Thông thường, một câu văn được cho là phức tạp nếu chúng có thể kết hợp được nhiều mệnh đề ở trong câu. Người học cũng thường được hướng dẫn sử dụng các liên từ, mệnh đề quan hệ hay mệnh đề danh từ để cấu thành một câu phức, từ đó thể hiện được khả năng ngữ pháp đa dạng của mình. Tuy nhiên, rất ít người học quan tâm đến vị trí đặt mệnh đề chính ở trong câu và ảnh hưởng của nó lên ý nghĩa của câu. Trước khi tìm hiểu về cumulative sentence, chúng ta xem xét 2 câu văn sau:
The government should enact a zero-tolerance policy on littering, a regulation banning all plastic products in public places, severely punishing anyone who wants to break the law.
Because of the need for a regulation that bans all plastic products in public places, the government should enact a zero-tolerance policy on littering, severely punishing anyone who wants to break the laws
2 câu văn này mang ý nghĩa tương đồng với nhau, chỉ khác vị trí đặt mệnh đề chính (phần gạch dưới) của câu văn. Câu văn đầu tiên thì dễ theo dõi hơn, có thể dễ dàng nhận thấy được ý chính của người viết, sau đó sẽ là phần giải thích chi tiết hơn của ý chính đó. Ngược lại, ở câu văn thứ 2, việc xác định ý chính của người viết là tương đối khó khăn, vì mệnh đề chính được đặt ở giữa 2 mệnh đề phụ tương đối dài và phức tạp. Thông qua ví dụ này, có thể thấy rằng, vị trị đặt mệnh đề chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự rõ ràng của nghĩa câu.
Nhận biết được tầm quan trọng của việc đó, bài viết sau sẽ giới thiệu một cấu trúc mà có thể giúp các câu văn trở nên rõ ràng, dễ tiếp cận hơn đối với người đọc. Cấu trúc đó được gọi là “cumulative sentence” - cấu trúc sử dụng mệnh đề chính làm thành phần đầu tiên của câu.
Key takeaways
Việc có thể hình thành câu phức là một trong những yếu tố quyết định số điểm của người viết trong bài thi IELTS Writing Task 2.
Để có một câu phức rõ ràng và hiệu quả, ngoài việc sử dụng chính xác cấu trúc ngữ pháp, người viết cần chú ý đến vị trí của các mệnh đề chính/phụ trong câu.
Việc viết câu theo cấu trúc cumulative có thể giúp câu văn trở nên rõ ràng, dễ theo dõi đối với người đọc.
Điều này cũng góp phần làm tăng điểm số ở phần Coherenceand Cohesion và Grammatical range and accuracy của bài viết.
Dựa theo từ điển Merriam-Webster, mệnh đề độc lập là mệnh đề có thể đứng một mình như một câu hoàn chỉnh mặc dù thường sẽ được sử dụng để tạo thành một câu dài hơn. Một câu hoàn chỉnh chỉ cần 2 thành phần: Chủ ngữ và động từ.
Ví dụ: We arrived.
Trong ví dụ trên, “we” là chủ ngữ của câu còn “arrived” là động từ. Đây là một câu hoàn chỉnh và hoàn toàn có thể đứng một mình, không cần thêm thành phần nào khác.
Mệnh đề phụ thuộc không thể tạo nên một câu hoàn chỉnh khi đứng một mình. Nó thường được nối với mệnh đề chính của câu bằng một liên từ.
Ví dụ: I went out on the bike that Mary gave me for my birthday.
Trong ví dụ trên, mệnh đề chính của câu là “I went out on the bike”, một câu hoàn chỉnh và có thể đứng riêng lẻ. Vế còn lại “that Mary gave me for my birthday” là một mệnh đề phụ thuộc, đóng vai trò bổ ngữ cho mệnh đề chính. Mệnh đề này cũng chứa những thành phần chính của câu, như chủ ngữ (Mary) và động từ (gave), tuy nhiên, việc xuất hiện của liên từ phụ thuộc (that) làm cho mệnh đề này không thể đứng riêng lẻ như là một câu hoàn chỉnh. Liên từ này cũng làm cho mệnh đề này phụ thuộc vào mệnh đề chính, bởi vì mệnh đề chính chứa tân ngữ (bike) mà động từ ở mệnh đề phụ thuộc đề cập đến.
Ngoài việc sử dụng liên từ ra, người viết còn có thể sử dụng các cấu trúc ngữ pháp khác như bổ ngữ, mệnh đề quan hệ, mệnh đề danh từ hay cụm phân từ để cấu thành một câu phức.
