17 năm qua, vượt qua những âu lo buổi ban đầu, Việt Nam giờ đây đã là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Từ niềm vui, nỗi háo hức xen lẫn âu lo cách đây 17 năm
Ngày 7/11/2006, đúng ngày Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, ông Eirick Glenne - khi đó là Chủ tịch Ủy ban công tác Việt Nam gia nhập WTO gõ búa kết thúc 11 năm đàm phán kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO. Phải đứng ở tâm thế của một Việt Nam thời điểm đó, khi vừa bước ra khỏi vòng vây cấm vận chưa lâu, phải chứng kiến vòng đàm phán vào WTO dai dẳng và vô cùng cam go mới thấu hết những vui mừng, hồ hởi khi thời khắc lịch sử đó xảy đến. Theo hồi ức của nhà ngoại giao Ngô Quang Xuân - vị Đại sứ đã tham gia vòng đàm phán để nước ta gia nhập WTO, quá trình đàm phán cam go đã phải kéo dài tới 11 năm gối đầu hai thế kỷ, với hơn 200 cuộc đàm phán, bao gồm cả 14 phiên đa phương và nhiều phiên đàm phán song phương với 27 đối tác. Số lượng nước tham gia đàm phán song phương và đa phương lên đến 149 nước và vùng lãnh thổ. Về phía Việt Nam, số lượng Bộ và số lượng thành viên đàm phán và hỗ trợ kỹ thuật trên 30 người. Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 về hội nhập kinh tế quốc tế.
Và trong niềm vui lớn lại có cả những âu lo, nghi ngại. Như lời ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, nỗi lo lớn nhất là “mở cửa thì sợ gió/ đóng cửa thì khốn khó”. “Lo mở cửa "bụi bặm vào nhà"; lo ngành nông nghiệp phá sản không cạnh tranh được với thế giới; lo các doanh nghiệp nhà nước phá sản, "cá nhỏ" sẽ bị "cá lớn" nuốt khi ra biển lớn…” - ông Lương Văn Tự kể.
Tới vị thế “top 20 nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới”
Nhưng cũng theo lời ông Lương Văn Tự, "bây giờ, nhớ lại sau chừng ấy năm gia nhập WTO, ai cũng thấy vui, thấy được nhiều hơn mất. Cái mất là mất đi cơ chế quan liêu bao cấp, mất nghèo nàn lạc hậu… đất nước ngày càng phồn vinh và phát triển”. WTO được ví như cánh cửa lớn được mở ra để Việt Nam bước tới sân chơi toàn cầu và với bản lĩnh, tinh thần của một thành viên trách nhiệm, tích cực, Việt Nam đã bước đi hết sức tự tin trên đại lộ hội nhập kinh tế quốc tế.
Dấu ấn WTO được ghi nhận rõ nét trong việc đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP, đồng thời, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019 và từ năm 2021 đến nay đã trở thành một trong 20 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới. Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện rõ rệt, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục kể từ 2016 đến nay. Tính đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gần 8 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào đầu năm 2007 (371 tỷ USD năm 2022 so với 48 tỷ USD năm 2007); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) duy trì ở mức cao trên thế giới, ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2020-2022, hiện đạt 431 tỷ USD.
Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” (GCI) của Việt Nam đã cải thiện mạnh. Trong 10 năm (2007-2017), chỉ số GCI của Việt Nam tăng 13 bậc, từ hạng 68/131 vào năm 2007 lên 55/137 vào năm 2017 và chuyển từ nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng lên nhóm nửa trên. Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên Hợp Quốc, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng, từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 49 vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, với mức giảm trung bình là hơn 1,4%/năm.
Trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của bảng xếp hạng này.
Như nhìn nhận của Tổng Giám đốc WTO - bà Okonjo - Iweala trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2023, sự tăng trưởng, phát triển liên tục của Việt Nam trong hơn một thập niên rưỡi kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, nhất là trong giai đoạn nhiều biến động của thế giới là một kỳ tích, và Việt Nam luôn là một tấm gương cho các nước đang phát triển.
