Glucose (đường) được tạo ra từ các thực phẩm mà chúng ta ăn vào hàng ngày để trở thành nguồn năng lượng đi nuôi cơ thể. Sự thiếu hụt hay dư thừa glucose đều gây ra nhiều vấn đề lớn cho sức khỏe: tăng đường huyết, hạ đường huyết, biến chứng lên thận, mắt, tim, mạch máu… Do đó, duy trì mức glucose ổn định là điều rất quan trọng.
Glucose là gì?
Glucose (đường) là nguồn năng lượng chính để nuôi dưỡng cơ thể. Khi con người ăn thực phẩm (bánh mì, cơm, bún, trái cây, sữa…) thì cơ thể bắt đầu phân hủy carbohydrate có trong các thực phẩm này để chuyển hóa thành năng lượng glucose đi nuôi các tế bào trong cơ thể. Glucose lưu thông trong máu (đường huyết), do đó sau khi tiêu thụ thức ăn, nồng độ đường trong máu tăng lên.(1)
Các tế bào muốn tiếp nhận glucose đòi hỏi tuyến tụy phải sản xuất đủ insulin để “mở khóa vạn năng” chỉ đường cho glucose đến gặp tế bào. Khi nhiều tế bào nhận được glucose, lượng đường trong máu sẽ trở lại bình thường. Lượng glucose dư thừa sẽ được dự trữ ở gan dưới dạng glycogen.
Glycogen đóng vai trò giúp cơ thể hoạt động khi đói. Cụ thể, nếu bạn không ăn uống trong thời gian ngắn, nồng độ glucose trong máu sẽ giảm xuống. Tuyến tụy tiết ra hormone glucagon, kích hoạt sự phân hủy glycogen thành glucose, giúp nồng độ đường trong máu trở lại mức bình thường.
Vai trò của glucose với cơ thể
Glucose đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Hầu hết các tế bào (thần kinh, máu…) đều dựa vào glucose để hoạt động. Não là cơ quan cần nhiều glucose nhất. Các tế bào thần kinh liên tục sử dụng glucose cho các hoạt động suy nghĩ, học tập, ghi nhớ, làm việc… Nếu không nhận đủ glucose, các tế bào thần kinh không thể kết nối với các tế bào khác trong cơ thể để thực hiện hoạt động của mình.
Sự gián đoạn nồng độ glucose trong máu có thể dẫn đến nhiều chứng rối loạn não. Các nghiên cứu trên người và động vật cho thấy sự thay đổi chuyển hóa glucose trong tế bào não liên quan đến sự tiến triển của bệnh.
Ngoài ra, khi bỏ lỡ bữa ăn, bạn dễ cáu gắt, khó tập trung hay ghi nhớ. Người có lượng glucose không ổn định trong thời gian dài (như người bị đái tháo đường) có thể phát triển các vấn đề nghiêm trọng như khó khăn về nhận thức hoặc mất trí nhớ. Hàm lượng glucose trong máu nên duy trì ở mức độ vừa đủ, ổn định. Việc thiếu hụt hoặc dư thừa đều gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Glucose hoạt động như thế nào?
Sau khi ăn sau các thực phẩm chứa carbohydrate, các enzym và axit trong dạ dày sẽ phá vỡ carbohydrate, giải phóng glucose. Ruột sẽ hấp thụ glucose, giải phóng qua máu và đến các tế bào. Glucose dư thừa được lưu trữ dưới dạng glycogen ở gan. Giữa các bữa ăn hoặc khi đang ngủ, gan chuyển đổi glycogen thành glucose thông qua một quá trình gọi là glycogenesis, giúp cơ thể duy trì lượng đường trong máu lưu thông đều đặn để cung cấp năng lượng cho các tế bào.
Quá trình vận chuyển glucose vào máu luôn luôn cần có sự hiện diện của insulin (do tuyến tụy tiết ra). Do đó, nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả, việc đưa glucose vào tế bào sẽ bị gián đoạn. Lúc này bạn liên tục đói, khát nước, ăn uống liên tục nhưng cơ thể không có năng lượng cho các hoạt động sống.
Kiểm tra nồng độ glucose như thế nào?
Kiểm tra nồng độ glucose rất quan trọng với người bệnh đái tháo đường. Tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường BVĐK Tâm Anh TP.HCM, nhân viên y tế sẽ dùng một cây kim nhỏ chích vào ngón tay, sau đó nhỏ giọt máu vào que thử. Sau đó, đưa que thử vào máy theo hướng dẫn và đọc kết quả sau 20 giây. Người bị đái tháo đường nên kiểm tra đường huyết tại nhà mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ để điều chỉnh khẩu phần ăn uống hợp lý.(2)
Mức glucose bình thường là bao nhiêu?
