Kết thúc quý 2/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.177 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý 1/2024, mức lợi nhuận này tiếp tục tăng thêm 3%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của nhà băng này đạt 4.288 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Ngân hàng Sacombank đã hoàn thành 50,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay.
Bóc tách dữ liệu cho thấy động lực tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng Sacombank đến từ nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là tối ưu cấu trúc nguồn vốn và giảm chi phí dự phòng.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ Nhóm 2 (nợ cần chú ý) của nhà băng này đã giảm 15 điểm cơ bản so với quý 1/2024. Do đó, theo đánh giá sơ bộ mới đây của hãng Chứng khoán Vietcap, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Sacombank sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay. Ngân hàng Sacombank đã thu hồi, xử lý được 4.822 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,15%.
Số dư VAMC ròng của Ngân hàng Sacombank tính đến cuối quý 2/2024 chỉ còn 623 tỷ đồng, so với mức 1.800 tỷ đồng trong quý 4/2024. Nhà băng này đã gần như không cần trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC phần nào giúp giảm gánh nặng trích lập dự phòng trong nửa đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Sacombank đạt 7%, cao hơn so với mức toàn hệ thống là khoảng 6%. Hầu hết các khoản vay được phân bổ cho kỳ hạn dưới 1 năm.
Tăng trưởng tiền gửi khách hàng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5% cao hơn nhẹ so với tăng trưởng tín dụng. Trong quý 2/2024, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Ngân hàng Sacombank được cải thiện tích cực thêm 3 điểm cơ bản so với quý 1/2024, đạt 18,8%.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã dự báo khả năng sinh lời của Ngân hàng Sacombank sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới khi ngân hàng hoàn tất tái cơ cấu và các hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng tốc, nhu cầu tín dụng của toàn nền kinh tế hồi phục.
Vừa qua, Ngân hàng Sacombank đã tổ chức đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú, qua đó thu hồi được 20% giá trị khoản nợ có liên quan.
Xem thêm: "Lô 32,5% cổ phần Ngân hàng Sacombank (STB) của nhóm ông Trầm Bê sẽ đấu giá từ 60.000 đồng/cổ phiếu?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ trả nốt trong năm 2025.
Có tất cả 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú với tổng giá trị (tính đến ngày 31/12/2021) là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.
Khoản nợ trên phát sinh từ việc cho vay của Ngân hàng Phương Nam giai đoạn 2011 - 2012. Đến năm 2015, Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Ngân hàng Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Ngân hàng Sacombank phải xử lý.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Sacombank cũng đang tích cực làm việc với các bên liên quan để xử lý 32,5% cổ phần STB của ông Trầm Bê do VAMC quản lý. Theo ước tính của VCBS, số cổ phần này đang được dùng để bảo đảm cho khoản nợ gốc khoảng 10.000 tỷ đồng và giá trị thị trường của số cổ phần này là khoảng hơn 17.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, đối với đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sacombank đã trình NHNN trên 6 tháng, do yếu tố khách quan nên cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn, cơ quan quản lý cơ bản đã đồng ý chủ trường của Ngân hàng và sẽ trình Chính phủ.
“Chắc chắn trong năm nay sẽ hoàn thành và đưa đấu giá công khai để thu hồi nợ cho ngân hàng”, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank nói.