Những năm qua thành phố Hải Phòng luôn dành sự quan tâm, hoạch định và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các đơn vị tư nhân, các tổ chức kinh doanh điện tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng, hướng đến sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích động lực cho sự phát triển năng lượng tái tạo, song song với việc đó, thành phố tập trung phát triển mạnh kết cấu hạ tầng điện theo hướng đồng bộ hiện đại, theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.
1. Về đầu tư phát triển và khả năng cung cấp năng lượng thành phố Hải Phòng:
1.1. Về than, dầu, khí: Trên địa bàn thành phố Hải Phòng không có trữ lượng than. Về tiềm năng phát triển nguồn nhiệt điện, thủy điện trên địa bàn không phải là lợi thế và thành phố cũng không có các mỏ dầu, khí. Do đó khả năng tự cung cấp các nguồn năng lượng gần như không có, đều phải sử dụng thông qua các nhà phân phối, đến nay hệ thống phân phối than, dầu, khí cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của thành phố.
- Về than: Theo dự báo, nhu cầu nguyên liệu than phục vụ chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện và sản xuất xi măng của thành phố là khoảng 45 triệu tấn than cho giai đoạn 2021-2030 và khoảng 60 triệu tấn than cho giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, nguồn khoáng sản than nâu và than bùn chưa được điều tra đánh giá cũng như thăm dò để xác định quy mô tài nguyên và chất lượng khoáng sản. Do đó, chưa có phương án thăm dò khai thác đối với nguồn nhiên liệu này, chủ yếu sử dụng than nhập khẩu và mua từ các tỉnh lân cận.
Do không có mỏ khoáng sản than, chỉ có hoạt động tập kết, chế biến và kinh doanh than với 36 doanh nghiệp hoạt động chế biến, kinh doanh. Nguồn nguyên liệu khoáng sản than tại thành phố Hải Phòng chủ yếu được vận chuyển từ tỉnh Quảng Ninh đưa về các bến cảng, kho bãi của thành phố Hải Phòng, sau khi chế biến được vận chuyển đi các địa phương để tiêu thụ. Cơ bản các doanh nghiệp có quy mô, bến bãi lớn bao trùm hoạt động chế biến, kinh doanh than trên địa bàn thành phố; có doanh nghiệp hiện đang khai thác từ 03 đến 05 bãi lớn tập kết lớn như: Công ty Kinh doanh than Hải Phòng, Công ty Cổ phần vận tải Thủy VINACOMIN...
Hiện nay lượng than tập kết tại các bãi trên địa bàn thành phố chủ yếu do Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty than Đông Bắc và một số doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu than, nhập khẩu từ các nước Indonesia, Nga, Úc, Nam Phi... bằng các tàu có trọng tải lớn về neo đậu tại khu vực Vịnh Lan Hạ, sau đó làm thủ tục Hải quan và dùng các tàu tự hành, xà lan cỡ nhỏ chuyển tải về các bãi và phối trộn với than trong nước có nguồn gốc từ Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, thép, xi măng... trên toàn quốc.
- Về dầu khí: Do không có hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, chỉ có các doanh nghiệp hoạt động tồn chứa, kinh doanh khí, thành phố Hải Phòng hiện là đầu mối cho việc nhập khẩu và phân phối khí cho công nghiệp và các hộ tiêu thụ dân sinh tại thành phố và các tỉnh khu vực phía Bắc.
+ Số lượng kho tồn chứa xăng dầu trên địa bàn thành phố Hải Phòng là 09 kho địa điểm tập trung tại các khu vực Đình Vũ, Thượng Lý và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, hoạt động nhập, tồn chứa, phân phối xăng dầu với tổng công suất khoảng 427.700 m³ (công suất trung bình khoảng 47.500 m³/01 kho);
+ Số lượng kho tồn chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) là 12 kho, với tổng công suất khoảng 61.870 m³, trong đó có 10 kho thuộc Khu công nghiệp Đình Vũ với tổng công suất khoảng 56.370 m³. Có 05 kho LPG thuộc kho đầu mối với quy mô trên 5.000 m³ tại Khu công nghiệp Đình Vũ theo quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 và 05 kho LPG với quy mô dưới 5.000 m³ thuộc Khu công nghiệp Đình Vũ được tích hợp vào Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ 1516/QĐ-TTg phê duyệt tại Quyết định số 151 ngày 02/12/2023, tiếp tục hoạt động, khai thác; đồng thời quy hoạch kho LPG Đình Vũ xây mới giai đoạn 2021-2025 với sức chứa 10.000 m³, giai đoạn 2026-2030 với sức chứa 24.000 m³.
