Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Tuy nhiên, màu sắc nước tiểu có thể chuyển từ vàng sang cam, đỏ, xanh hoặc sủi bọt… Những biểu hiện này phần nào phản ánh tình trạng sức khỏe hiện tại, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Vậy bảng màu nước tiểu nói lên điều gì về sức khỏe của bạn?
Màu nước tiểu là gì?
Màu nước tiểu là một trong những công cụ giúp chẩn đoán tình trạng sức khỏe. Từ mức độ hydrat hóa đến nồng độ của một số chất trong cơ thể. Màu nước tiểu bình thường dao động từ trong suốt đến vàng nhạt, chủ yếu đến từ lượng chất lỏng bạn uống. Chất lỏng gây loãng sắc tố màu vàng có trong nước tiểu. Uống càng nhiều nước, màu nước tiểu sẽ càng trong. Ngược lại, màu vàng của nước tiểu sẽ đậm hơn khi uống ít nước.
Các loại thực phẩm như củ cải đường, quả mâm xôi có thể làm nước tiểu chuyển sang màu hồng hoặc đỏ. Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng làm nước tiểu có màu cam hoặc xanh. (1)
Màu sắc nước tiểu có ý nghĩa gì với sức khỏe con người?
Các màu của nước tiểu thường xuyên thay đổi. Một số thực phẩm, bệnh lý và thuốc có thể làm nước tiểu chuyển sang màu hồng, đỏ, cam, nâu, xanh lá cây, xanh dương, tím và đen.
Màu nước tiểu bất thường là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe. Ví dụ, nhiễm khuẩn đường tiết niệu làm nước tiểu có màu trắng đục. Sỏi thận, ung thư đường tiết niệu đôi khi làm nước tiểu có màu đỏ.
Bảng màu nước tiểu tổng quan
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về nguyên nhân về màu của nước tiểu. Màu sắc có thể khác nhau đối với mỗi người. (2)
1. Trong suốt, không màu
Trung bình mỗi người nên uống đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày. Nếu uống hơn lượng nước khuyến cáo, nước tiểu sẽ trong suốt, không màu. Tình trạng này không phải vấn đề y tế đáng lo ngại và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không uống nhiều nước nhưng nước tiểu vẫn trong suốt và không màu, đây có thể là biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt.
2. Vàng
- Vàng nhạt: màu sắc này cho thấy cơ thể khỏe mạnh, uống đủ nước. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể mắc bệnh ngay cả khi nước tiểu có màu này.
- Vàng đậm: màu sắc cho thấy cơ thể bình thường nhưng cần bổ sung nước. Cơ thể bạn có dấu hiệu mất nước nếu màu nước tiểu chuyển sang màu nâu vàng hoặc màu hổ phách.
- Vàng chanh: màu của nước tiểu tương tự như màu của đèn neon và bạn cần bổ sung nước. Bên cạnh đó, nước tiểu cũng có thể chuyển sang màu vàng chanh khi bạn sử dụng nhiều vitamin B2.
3. Cam
Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, màu nước tiểu sẽ chuyển sang vàng đậm hoặc cam. Bên cạnh đó, nguyên nhân làm nước tiểu màu cam còn đến từ:
- Các loại thuốc: Phenazopyridine và một số loại thuốc trị táo bón, thuốc hóa trị ung thư.
- Vitamin A, B.
- Dấu hiệu của các bệnh ở gan hoặc ống mật, đặc biệt nếu đi tiêu phân có màu sáng hơn bình thường.
4. Hồng hoặc đỏ
Nước tiểu màu đỏ không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng có thể do:
- Máu: các tình trạng có thể làm hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu gồm: nhiễm khuẩn, ung thư đường tiết niệu, tăng sinh tuyến tiền liệt, sỏi thận…
- Thực phẩm: củ cải đường, quả mâm xôi…
- Các loại thuốc: thuốc điều trị bệnh lao rifampin (Rifadin, Rimactane), thuốc giảm đau đường tiết niệu phenazopyridine (Pyridium), thuốc táo bón chứa senna làm nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng.
5. Trắng (sữa)
Nước tiểu có màu trắng sữa xuất phát từ nhiều nguyên nhân gồm:
- Viêm tuyến tiền liệt: ở nam giới, nước tiểu màu trắng sữa có thể do viêm tuyến tiền liệt. Tình trạng viêm nhiễm kích thích cơ quan này tiết dịch. Cơ trơn co bóp khiến dịch rò rỉ lẫn với nước tiểu nên có màu trắng như sữa.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: vi khuẩn xâm nhập từ đường niệu đạo đi vào bàng quang, niệu quản và thận. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể gây tiểu nhiều, nước tiểu đục hoặc đổi màu ở cả nam và nữ.
