Tim người có mấy ngăn và hoạt động như thế nào?

1. Trái tim người có mấy ngăn?

1.1. Cấu tạo của tim

Tim được bao bọc bởi lớp màng có hai lớp giống như cái túi còn gọi là màng tim. Lớp bên ngoài màng ngoài tim nằm bao quanh gốc của các mạch máu chính ở tim, được các dây chằng cơ hoành và cột sống cùng những bộ phận khác của cơ thể giữ chặt.

Tim người có mấy ngăn và hoạt động như thế nào?

Mô tả về vị trí của tim

Lớp bên trong màng ngoài tim gắn liền với cơ tim. Ở khoảng phân cách giữa hai lớp màng ngoài tim có một lớp dịch lỏng có nhiệm vụ giúp cho tim di chuyển dễ dàng khi đập mà vẫn được gắn chắc vào cơ thể.

1.2. Tim có mấy ngăn?

Không phải ai cũng biết được chính xác tim người có mấy ngăn. Trái tim của mỗi người gồm có 4 ngăn được gọi là 4 khoang rỗng. Trong đó, các khoang phía trên gọi là tâm nhĩ trái và phải; các buồng phía dưới gọi là tâm thất trái và phải.

Khoang phía trên thì nhĩ phải bơm máu đổ về từ tĩnh mạch chủ trên rồi đi xuống dưới tâm thất phải; nhĩ trái nhận máu về từ phổi rồi đưa xuống thất trái. Giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái được phân tách bằng một vách cơ gọi là vách liên nhĩ; phần ngăn cách tâm thất phải với tâm thất trái có tên là vách liên thất.

Ở buồng phía dưới, các tâm thất bơm máu vào trong động mạch. Tâm thất phải sẽ bơm máu vào động mạch phổi để cho máu có được oxy và thải khí CO2, tâm thất trái bơm máu lên cung động mạch chủ rồi đưa máu đi khắp cơ thể. Trong trái tim, tâm thất trái chính căn phòng lớn và vững chắc nhất. Thành của tâm thất trái chỉ dày trên 1cm nhưng có lực đủ mạnh để cho nó thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Tim người có mấy ngăn và hoạt động như thế nào?

Hình ảnh giải phẫu giúp biết được tim người có mấy ngăn

Hệ thống van tim có nhiệm vụ đảm bảo tính đúng hướng cho đường đi của máu ở tim, hoạt động trên nguyên tắc một chiều. Có 4 loại van điều tiết máu qua tim:

- Van ba lá: quyết định lượng máu đi từ tâm nhĩ phải xuống với tâm thất phải.

- Van động mạch phổi: kiểm soát lượng máu đi từ tâm thất phải vào với động mạch phổi rồi đưa máu tới phổi lấy oxy.

- Van hai lá: cho phép máu giàu oxy đi từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái.

- Van động mạch chủ: mở tạo con đường cho máu giàu oxy đi từ tâm thất trái vào động mạch chủ để đến khắp cơ thể.

Toàn bộ mạng lưới mạch máu và tim tạo thành hệ tuần hoàn, trong đó trái tim giữ vai trò giống như một chiếc máy bơm để đẩy máu đi đến các cơ quan thông qua sự hỗ trợ của các tiểu động mạch, động mạch và mao mạch. Máu được trả về tim qua tĩnh mạch cùng với các tiểu tĩnh mạch.

2. Cách thức hoạt động của tim và một số tình trạng suy giảm tim cần lưu ý

2.1. Tim hoạt động như thế nào?

Khi đã biết tim người có mấy ngăn, chắc hẳn bạn sẽ băn khoăn về cách thức tim hoạt động? Hệ thống điện tim được xem là nguồn năng lượng chính để tâm nhĩ và tâm thất hoạt động xen kẽ, cùng nhau thư giãn để cho quá trình bơm máu qua tim đi đúng chu trình.

Tim người có mấy ngăn và hoạt động như thế nào?

Cách thức để tim hoạt động

Mặt khác, các xung điện sẽ kích hoạt nhịp tim truyền xuống con đường đặc biệt qua tim:

- Xung điện bắt đầu với một bó nhỏ của các tế bào chuyên biệt là nút xoang (SA). Nút này giống như chiếc máy tạo nhịp tim tự nhiên có tần số phát nhịp 60 - 100 lần/ phút. Xung điện sau đó được truyền qua các cơ lân cận để làm cho tâm nhĩ co lại.

- Trung tâm của tim có một cụm tế bào là nút nhĩ thất (AV) nằm giữa tâm nhĩ với tâm thất. Nút này làm cho các tín hiệu điện chậm lại trước khi đi vào tâm thất. Vì vậy mà tâm nhĩ có thêm thời gian để co bóp trước khi tâm thất khởi động.

- Mạng lưới His-Purkinje tạo ra một cầu nối để các sợi gửi xung điện đi đến các thành cơ của tâm thất và khiến nó co lại.

Trung bình, tim đập khoảng 50 - 99 lần/phút khi cơ thể nghỉ ngơi. Khi bị sốt, tập thể dục, dùng một vài loại thuốc hay có vấn đề về tâm lý thì nhịp tim có thể vượt trên mức này (trên 100 nhịp/phút).

2.2. Những tình trạng suy giảm chức năng tim cần lưu ý

Mọi hoạt động sống của con người chỉ có thể được đảm bảo khi chức năng tim được duy trì. Vì thế, trái tim có vai trò đặc biệt quan trọng với sức khỏe. Do sự tác động của nhiều yếu tố như: lối sống kém lành mạnh, tuổi tác, bệnh mạn tính,... mà chức năng của tim có thể bị suy giảm.

Trong số các bệnh lý về tim thì những bệnh sau được xem là dễ làm suy giảm chức năng tim và gây suy tim:

- Bệnh về van tim: hở van tim, hẹp van tim,...

- Bệnh về cơ tim: cơ tim chu sinh, giãn cơ tim, cơ tim phì đại,...

- Bệnh dẫn truyền điện bên trong tim: rung nhĩ, ngoại tâm thu, rối loạn nhịp tim,...

- Động mạch vành.

- Bệnh ngoài tim nhưng liên quan và ảnh hưởng đến tim: tăng mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp,...

Mong rằng với những chia sẻ này quý khách hàng đã biết được tim người có mấy ngăn, cấu trúc và cách thức hoạt động như thế nào. Chính những thông tin này sẽ giúp quý khách biết được tầm quan trọng của việc bảo vệ và duy trì khả năng hoạt động của tim.

Nếu đang có dấu hiệu bất thường về sức khỏe tim mạch, quý khách hàng có thể đến thăm khám tại Chuyên khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Toàn bộ quá trình thăm khám, kiểm tra, chẩn đoán và định hướng điều trị của quý khách sẽ được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành giàu kinh nghiệm; dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy móc y khoa tiên tiến nhất.

Quý khách hàng muốn chủ động sắp xếp thời gian thăm khám theo kế hoạch của mình có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cách thức đặt trước lịch khám nhanh chóng và chính xác.

Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/tim-nguoi-co-may-ngan-va-hoat-dong-nhu-the-nao-a23652.html