+ Số lượng kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hiện mới đang triển khai xây dựng 01 kho LNG Miền Bắc, công suất 80.000m³ (giai đoạn 1: 35.000m³) tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ Dự án do Công ty cổ phần công nghệ Năng lượng Đông Dương (ITECO) làm chủ đầu tư.
1.2. Về phát triển điện:
Về nguồn điện: Trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 2 nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và Nhiệt điện Hải Phòng 2 đang hoạt động với quy mô công suất 4x300MW, cung cấp điện năng cho hệ thống lưới điện quốc gia 220kV và hệ thống lưới điện 110kV khu vực thành phố Hải Phòng, góp phần quan trọng trong việc ổn định cung cấp điện cho nút hệ thống điện của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các khu vực lân cận.
Ngoài ra, nguồn điện gió trên bờ là 3,3MW; nguồn điện mặt trời khoảng 28,7 MWp; nguồn điện rác thành phố đang triển khai thủ tục hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Đình Vũ công suất 20MW. Dự kiến đưa vào vận hành tháng 12/2025.
- Về lưới điện: Trên địa bàn thành phố Hải Phòng không có lưới 500kV, thành phố đang được cấp điện qua 05 TBA 220kV và đường dây 220kV trở xuống.
2. Các biện pháp đã được thành phố Hải Phòng triển khai:
Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường nhằm chuyển dịch cơ cấu nguồn điện theo xu hướng giảm tỷ trọng điện than, tăng các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững, đặt ra lộ trình chuyển đổi xanh và bền vững ngành điện hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26. Ngày 27/12/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3499/QĐ-UBND về việc danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó dự án nhiệt điện than nằm trong danh mục dự án không chấp thuận đầu tư.
Với vị trí địa lý không có trữ lượng than, tiềm năng phát triển nguồn nhiệt điện, thủy điện trên địa bàn không phải là lợi thế, tuy nhiên, thành phố Hải Phòng được cho là có tiềm năng trong phát triển nguồn điện tái tạo đặc biệt điện gió ngoài khơi. Thành phố Hải Phòng luôn nỗ lực tham gia chuyển dịch năng lượng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian vừa qua, trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có nhiều văn bản đề xuất gửi Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ, xem xét đưa các dự án phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi dự kiến phát triển trên địa bàn thành phố Hải Phòng vào Quy hoạch Điện VIII để các nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện. Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 nguồn điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ là 2.500MW chưa được phân định cho các tỉnh thành.
Xác định rõ nguồn lực đầu tư cho các dự án điện với quy mô, khối lượng, kinh phí rất lớn trong bối cảnh nguồn lực của ngành điện còn nhiều hạn chế vì cần phải ưu tiên tập trung cho cả các công trình điện trọng điểm trên khắp cả nước và cho các dự án điện phục vụ dân sinh, an sinh xã hội ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, miền núi hải đảo, những năm qua thành phố Hải Phòng luôn dành sự quan tâm, hoạch định và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các đơn vị tư nhân, các tổ chức kinh doanh điện tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm sinh kế và an sinh xã hội cho người dân sinh sống ở các khu vực dự án phát triển năng lượng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được Ủy ban nhân dân các quận, huyện tích cực tuyên truyền vận động đển người dân chấp hành. Đến nay cơ bản người dân chấp hành các chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng.
Quá trình triển khai các chính sách, kêu gọi đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng các dự án năng lượng đều thực hiện lấy ý kiến góp ý của các cơ quan quản lý quốc phòng, an ninh theo quy định... Hoạt động bảo đảm an ninh năng lượng gắn với bảo đảm an ninh phi truyền thống luôn được chú trọng; công tác phối hợp giữa các lực lượng, giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia được thực hiện thường xuyên.