Nhưng vượt lên trên những con số, cái được lớn nhất của Việt Nam sau chừng ấy năm gia nhập WTO, như nhìn nhận của nhiều chuyên gia, là việc Việt Nam làm bạn, làm đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, tất cả các đối tác đàm phán song phương gia nhập WTO thời đó, bây giờ đều trở thành đối tác chiến lược và đối tác toàn diện trong hợp tác kinh tế với Việt Nam như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Anh…; Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn FDI lớn, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài; Việt Nam có được một hệ thống pháp luật mới phù hợp với kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện được nguyên tắc minh bạch hóa chính sách và pháp luật theo quy định của WTO, đến nay, các khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện và đi vào cuộc sống, đây cũng là cơ sở cho việc ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Và đặc biệt, thành tựu của việc gia nhập WTO và quá trình hội nhập kinh tế là cơ sở để chúng ta hội nhập những lĩnh vực khác về văn hóa, an ninh quốc phòng, khoa học kỹ thuật…
Tận dụng cơ hội để phát triển bền vững
Sự tăng trưởng, phát triển liên tục của Việt Nam trong hơn một thập niên rưỡi kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, như nhìn nhận của Tổng giám đốc WTO là một kỳ tích. Tuy nhiên, giới phân tích đã chỉ ra rằng, từ sau khi Việt Nam hội nhập đến nay, tăng trưởng xuất khẩu tuy nhanh nhưng chưa vững chắc, rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài, nhất là với một nền kinh tế có độ mở cao lên tới 200% như Việt Nam. Hơn nữa, tính gia công của sản xuất, tính đại lý của thương mại còn rất lớn.
Ngoài ra, những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn đều hạn chế về năng suất, diện tích, khả năng khai thác (nhóm nông, thủy sản và khoáng sản) hoặc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và nguyên liệu hay thị trường ngoài nước nên giá trị gia tăng thấp (dệt may, da giày). Song song đó là số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng. Hơn nữa, việc tập trung quá lớn vào một số thị trường đã làm suy giảm khả năng thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường mới, dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường, khó có thể phát triển bền vững và duy trì tốc độ tăng trưởng cao cũng như khả năng chen chân vào các thị trường ngách.
Trước thực tế này, để duy trì và tăng cường vai trò của WTO nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân Việt Nam, như nhìn nhận của PGS.TS Đặng Hoàng Linh, Việt Nam cần tham gia các cuộc đối thoại chính sách về cả những chủ đề cũ và chủ đề mới nhằm góp phần đưa ra các cơ chế phù hợp. Đồng thời, tích cực thảo luận các mối quan tâm chung giữa các nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển để mang tới những chính sách công bằng. Đặc biệt, việc tích cực tham gia đàm phán và thảo luận về lĩnh vực trợ cấp thủy sản và nông nghiệp - ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, cũng vô cùng cần thiết.
Thứ hai, để phát triển nền kinh tế và hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ của WTO, Việt Nam cần tận dụng tối đa ưu đãi trong các FTA đã ký kết. Thứ ba, Nhà nước cần xây dựng và bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm tạo ra sân chơi hấp dẫn thu hút thương mại và đầu tư thông qua các FTA. Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng phát triển chất lượng hàng hóa để vượt qua hàng rào phi thuế quan của các nước./.
Tháng 1/2024 là tròn 17 năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (11/1/2007-11/1/2024). 17 năm qua, vượt qua những âu lo buổi ban đầu, Việt Nam giờ đây đã là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của WTO, ngày càng tự tin trên sân chơi kinh tế toàn cầu, trở thành một trong 20 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới.Hà Anh
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/17-nam-viet-nam-gia-nhap-wto-buoc-tien-dai-tren-hanh-trinh-hoi-nhap-a23448.html