Hắt xì hơi là một phản ứng quen thuộc của cơ thể trước những tác nhân khác nhau. Nhưng không phải ai cũng biết hắt xì là một phản ứng của hệ miễn dịch và thường mang ý nghĩa bảo vệ cơ thể.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng -Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Tại sao hắt hơi lại xảy ra?
Mũi của con người giữ nhiệm vụ quan trọng đó là lọc, làm ẩm, làm ấm không khí trước khi không khí đi vào phổi. Mũi còn tiết ra chất nhầy để loại bỏ vi khuẩn và các dị vật ra khỏi đường thở.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi thứ đều được cản lại, vẫn có những vật thể nhỏ từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào, gây kích thích lớp màng nhầy trong mũi và trong cổ họng. Khi đó, lớp màng nhầy chịu kích thích sẽ gửi tín hiệu đến não, não sẽ ngay lập tức kích hoạt phản xạ hắt hơi để loại bỏ tác nhân lạ ra khỏi khoang mũi.
Quá trình hắt xì hơi chỉ xảy ra trong vài giây. Trong quá trình hắt hơi, chúng ta thường nhắm mắt, vòm miệng mềm, lưỡi gà sẽ ép xuống, mặt sau lưỡi nâng lên để chắn lối thông khí từ phổi đến miệng, làm không khí được đẩy ra ngoài thông qua đường mũi. Hắt hơi có thể kéo theo hạt nước nhỏ, chất nhầy và cả vi khuẩn, virus nếu có.
2. Nguyên nhân thường gặp gây hắt xì hơi
2.1. Dị ứng
Hệ thống miễn dịch của con người có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây hại. Khi tình trạng dị ứng xảy ra, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ xem những vật thể hoặc sinh vật xâm nhập là mối đe dọa và cố gắng loại bỏ chúng bằng cách hắt hơi.
2.2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng do virus cảm lạnh và cảm thường cũng có thể khiến bạn hắt hơi. Theo các chuyên gia, có hơn 200 loại virus có thể gây cảm lạnh ở người, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là virus Rhino.
2.3. Một số các nguyên nhân khác
- Chấn thương vùng mũi
- Mắc các bệnh viêm họng, viêm mũi,cảm cúm
- Ngừng dùng một số thuốc như thuốc giảm đau nhóm opioid
- Hít phải các chất kích thích, dễ thấy nhất bao gồm cả bụi và hạt tiêu, mùi hành tây, mùi nước hoa, phấn hoa, mùi thuốc nhuộm trong vải...
- Hít phải không khí lạnh đột ngột.
- Ánh sáng mặt trời có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng hắt hơi (sneeze syndrome) và hội chứng này có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái.
Bệnh nhân có thể hắt hơi từng cái một hoặc hắt hơi theo từng tràng rất khó chịu. Đôi khi chỉ thời tiết chỉ thay đổi nhẹ đã khiến bệnh nhân hắt hơi liên tục. Sau khi hắt hơi có thể trở lại hoàn toàn bình thường hoặc hắt hơi cứ tiếp diễn.
3. Hắt hơi có báo hiệu bệnh lý?
Hắt hơi có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là những nghề nghiệp cần phải giao tiếp trực tiếp thường xuyên. Do đặc điểm khí hậu biến đổi ngày càng nóng, cuộc sống hiện đại phải làm việc chủ yếu trong công sở - nơi mà những phòng kính sử dụng điều hòa liên tục, làm tăng số lượng người bị hắt hơi lên đáng kể.
Hắt hơi thường hay xuất hiện vào buổi sáng, khi vừa ngủ dậy hoặc khi đang từ ngoài bước vào bên trong phòng điều hòa, đây không phải là hắt hơi do bệnh lý mà đơn giản là một phản ứng của cơ thể.
Mặt khác, dựa trên biểu hiện của cơn hắt hơi và các dấu hiệu đi kèm (chảy mũi và ngạt tắc mũi, đau nhức đầu), các bác sĩ có thể phân loại tương đối nguyên nhân tại sao, do kích ứng đột ngột hay do mắc các bệnh liên quan đến viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi dị ứng - những bệnh có tính chất gia đình.
Khi thăm khám thấy niêm mạc mũi phù nề, nhợt nhạt hoặc có màu tím nhạt, đây có thể là những khối polyp hình thành do sự thoái hóa niêm mạc mũi trong tình trạng viêm lâu ngày gây ra. Ở một số bệnh nhân, chứng hắt hơi xuất hiện vào những mùa nhất định trong năm, do đó, cần tìm đúng nguyên nhân để điều trị cho hiệu quả.
