra.
Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thống đốc khẳng định chưa thể bỏ room tín dụng do nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào vốn ngân hàng, nếu không kiểm soát, mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vài chục phần trăm mỗi năm như trước đây thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế.
3. Chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các NHTM TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.
NHNN cho biết, 1 ngân hàng 0 đồng còn lại (GPBank) và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt Dong A Bank sẽ được chuyển giao cho trong thời gian sớm nhất. Hiện các công việc đang tích cực triển khai theo đề án đã được phê duyệt.
Theo đánh giá của NHNN, việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng thời gian qua đã đánh dấu một giai đoạn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.
4. Xác thực sinh trắc học từ 1/7/2024
Từ ngày 1/7/2024, theo quy định của NHNN (Quyết định số 2345/QĐ-NHNN), khách hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học, như chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng.
Tính đến hết cuối năm 2024 đã có 56,8 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu thông tin sinh trắc học.
Theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN (Thông tư 17) và Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) ban hành ngày 28/6/2024, các tổ chức tài chính phải kiểm tra tính hiệu lực của giấy tờ tùy thân, xác thực thông tin sinh trắc học và cập nhật thông tin cư trú của khách hàng.
Từ đầu năm 2025, chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID). Các giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính. Nếu chủ tài khoản chưa xác minh sinh trắc học với ngân hàng thì chỉ có thể nạp, rút hoặc chuyển khoản tiền tại quầy của ngân hàng.
5. Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực
Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật các tổ chức tín dụng 2024. Luật này chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng của cổ đông. Theoi đó, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (quy định trước đó là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (quy định trước đó là 20%).
Ngoài ra, Luật cũng giảm dần hạn mức cấp tín dụng với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan đến khách hàng đó của ngân hàng thương mại.
Một số điểm mới đáng chú ý khác của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là: Cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc dưới mọi hình thức; cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải công khai thông tin; bổ sung quy định về việc can thiệp sớm tổ chức tín dụng yếu kém; tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là Dự án bất động sản để thu hồi nợ…
6. Thanh toán không tiền mặt tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong năm 2024. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57,54% về số lượng và 34,54% về giá trị. Giao dịch qua QR code tăng hơn 100% về cả số lượng lẫn giá trị.
Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 13,11% về số lượng và giảm 5,35% về giá trị. Các TCTD, trung gian thanh toán tích cực và tiên phong trong việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) vào hoạt động ngân hàng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, 3 điểm nhấn chuyển đổi số ngân hàng năm 2024 là: kết nối QR quốc tế, giao dịch điện tử bứt tốc và pháp lý cởi mở.
7. Cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3
NHNN đã ban hành Thông tư số 53/2024/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định của pháp luật trước thời điểm xảy ra thiên tai đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3.
Ngoài cơ cấu nợ, giãn nợ, trong năm 2024, ngành ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Cụ thể, các TCTD đã ban hành và công bố công khai các chương trình, các gói tín dụng với quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khắc phục thiệt hại và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
8. Nóng thương vụ M&A ngân hàng nội, big 4 tăng vốn
Năm 2024, thị trường ngân hàng chứng kiến thương vụ M&A đình đám giữa Gelex và Eximbank. Thương vụ hiện vẫn còn gây nhiều lùm xùm, tranh cãi.
Ngoài ra, thị trường M&A ngân hàng cũng ghi nhận một số thương vụ rút vốn cảu đối tác ngoại: Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) bán khoảng 10% vốn điều lệ VIB; Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thoái vốn khỏi TPBank và ABBank…
Trong năm 2024, các ngân hàng Việt cũng cấp tập tăng vốn. Nổi bật nhất là Vietcombank đã được Quốc hội chính thức chấp nhận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm hơn 27.666 tỷ đồng. Đầu tháng 12 vừa qua, NHNN chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 11.971 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ của nhà băng này lên 68.975 tỷ đồng.
Các ngân hàng big 4 đang đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét cơ chế tăng vốn dài hơi, thay vì trình xin hàng năm.
9. Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng kỷ lục
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến hết tháng 9/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%. Tiền gửi của dân cư đạt gần 6,96 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2023. Tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức vượt 14 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 16,94 triệu tỷ đồng, tăng 5,94% so với cuối năm 2023.
Trong bối cảnh các kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro, khả năng sinh lời thấp, dòng tiền nhàn rỗi trong dân vẫn chảy vào ngân hàng.
