"Đều như vắt tranh" hay "đều như vắt chanh"?

* Xin cho hỏi, trong hai thành ngữ “Đều như vắt tranh” và “Đều như vắt chanh” thì thành ngữ nào đúng? (Trần Văn Lai, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Rất nhiều người bàn cãi về hai thành ngữ nói trên, cụ thể là ở hai từ tranh hay chanh. Theo chúng tôi, chính xác phải là “đều như vắt tranh”.

Ở nước ta, ngày trước mái nhà chủ yếu được lợp bằng cỏ tranh. Cỏ tranh được mô tả trong bài “Cỏ tranh - giản dị mà quý hiếm” đăng trên trang caythuocchuabenh.vn như sau:

“Cỏ tranh còn có tên gọi khác là Bạch mao căn, cỏ tranh săng, nhả cà. Dân tộc Dao gọi là gan, dân tộc K’Dong gọi là Día, dân tộc Tày gọi là Lạc cà… Nó có tên khoa học là Imperata cylindrica Beauv. Họ nhà lúa (Poaceae), rất gần gũi với đời sống con người từ đồng bằng đến vùng trung du, miền núi.

Tấm tranh được “đánh” bằng từng vắt một (ảnh trái) và mái lợp bằng tranh nhìn từ bên trong nhà. Nguồn: Internet

Cỏ tranh là loại cây sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Cây mọc hoang dại, phân bố rộng rãi khắp nơi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nước ta và nhiều nước có khí hậu nhiệt đới trên thế giới. Người ta thường bắt gặp nó mọc ở những nơi đất cao ngoài đồng, bờ mương, bờ sông, đồi núi, có khi mọc ở thảo nguyên thành những mảng cỏ lớn. Có nơi dùng lá để lợp mái nhà”.

Ngày trước, tranh là vật liệu phổ biến khi làm nhà. Để có được những tấm tranh để lợp mái hoặc dựng vách, các thợ lành nghề phải “đánh” tranh, tức là bện tranh thành từng tấm theo kích thước phù hợp với quy mô của nhà.

Ở Đà Nẵng, hiện chỉ còn sót lại một vài người biết cách đánh tranh, như nghệ nhân Mười Nhựt, 66 tuổi, người thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ông Nhựt tuy đang làm nghề làm thợ kép - chữ dùng của dân gian chỉ nghề đắp phù điêu, vẽ tranh, cẩn các loại miểng chai, miểng sành cho các công trình kiến trúc cổ Á Đông, nhưng nếu có ai nhờ đánh tranh lợp nhà thì ông cũng sẵn sàng.

Đánh tranh, theo ông Nhựt, không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ không chỉ rành kỹ thuật mà còn phải có con mắt mỹ thuật. Mỗi khi “đánh” tranh phải dùng một tay nắm đống sợi tranh thành một vắt, muốn cho đều tăm tắp mười vắt như chục thì lượng sợi tranh trong tay phải vừa vặn sao cho ngón cái cụng với ngón trỏ, nếu ít hơn thì thêm vào và ngược lại. Nếu các vắt tranh lỏi chỏi không đều thì khi lợp lên sẽ dễ bị thấm nước mưa và đứng trong nhà trông lên sẽ không được đẹp. Trong lúc tay này nắm vắt tranh thì tay kia phải khéo léo “bắt” vắt tranh đưa vào hom (3 thanh tre ngâm được vót thành sợi có chiều dài bằng tấm tranh) và chỉnh sửa cho đều.

Như thế, từ vắt trong vắt tranh không phải động từ mà là danh từ, như trong câu “Mang mấy vắt cơm đi ăn đường” hay “Mỗi đùm hai vắt xôi” (theo Từ điển tiếng Việt). “Đều như vắt tranh” ý nói làm một cái gì đấy rất đồng đều.

Ngày trước, rất hiếm có thợ đánh tranh lợp nhà chuyên nghiệp. Vì thế, ai có “bàn tay vàng” vắt tranh đều và đẹp sẽ được chủ nhà khoản đãi hậu hĩ. Dân gian có câu “đàn ông lợp nhà, đàn bà đi chợ”, nghĩa là đàn ông khi lợp nhà sẽ được ăn uống no say, đàn bà đi chợ thì làm chi cũng xà xẻo ít nhiều tiền chợ để ăn vặt.

Lợp mái nhà bằng tranh rất bền chắc, ông Nhựt tính, nếu lợp dày 15 - 20cm thì đến 20 - 30 năm mới phải lợp lại một lần. So với lợp bằng ngói, bằng tôn và các loại tấm lợp hiện đại... thì nhà có mái lợp bằng cỏ tranh sẽ mát mẻ hơn.

Mua tranh lợp nhà ngày nay không phải là một cách làm lỗi thời mà được xem là mốt mới lạ, làm nhà theo phong cách thôn quê. Biết đâu nhờ đó mà những người có “bàn tay vàng” như ông Mười Nhựt có cơ vực dậy nghề xưa. Và đó cũng là cơ hội để giới trẻ ngày nay hiểu rõ hơn về thành ngữ “đều như vắt tranh” chứ không phải vắt chanh hay vắt cam gì sất!

ĐNCT

Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/deu-nhu-vat-tranh-hay-deu-nhu-vat-chanh-a23594.html