Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 6-5:
Sự kiện trong nước
- Ngày 6-5-1916: Vua Duy Tân của nhà Nguyễn bị bắt giữ do tham gia khởi nghĩa chống Pháp, sau đó ông bị đưa đi đày tại đảo La Réunion (Pháp). Được đưa lên ngôi vì "nhỏ tuổi, dễ bề sai khiến" nhưng vua Duy Tân đã thể hiện ý chí chống Pháp khiến thực dân Pháp phải bất ngờ.
Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh ngày 26-8 năm Canh Tý (1900), là con của vua Thành Thái với bà hoàng phi Nguyễn Thị Định. Ông cùng vua cha Thành Thái và vua Hàm Nghi là ba vị vua yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, có nhiều nỗ lực trong việc tìm cách khôi phục nền độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc.
- Ngày 6-5-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về Phái đoàn Việt Nam ở Đà Lạt đã đạt được thỏa thuận: Hai chính phủ cử ra một ban để nghiên cứu nhằm xây dựng một không khí tốt đẹp, xóa bỏ sự thù địch. Sau đó, Hội đồng Chính phủ nghe thông báo tình hình quân sự giữa Việt Nam và Pháp, một số công việc thuộc nội vụ như báo chí, quảng cáo và thảo luận một số việc về kinh tế như đổi giấy bạc, khai thác mỏ...
Cũng trong ngày 6-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 60/SL, đổi tên “Ủy ban Kháng chiến toàn quốc” thành “Quân sự ủy viên hội”.
- Ngày 6-5-2020: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về hợp tác song phương và phối hợp phòng, chống dịch Covid-19. Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đánh giá cao năng lực ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện cung cấp và vận chuyển trang thiết bị y tế cũng như trao tặng khẩu trang cho phía Hoa Kỳ. Tổng thống Trump thông báo sẵn sàng tặng Việt Nam một số máy thở để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19; đồng thời đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 6-5-1682: Vua Louis XIV của Pháp chuyển triều đình của ông đến Cung điện Versailles.
- Ngày 6-5-1840: Con tem đầu tiên ra đời tại Anh. Người phát minh ra tem thư là Rowland Hill, người Anh. Do có trị giá là một penny nên giới sưu tầm tem thư gọi con tem đầu tiên là con tem Penny Đen (Penny Black). Tem này có in chân dung Nữ hoàng Anh Victoria.
- Ngày 6-5-1942, Chính phủ Pháp và Nhật ký kết hiệp ước về quan hệ kinh tế giữa Nhật và Đông Dương Tại Tokyo.
Khinh khí cầu Hindenburg đang xả nước để đảm bảo quá trình hạ cánh ở Lakehurst, New Jersey ngày 9-5-1936. Ảnh: VOV)- Ngày 6-5-1937, khinh khí cầu khổng lồ Hindenburg của Đức bất ngờ bốc cháy, rồi phát nổ trên bầu trời Mỹ, đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của một phương tiện đường không từng thịnh hành trên thế giới vào đầu thế kỷ XX.
- Ngày 6-5-1994: Khánh thành đường hầm qua eo biển Manche. Đường hầm qua eo biển Manche được xây dựng từ năm 1986, nối liền Anh và Pháp.
Đây là hầm đường sắt dài thứ hai thế giới với chiều dài 50,45 km (sau đường hầm Seikan của Nhật Bản). Đó cũng là tuyến đường hầm có tổng chiều dài phần chìm dưới biển lớn nhất thế giới, với 37,9 km. Hai nước Anh và Pháp đã đầu tư vào công trình này khoảng 10 tỷ bảng Anh. Đường hầm là công trình quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông châu Âu.
- Ngày 6-5-2010: NASA thử thành công hệ thống phóng khẩn cấp tàu vũ trụ Orion. Vụ thử diễn ra tại khu vực hoang mạc thuộc bang New Mexico, Tây Nam nước Mỹ, trong thời gian tổng cộng 135 giây.
Đây là lần đầu tiên NASA thử thành công một hệ thống phóng khẩn cấp tàu vũ trụ con thoi mang theo người, kể từ khi Mỹ khởi động chương trình Apollo nhằm đưa người lên thám hiểm Mặt Trăng.
Theo dấu chân Người
- Ngày 6-5-1945, tại vùng núi đá Lam Sơn (xã Hồng Việt, huyện Hòa An, Cao Bằng), Bác làm việc với một số cán bộ Trung ương như Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Cáp, Đặng Việt Châu cùng cán bộ của Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng bàn về một số công việc chuẩn bị khởi nghĩa.
- Ngày 6-5-1950, Bác đến thăm Hội nghị toàn quốc lần thứ I về công tác huấn luyện và học tập. Bằng kinh nghiệm của một nhà tổ chức tuyên truyền cách mạng lão luyện, bài nói của Bác đề cập tới nhiều vấn đề cơ bản. Về người cán bộ huấn luyện, Bác yêu cầu: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: Tư tưởng, đạo đức, lối làm việc".
Bác cũng nhắc nhở vai trò của báo chí: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể thì cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc” .
- Ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thành lập và quy định nhiệm vụ tổ chức Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Lương Bằng làm Tổng giám đốc.
- Ngày 6-5-1961, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 khoá III, Bác nghiêm khắc vạch ra những khuyết điểm (được ghi trong biên bản): "Chúng ta chậm không phải vì chúng ta không nhận thấy khuyết điểm, mà là do chúng ta không chịu sửa.