Mệnh đề quan hệ: The government should organise a campaign which encourages people to do exercise more frequently.
Cụm phân từ : Having been cleaned this way, the bottles are then sent to a factory.
Mệnh đề danh từ: What the citizens need is not the promises of the government.
Cumulative sentences: Là các câu văn mà bắt đầu bằng mệnh đề chính, theo sau sẽ là các mệnh đề hoặc cụm từ phụ thuộc. Để hiểu được ý chính của người viết, người đọc sẽ chỉ cần nắm được ý nghĩa của mệnh đề chính (phần đầu của câu) mà không cần phải đi đến các mệnh đề phụ thuộc hoặc cụm từ bổ nghĩa phía sau.
Vì lí do này, Harris (2002), tác giả của quyển Writing with Clarity and Style: A Guide to Rhetorical Devices for Contemporary Writers, cho rằng phần lớn câu văn nên được viết theo cấu trúc này vì nó tạo cho người đọc cảm giác dễ hiểu và theo dõi. Thậm chí, những nhà văn chuyên nghiệp cũng rất thường xuyên sử dụng cummulattive sentences trong bài viết của họ.
Ví dụ của “cumulative sentence”: The government should enact a zero-tolerance policy on littering, banning all plastic products in public places, severely punishing anyone who wants to break the law.
Câu văn trên sẽ dễ theo dõi với người đọc vì ý chính được đặt ở ngay đầu câu văn, phần phía sau sẽ đưa ra thêm thông tin chi tiết cho mệnh đề chính này. Ngoài tác dụng này, cumulative sentences còn tạo ra “nhịp điệu” cho câu văn. Như Landon (2004), tác giả sách Building Great Sentences: Exploring the Writer's Craft có đề cập, cumulative sentences giúp người đọc tiến tới phía trước, giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho thông tin tiếp theo vì những thông tin này sẽ bổ trợ nghĩa cho những gì mà họ đã đọc ở đầu câu.
Về phía người viết, áp dụng cấu trúc cumulative sentence có thể “gây nghiện” (Landon, 2004), thúc đẩy người viết liên tục bổ sung ý nghĩa cho câu văn, liên tục nhắc nhở người viết về những thông tin hoặc chi tiết còn thiếu, chưa được đề cập rõ ràng trong câu. Điều này giúp người viết có thể tạo ra được các câu văn với các cấu trúc đa dạng và phát triển được ý tưởng của mình được rõ ràng.
Thông qua định nghĩa trên, người đọc có thể nhận thấy rằng một câu văn tốt sẽ được cấu thành bởi cả mệnh đề chính và các thành phần phụ của nó. Mệnh đề chính cần phải được rõ ràng, xúc tích, dễ theo dõi còn các thành phần phụ cần phải hỗ trợ được về mặt thông tin và ý tưởng cho mệnh đề chính.
Christensen, tác giả của sách A generative rhetoric of the sentence, đã phát triển 4 quy tắc để hỗ trợ cho người viết khi sử dụng cấu trúc “cumulative sentence”:
Khi sử dụng cumulative sentences, người viết sẽ dựa vào một mệnh đề chính, sau đó bổ sung thêm thông tin cho mệnh đề chính đó. Đây là một cách để thu hút sự chú ý của người đọc, dự đoán các câu hỏi có thể có của người đọc, đảm bảo với người đọc rằng người viết đã quyết tâm truyền đạt đầy đủ và hiệu quả nhất có thể.
Ví dụ: với mệnh đề chính “people try to lead a healthy lifestyle”, người viết có thể thêm những thông tin như “eating more healthily, going to the gym more often, hoping for a brighter future”.
Các thành phần sau mệnh đề chính sẽ được sử dụng để tiếp tục phát triển câu văn, tuy nhiên, các thành phần này sẽ sử dụng để cung cấp thêm thông tin cho mệnh đề chính. Hướng phát triển của câu văn không phải tiếp tục đưa ra những thông tin mới, mà là quay lại giải thích, làm rõ, chứng minh cho mệnh đề chính. Nói cách khác, cumulative sentences thông thường sẽ tạo ra một hướng đi ngược (backward movement) cho câu văn. Chính vì thế, dạng câu này sẽ thúc giục người viết cung cấp thêm thông tin cho người đọc và nó gợi ý cho người đọc rằng người viết đang cố gắng hết sức để làm cho mọi thứ rõ ràng và thỏa mãn nhất có thể. Cú pháp này cũng gửi tín hiệu rằng người viết đang làm những gì tốt nhất của mình để giao tiếp đầy đủ và hiệu quả.