10. Lãi suất chạm đáy, tỷ giá khá ổn định
Trong năm 2024, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm 0,44% so với năm 2023. Theo các chuyên gia, lãi suất hiện đã chạm đáy và khó có thể hạ thêm. Lãi suất huy động đã tăng liên tục từ tháng 4/2024 đến nay.
Ngoài nhu cầu tín dụng tăng, lãi suất tăng cao còn để “ghìm” tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, VNĐ mất giá khoảng 4,5%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Tỷ giá đang chịu sức ép lớn do USD liên tục neo ở mức giá cao trên thị trường quốc tế. Dự báo, USD sẽ còn duy trì mặt bằng cao như hiện nay trong suốt năm 2025.
Lãi suất huy động tăng nóng: Do thanh khoản hay ngân hàng vội cho vay "làm đẹp" số liệu?
Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại nhiều ngân hàng đã vượt 6% với các khoản tiền gửi lớn. Chuyên gia cho rằng, lãi suất tăng một phần do thanh khoản căng, một phần do ngân hàng “đẩy” tín dụng làm đẹp số liệu cuối năm.
Theo khảo sát của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, tính từ đầu tháng 12 đến nay, thêm hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động, mức tăng phổ biến 0,3-0,5%, bao gồm cả các ngân hàng lớn.
Danh sách các ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 12 gồm: MB, Techcombank, BVBank, CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank, IVB... Agribank là ngân hàng duy nhất trong nhóm big 4 tham gia tăng lãi suất huy động trong tháng 12/2024, dù vậy, lãi suất huy động của Agribank vẫn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Mặt bằng lãi suất huy động đang phân hóa rất mạnh. Theo đó, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (big 4) thấp hơn rất nhiều so với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân.
Mức lãi suất huy động tại từng ngân hàng cũng chênh lệch rất lớn giữa khách thường và khách VIP. Theo đó, hiện nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đang phổ biến ở mức 5 - 5,5%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất mà ngân hàng áp dụng riêng cho khách VIP có thể lên tới 5,8-6,4%/năm.
Bà Chu Thị Vân Anh (Hà Nội) cho hay: “Hiện lãi suất kỳ hạn 6 tháng đang niêm yết tại VPBank là 5%, nhưng nhân viên ngân hàng này chào mời tôi mức lãi suất cho khách VIP là 5,9%. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa quyết định vì có ngân hàng nhỏ đang chào lãi suất 6,1- 6,45%/năm”, bà Vân Anh cho biết.
Không chỉ VPBank, hầu hết các ngân hàng trên thị trường đang tung ra các chương trình lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng ưu tiên (khách VIP). Theo đó, lãi suất ưu đãi có thể cao hơn 1% so với lãi suất thông thường, áp dụng cho các khoản tiền gửi lớn. Nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận lãi suất huy động "đặc biệt" cao với các khoản tiền gửi lớn của khách VIP như: ABBank, MSB, KienLongBank, NCB…
Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động thời gian có hai nguyên nhân, một là thanh khoản có vấn đề, hai là nợ xấu tăng cần có nguồn để bù đắp.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, không loại trừ ngân hàng tăng huy động vốn tháng cuối năm để “đẩy” tín dụng làm đẹp số liệu. Hiện đang là tháng cao điểm tín dụng của năm. Việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao năm nay sẽ là cơ sở thuận lợi để các ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm tới.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, lãi suất tăng một phần do yếu tố mùa vụ, cầu vốn tăng cao dịp cuối năm, một phần do một số ngân hàng thanh khoản chưa tốt.
Trong công điện ban hành giữa tháng 12/2024, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định pháp luật các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay).
Ngân hàng hé lộ bức tranh lợi nhuận tươi sáng
Năm nay, nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận khả quan nhờ tín dụng cải thiện mạnh nửa cuối năm. Dù vậy, theo các chuyên gia, cổ phiếu vua vẫn chỉ là nhóm “phòng thủ”, khó có sự tăng trưởng đột phá trong năm tới.
Dù chưa kết thúc năm 2024, song kết quả kinh doanh ước tính của một số ngân hàng dần lộ diện. Tính đến ngày 30/11, TPBank đạt hơn 7.100 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 28% so với cuối năm trước. Dự kiến cả năm, lợi nhuận của Ngân hàng tăng 34% so với năm 2023. Tín dụng tăng tới 17%, cao hơn nhiều trung bình ngành là yếu tố giúp ngân hàng này bứt tốc về lợi nhuận.