4. Khắc phục chứng hắt hơi hiệu quả
- Cách đơn giản để khắc phục đó là tìm ra nguyên nhân, dùng thuốc điều trị và thực hiện một số thay đổi đơn giản trong nhà để làm giảm kích ứng. Bạn cần vệ sinh nhà cửa, vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, tránh tắm gội vào buổi sáng sớm... Thay đổi bộ lọc không khí để đảm bảo không khí trong lành.
- Nếu nhà có thú nuôi cần thường xuyên cạo lông hoặc không cho vật nuôi ở trong nhà. Thường xuyên hút bụi trên tấm drap trải giường, chăn, gối... Trước khi vào phòng điều hòa nên hít một hơi thật sâu, sau đó thở ra từ từ khi bước chân vào phòng để làm không khí ấm hơn khi hít hơi lần hai.
- Nếu hắt hơi kéo dài và kèm theo các triệu chứng như ngạt mũi, sốt hoặc bất thường nào khác, bạn cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
- Một số loại thuốc kháng histamin dạng kê đơn và thuốc không kê đơn (loratadin và cetirizine) có thể giúp cải thiện triệu chứng nhanh chóng.
- Nếu hắt hơi là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng thì cần phối hợp với bác sĩ để tìm biện pháp xử lý.
- Kháng sinh không thể điều trị được virus gây cảm lạnh và cảm cúm. Thông thường, nếu bị cúm có thể sử dụng thuốc xịt mũi nhằm làm giảm nghẹt mũi hoặc giảm chảy nước mũi. Các thuốc kháng virus được dùng để đẩy nhanh thời gian phục hồi khi bị cúm. Người bệnh cần phải nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn.
- Nếu điều trị không kịp thời sẽ gây ra biến chứng như viêm họng, viêm thanh khí - phế quản khiến thời gian uống thuốc kéo dài, người bệnh lâu phục hồi, trường hợp cần thiết còn phải định phẫu thuật nội soi để giải quyết tình trạng polyp mũi...
5. Một số câu hỏi thường gặp khi bị hắt xì hơi
5.1. Vì sao tiêu và một số loại gia vị lại gây hắt hơi?
Thành phần của tiêu và một số loại gia vị có chứa piperine - đây là chất có thể gây kích ứng nếu đi vào mũi. Vì vậy khi nghiền hạt tiêu tươi hoặc đổ tiêu vào bình, chúng có thể gây hắt hơi.
5.2. Tại sao khi hắt hơi lại nhắm mắt?
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa lý giải được vì sao chúng ta phải nhắm mắt khi hắt hơi. Tuy nhiên theo một số nhận định, tự động nhắm mắt là cách mà cơ thể làm để ngăn chặn dị vật lạ bị “trục xuất” ra khỏi đường hô hấp xâm nhập lên mắt.
5.3. Hắt hơi khi nhìn mặt trời
Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia, có đến 1⁄3 dân số hắt hơi khi nhìn thẳng lên ánh nắng mặt trời. Hiện tượng này được gọi là “Phản xạ hắt hơi quang học” hay là “Hội chứng Achoo”.
Hiện tượng này có liên quan đến dây thần kinh sinh ba, khi ánh sáng rọi thẳng vào mắt, điều này sẽ kích thích dây thần kinh thị giác sẽ gửi tín hiệu đến não bộ, não bộ xử lý tín hiệu rồi ra lệnh cho đồng tử thu hẹp lại. Tuy nhiên, thay vì truyền tín hiệu từ não bộ đến mắt thì đã truyền nhầm đến mũi, hình thành phản xạ hắt hơi.
5.4. Khi ngủ có hắt hơi không?
Giấc ngủ có cơ chế đặc biệt có thể khiến chúng ta không bị hắt hơi khi ngủ. Theo các chuyên gia, khi ngủ là do chúng ta ít tiếp xúc với dị vật gây kích ứng mũi như lông động vật, ánh sáng mặt trời... làm hạn chế kích thích đến mũi.
Bên cạnh đó, hai giai đoạn của ngủ là REM (chuyển động mắt nhanh) và non-REM (mắt hầu như không chuyển động) đều có những cơ chế đặt biệt làm ngăn cản hắt hơi.
Hắt xì hơi là một phản ứng quen thuộc của cơ thể trước những tác nhân khác nhau. Tuy nhiên nếu tình trạng hắt hơi kéo dài mà không tìm ra nguyên nhân thì bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và tìm ra hướng điều trị phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đạt chuẩn đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.