Do đặc thù thời tiết miền Bắc, mùa hè và mùa đông có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ nên khó khăn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng cấp điện để dự trữ, dự phòng năng lượng điện. Để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, tránh xảy ra quá tải cục bộ vào mùa hè Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện thông qua hệ thống loa phát thanh, truyền hình, các hội nghị; hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị điện đúng quy định, vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế sử dụng các thiết bị công suất lớn vào giờ cao điểm nhằm duy trì trạng thái ổn định, nâng cao chất lượng điện chống quá tải, giảm thiểu sự cố cho hệ thống điện; xây dựng lịch chiếu sáng hợp lý theo khung thời gian và điều kiện thời tiết; thay thế các đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo bằng đến tiết kiệm điện; áp dụng các giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng công cộng...; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động, nhân dân; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trang bị phương tiện hỗ trợ một số cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kịp thời đề xuất, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khai thác, sản xuất, vận hành năng lượng trên địa bàn thành phố.
3. Khó khăn, vướng mắc:
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024, nguồn điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ là 2.500 MW chưa được phân định cho các tỉnh thành, do đó việc đấu nối dự án điện gió vào lưới điện khu vực thành phố Hải Phòng cũng như lưới truyền tải quốc gia hiện chưa được tính toán cân bằng công suất đảm bảo hài hoà với nhu cầu phụ tải. Mặt khác, các quy định, tiêu chuẩn, kỹ thuật, đánh giá khảo sát môi trường, xã hội về điện gió xa bờ còn thiếu và chưa đồng bộ vì thế công tác khảo sát và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi gặp khó khăn. Do điện gió là điện năng chỉ được tạo ra khi có gió và công suất phát ra thay đổi theo mức gió, vùng thuận lợi cho đặt nhà máy cũng thường cách xa vùng tiêu thụ, gây khó khăn rất lớn trong công tác vận hành, ổn định hệ thống; khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật.
- Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần được hướng dẫn, làm rõ. Việc đánh giá hiệu quả của các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn lúng túng. Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể về các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như phương pháp đánh giá hiệu quả của từng giải pháp để các cơ quan, đơn vị có cơ sở thực hiện.
- Các Văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, đặc biệt là việc triền khai, hướng dẫn địa phương thực hiện Luật Quy hoạch về phương án phát triển điện lực tích hợp vào Quy hoạch cấp tỉnh theo điều e khoản 2, 3 Điều 27 Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 quy định: “Phương án phát triển mạng lưới cấp điện, bao gồm các công trình cấp điện và mạng lưới truyền tải điện đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn; mạng lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối"; "Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan".
Tuy nhiên, pháp luật về quy hoạch chưa xác định rõ mức độ tích hợp, phạm vi cấp điện áp đến bao nhiêu kV sẽ tích hợp vào danh mục chi tiết các công trình mạng lưới truyền tải và phân phối điện cấp tỉnh, cấp điện áp nào sẽ tích hợp vào quy hoạch cấp quận, huyện. Thực tế hiện nay một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh chỉ tích hợp ở cấp điện áp 110kV, cấp điện sau 110kV không được tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh. Một số địa phương tích hợp từ 110kV trở xuống... dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương. Mặt khác, pháp luật về quy hoạch chưa có quy định hướng dẫn về trình tự thủ tục lập, điều chỉnh, thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự án công trình điện vào phương án phát triển điện lực - tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh dẫn đến công tác quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc điều chỉnh bổ sung Quy hoạch đối với các công trình điện, trong việc tích hợp phương án phát triển điện lực vào quy hoạch tỉnh (thành phố). Trong khi đó, thành phố Hải Phòng luôn luôn vận động phát triển điện phải đi trước một bước nhiều công trình điện do nhu cầu cấp thiết cần phải đầu tư xây dựng. Muốn đầu tư xây dựng được phải phù hợp quy hoạch theo quy định của Luật điện lực. Các công trình điện chưa có trong quy hoạch cần phải bổ sung điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng tuân thủ quy định Điểu 11 Luật Điện lực.
4. Kiến nghị, giải pháp:
Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật tạo dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như sau:
- Đề xuất Quốc hội: Chỉ đạo xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo, hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào trong Luật Điện lực.
- Đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan
- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết phương án phát triển điện lực tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh.
- Xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn trong công tác bàn giao công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo Quyết định 41/2017/QĐ-TTg.
- Sớm Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng (năng lượng tái tạo) phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng.
- Xây dựng và bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải và chất thải trong ngành năng lượng theo hướng phù hợp với những tiêu chuẩn của các nước phát triển.
- Nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xin có một số ý kiến tham luận như trên. Một lần nữa, thay mặt thành phố Hải Phòng xin kính chúc toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.