Nhóm Big 4 ngân hàng tuy chưa công bố kết quả lợi nhuận, song đã ước tính sơ bộ về mức tăng trưởng tín dụng. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, dự kiến đến hết năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng 8%, tổng tài sản tăng 7,9%, dư nợ tăng 11% so với năm 2023.
Lãnh đạo BIDV cho biết, dự kiến kết thúc năm 2024, BIDV sẽ có quy mô tổng tài sản vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%. Vietcombank cũng dự kiến tăng trưởng tín dụng 13% năm 2024. Theo một số chuyên gia phân tích, lợi nhuận của các “ông lớn” này tăng khoảng 8-12% trong năm nay, tùy vào mức trích lập dự phòng rủi ro.
Trong nhóm Big 4, VietinBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, tính đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản của Ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023; tín dụng tăng trưởng 14,2% so với năm 2023 (đến ngày 10/12 tăng 14,8%). Năm nay, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 8,7%; lũy kế 9 tháng, Ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 12%.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm nay, Vietcombank sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10%; BIDV đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 13,8%, VietinBank tăng trưởng lợi nhuận 12,4%.
Dự báo, lợi nhuận chung toàn ngành ngân hàng năm nay tăng hơn 16% và có sự phân hóa rõ nét. Theo đó, ngoài nhóm Big 4 tăng trưởng lợi nhuận ổn định ở mức 8-15%, thì nhóm ngân hàng TMCP tư nhân có 2 nhóm: các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao là LPBank, Techcombank, VPBank, HDBank, Sacombank…; trong khi nhiều ngân hàng vẫn rất khó khăn như PGBank, Saigonbank, ABBank, NCB…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2025, lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn ổn định như năm nay, do bức tranh kinh tế chưa có chuyển biến nào rõ ràng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm khi thị trường chứng khoán, bất động sản dự báo tiếp tục khó khăn.
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), năm 2025, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng thậm chí còn chững lại so với năm nay (chỉ khoảng 14,9%). Trong đó, tổng thu nhập hoạt động toàn ngành dự kiến tiếp tục tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ tín dụng, trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo tăng trưởng chậm hơn với 8,5% so với cùng kỳ do mảng banca dự báo tiếp tục khó khăn.
Một số ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt năm 2025 là Vietcombank (12%), BIDV (16,7%), VietinBank (17,9%), Techcombank (17%), MB (15,5%), Sacombank (17,8%)…
VCBS đưa ra dự báo khả quan hơn. Theo đó, năm 2025, lợi nhuận của VietinBank có thể tăng 15%, lợi nhuận của các ngân hàng MB, ACB, MSB, HDBank, Techcombank, VIB… có thể tăng 20-26%, riêng lợi nhuận của Sacombank được dự báo tăng tới 32%.
Theo các chuyên gia phân tích, ngành ngân hàng thời gian qua đã chống chịu tốt với sức ép trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, định giá hiện tại của ngành ngân hàng phù hợp để đầu tư với tầm nhìn dài hạn trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận tăng trưởng vừa phải, nhưng bền vững.
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, ngân hàng là một trong các nhóm ngành triển vọng đầu tư năm 2025, đây là nhóm ngành phòng thủ.
Tương tự, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích FiinGroup nhận định, cổ phiếu ngân hàng là nhóm ngành có định giá rẻ, triển vọng lợi nhuận tích cực năm 2025. Năm 2025, cổ phiếu ngành ngân hàng có thể hưởng lợi từ đầu tư tư nhân và tín dụng tăng trở lại. Mặt khác, nhóm ngân hàng cũng đang có mặt bằng định giá khá thấp, tương đương trung bình 5 năm và trung vị.
“Nhiều người lo ngại Thông tư 02/2023/TT-NHNN không được gia hạn tiếp, song với nợ xấu đang ở quanh mức đỉnh trong khi nhiều ngân hàng cũng tích cực trích lập dự phòng, kỳ vọng tín dụng tăng trở lại và mặt bằng lợi nhuận ở mức thấp, tôi tin rằng, ngân hàng sẽ là nhóm có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận và tái định giá trở lại trong năm 2025”, bà Đỗ Hồng Vân nhận định.4Luật hóa tài sản số sẽ giúp Việt Nam tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như kéo các doanh nghiệp Việt phải sang nước khác để đăng ký kinh doanh trở về Việt Nam. Tất nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp để thu hút, sàng lọc dòng vốn tốt trong lĩnh vực này, ngăn chặn các sàn giao dịch lừa đảo.