Giữ mức glucose bình thường là một trong những yếu tố giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Dưới đây là các chỉ số glucose ở mức bình thường:
- Trước khi ăn: cơ thể nhịn đói ít nhất 8 tiếng, mức glucose bình thường trước khi ăn là từ 90 - 130mg/dl, thường được kiểm tra vào buổi sáng sớm. Với những người bị tiểu đường thai kỳ, mức đường huyết phải dưới 95mg/dl. Với thai phụ bị đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 thì mức glucose là 70 mg/dl đến 95 mg/dl.
- Giữa bữa ăn: mức đường huyết là 70 mg/dl đến 100 mg/dl.
- Sau khi ăn: thường 1 - 2 giờ sau ăn, với người bình thường phải dưới 180 mg/dl. Với phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ vào 1 giờ sau bữa ăn, chỉ số đường huyết dưới 140mg/dl và sau 2 giờ ăn dưới 120mg/dl. Với phụ nữ mang thai đã bị tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 trước đó nên có mức glucose từ 110mg/dl đến 140mg/dl vào một giờ sau bữa ăn và 100mg/dl đến 120 mg/dl hai giờ sau bữa ăn.
- Trước khi tập thể dục hoặc hoạt động thể chất: đường huyết trong máu tốt nhất là ttừ 126mg/dl đến 180mg/dl.
- Sau khi tập thể dục (thể chất): chỉ số đường huyết nên trên 100mg/dl. Nếu chỉ số này dưới 100mg/dl, bạn nên ăn 15 gam carbohydrat (tương đương 1/3 chén cơm trắng; một lát bánh mì; 1/2 cái bánh hamburger; 1/2 lạng bánh phở; 1/2 lạng bún; 1/2 chén bắp hoặc đậu xanh, đậu đen; 1/2 lạng khoai lang…) để bổ sung glucose. Sau 15 phút, nếu đường huyết vẫn dưới 100mg/dl, bạn tiếp tục bổ sung 15 gam carbohydrat. Lặp lại điều này đến khi glucose đạt mức tối thiểu 100mg/dl để đảm bảo năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
1. Mức glucose tăng cao
Mức đường huyết cao hơn 130 mg/dl trong khi đói hoặc cao hơn 180 mg/dl hai giờ sau khi ăn cho thấy đường huyết tăng, bạn có thể bị tiền đái tháo đường. Ngoài ra, mức đường huyết cao hơn 200 mg/dl bất cứ lúc nào được coi là tăng đường huyết.
Trường hợp mức đường huyết khi đói luôn cao hơn 130 mg/dl trong 2 lần xét nghiệm liên tiếp cho thấy bạn bị đái tháo đường. ới tiểu đường tuýp 1, hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào tuyến tụy tạo ra insulin. Với tiểu đường tuýp 2, cơ thể không tạo đủ insulin cần thiết hoặc sử dụng nó không đúng cách khiến glucose vẫn còn trong máu. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được chẩn đoán chính xác bệnh, điều trị bằng thuốc và chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý.
Lượng đường trong máu quá cao có thể khiến cơ thể đi tiểu nhiều hơn do thận cố gắng chuyển lượng đường dư thừa trong máu qua nước tiểu, làm tăng cơn khát, dẫn đến nguy cơ mất nước. Đường huyết tăng cao còn gây ra các biến chứng mờ mắt, nhiễm trùng da, nhiễm trùng nấm âm đạo, bệnh tim, đột quỵ. Ngoài ra, người có đường huyết tăng cao quá mức có nguy cơ cao mắc biến chứng nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu… đe dọa tính mạng.
2. Mức glucose giảm thấp
Khi mức đường huyết giảm xuống dưới 70mg/dl gọi là hạ đường huyết. Nếu chỉ số này dưới 54 mg/dl cho thấy lượng đường trong máu thấp đến mức nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra khi người bị tiểu đường ngưng điều trị với thuốc. Ngoài ra, khi ăn quá ít trong thời gian dài, tập thể dục quá sức cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết. Một số người cũng có thể bị hạ đường huyết khi đang ngủ, uống quá nhiều rượu, dùng insulin quá liều.
Nếu tăng đường huyết là nguyên nhân của các biến chứng nguy hiểm thì hạ đường huyết cũng gây ra nhiều rủi ro, bao gồm: tim đập nhanh, đổ mồ hôi và run rẩy, lo lắng, chóng mặt, yếu toàn cơ thể, đi lại khó khăn, mờ mắt, gây co giật, mất ý thức.…
Điều gì xảy ra khi mức glucose không được kiểm soát?
Khi glucose (đường huyết) không được kiểm soát liên tục trong thời gian dài, người bệnh có thể gặp các biến chứng về thần kinh, bệnh tim, mù lòa, nhiễm trùng da, các vấn đề về khớp, hoại tử chi, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton… Do đó, người bị đái tháo đường nên kiểm tra đường huyết mỗi ngày, khám với bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường định kỳ để theo dõi sức khỏe. Đồng thời, ngay khi đường huyết cao hoặc thấp bất thường, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống và khám với bác sĩ để sớm tìm ra nguyên nhân, có phương pháp điều trị kịp thời.
