Triglyceride là chất béo trung tính luôn có ở trong máu do thức ăn chuyển hóa mỗi ngày và gan tạo ra. Triglyceride sẽ chuyển thành năng lượng đi nuôi các tế bào nhưng nếu triglyceride trong cơ thể quá nhiều sẽ đối diện nguy cơ mắc bệnh tim, mạch máu, viêm tụy cấp…
Triglyceride là gì?
Triglyceride là chất béo trung tính (lipid). Cơ thể tạo ra triglyceride và cũng nhận được chất này từ thực phẩm ăn vào mỗi ngày. Nồng độ triglyceride tăng cao trong máu, kết hợp với cholesterol máu cao làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và viêm tụy cấp. Điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp với lối sống lành mạnh có thể giúp duy trì nồng độ triglyceride máu ở mức bình thường.(1)
Triglyceride hoạt động như thế nào?
Triglyceride là sự kết hợp của 3 axit béo (chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa hoặc cả hai) cùng với một dạng đường đơn glucose.(2) Vì triglyceride rất quan trọng cho sức khỏe nên chúng được cung cấp từ 2 nguồn khác nhau:
- Ngoại sinh: phần lớn chất béo có trong thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày tồn tại dưới dạng triglyceride. Trong quá trình tiêu hoá, tại ruột non các phân tử triglyceride sẽ được hấp thụ vào trong máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể.
- Nội sinh: các tế bào gan có khả năng tổng hợp và dự trữ triglyceride.
Triglyceride khác với cholesterol như thế nào?
Triglyceride và cholesterol là các loại mỡ máu khác nhau lưu thông trong máu. Triglyceride (chất béo trung tính) có vai trò dự trữ năng lượng và cung cấp cho cơ thể khi cần thiết. Cholesterol được sử dụng để tạo cấu trúc màng tế bào, hỗ trợ trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh và tham gia sản xuất một số loại hormone.
Triglyceride bao nhiêu là tốt?
Xét nghiệm triglyceride được chỉ định thường quy khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ, khám tầm soát hoặc theo dõi người bệnh. Để đảm bảo kết quả được chính xác, người bệnh cần nhịn ăn hoặc uống (trừ nước) trong khoảng 8 đến 10 giờ trước khi làm xét nghiệm.(3)
Chỉ số triglyceride
Tình trạng sức khỏe
Dưới 150 miligam trên decilit (mg/dL) hoặc dưới 1,7 milimol trên lít (mmol/L) Bình thường 150 đến 199 mg/dL (1,8 đến 2,2 mmol/L) Vượt ngưỡng bình thường 200 đến 499 mg/dL (2,3 đến 5,6 mmol/L) Cao 500 mg/dL trở lên (5,7 mmol/L trở lên) Rất cao
Triglyceride cao có hại như thế nào?
Kết quả xét nghiệm ghi nhận nồng độ triglyceride trong máu cao có thể góp phần làm thành động mạch bị cứng hoặc dày lên (xơ cứng động mạch), cản trở quá trình lưu thông của máu, tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và bệnh tim..
Nguyên nhân nào ảnh hưởng đến triglyceride
Chất béo trung tính tăng cao thường xuất phát từ cơ thể người bệnh đang gặp các vấn đề về sức khỏe như: thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa, …(4)
- Yếu tố gia đình: tăng triglyceride máu có tính chất gia đình do người bệnh bị bất hoạt gen lipoprotein lipase (LPL) khiến gan sản xuất quá mức các lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL), dẫn đến có quá nhiều triglyceride và VLDL. Kết quả xét nghiệm triglyceride lúc nào cũng tăng nhẹ đến trung bình so với người thường. Sự gia tăng triglyceride quá mức dẫn đến rối loạn lipid máu và viêm tụy cấp.
- Vì rối loạn này do tính di truyền từ gen trội, người bệnh sẽ kèm theo một số bệnh khác như béo phì, tăng đường huyết, tăng huyết áp. Tăng triglyceride máu có tính chất gia đình được chia thành các loại: I, IIa, IIb, III, IV và V. Riêng rối loạn lipid máu gia đình loại IV được coi là tăng triglyceride máu có tính chất gia đình và dựa trên xét nghiệm lipid máu của người bệnh, bác sĩ có thể phân biệt được với các nguyên nhân khác.
- Lối sống: hơn 50% dân số thành thị bị mỡ máu xấu cao, một phần do ít ăn rau, lười vận động, ít dành thời gian tập thể dục nhưng lại tiêu thụ nhiều dầu mỡ, tinh bột, thức ăn nhanh…
- Bệnh nền: người bị tiền đái tháo đường hoăc bệnh đái tháo đường tuýp 2; người có nồng độ hormone tuyến giáp (suy giáp), người bị hội chứng chuyển hóa (tình trạng huyết áp cao, béo phì và lượng đường trong máu cao xảy ra cùng nhau)… sẽ đối diện nguy cơ dư thừa triglyceride. Ngoài ra, một số tình trạng di truyền hiếm gặp khác cũng ảnh hưởng đến việc cơ thể chuyển đổi chất béo thành năng lượng, dẫn đến tăng triglyceride dự trữ lên cao.
