Giáo dục (education), gốc la-tinh (e-ducere) có nghĩa là khơi dậy những gì vốn đã có sẵn ở mỗi người. Bản chất con người vốn thiện lành với những giá trị tốt đẹp, nhưng cuộc sống đầy cạnh tranh có thể làm cho các giá trị đó bị che khuất. Chương trình giáo dục giá trị sống giúp con người khám phá trở lại và phát triển 12 giá trị căn bản của cá nhân như: Hợp tác, Tự do, Hạnh phúc, Trung thực, Khiêm tốn, Yêu thương, Hòa bình, Tôn trọng, Trách nhiệm, Giản dị, Khoan dung và Đoàn kết.
Nếu ví sự nghiệp giáo dục như cái cây thì phần rễ cây tương ứng với giáo dục giá trị sống, thân cây tương ứng với giáo dục kiến thức và ngọn cây tương ứng với giáo dục kĩ năng sống. Như vậy giáo dục giá trị sống là nền tảng của giáo dục kĩ năng sống.
Trong Tâm lý học thường hay sử dụng nguyên lý tảng băng trôi để mô tả nhân cách của một con người. Ở tảng băng, phần nổi trên mặt nước mà chúng ta quan sát được chỉ chiếm số ít, phần lớn của tảng băng lại chìm dưới nước mà chúng ta khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong nhân cách của con ngưới, cái phần nhìn thấy tưởng như là tất cả kia thực chất chỉ là một phần rất nhỏ, phần lớn của nhân cách lại chìm “ẩn” đi. Đó là tâm, là đức, là hứng thú, là lí tưởng, là định hướng của mỗi cá nhân. Cũng như vậy nếu ví con người như tảng băng trôi thì phần nổi trên mặt nước chính là kiến thức và kĩ năng sống, phần nhiều chìm ở dưới nước là các giá trị sống. Thiếu nền tảng giá trị sống vững chắc, con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi những giá trị vật chất, và rồi mau chóng định hình chúng thành mục đích sống, đôi khi đưa đến kiểu hành vi thiếu trung thực, bất hợp tác, vị kỷ cá nhân. Giá trị sống giúp chúng ta cân bằng lại những mục tiêu vật chất. Những giá trị sống tích cực là chiếc neo giúp chúng ta ổn định, vững chãi giữa những biến động của cuộc đời, có thể sẽ không dễ dàng gì nhưng ta vẫn vượt qua được mà không cảm thấy bị thua thiệt, mất mát.
Giá trị sống là những điều con người cho là quý giá nhất đối với bản thân họ và nó định hướng cho mọi hành động của họ. Giá trị sống của người này có thể là hòa bình, trung thực, tôn trọng, yêu thương,…cũng có người chọn điều quí giá nhất đối với họlà tiền bạc quyền lực, sự an nhàn, danh vọng, sự hưởng thụ ,…Như vậy giá trị sống mang tính cá nhân, không phải giá trị sống của mọi người đều giống nhau. Có người cho rằng "tiền bạc là trên hết". Có người cho rằng tình yêu thương mới là điều quý giá nhất trên đời…
Tư tưởng Giáo dục giá trị sống không mới. Từ thời xa xưa, Nho giáo đã đề cao chữ Đức, trong Phât giáo đã rất trọng chữ tâm : “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn đã nhấn mạnh về 2 chữ “tài” và “Đức”. Người nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”
Trong Tâm lý học và giáo dục học hiện đại, một phần luôn luôn được tìm hiểu rất kĩ chính là động cơ, mục đích và lí tưởng sống. Đây chính là công việc thâm nhập vào mê cung bí ẩn trong nhân cách con người.
Nhận thấy những giá trị to lớn của giáo dục Giá trị sống, phòng Tâm lý học đường trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã tìm cách lồng ghép chương trình này vào trong hoạt động của mình với mục đích phòng ngừa những rối nhiễu tâm lý cho học sinh và cho cả giáo viên. Bởi nếu chúng ta sống cùng với các giá trị sống nghĩa là chúng ta có một tâm hồn khỏe mạnh,vững chãi. Đây là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một môi trường trường học bình an.
Tại trường Nguyễn Tất Thành, Giá trị sống được lồng ghép vào họat động tham vấn nhóm - một hoạt động đặc trưng trong công tác phòng ngừa của phòng Tâm lý học đường. Trong hoạt động này, học sinh được trải nghiệm 12 giá trị căn bản, được tìm hiểu thêm những giá trị hệ quả, được “phân tâm” để có thể nhìn lại được quá khứ, hiện tại hay tương lai của chính mình, được làm việc nhóm, được kích thích tư duy tích cực …từ đó cùng nhau tìm ra các giải pháp cho bản thân. Học sinh cũng hiểu nhau hơn qua những phần chia sẻ. Có những học sinh đã để những dấu chấm hỏi quá khứ dồn nén lâu ngày tưởng chừng như là những khối u nặng trịch trong tâm trí mà không thể “ ném bỏ” nó đi nhưng khi được chia sẻ và được khám phá các giá trị, học sinh đã tìm được hướng đi cho mình. Cũng có những học sinh đang mang những những rối nhiễu tâm lý nhưng lại e ngại dấu đi hoặc không biết nói ra bằng cách nào thì thông qua những hoạt động tham vấn nhóm, người làm tâm lý cũng nhận diện được qua cách hội nhập không ăn khớp vào nhóm và nội dung hoạt động. Để phát hiện được những học sinh như thế đòi hỏi ở người làm tâm lý học đường phải có một tâm hồn đồng cảm, một kĩ năng thấu cảm và cả một sự lắng nghe chân thành nhưng không thể phủ nhận tác dụng như một công cụ “ phát hiện sớm” của Giá trị sống trong hoạt động tham vấn.
Bằng hạt động lồng ghép này, phòng tâm lý học đường đã trợ giúp cho GVCN phát hiện những rối nhiễu tâm lý của học sinh, tham vấn và tư vấn để học sinh có thể vượt qua những khó khăn tâm lý của chính mình. Như vậy, giáo dục giá trị sống đã góp phần tạo nên một bầu không khí an toàn cho trường học Nguyễn Tất Thành.
Học sinh trong một giờ tham vấn nhóm