- Viêm niệu đạo do lậu cầu: đây là bệnh tình dục phổ biến và nguy hiểm. Với các triệu chứng như: tiết dịch niệu đạo màu trắng đục, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu.
- Xuất tinh ngược dòng: nam giới xuất tinh nhưng tinh dịch bị cơ vòng giữ lại và đi vào bàng quang. Tinh dịch sau đó sẽ lẫn với nước tiểu thoát ra ngoài gây nên hiện tượng màu nước tiểu trắng đục.
6. Xanh
Nước tiểu có màu xanh vàng, xanh lục hay xanh lam thường ít gặp.
6.1 Xanh lục hoặc xanh lam
Nước tiểu có màu xanh lam, xanh lục thường không phổ biến. Những nguyên nhân gây ra gồm:
- Thuốc nhuộm: thuốc nhuộm được sử dụng cho một số xét nghiệm ở thận và bàng quang làm nước tiểu có màu xanh.
- Các loại thuốc: thuốc trị trầm cảm amitriptyline, thuốc điều trị loét và trào ngược dạ dày cimetidine (Tagamet HB), thuốc giảm các triệu chứng viêm khớp indomethacin (Indocin, Tivorbex) có thể làm nước tiểu chuyển sang màu xanh lục.
- Các vấn đề sức khỏe: nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bệnh tăng canxi máu lành tính hiếm gặp có thể làm nước tiểu màu xanh.
6.2 Xanh vàng
Nước tiểu có màu xanh vàng rất hiếm gặp.
7. Màu nâu đen hoặc nâu sẫm
Nước tiểu màu nâu có thể do:
- Thực phẩm: ăn nhiều đậu fava, đại hoàng hoặc lô hội có thể làm nước tiểu có màu nâu sẫm.
- Các loại thuốc: chloroquine và primaquine dùng điều trị và ngừa bệnh sốt rét; kháng sinh metronidazole (Flagyl, Metrocream và những loại khác); nitrofurantoin; thuốc trị táo bón chứa senna; thuốc giãn cơ Methocarbamol (Robaxin); thuốc điều trị động kinh phenytoin (Dilantin, Phenytek); thuốc làm giảm cholesterol.
- Các vấn đề sức khỏe: một số rối loạn về gan, thận và bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu có thể khiến nước tiểu màu nâu sẫm.
- Tập thể dục cường độ mạnh: chấn thương cơ do tập thể dục quá sức có thể làm nước tiểu có màu nâu.
8. Màu tím hoặc đen
Màu tím là màu duy nhất có hội chứng được đặt theo tên của nó - hội chứng túi nước tiểu màu tím. Trường hợp này hiếm gặp, xảy ra khi người bệnh có ống thông tiểu, nước tiểu chứa vi khuẩn indirubin.
Trong khi nước tiểu màu đen có thể là dấu hiệu của tình trạng di truyền hiếm gặp alkaptonuria hoặc cơ thể không phân hủy một số protein.
Một số triệu chứng đi kèm với màu nước tiểu
Tình trạng sức khỏe đang gặp vấn đề không chỉ biểu hiện ở màu sắc nước tiểu mà còn đi kèm với các triệu chứng khác như:
1. Nước tiểu có cặn
Cặn trong nước tiểu thường là các hạt sạn hoặc chất nhầy cực nhỏ, được phát hiện khi người bệnh xét nghiệm nước tiểu. Cặn trong nước tiểu thường gặp ở người bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
2. Nước tiểu nổi bọt
Do chế độ ăn uống thừa protein hoặc có vấn đề về thận.
3. Nước tiểu có mùi hôi, tanh, khai nồng
Nước tiểu thường không có mùi nồng. Tuy nhiên, măng tây, thuốc bổ sung vitamin B6 có thể làm thay đổi mùi nước tiểu. Mặt khác, khi cơ thể mất nước, nước tiểu sẽ đặc và có mùi amoniac nồng nặc.
4. Nước tiểu có váng mỡ
Được gây ra bởi bệnh cầu thận, nhiễm trùng đường tiết niệu.
5. Nước tiểu có máu
Những bất thường ở thận và đường tiết niệu khiến tế bào hồng cầu đi qua cầu thận vào nước tiểu.
6. Nước tiểu có mùi ngọt
Đây là một trong những triệu chứng của bệnh tiểu đường, gan, nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn di truyền hiếm gặp.
