Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi nghỉ việc mà thất nghiệp thì có thể được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Vậy trợ cấp thất nghiệp là gì? Điều kiện và thủ tục hưởng chế độ này như thế nào? Mời bạn hãy cùng EBH tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền người lao động có thể được nhận khi thất nghiệp
Trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là một trong các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm, học nghề và tìm việc làm mới trên cơ sở khoản trích tiền lương đã đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Điều 42 Luật Việc Làm năm 2013, 4 quyền lợi của chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động gồm có:
1) Được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.
2) Được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm mới.
3) Được hỗ trợ học nghề.
4) Được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Như vậy, trợ cấp thất nghiệp là một trong 4 quyền lợi mà người lao động được nhận khi tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là khoản tiền trợ cấp được trích từ quỹ BHTN để chi trả cho người lao động bị mất việc làm căn cứ vào quá trình tham gia đóng BHTN của người lao động trước đó.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng các điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm, lý do chấm dứt hợp đồng lao động và thời hạn nộp hồ sơ. Cụ thể là căn cứ theo Điều 49, Mục 3 của Luật Việc Làm 2013, người lao động sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.
- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
2) Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn (điểm a,b khoản 1 điều 43);
3) Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (điểm c khoản 1 điều 43).
Tuy nhiên, từ ngày 01/1/2021 hợp đồng mùa vụ đã bị bãi bỏ và chỉ còn 2 loại hợp đồng được ghi nhận là hợp đồng xác định và không xác định thời hạn (Điều 20 Bộ Luật lao động 2019);
4) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
5) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ 06 trường hợp sau:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù.
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Chết.
Người lao động thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tỷ lệ 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, căn cứ theo khoản 1 điều 8 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và khoản 1 điều 50 Luật Việc Làm 2013 có nêu rõ như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng:
+) 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
+) Không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Theo Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng được tính theo công thức sau:
Mức hưởng TCTN = 60% x (mức tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề đóng vào quỹ BHTN trước khi thất nghiệp)
Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng BHTN thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng TCTN là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng BHTN trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định.
Tuy nhiên, mức tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp còn phụ thuộc vào chế độ lương và vùng lương của người lao động. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không được vượt quá:
+) 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Trong đó mức lương cơ sở từ 01/7/2023 là 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mức hưởng TCTN năm 2023 tối đa không được vượt quá 1,8 x 5 = 9 triệu đồng/người/tháng.
+) 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Như vậy, đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng TCTN tối đa là từ 16,25 triệu đồng/người/tháng đến 23,4 triệu đồng/người/tháng (căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng mới nhất năm 2023)
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào số tháng đóng bảo hiểm, tối đa là 12 tháng. Theo đó, căn cứ tại khoản 2 điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định về thời gian hưởng TCTN được quy đổi như sau:
- Người lao động đóng BHTN đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng tiền TCTN.
- Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Bạn có thể tham khảo bảng quy đổi thời gian tham gia đóng BHTN tương ứng với số tháng được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động đủ điều kiện hưởng như sau:
Số tháng đóng BHTN
Số tháng nhận TCTN
Dưới 12 tháng
0 tháng
Từ đủ 12 tháng - dưới 48 tháng
3 tháng
Từ đủ 48 tháng - dưới 60 tháng
4 tháng
Từ đủ 60 tháng - dưới 72 tháng
5 tháng
....cứ đóng đủ 12 tháng...
...thêm 1 tháng...
Từ đủ 154 tháng - dưới 166 tháng
12 tháng
Từ 166 tháng trở lên
12 tháng
Bảng quy đổi số tháng hưởng TCTN theo thời gian đóng BHTN
Người lao động được hưởng TCTN từ ngày thứ 16 kể từ ngày nộp đủ hồ sơ
Căn cứ tại Khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày người lao động nộp đủ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp cho Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nơi người lao động muốn nhận tiền trợ cấp.
Như vậy, bạn sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp sau khi đã nộp đủ hồ sơ và chưa tìm được việc làm trong thời gian 15 ngày làm việc.
Thời gian giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 20 ngày làm việc căn cứ theo khoản 1 điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về việc giải quyết hưởng TCTN cho người lao động.
Theo đó trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Trung tâm DVVL xem xét trình Giám đốc Sở LĐTBXH để quyết định việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Đối với trường hợp người lao động gửi hồ sơ đề nghị hưởng TCTN theo đường bưu điện thì ngày nhận hồ sơ được tính là ngày chuyển đến ghi trên dấu bưu điện.
Người lao động chưa tìm được việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ và được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH quyết định hưởng TCTN thì trung tâm DVVL xác nhận về việc đã giải quyết hưởng TCTN của người lao động vào sổ BHXH và gửi lại người lao động cùng với quyết định hưởng trợ cấp sau khi chụp sổ BHXH để lưu hồ sơ.
Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định và trung tâm DVVL có trách nhiệm gửi:
+) 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động;
+) 01 bản đến người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm DVVL phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người lao động có thể nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp sau khoảng 25 ngày làm việc kể từ khi nộp hồ sơ. Căn cứ theo điểm 2 khoản 1 điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP về việc chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp như sau:
1) Thời gian chi trả trợ cấp thất nghiệp cho tháng đầu tiên là 5 ngày làm việc do tổ chức BHXH thực hiện chi trả cho người lao động kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp (theo điểm a khoản 2 điều 18).