Ở một số bộ... Chính phủ đã nhắc kiểm tra, nhưng không làm; có làm thì lề mề, nói nhiều hơn làm. Tác phong lề mề trở thành phổ biến: Học tập lề mề, khai hội lề mề, sản xuất lề mề. Chúng ta phải chuyển, chuyển thực sự, phải nắm điểm chính mà chuyển. Các nơi, các ngành cần phải rút kinh nghiệm. Trước hết là phải có quyết tâm".
Ngày 6-5-1962, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ III (1962). Ảnh tư liệu- Ngày 6-5-1962, trong diễn văn bế mạc Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, Bác cho rằng: “Trong Đại hội này, chưa nêu rõ vai trò quan trọng của những người cán bộ làm báo và cán bộ nghệ thuật... Các báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như: lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đó là một việc rất cần thiết... Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn những người, những việc ấy, bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác v.v... Đó cũng là một trách nhiệm của các cán bộ văn nghệ ...”.
- Ngày 6-5-1970, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 87/QĐ-QP, thành lập Cục Kỹ thuật trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân. Trải qua 52 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cục Kỹ thuật Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu và chỉ đạo công tác kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và xây dựng ngành kỹ thuật quân chủng đáp ứng với sự phát triển của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động Cục Kỹ thuật đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, kỷ luật; chủ động, sáng tạo; khắc phục khó khăn; làm chủ, trưởng thành”.
Cục Kỹ thuật Hải quân vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc.
Hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân trong cục được các cấp khen thưởng, trong đó có 2 tập thể, 3 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, 1 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”, 11 cán bộ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.
Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba tặng Cục Kỹ thuật Hải quân. Ảnh: baohaiquanvietnam.vnLời Bác dạy ngày này năm xưa
“Học, học nữa, học mãi”
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 6-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người phải ghi nhớ và thực hành điều đó”. Người còn cho treo trong phòng họp lời dạy của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Người coi lời dạy của Lênin và Khổng Tử là phương châm sống và hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Cũng tại Hội nghị này, Người nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Người còn xác định: “Không phải có thầy thì học, không thầy đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, khi nói về cách học tập, Người viết: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”.
(Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011 - Tập 6)
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958. Ảnh tư liệuRa đi tìm đường cứu nước, trên con tàu Latouche Tréville, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên mới Văn Ba đã nêu cao ý chí tự học: Mỗi ngày, đến 9 giờ tối công việc mới xong… dù mệt lử nhưng trong khi mọi người nghỉ hay đánh bài người thanh niên Nguyễn Tất Thành vẫn đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm.
Trong thời gian ở thị trấn Saint Adret, làm vườn cho gia đình viên chủ hãng tàu, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chăm chỉ học tiếng Pháp. Khi gặp những từ mới, người thanh niên Nguyễn Tất Thành viết vào một tờ giấy dán vào chỗ dễ thấy, có khi viết vào cánh tay để trong lúc làm việc vẫn học được. Cả khi đi đường vẫn nhẩm những từ mới học.
Và cứ như thế, mỗi ngày, người thanh niên Nguyễn Tất Thành học thêm vài từ mới, và tìm cách ghép câu để dùng ngay. Sau đó không lâu, người thanh niên Nguyễn Tất Thành học cách viết báo từ bài báo ngắn đến bài báo dài và từ bài báo dài lại viết ngắn. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nhanh chóng trở thành nhà báo có uy tín tại thủ đô nước Pháp và trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) với nội dung đầy sức chiến đấu, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.
Cuối Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, từ Anh trở lại Pháp, Nguyễn Tất Thành viết bài cho các báo, tạp chí. Những bài đăng trên các báo Le Paria, Thư tín Quốc tế, Đời sống công nhân… đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đã minh chứng cho sự thành công của việc tự học.
Được sự giúp đỡ của nghị sĩ Quốc hội Pháp là P.V.Couturier, Nguyễn Tất Thành có thẻ đọc thường xuyên của thư viện Pháp. Tại đây, Nguyễn Tất Thành khai thác được nhiều tài liệu cho việc nghiên cứu và đấu tranh chính trị… Chỉ trong một thời gian chưa đầy 10 năm sống ở Pháp, người thanh niên có chí khí ấy đã học được nhiều điều bổ ích cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của mình.
Trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành còn đi đến nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức và cả Tòa thánh Vatican để bổ sung những điều đã đọc trong sách vở. Khi đến Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại, làm việc ở Bộ Phương Đông, học ở Trường Quốc tế Lênin, nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc học và thuộc địa, Nguyễn Tất Thành tự học tiếng Nga và có những bài viết đăng báo, tạp chí và đã hoàn thành chương trình học tập ở Trường Quốc tế Lênin. Năm 1928, khi hoạt động cách mạng tại Thái Lan, Nguyễn Tất Thành đã tự học thêm tiếng Thái. Mỗi ngày học 10 chữ và chỉ sau ba tháng đã xem được báo chữ Thái.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng. Và chính cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời về tự học. Dù Người đã đi xa, song tấm gương học, học không biết mệt mỏi của Người thì vẫn còn sống mãi với muôn đời các thế hệ con cháu mai sau.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 4669, thứ hai 6-5-1974, có đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp nghiên cứu tình hình quân sự và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, kèm với ảnh là bài viết về tình cảm của Bác đối với các chiến sĩ Điện Biên.
Trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 5032, thứ ba 6-5-1975 có đăng bài viết về lực lượng công binh làm theo lời Bác.
PHẠM HUY QUỲNH (Tổng hợp)