7. Cảm giác bỏng rát khi đi tiểu
Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh về thận.
Khi nào bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra?
1. Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nước tiểu bình thường có màu trong hoặc vàng nhạt đến vàng sẫm, không đục và không có bọt. Màu của nước tiểu là một trong những yếu tố giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe và những bệnh tiềm ẩn. Đến gặp bác sĩ để kiểm tra khi nước tiểu có những dấu hiệu bất thường sau đây:
- Máu trong nước tiểu: dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận.
- Nước tiểu có màu nâu sẫm hoặc cam: dấu hiệu cho thấy gan không hoạt động bình thường, đặc biệt nếu người bệnh đi tiêu có phân nhạt màu, da và mắt màu vàng.
- Nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu mà nguyên nhân không phải do thực phẩm hoặc thuốc.
2. Các phương pháp chẩn đoán
Trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ trao đổi về những triệu chứng như: màu sắc và mùi nước tiểu thay đổi, kéo dài vài ngày và không liên quan đến việc sử dụng thuốc hoặc chế độ ăn uống. Những nội dung gồm:
- Các triệu chứng này xuất hiện khi nào?
- Có máu trong nước tiểu hay không?
- Có những thay đổi nào về chế độ ăn uống hoặc quá trình sử dụng thuốc?
- Mỗi ngày uống bao nhiêu nước hoặc chất lỏng khác?
- Có cảm giác đau khi đi tiểu hoặc đau ở vùng bụng không?
Những câu hỏi này giúp xác định xem liệu có vấn đề nào làm thay đổi màu nước tiểu hay không. Dựa trên những thông tin về tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu phân tích nước tiểu hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra xem có biểu hiện bất thường hay không.
- Phân tích nước tiểu: xét nghiệm kiểm tra nước tiểu nhằm tìm các dấu hiệu của bệnh về thận, đường tiết niệu và vi khuẩn gây bệnh.
- Xét nghiệm máu: một số xét nghiệm đo mức chất thải tích tụ trong máu khi thận không hoạt động bình thường. Ngoài ra, bác sĩ kiểm tra máu để tìm dấu hiệu của bệnh về gan và tiểu đường.
Câu hỏi liên quan về màu nước tiểu
1. Màu sắc nước tiểu như thế nào là bình thường?
Nước tiểu bình thường có màu từ vàng nhạt đến vàng sẫm, bắt nguồn từ sắc tố urochrome. Nước tiểu trong suốt, không màu là do uống quá nhiều nước.
2. Màu sắc nước tiểu như thế nào là bất thường?
Màu sắc của nước tiểu phụ thuộc vào mức độ ngậm nước của cơ thể. Nếu cơ thể mất nước, nước tiểu sẽ có màu vàng đậm hoặc cam. Ngoài lượng nước uống hàng ngày, thuốc và thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc nước tiểu. Nước tiểu bất thường sẽ có những màu sau đây:
- Nước tiểu đục hoặc trắng sữa, có mùi hôi là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nước tiểu màu trắng đục cũng có thể do vi khuẩn, bạch cầu, hồng cầu hoặc chất nhầy trong nước tiểu gây ra.
- Nước tiểu màu nâu sẫm là dấu hiệu của mất nước nghiêm trọng hoặc bệnh về gan như: viêm gan siêu vi cấp tính, xơ gan gây thừa bilirubin trong nước tiểu.
- Nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu nhạt hơn có thể do ăn củ cải đường, quả mâm xôi hoặc một số chất tạo màu thực phẩm; chứng tan máu, thiếu máu; chấn thương thận hoặc đường tiết niệu.
- Nước tiểu màu vàng đậm hoặc cam có thể do các loại thuốc như phenazopyridine (dùng điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu), rifampin và warfarin; thuốc nhuận tràng.
- Nước tiểu xanh lá hoặc xanh lam do màu nhân tạo trong thực phẩm hoặc thuốc, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, giỏi chuyên môn, tận tâm, thành thạo những kỹ thuật mới nhất; phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh về thận, đường tiết niệu, nam khoa giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài viết đã cung cấp những thông tin về bảng màu nước tiểu và những cảnh báo đối với sức khỏe. Ngay khi phát hiện những thay đổi bất thường trong nước tiểu nhưng không do thuốc, ăn uống, kéo dài vài ngày, kèm sốt hoặc cảm thấy khát, đau rát khi tiểu…, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, xét nghiệm nước tiểu nhằm xác định nguyên nhân và có phương án điều trị sớm.