2) Từ tháng thứ 2 trở đi, tổ chức BHXH thực hiện chi trả tiền trợ cấp cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 7 của tháng hưởng TCTN đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp đối với người lao động (theo điểm b khoản 2 điều 18)
Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo.
Quy định mới về tính tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp
[Mới] Căn cứ theo Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024 do Bộ LĐTBXH ban hành sửa đổi, bổ sung Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2024 sẽ được tính theo tháng dương lịch.
Cụ thể, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày bắt đầu hưởng trợ cấp (theo khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm 2013) đến ngày đó của tháng sau trừ đi 01 ngày.
Nếu tháng tiếp sau đó không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp là ngày cuối cùng của tháng đó.
Bạn có thể tham khảo cách tính trong ví dụ sau của Anh A đóng bảo hiểm 4 năm được hưởng 4 tháng trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng từ 01/1/2024 đến hết 30/4/2024. Áp dụng cách tính trên thì tháng hưởng trợ cấp TN của anh A được xác định như sau:
Tháng hưởng thứ 1: từ 01/1/2024 đến hết 31/1/2024.
Tháng hưởng thứ 2: từ 01/2/2024 đến hết 29/2/2024.
Tháng hưởng thứ 3: từ 01/3/2024 đến hết 31/3/2024.
Tháng hưởng thứ 4: từ 01/4/2024 đến hết 30/4/2024.
Theo quy định tại khoản 3 điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sau thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu bạn không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) đúng hẹn thì bạn sẽ bị coi là không có nhu cầu hưởng TCTN và quyết định hưởng TCTN của bạn sẽ bị hủy. Trừ các trường hợp sau đây:
1) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
2) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
3) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến nhận quyết định hưởng chế độ theo quy định, trung tâm DVVL trình Giám đốc Sở LĐTBXH quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quy định và được trung tâm DVVL gửi 1 bản đến cơ quan BHXH cấp tỉnh để không chi trả TCTN cho người lao động và 1 bản cho người lao động.
Thời gian hưởng TCTN sẽ được bảo lưu cho lần nhận trợ cấp tiếp theo khi bạn đủ điều kiện.
Theo Điều 16, Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
1) Sổ bảo hiểm xã hội và các tờ rời (bản photo)
2) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu số 01 do Bộ LĐTBXH quy định.
3) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như: Hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động, quyết định thôi việc, quyết định sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (quy định tại Điểm c Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm 2013) tham gia BHTN thì nộp giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định.
4) 2 ảnh 3x4 (nếu có)
5) Thẻ CCCD/CMND để xuất trình hoặc đối chiếu thông tin.
Bạn có thể xem thêm chi tiết về hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất tại đường dẫn sau: https://ebh.vn/tin-tuc/lam-bao-hiem-that-nghiep-can-nhung-giay-to-gi
Người lao động có thể làm thủ tục hưởng TCTN trực tiếp hoặc online
Quy trình làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp tại trung tâm DVVL như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì TTDVVL thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, TTDVVL ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động. Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì TTDVVL phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.Thời điểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp là từ ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ.
Bước 3: Nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH tại địa phương thực hiện chi trả tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ BHYT.
Hàng tháng, cơ quan BHXH thực hiện chi trả tiền trợ cấp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Bước 4: Thông báo tìm việc hàng tháng của người lao động:
Hàng tháng người lao động phải đến TTDVVL thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng TCTN, trường hợp chưa tìm được việc làm (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định trợ cấp thất nghiệp).
Bạn có thể xem thêm thông tin chi tiết về quy trình và thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp Tại đây
Để đăng ký trợ cấp thất nghiệp trực tuyến qua cổng dịch vụ công, bạn có thể làm theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia và đăng nhập bằng tài khoản Dịch vụ công quốc gia.
Bước 2: Tìm kiếm và chọn dịch vụ công "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp" và nhấn nút "Nộp trực tuyến".
Bước 3: Nhập thông tin đơn đề nghị hưởng TCTN theo mẫu số 01 và tải lên bản chụp/scan giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Bước 4: Chọn nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp, có thể là qua tài khoản ngân hàng hoặc tại cơ quan BHXH quận/huyện nơi cư trú.
Bước 5: Gửi hồ sơ và chờ xác nhận của Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH.
Bạn có thể xem thêm thông tin chi tiết về các bước, thủ tục và điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp online tại đường dẫn sau: https://ebh.vn/bao-hiem-that-nghiep/thu-tuc-huong-tro-cap-that-nghiep-online
Trên đây là những chia sẻ từ bảo hiểm xã hội điện tử EBH về quyền lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc. Nếu bạn có những thắc mắc cần giải đáp, bạn vui lòng liên hệ Trung tâm dịch vụ việc làm, gọi điện đến tổng đài CSKH BHXH Việt Nam 1900 9068 (phí 1000 đồng/phút) hoặc liên hệ với EBH để được trợ giúp.
Tài Phạm - EBH
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/cach-tinh-bh-that-nghiep-a11195.html