Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số, chiếm hơn 10% dân số của tỉnh. Trong đó, người Dao có hai nhánh chính là Thanh Y, Thanh Phán, thường cư trú ở vùng núi cao; người Sán Dìu, Sán Chỉ ở vùng núi thấp. Ngoài ra, còn có người Tày, Hoa, Nùng và Mường… Các dân tộc này đến nay còn lưu giữ được những nét văn hóa, bản sắc đặc trưng như ngôn ngữ, y phục, phong tục và cả những lễ hội rất riêng của mình.
Đôi nét về lợn Móng Cái
Lợn Móng Cái có nguồn gốc từ thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tổ tiên của loài lợn này là lợn rừng ở vùng nhiệt đới châu Á, được dân địa phương thuần hóa và mang về nuôi tại nhà.
Về ngoại hình:
- Lợn Móng Cái có đầu đen to, giữa trán có điểm trắng hình bầu dục hoặc hình tam giác.
- Mõm trắng, bẹ dài, cổ ngắn và to, giữa vai và cổ có vành trắng vắt ngang kéo dài đến bụng và 4 chân.
- Lưng dài, bụng hơi võng, lưng và mông màu đen, mảng đen kéo xuống 1/2 bụng và bịt kín mông tạo thành lang “yên ngựa”.
- Lông thưa và nhỏ, đa số có từ 12 vú trở lên.
Đặc điểm sinh học của lợn Móng Cái
- Thành thục tính sớm, khoảng từ 4-5 tháng tuổi đã xuất hiện động dục.
- Để phối giống được, lợn phải trên 7 tháng tuổi, trọng lượng trên 60 kg.
- Lợn Móng Cái mắn đẻ, đẻ rất nhiều con, sức tiết sữa cao, nuôi con khéo.
Ưu điểm nổi bật của Lợn Móng cái:
- Đẻ sai, dễ nuôi, ăn tạp, chủ yếu ăn rau vườn nhà nên chi phí thức ăn thấp.
- Chịu được kham khổ, sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tật tốt, thích hợp với điều kiện của nhiều vùng sinh thái chăn nuôi khác nhau.
- Chất lượng thịt ngon, không ngấy và giàu chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, lợn Móng cái vẫn có nhược điểm là tỷ lệ nạc hơi thấp so với những giống lợn khác. Lợn thuần thì chỉ có 28 - 29%, giống lợn lai giữa nái Móng Cái và đực ngoại có tỷ lệ nạc cao hơn khoảng 35 - 38%, cao nhất là giống lợn lai giữa nái F1 phối với đực ngoại đạt 45%.
Năng suất của lợn Móng Cái
Mặc dù hiện nay có nhiều giống lợn khác được đưa vào phát triển chăn nuôi có năng suất cao, chất lượng thịt ngon những giống lợn Móng Cái thuần vẫn là ưu tiên hàng đầu bởi những ưu điểm riêng biệt như khả năng sinh sản tốt, thịt mềm ngon, đặc biệt là khả năng chống chịu bệnh tật hơn hẳn những giống lợn khác.
Lợn Móng Cái được xem là một trong những giống lợn đẻ sai nhất, đồng thời lại nuôi con khéo nên tỷ lệ sống rất cao, trung bình đẻ 14 - 16 con/lứa, kỷ lục cao nhất lên đến 20 - 22 con và sinh sản bình quân 2 lứa/năm. Con sữa sau 40 ngày đạt 68kg/lứa và đạt 22 con cai sữa/nái/năm. Trong điều kiện chăn nuôi bình thường, lợn nái chỉ cần nuôi từ 6 - 8 tháng là đã cho phối giống và thời gian để có thể lên đến 10 năm hoặc lâu hơn.
Vật nuôi quý vùng biên
Theo nhiều chuyên gia chăn nuôi, lợn ỉ Móng Cái có nguồn gốc hoang dã, phân bố chủ yếu vùng Đông Bắc Việt Nam, được người dân thuần hóa thành vật nuôi gia đình. Điểm nổi bật của giống lợn ỉ này là có sức đề kháng bệnh rất tốt, rất ít khi bị các bệnh truyền nhiễm từ giống lợn khác, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài hình hài vóc dáng, chất lượng thịt lợn ỉ Móng Cái không lẫn vào đâu được so với nhiều giống lợn thường khác, như: Da mỏng, thịt mềm, ngọt giòn, không ngấy; giàu dinh dưỡng. Từ những đặc tính trên, lợn ỉ Móng Cái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, gần 10 năm trước đây, giống lợn ỉ Móng Cái chủ yếu được người dân các xã Hải Đông, Bắc Sơn, Hải Tiến, Quảng Nghĩa... (TP Móng Cái) nuôi với quy mô nhỏ lẻ.
