Quảng Trị là vùng đất đặc biệt, nổi tiếng với những dấu ấn lịch sử khó quên cùng nhiều điểm tham quan và cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp. Bên cạnh đó, đến đây, bạn không thể nào bỏ qua những món ăn đặc sản Quảng Trị ngon trứ danh.
1. Thịt trâu lá trơng
Thịt trâu lá trơng là món ăn đặc sản Quảng Trị tuy dân dã nhưng thu hút thực khách gần xa. Món ăn được tạo nên từ thịt trâu và lá trơng. Thịt trâu với nhiều công dụng bổ dưỡng, chữa được nhiều loại bệnh như đau lưng, phù chân, phong thấp… Thậm chí có người còn cho rằng thịt trâu tốt hơn thịt bò.
Với 2 nguyên liệu là thịt trâu và lá trơng, người ta có thể chế biến thành 2 món ăn, đó là thịt trâu lá trơng nướng và thịt trâu lá trơng xào. Nếu du khách thích vị ngọt mềm, thơm của thịt trâu còn nguyên vị thì có thể thưởng thức thịt nướng với rau cải, tiêu ớt xanh và nước tương pha tương ớt. Còn nếu muốn đậm vị hơn thì thử qua thịt xào vừa chín tới. Món nào cũng đều thơm ngon vô cùng!
2. Lòng sả
Nghe tên món ăn có vẻ lạ lẫm nhưng làm người ta liên tưởng đến cháo lòng của người miền Bắc. Món ăn với các nguyên liệu như tiết heo hoặc tiết vịt được đánh tan vụn, đổ nước vào nấu cùng gạo rang, đậu xanh cho nhừ, lòng heo hoặc vịt được làm sạch, thái miếng vừa ăn rồi thả vào nồi đang đun, sôi lần nữa là có thể ăn.
3. Cháo vạt giường
Dân địa phương hay gọi là cháo cá, còn người ở phương xa đến thì hay nhắc với cái tên cháo vạt giường. Sở dĩ có cái tên cháo cá vạt giường bởi sợi bột của cháo có hình khối dài giống như chiếc vạt giường. Cháo cá vạt giường được nấu bằng bột gạo, bột lọc hoặc bột mì tùy theo sở thích mỗi người. Phổ biến nhất vẫn là nấu từ bột gạo, gạo được vo sạch và ngâm nước, sau đó xay nhuyễn rồi cho vào những tấm vải sạch, buộc kĩ, dằn đá lên cho khô thành từng tảng lớn. Tiếp theo là nhào thành bột, dùng ống tre, hoặc chày gỗ cán mỏng thành tấm rồi thái đều.
Để làm nên món ăn này phải có nguyên liệu chính là cá lóc. Người ta chọn những con cá lóc đồng, to, săn chắc, có màu đen bóng, chắc thịt và tươi ngon. Sau khi làm sạch cá thì để nguyên con luộc, sau đó lóc thịt, xương, đầu, lòng riêng ra, mỗi thứ ướp kỹ cùng với các gia vị khác như muối, tiêu, ném, ớt, nước mắm… để thịt cá thêm đậm đà. Phần xương và đầu cá thì xay nhuyễn và nấu nước dùng. Khi mọi nguyên liệu được chuẩn bị xong, chỉ cần cho ít sợi bột gạo vào tô, thêm một vài lát cá đã ướp sẵn rồi chan nước dùng ninh từ xương cá vào. Rắc lên tô cháo một ít hành lá, hành phi, người thích ăn cay thì có thể thêm ít ớt ngâm nước mắm, hạt tiêu để tạo độ thơm. Khi thưởng thức cháo cá, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của nước dùng, vị đậm đà, mặn mà của cá đã thấm gia vị, vị dai ngon của sợi bột, cùng vị cay nồng của tiêu, ớt.
4. Bắp hầm
Bắp hầm được nấu từ những hạt bắp dẻo, thơm, tròn mẩy, người ta phải chọn đúng loại bắp nếp màu trắng. Sau khi ngâm bắp qua đêm, họ sẽ đun bắp với lửa nhỏ bằng củi khô. Khi hạt bắp vừa chín tới, họ tiếp tục cho vào nồi đậu xanh hầm nhừ và trộn gia vị, đảo thật đều. Tuy công đoạn chế biến đơn giản, nhưng việc canh nồi bắp hầm sao cho vừa đủ độ dẻo nhưng bắp vẫn ráo khô, không bị nhão là cả một nghệ thuật, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo của người đứng bếp. Bắp mềm thơm, có vị béo bùi, ăn kèm muối, đường, đậu phộng thơm ngon khó cưỡng.