- Thuốc đang sử dụng: nhiều trường hợp, triglyceride tăng cao trong cơ thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc đang uống điều trị bệnh khác gây ra như: thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, một số thuốc ức chế miễn dịch, estrogen và progestin; retinoids, steroid, một số thuốc điều trị HIV.
Bao nhiêu lâu nên xét nghiệm triglycerid?
Xét nghiệm nồng độ triglyceride thường đi kèm với các xét nghiệm chuyển hóa lipid khác (cholesterol toàn phần, cholesterol xấu…) vì các yếu tố này đều góp phần dẫn đến bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch vành, đau tim, hội chứng chuyển hóa, bệnh động mạch ngoại vi (PAD)… Vậy những ai nên đi xét nghiệm mỡ máu và bao lâu xét nghiệm nghiệm một lần? (5)
- Trẻ em: cần xét nghiệm cholesterol và triglycerid lúc 9-11 tuổi và kiểm tra lại lần nữa khi trẻ từ 17- 21 tuổi.
- Người trẻ: hiện nhiều người trẻ, nhất là giới văn phòng ở các thành phố lớn bị mỡ máu “xấu” do ít tập thể dục, ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, thức ăn nhanh… do đó cần kiểm tra triglyceride mỗi năm 1 lần khi khám sức khỏe tổng quát.
- Người lớn: chất béo trung tính sẽ tăng cao cùng độ tuổi. Với người không có bệnh nền nhưng nếu từ 40-55 tuổi (nam giới) và từ 50-65 tuổi (phụ nữ) cần xét nghiệm 2 lần/năm.
- Người bệnh nền: người bệnh đái tháo đường, tiền sử gia đình có cholesterol cao, người mắc bệnh tim… có thể xét nghiệm thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ, có thể 4 - 6 lần/năm.
Các biện pháp phòng ngừa, giảm nồng độ triglyceride máu
- Tập thể dục thường xuyên: đây là bí quyết ưu tiên hàng đầu để cải thiện tình trạng triglyceride tăng cao trong máu. Mỗi ngày, bạn phải nỗ lực dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, tốt nhất là đi nhanh, chạy bộ hay chơi bóng chuyền, bơi lội, cầu lông… Hãy cố gắng kết hợp nhiều hoạt động thể chất hơn vào các công việc hàng ngày như tận dụng đi cầu thang bộ tại nơi làm việc thay vì đi thang máy, đứng dậy đi qua đi lại trong giờ nghỉ giải lao thay vì ngồi lì trên ghế. Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nồng độ triglyceride máu và tăng nồng độ HDL máu (mỡ máu tốt).
- Điều chỉnh chế độ ăn: hạn chế thực phẩm nhiều tinh bột, đường: những thức ăn làm từ bột gạo trắng, bột mì trắng, đường fructose… có thể làm tăng chất béo trung tính. Ngược lại, bổ sung nhiều rau xanh, nhất là rau củ chứa nhiều chất xơ giúp giảm mỡ máu cho cơ thể.
- Giảm cân: thừa cân, béo phì là nguyên nhân chính làm tăng triglyceride trong máu. Thậm chí, ngay cả những người có chỉ số khối cơ thể BMI ổn định nhưng nếu bị béo bụng vẫn tăng triglyceride. Chính vì vậy việc giảm cân, giảm số đo vòng eo làm giảm nguy cơ tăng triglyceride máu.
- Dùng chất béo lành mạnh: dùng chất béo thực vật như dầu ô liu, dầu hạt cải, đậu phộng… để nấu ăn thay vì dùng mỡ heo. Bạn không nên ăn da heo, da gà, da vịt, thịt mỡ, tóp mỡ… thay vào đó là ăn các loại cá có nhiều axit béo omega-3 như cá thu, cá hồi, cá ngừ.
- Hạn chế thức uống có cồn, nước ngọt: việc sử dụng quá nhiều bia rượu, nước ngọt chứa nhiều đường sẽ dẫn đến nguy cơ làm tăng nồng độ triglyceride trong máu. Với người có tình trạng tăng triglyceride máu nghiêm trọng, tốt nhất là hãy dừng ngay bia rượu, nước ngọt.
- Dùng thuốc: với những bệnh nhân có nồng độ triglyceride tăng cao, hoặc đã dùng nhiều phương pháp hỗ trợ ở trên vẫn không kiểm soát được tình trạng tăng triglyceride máu thì bác sĩ có thể tư vấn và cho bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị.
Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK Tâm Anh đạt chuẩn ISO 15189:2012 cùng hệ thống thống máy móc hiện đại bậc nhất, nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu - Mỹ giúp quý khách an tâm, tin tưởng khi đến xét nghiệm tầm soát sức khỏe hay điều trị bệnh. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp phát hiện nhanh chóng - chính xác - kịp thời những bệnh mạn tính hiện nay.
Xét nghiệm triglyceridemáu là một trong những chỉ định cơ bản trong xét nghiệm máu để tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Nếu kết quả nồng độ triglyceride máu cao, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn và điều trị của bác sĩ, cải thiện lối sống lành mạnh, tăng cường tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn thịt, chất béo… để tránh nguy cơ và biến chứng do tình trạng tăng triglyceride máu gây ra, đặc biệt là đối với hệ tim mạch.