CSVN - Với thực trạng còn nhiều khó khăn của ngành cao su, cùng với việc giảm suất đầu tư trong những năm gần đây, độ phì của nguồn tài nguyên đất đang suy giảm do cây cao su đã được canh tác qua nhiều chu kỳ, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đưa ra các giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả SXKD cao su nói chung và các vùng miền nói riêng.
Giống là một trong các yếu tố quan trọng cấu thành năng suất của cây trồng. Nhóm giống Tập đoàn ban hành đã khẳng định được tiến bộ về năng suất, sản lượng và khả năng thích nghi theo vùng. Cơ cấu bộ giống cao su giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030 gồm các giống: RRIV 209, RRIV 114, RRIV 1, RRIV 106, RRIV 103, RRIC 121, RRIV 124, IAN 873… Theo đó, nhóm giống để giải quyết một số hạn chế đặc thù vùng và tiểu vùng, như: RRIV 124 phù hợp với cao trình cao, PB 255 rất phù hợp với tiểu vùng đất đỏ tại Bình Phước, IAN 873 chịu rét tốt phù hợp cho khu vực miền núi phía Bắc, RRIV 4 với năng suất rất cao, phù hợp cho một số tiểu vùng ít gió và cần quản lý tốt bệnh lá.
Với thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay và những đòi hỏi cao hơn trong công tác nâng cao hiệu quả sử dụng của giống cao su. Việc phân vùng để khuyến cáo giống cao su vẫn có những bất cập nhất định. Do đó, xây dựng cơ cấu giống cao su địa phương hóa, hay khuyến cáo cơ cấu giống theo định hướng đến từng vùng miền và tiểu vùng là giải pháp phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế. Vì vậy, cần phải có những thay đổi trong công tác nghiên cứu chọn tạo và khuyến cáo giống, cụ thể: Lưu đồ cải tiến giống mới năm 2024 tiết giảm chi phí nghiên cứu, rút ngắn thời gian đưa giống mới ra sản xuất, đồng thời giảm rủi ro sai lầm về giống, nghiên cứu ở đâu thì khuyến cáo ở đó. Các đơn vị có thể chủ động và đề xuất cơ cấu giống trồng phù hợp từ dữ liệu vườn cây của đơn vị. Hệ thống các vườn khảo nghiệm giống tại các công ty là cơ sở khoa học và thực tiễn để khuyến cáo cơ cấu bộ giống cao su địa phương hóa nhằm giải quyết các tồn tại hạn chế bởi yếu tố sinh học và phi sinh học.
Để nâng cao năng suất lao động trong việc thu hoạch mủ cao su, ở các khu vực miền núi phía Bắc, Lào, Campuchia có thể sử dụng dao cạo lắp ghép; áp dụng thu mủ đông với chén dung tích lớn 1,8 lít kết hợp các biện pháp che mưa phù hợp…
Chế độ cạo nhịp độ thấp D5, D6 phù hợp cho vùng thiếu lao động cạo mủ như hiện nay; vùng có sự cạnh tranh lớn về nguồn lao động. Ngoài ra, chế độ cạo D5, D6 giúp tăng năng suất lao động từ đó tăng thu nhập cho người cạo mủ, tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn ở cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay, tiết kiệm 20 - 33% nhu cầu lao động cạo mủ so với nhịp độ cạo D4. Ngoài ra, chế độ cạo này giúp tiết kiệm vỏ nguyên sinh cây cao su (khoảng 2 cm/ năm), giúp đơn vị chủ động hơn trong việc quy hoạch vỏ cạo, duy trì hợp lý kế hoạch thanh lý tái canh hằng năm, thay thế dần các vườn cây kém hiệu quả nhưng vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận.
Nghiên cứu áp dụng chiều dài miệng cạo S/3 đối với cạo úp trong trường hợp vườn cây phải đưa vào cạo úp sớm; nghiên cứu trên bảng cạo BO-2 bằng cách rút ngắn chiều dài miệng cạo S/3 hoặc kéo dài chiều dài miệng cạo qua vỏ tái sinh nhằm giải quyết vấn đề năng suất thấp trên bảng cạo BO-2.
Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật đang phát huy tính hiệu quả, nổi bật là thành công trong công tác quản lý bệnh phấn trắng trên vườn cao su kinh doanh, các kết quả nghiên cứu và thực tiễn sản xuất đã chứng minh, vườn cây được phòng trị đúng kỹ thuật có bộ lá khỏe và ổn định sớm, năng suất cao hơn 11 - 13% so với vườn cây không phòng trị.
Một số loại bệnh hại gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng và sản lượng của vườn cây cao su, chủ yếu là các bệnh lá như phấn trắng, Corynespora, héo đen đầu lá gây hại trên hầu hết các vùng trồng cao su. Ở vùng Đông Nam bộ, ngoài các bệnh trên những năm gần đây bệnh rụng lá đốm tròn đã bùng phát, gây hại đáng kể trên diện rộng, bệnh nấm hồng gây hại phổ biến trên vườn cây từ 4 -12 năm tuổi. Vùng Tây Nguyên còn có bệnh rụng lá mùa mưa và bệnh rễ nâu.
Việc phun thuốc phòng trị cần cân nhắc hiệu quả về cả kỹ thuật và kinh tế, ưu tiên cho vườn cây có tiềm năng về hiệu quả. Đối với các loại bệnh lá như phấn trắng và rụng lá đốm tròn, sử dụng các loại máy phun cao áp để phun thuốc phòng trị bệnh ở vùng địa hình bằng phẳng. Đối với vùng có địa hình không bằng phẳng, đồi núi có thể sử dụng drone. Đối với các loại bệnh thân, cành như bệnh nấm hồng, Botryodiplodia phun trị bằng phương pháp bán cơ giới trên các vườn cây bệnh nặng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý bệnh.
Dịch hại thực vật nói chung, bệnh hại trên cây cao su nói riêng biến thiên và có tương quan rất chặt với biến đổi thời tiết hằng năm, luôn có vấn đề phát sinh mới trong công tác quản lý ở quy mô đại điền. Vì vậy, cần có sự phối hợp thường xuyên giữa các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và cán bộ kỹ thuật các công ty, nhằm hệ thống lại và cập nhật kiến thức, điều tra hiện trạng và ứng dụng linh hoạt quy trình quản lý bệnh phù hợp với sự thay đổi thời tiết và tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay.
Để phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Tập đoàn, công tác quản lý sâu bệnh hại trên vườn cao su đang được xây dựng theo hướng quản lý tổng hợp, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm công lao động, giảm sử dụng hóa chất và chi phí hợp lý.
Trên cơ sở thu thập và hệ thống hóa số liệu liên quan đến các yếu tố phát sinh phát triển bệnh như tính mẫn cảm của giống, điều kiện môi trường (ẩm độ, nhiệt độ,…). Xây dựng các chương trình dự tính dự báo những loại sâu bệnh hại phổ biến trên vườn cây cao su của các vùng miền để phục vụ sản xuất.
Với định hướng phát triển bền vững của Tập đoàn, để góp phần nâng cao hiệu quả SXKD cao su cần áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, nâng cao khả năng thích ứng và cạnh tranh của cây cao su với các loại cây trồng và các ngành nghề kinh doanh khác.
BÌNH MINH
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/nang-cao-hieu-qua-san-xuat-cao-su-a22589.html