1. Khái niệm du lịch là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Du lịch 2017:
Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.
Có thể hiểu, du lịch là hoạt động của một người di chuyển đến một địa điểm và lưu trú một thời gian ngắn nhằm tham quan, tìm hiểu, khám phá… một địa danh, một sự kiện.
Ví dụ: Khi bạn từ Việt Nam sang Thái Lan để tham quan thành phố Bangkok, các hoạt động ở sân bay, đến khách sạn, cho đến thăm các địa điểm ở Bangkok, tất cả đều là hoạt động du lịch.
2. Vai trò của du lịch đối với kinh tế và xã hội
Vai trò của du lịch là gì đối với nền kinh tế cũng như đời sống của người Việt Nam?
2.1 Về mặt kinh tế
- Hỗ trợ ngành giao thông vận tải, bảo hiểm, nhà hàng, dịch vụ ăn uống phát triển. Dễ dàng nhận thấy, xung quanh những địa danh du lịch, cơ sở hạ tầng rất phát triển, đặc biệt là những con đường, nhà hàng khang trang mọc lên.
- Lượng tiêu thụ sản phẩm tăng do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tăng. Du lịch kéo theo sự phát triển của các ngành khác, dẫn đến lượng tiêu thụ sản phẩm tăng cao, đóng góp to lớn cho tổng thu nhập quốc dân hàng năm.
- Việc sử dụng ngoại tệ để trao đổi sẽ giúp đất nước gia tăng ngoại tệ, cân bằng thanh toán quốc tế.
- Người bán có khả năng kiếm được lợi nhuận cao, đặc biệt đối với các mặt hàng thủ công, đồ cổ, sản phẩm truyền thống, vì không tốn khoản phí cho việc vận chuyển mà chỉ cần bán trực tiếp tới khách du lịch nên lợi nhuận sẽ cao hơn.
2.2 Về mặt xã hội
- Du lịch giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc phát triển du lịch cần một lượng lớn nhân công, điều này tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
- Giúp duy trì và phát triển những địa danh như làng nghề, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống, di tích lịch sử cũng tạo nên sự đa dạng về địa danh cho khách du lịch.
- Quảng bá văn hóa tốt đẹp của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, từ đó có góc nhìn chân thực về con người, văn hóa nước ta.
3. Nguyên tắc và chính sách phát triển du lịch hiện nay
3.1 Nguyên tắc phát triển du lịch hiện nay
Theo Điều 4 Luật Du lịch 2017, việc phát triển du lịch phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Phát triển du lịch theo hướng bền vững, có kế hoạch cụ thể rõ ràng
- Phát triển du lịch nhưng phải bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
- Đảm đảm an ninh, an toàn quốc gia, mở rộng mối quan hệ với các nước, quảng bá di sản văn hóa
- Đảm bảo quyền lợi quốc gia, doanh nghiệp,cá nhân kinh doanh du lịch
- Phát triển du lịch thu hút khách du lịch lẫn trong và ngoài nước, không phân biệt đối xử giữa khách du lịch nội và ngoại địa
3.2 Chính sách phát triển du lịch hiện nay
- Tập trung phát triển, đưa ngành du lịch trở thành ngành mũi nhọn của cả nước
- Sẽ có những chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch
- Tập trung phát triển các hoạt động như kiểm tra, đánh giá, hoạch định phát triển giá trị tài nguyên du lịch. Phát triển thương hiệu du lịch địa phương, quốc gia. Tu bổ, nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ khách du lịch.
- Nhà nước có những chính sách hỗ trợ phát triển bao gồm:
Nghiên cứu và phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ chất lượng cao
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
Ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào phát triển du lịch
Xây dựng những khu du lịch phức hợp đầy đủ tiện nghi, phục vụ du khách
Tìm kiếm và khai thác những khu du lịch hoang sơ, chưa được biết đến.
- Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch ngoại quốc về điều kiện lưu trú, thủ tục xuất nhập cảnh, thuế và những quyền lợi mà khách du lịch có.
4. Khách du lịch là gì? Có những quyền và nghĩa vụ nào?
4.1 Khái niệm khách du lịch
Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến
(theo khoản 2 Điều 3 Luật Du lịch)
4.2 Quyền của khách du lịch
Khách du lịch khi du lịch tại Việt Nam sẽ có những quyền lợi theo Điều 11 của Luật Du lịch như sau:
- Được tự do sử dụng những dịch vụ du lịch hợp pháp do cá nhân, doanh nghiệp tổ chức hoặc du lịch tự túc
- Được quyền yêu cầu những cá nhân, doanh nghiệp tổ chức du lịch hỗ trợ thông tin về địa điểm du lịch, dịch vụ được cung cấp
- Được đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, sức khỏe hay không phân biệt khách du lịch ngoại quốc
- Được đảm bảo quyền lợi giữa doanh nghiệp và khách du lịch ký kết
- Được hỗ trợ trong trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp
- Có quyền khiếu nại tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật
- Được bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra
4.3 Nghĩa vụ của khách du lịch
Theo điều 12 Luật Du lịch 2017, khách du lịch phải thực hiện nghĩa vụ sau:
- Bắt buộc tuân thủ pháp luật của Việt Nam, quy định của địa điểm du lịch
- Ứng xử văn mình phù hợp với thuần phong mỹ tục, nghiêm cấm hành vi bôi nhọ, xúc phạm đến văn hóa của địa phương hay quốc gia.
- Thực hiện đúng những quy định của cá nhân, công ty kinh doanh du lịch đã hợp tác
- Thanh toán đầy đủ về thuế, các khoản tiền cần phải đóng, hợp đồng đã ký kết với cá nhân, doanh nghiệp du lịch.
5. Những hành vi cấm trong hoạt động du lịch
Theo Điều 9 của Luật Du lịch 2017, hoạt động du lịch sẽ bị cấm những hành vi sau:
- Gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự xã hội. Tham gia những hoạt động trái với thuần phong mỹ tục
- Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra khỏi biên giới Việt Nam trái phép
- Làm hại tới tài nguyên du lịch, tổn hại môi trường
- Thu lợi bất chính từ khách du lịch, ép sử dụng những sản phẩm du lịch
- Không có giấy phép kinh doanh hoặc chưa đủ điều kiện để kinh doanh
- Giả dạng hoặc sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của công ty khác
- Chưa đủ điều kiện hành nghề hướng dẫn du lịch
- Quảng bá sai sự thật về hạng, loại cơ sở cư trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước công nhận
- Cách hành vi nghiêm cấm khác
Kết luận
Bài viết giúp chúng ta hiểu hơn về khái niệm du lịch là gì? hiểu được tầm quan trọng của ngành du lịch và những chính sách phát triển du lịch của nhà nước để đạt được mục tiêu đề ra trong tương lai.Bên cạnh đó, khách du lịch nên tìm hiểu những quyền lợi cũng như nghĩa vụ mà quốc gia đó quy định để thực hiện một cách chính xác. Tránh những vi phạm, sai sót có thể xảy ra.