5. Bún hến Mai Xá
Bún hến Mai Xá là một đặc sản nổi tiếng của làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị). Gọi là bún hến nhưng món ăn này thực ra làm từ con chắt chắt chứ không phải con hến như tên của món ăn. Chắt chắt nhỏ hơn hến một chút nhưng có vị bùi, béo ngậy hơn. Chắt chắt được làm sạch và phi thơm với hành, gia vị cho đến khi săn lại rồi đổ nước vào. Người ta cho thêm miếng gừng để nồi nước dùng thêm ngon lành, ít béo. Cho bún vào bát, thêm ít rau thơm, ngò lên trên và chan một vá nước dùng là có thể thưởng thức ngay. Khi ăn, bạn có thể thêm chén ớt tươi, gừng giã sao cho thật cay, thật nhuyễn để bên cạnh và thưởng thức mới đúng vị của món ngon Quảng Trị này.
6. Canh ám làng Lam
Canh ám Làng Lam luôn là một trong những món ăn đặc sản của quê hương Hải Lăng (Quảng Trị). Nguyên liệu chính làm nên món ăn này chính là cá lóc và rau sôông. Để đảm bảo món ăn Quảng Trị này ngon đúng chuẩn thì cá lóc phải là loại cá lóc đồng, chắc thịt tươi ngon. Đặc biệt, nếu chọn được cá lóc có trứng thì càng thêm ngon và hấp dẫn hơn. Rau sôông là loại rau phải vừa mới hái xuống, rửa sạch và chế biến ngay. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị béo béo, chua chua pha chút vị chát.
7. Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là loại bánh không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết ở Quảng Trị, để thờ cúng tổ tiên. Khi thưởng thức sẽ có cảm giác bánh dẻo dẻo, bùi bùi, thơm mùi lá gai hòa lẫn vị ngọt của nhân đậu và nếp. Bánh ít lá gai là một đặc sản xứ Quảng đậm chất mộc mạc, bình dị như chính con người nơi đây. Bánh ít dẻo thơm có phần nhân đậu xanh mềm mịn, cùng một ít gừng thơm ngon.
8. Bánh ướt Phương Lang
Làng Phương Lang thuộc xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Bánh ướt Phương Lang từ lâu đã trở thành đặc sản gắn liền với địa danh của làng mỗi khi nhắc đến. Món bánh này cũng gắn với làng nghề bánh ướt Phương Lan lâu năm. Nguyên liệu chính để làm bánh ướt Phương Lang chính là gạo, mang hương vị thơm ngon và trở nên thân thuộc với người nông dân nơi đây.
Người ta vo gạo sạch sẽ và ngâm nước qua đêm. Sau đó tiến hành xay gạo thành bột nước, rồi tráng trên một chiếc nồi hơi đang sôi. Cách làm bánh ướt Lang Phương rất đơn giản, nhưng người làm bánh phải khéo léo để bánh không quá dày, cũng không quá mỏng. Ăn cùng bánh ướt Phương Lang không thể thiếu thịt heo luộc và rau sống, đặc biệt là chén nước chấm được làm từ nước mắm, có pha đường và ớt cay.
9. Bún nghệ
Bún nghệ là món ăn dân dã quen thuộc với nhiều người dân Quảng Trị, mang đến hương vị cay nồng của nghệ tươi Vĩnh Linh, tiêu xanh vùng Cùa và hương vị được chắt chiu từ những tinh hoa của vùng đất Quảng Trị.
Nguyên liệu chính của món ăn này bao gồm: lòng heo, bún, nghệ tươi Vĩnh Linh giã nhỏ, tiêu xanh vùng Cùa. Lòng heo được làm sạch, cắt miếng vừa ăn và ướp cùng các gia vị. Nghệ tươi, phải là loại nghệ địa phương trồng trên đất đỏ Vĩnh Linh, củ tuy nhỏ nhưng rất cay nồng. Nghệ tươi được cạo sạch vỏ, đập và băm nhỏ. Sau khi lòng heo thấm gia vị thì đem xào cùng với hành tím, tỏi cho săn lại rồi bỏ nghệ băm nhỏ vào xào đến lúc chín, sau đó cho bún vào xào tiếp cho đến khi sợi bún hơi khô và cháy cạnh, tỏa mùi thơm nồng rồi nêm thêm gia vị. Một tô bún nghệ thơm, có màu vàng tươi bắt mắt, chan một ít nước mắm ớt cay nồng và thêm ngò xanh, tiêu xanh, rắc thêm một ít tiêu bột, vậy là có ngay một đĩa bún nghệ thơm, “ngon nức lòng” thực khách.
Theo iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
iVIVU.com Tháng Tư 25, 2023
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/dac-san-quang-tri-a11412.html