Nhiều hộ đã đưa giống lợn ỉ Móng Cái lai tạo với các giống lợn khác dẫn đến nguy cơ lai tạp không thuần chủng giống lợn ỉ bản địa. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển giống lợn ỉ Móng Cái sẽ mang lại nhiều thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Khẳng định giá trị, vươn ra thị trường
Từ cách đây 10 năm, Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh đã nghiên cứu hướng đến phát triển đàn lợn giống bố, mẹ lợn ỉ Móng Cái, hoàn thiện chuỗi liên kết trong sản xuất hướng đến thị trường xuất khẩu. Đến nay số lượng lợn giống đã đạt hàng vạn con và đã có nhiều sản phẩm chế biến từ thịt lợn ỉ Móng Cái được thị trường ưa chuộng như giò lụa, xúc xích, lạp sườn...
Để bảo tồn, phát triển giống lợn ỉ quý này, TP. Móng Cái đang tập trung xây dựng chuỗi cho lợn ỉ Móng Cái từ khâu chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, Móng Cái đang tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước cũng như quốc tế, để các sản phẩm từ lợn ỉ Móng Cái chiếm lĩnh thị trường, trở thành thế mạnh của thành phố cũng như của tỉnh Quảng Ninh.
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở Móng Cái vẫn làm kinh tế từ việc chăn nuôi lợn Móng Cái. Chính quyền TP. Móng Cái đã hỗ trợ mỗi hộ từ 1 - 2 con lợn giống. Tuy nhiên, gần đây, số lượng bà con dân tộc thiểu số tại các xã như Bắc Sơn, Hải Sơn… đã chuyển dần sang nuôi trâu thương phẩm. Lý do là vì lợn Móng Cái thời gian chăm sóc lâu (8 tháng mới xuất bán), các hộ chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phương pháp nuôi truyền thống nên năng suất thấp.
Chị Bá Thị Ninh (thôn 4, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) người dân tộc Tày, bắt đầu nuôi lợn Móng Cái từ năm 2014. Ngày ấy, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên giá thành lợn giống giảm, chị quyết định mua một đôi lợn Móng Cái về nuôi với giá 1,2 triệu đồng/1 cặp.
Trung bình 1 năm 2 lứa, mỗi lứa được 15 con. Thời điểm giá lợn cao nhất, chị bán được gần 3 triệu/1 con, nhưng cũng có lúc giá chỉ còn hơn 1 triệu đồng/con (khoảng 15kg). Mỗi năm, đàn lợn Móng Cái cho chị thu nhập gần 50 triệu đồng.
Một ví dụ khác về việc áp dụng mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái đạt hiệu quả kinh tế cao là ở địa bàn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Quan Hóa là một huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao nên từ tháng 11/2016, chính quyền địa phương đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái phối giống với lợn đực bản địa tại 34 hộ chăn nuôi tại 7 xã.
Trước khi khi tham gia mô hình, các hộ gia đình được hỗ trợ 100% tiền mua lợn giống, thuốc thú y và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật bài bản. Đồng thời trong quá trình chăn nuôi, Trạm Khuyến Nông huyện cũng theo sát kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau gần 2 năm thực hiện đúng mô hình chăn nuôi, số lợn nái sinh trưởng tốt, bình quân mỗi lứa đẻ từ 8 - 12 con/lứa. Thời điểm cao giá bán được hơn 3 triệu đồng/con, thấp nhất là 1 triệu đồng/con. Mỗi năm có thể thêm thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ đàn lợn Móng Cái.
Như vậy, có thể thấy dự án nuôi lợn Móng Cái đã phần nào giúp các hộ gia đình nói chung và những hộ nghèo tại huyện Quan Hóa có thêm thu nhập, việc làm và dần có cuộc sống ổn định hơn.
Với những thành công đạt được, mô hình này cần được nghiên cứu để nhân rộng hơn nữa ở nhiều địa phương khác trong tương lai.