Ví dụ: The government should enact a zero-tolerance policy on littering, banning all plastic products in public places, severely punishing anyone who wants to break the law.
2 bổ ngữ đứng phía sau mệnh đề chính bao gồm: “banning all plastic products in public places” và “severely punishing anyone who wants to break the law” đều được sử dụng để giải thích cho thông tin “zero-tolerance policy” ở mệnh đề chính. Câu văn tạo ra một sự phát triển ngược, giúp làm rõ thông tin ở mệnh đề chính.
Thông tin ở mệnh đề chính thường sẽ được bổ sung thông tin bằng các bổ ngữ đứng phía sau nó trong cấu trúc “cumulative sentence”. Các bổ ngữ này nên có mức độ chi tiết, cụ thể hơn. Nói cách khác, mệnh đề chính sẽ là phần thông tin tổng quan của câu, trong khi đó, các bổ ngữ phía sau sẽ là các thông tin chi tiết, có nhiệm vụ làm cho mệnh đề chính trở nên chính xác, cụ thể hơn. Người đọc cũng nên có thể nhìn thấy mối quan hệ giữa các thông tin này một cách rõ ràng.
Ví dụ: The government should enact a zero-tolerance policy on littering, banning all plastic products in public places, severely punishing anyone who wants to break the law.
2 bổ ngữ đứng phía sau mệnh đề chính bao gồm: “banning all plastic products in public places” và “severely punishing anyone who wants to break the law” đều là những thông tin cụ thể hơn so với mệnh đề chính (làm rõ policy ở mệnh đề chính là gì). Từ đó tạo ra được sự rõ ràng hơn cho ý nghĩa của câu văn.
Cumulative sentences cũng sẽ giúp người viết tạo ra được những câu văn với kết cấu và độ phức tạp cao. Với việc sử dụng các thành phần phụ một cách đa dạng, người viết có thể tạo ra một câu văn với độ dài và “nhịp điệu” đa dạng. Ngoài ra, người viết cũng có cơ hội để cung cấp thêm các thông tin chi tiết, góp phần làm rõ ràng phần thông tin mà mình trình bày đối với người đọc hơn.
Tóm lại, để cấu thành được câu cumulative hiệu quả, các thành phần phụ, đứng phía sau mệnh đề chính cần phải thỏa mãn được một vài quy tắc sau:
Như người đọc cũng đã có thể nhận thấy, cumulative sentence sẽ bắt đầu bằng một mệnh đề chính, sau đó sẽ được giải thích, làm rõ thêm bằng các thành phần phụ đi kèm phía sau. Điều này khá giống với việc mở rộng câu từ một câu lõi (kernel sentence) đã được đề cập ở bài viết: Kernel sentence là gì? Hướng dẫn mở rộng câu văn trong IELTS Writing. Tác giả khuyến khích người tham khảo bài viết này, đặc biệt chú ý đến phần mở rộng câu sử dụng bổ ngữ (adjectival sentences) để có thể vận dụng hiệu quả vào bài viết hôm nay.
Tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng mở rộng câu theo kiểu cumulative khác với mở rộng từ một kernel sentence ở chỗ là các mệnh đề/cụm từ phụ sẽ đặt phía sau mệnh đề chính. Thông thường, người viết sẽ mở rộng câu theo hướng cumulative bằng cách thêm vào các cụm phân từ (participial phrase). Bài viết này cũng sẽ tập trung hướng dẫn người viết sử dụng cụm phân từ để mở rộng câu văn của mình.
Phân từ (participle) là một động từ nhưng được sử dụng như một tính từ trong câu, và thường kết thúc bằng đuôi -ing hoặc -ed. Khi phân từ chỉ một hành động đang diễn ra, nó được gọi là hiện tại phân từ (present participles) và thường kết thúc bằng đuôi -ing. Nếu chúng chỉ một hành động đã hoàn thành hoặc diễn ra trong quá khứ, chúng được gọi là quá khứ phân từ (past participles) và thường kết thúc bằng đuôi -ed, -en, -t, -d, -n hoặc -en như trong một vài từ như: asked, eaten, saved, dealt, seen, và gone.
Ví dụ:
Quá khứ phân từ: The boy laughed, delighted by the joke.
Hiện tại phân từ: The boy laughed, gasping for breath
Một cụm phân từ (participial phrase) là một cụm từ bao gồm một phân từ đi kèm với các bổ ngữ, danh từ/cụm danh từ đóng vai trò như tân ngữ hoặc bổ ngữ trong câu. Người học cần lưu ý phân biệt giữa cụm từ (phrase) và mệnh đề (clause).