Tiêm insuline cho người bệnh đái tháo đường.
Nên làm gì khi mức glucose quá cao hoặc quá thấp?
Mức đường huyết ổn định là một trong những yếu tố quan trọng giúp cơ thể hoạt động tốt. Do đó, ngay khi phát hiện đường huyết quá cao hoặc quá thấp, bạn nên đi khám sức khỏe với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được chẩn đoán chính xác, điều trị bằng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn khoa học, hợp lý. Ngoài ra, người bệnh cần theo dõi chặt lượng glucose, luyện tập thể dục, tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Điều gì ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn?
Đường huyết cao hay thấp đều ảnh hưởng lớn đền sức khỏe. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, tùy vào đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2. Đái tháo đường tuýp 1 do bẩm sinh tuyến tụy không sản xuất hoặc sản xuất không đủ lượng insulin cần thiết cho quá trình vận chuyển glucose vào tế bào.
Lúc này tế bào không có năng lượng, còn máu lại chứa quá nhiều glucose, gây ra tình trạng tăng đường huyết. Các nguyên nhân khiến tuyến tụy không sản xuất hoặc sản xuất không đủ lượng insulin bao gồm: phẫu thuật loại bỏ tuyến tụy, chứng viêm (sưng, kích thích) tuyến tụy nặng…
Đường huyết cao hay thấp đều ảnh hưởng lớn đền sức khỏe.
Với đái tháo đường tuýp 2, các yếu tố ảnh hưởng đến lượng đường huyết gồm: thừa cân béo phì, tuổi tác, tiền sử gia đình, đái tháo đường thai kỳ, rối loạn lipid máu, đa nang buồng trứng… Cụ thể:
- Người thừa cân, béo phì: có nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường do gan sẽ chứa nhiều chất béo nên không thể chứa thêm glucose ở dạng glycogen. Điều này khiến tuyến tụy phải hoạt động liên tục để giải phóng glucose trong máu. Đến một giai đoạn, tuyến tụy sẽ kiệt sức, không sản xuất đủ insulin, khiến đường trong máu quá cao, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
- Người trung niên và lớn tuổi: sự lão hóa tổng thể khiến tuyến tụy sản xuất ít insulin hơn nhu cầu của cơ thể hoặc kháng insulin - sử dụng insulin kém hiệu quả, khiến đường huyết tăng cao. Người lớn tuổi cũng dùng các loại thuốc corticosteroid (điều trị các bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus, dị ứng…), thuốc chẹn beta (điều trị cao huyết áp), nhóm thuốc thiazid (lợi tiểu)… ảnh hưởng lớn đến đường huyết.
- Tiền sử gia đình bị đái tháo đường: nếu cả cha và mẹ đều bị đái tháo đường tuýp 2, tỷ lệ con cái mắc bệnh cao hơn 50%. Trường hợp cha hoặc mẹ bị đái tháo đường tuýp 2 và dưới 50 tuổi thì tỷ lệ di truyền là 14% và sau 50 tuổi là 7,7%.
- Đái tháo đường thai kỳ: là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, khởi phát trong lúc mang thai. Tình trạng này sẽ tự hết sau khi sinh con. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao bị đái tháo đường tuýp 2. Do đó, sau khi sinh từ 4 đến 12 tuần, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nên đi khám với bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường để được kiểm tra sức khỏe.
- Rối loạn lipid máu: tình trạng tăng bất thường cholesterol xấu và triglycerid (một loại chất béo trong máu) là một trong những yếu tố thúc đẩy viêm tụy cấp và mãn tính, dẫn đến bệnh đái tháo đường. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các vấn đề nghiêm trọng như: bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp.
- Đa nang buồng trứng: có đến 70% phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng bị kháng insulin. Điều này khiến glucose không được đưa vào tế bào, dẫn đến đái tháo đường. Một nghiên cứu ở Úc trên 8.000 người phụ nữ, ghi nhận những phụ nữ bị đa nang buồng trứng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn đến 8,8 lần so với bình thường.
- Chế độ ăn uống: chế độ ăn nhiều carbohydrat, thức ăn nhanh, uống nước ngọt cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Để nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh tiểu đường cũng như các bệnh lý khác, mọi người nên thực hiện lối sống lành mạnh: thường xuyên vận động, tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn uống thực phẩm chế biến sẵn, các loại đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt…). Người từ 30 tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời.
Đặc biệt khi có các triệu chứng: đói nhiều, khát nhiều, đi tiểu liên tục… bạn nên đi khám tại bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được xét nghiệm đường huyết, chẩn đoán đái tháo đường ở giai đoạn sớm, tránh biến chứng trên tim, thận, mắt…
Nồng độ glucose trong máu rất quan trọng với sức khỏe tổng thể. Do đó, cần giữ mức glucose bình thường để đảm bảo các cơ quan hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Ngay khi có các dấu hiệu bất thường về glucose, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được chẩn đoán, xử trí kịp thời.