Không giống như mệnh đề, một cụm từ không bao gồm chủ ngữ và động từ, và chúng không thể đứng một mình như là một câu hoàn chỉnh. Vì phân từ đóng vai trò là một, cụm phân từ cũng thể hiện vai trò như là một tính từ ở trong câu, sử dụng để bổ trợ thông tin cho danh từ hoặc đại từ.
Lưu ý: các cụm phân từ có trong câu sẽ có cùng chủ thể với mệnh đề chính. Người viết nên lưu ý điều này để tránh mắc phải lỗi “dangling modifiers”.
Người đọc có thể tham khảo các bước sau đây khi muốn thực hiện viết câu kiểu cumulative:
Đầu tiên, người viết sẽ cần một mệnh đề độc lập, bao gồm ít nhất một chủ ngữ và một động từ, đây sẽ là thông điệp, ý tưởng chính mà người viết muốn truyền tải trong câu văn của mình. Ví dụ, khi muốn truyền tải thông điệp rằng: “trẻ em phải đối mặt với một áp lực lớn từ hệ thống giáo dục chính thức”, người viết có thể thành lập ngay mệnh đề chính như sau:
Children have to deal with a large amount of pressure from formal education.
Tiếp đến, người viết sẽ cần suy nghĩ các thông tin bổ sung cho mệnh đề chính, để làm cho mệnh đề chính trở nên chi tiết, cụ thể hơn với người đọc. Việc suy nghĩ ý tưởng để mở rộng câu sẽ cung cấp cho người viết cơ hội để nghĩ về người đọc của mình, nghĩ về những gì mà người đọc của mình cần, muốn biết, hoặc muốn hiểu hơn. Người viết có thể sử dụng các questions words (từ để hỏi để làm việc này), các câu hỏi như “who, what, when, where, why, và how” sẽ rất hiệu quả trong việc phát triển câu. Người viết cần lưu ý không cần phải trả lời tất cả các câu hỏi trên, chỉ cần chọn 2-3 nội dung quan trọng, có ý nghĩa với người đọc nhất (những thứ mà người đọc có thể sẽ hỏi khi đọc câu lõi) để trả lời, tránh trường hợp ôm đồm quá nhiều thông tin, khiến câu văn không còn nội dung trọng tâm, gây khó hiểu cho người đọc. Để hiệu quả hơn, người viết có thể trả lời các câu hỏi này cho từng thành phần (chủ ngữ, động từ, tân ngữ) của câu lõi. Với ví dụ trên, người học có thể suy nghĩ ra các ý tưởng như sau:
Children are snowed under with a lot of homework (làm rõ những áp lực mà trẻ em phải chịu)
They have to face continuous assessment (làm rõ những áp lực mà trẻ em phải chịu)
Formal education is obsessed with grades and achievement (làm rõ cho hệ thống giáo dục)
Sau khi đã suy nghĩ các ý tưởng bổ sung cho câu văn của mình, người viết sẽ đưa các thông tin này vào câu dưới hình thức cụm phân từ. Để làm việc này, người viết nên chú ý đến các động từ trong các ý mà mình nghĩ ra ở bước 2:
Ở 2 ý tưởng bổ sung đầu tiên, động từ “snow under with” và động từ “face” đều được thực hiện bởi chủ ngữ “children”, vì vậy, 2 động từ này có thể được biến đổi thành cụm phân từ.
Ý tưởng cuối cùng là phần thông tin bổ trợ cho tân ngữ ở mệnh đề chính, không thể biến đổi thành cụm phân từ được, có thể xem xét đưa nó vào 1 trong 2 cụm phân từ phía trước
Viết câu hoàn chỉnh:
Children have to deal with a large amount of pressure from formal education, snowed under with a lot of homework, facing continuous assessment from the education that is obsessed with grades and achievements.
Cumulative sentences là một trong những dạng cấu trúc giúp ý nghĩa câu trở nên rõ ràng hơn với người đọc. Nếu xử lý tốt, khả năng sử dụng ngôn ngữ của người viết cũng sẽ được thể hiện rất rõ ràng thông qua dạng câu này. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả cumulative sentences trong bài thi IELTS Writing không chỉ giúp người viết cải thiện được điểm ở tiêu chí Coherence and Cohesion (mạch lạc và rõ ràng) mà còn giúp hỗ trợ chứng tỏ khả năng sử dụng ngữ pháp của người viết, điều sẽ được kiểm tra ở tiêu chí Grammatical range and accuracy (sự đa dạng và chính xác về mặt ngữ pháp).
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/cumulative-la-gi-a13312.html