Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Dạy thành ngữ, tục ngữ cho học sinh tiểu học” ngày 14/10/2019, nhiều bạn đọc, đồng nghiệp liên lạc bày tỏ ý muốn được biết thêm về thành ngữ, tục ngữ: chúng khác nhau cơ bản chỗ nào, làm sao phân biệt chúng nhanh nhất?
Quả thực, nhận diện và phân biệt rạch ròi, nhanh chóng thành ngữ với tục ngữ cũng không phải là việc dễ dàng gì, chưa kể, hiện tại chưa phải tất cả mọi người đều thống nhất với khái niệm về hai loại trên.
Có lẽ vì thế, cho nên nhiều nhà nghiên cứu khi soạn sách, để tránh tình trạng bất đồng trong phân biệt 2 khái niệm, đã nhập chung chúng thành một nhóm “thành ngữ - tục ngữ”, mặc dù chúng không hề có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Sách về thành ngữ - tục ngữ (Ảnh: tác giả cung cấp).Trong nhà trường, thành ngữ và tục ngữ được giới thiệu cho học sinh từ cấp tiểu học, lên cấp trung học cơ sở, cả hai đều được dạy thành bài riêng biệt, cụ thể trong chương trình lớp 7, nhưng ở 2 thời điểm và thuộc 2 phân môn khác nhau.
Sách Ngữ văn 7 - Tập 1, trang 144 (Ảnh: tác giả cung cấp).Thành ngữ được dạy ở tuần 12, trong phân môn “Tiếng Việt” như một loại đơn vị từ vựng, còn tục ngữ thì được dạy ở tuần 18, 19 trong phân môn Văn học với tư cách là những văn bản tác phẩm văn học dân gian.
Phần ghi nhớ trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 ghi rõ khái niệm về hai loại trên như sau:
“Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.
Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh...”. [1, tr.144]
“Nhìn chung, tục ngữ có những đặc điểm về hình thức:
- Ngắn gọn;
- Thường có vần, nhất là vần lưng;
- Các vế thường đối xứng nhau cả về hình thức, cả về nội dung;
- Lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh”. [2, tr.5]
Lên cấp trung học phổ thông, trong bài “Khái quát văn học dân gian Việt Nam” ở chương trình lớp 10, riêng tục ngữ được xếp theo thứ tự ở vị trí thứ 7 trong 12 thể loại của văn học dân gian, còn thành ngữ thì không hề thấy. [3, tr.18]
Như vậy, trong sách giáo khoa, việc giải thích để giúp cho các em phân biệt cho thật rõ thành ngữ, tục ngữ chưa được chú trọng, chỉ dừng ở mức độ cung cấp khái niệm của từng loại một cách khái quát chứ chưa đưa ra sự đối sánh, phân biệt thật rạch ròi, có lẽ do dung lượng, thời lượng của từng bài học bị hạn chế, không cho phép nói dài hơn.
Điểm chung giữa thành ngữ và tục ngữ dễ nhận thấy nhất, là chúng có phần giống nhau về hình thức cấu tạo: đều được cấu tạo từ cùng một loại đơn vị là “từ”.
Chúng đều là những tổ hợp từ cố định, kết hợp với nhau theo một cấu trúc chặt chẽ, có thể có vần điệu và đối xứng (về số lượng tiếng).
Ca dao tục ngữ Việt Nam - một cuốn sách làm ẩuCó lẽ do tên gọi của hai loại này có vẻ từa tựa giống nhau, thành ngữ - tục ngữ cùng chứa từ tố “ngữ”, nên thoạt nhìn dễ nhầm lẫn, tưởng chúng gần gũi nhau hoặc có quan hệ họ hàng với nhau.
Thế nhưng, thực ra chúng là hai loại đơn vị khác xa nhau, thuộc hai ngành nghiên cứu riêng biệt là ngôn ngữ và văn học, hoàn toàn khác nhau về phân loại, nội dung ngữ nghĩa và chức năng sử dụng. Cho nên không thể có một câu vừa là tục ngữ vừa là thành ngữ được.
Nhận xét một cách thỏa đáng thì mối quan hệ giữa chúng khá mờ nhạt chứ không hề khăng khít, mật thiết dễ dẫn đến tình trạng nhầm lẫn, khó phân biệt như nhiều người đang lầm tưởng.
Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, “thành ngữ” là “tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó”. [4, tr.882]
Còn “tục ngữ” là “câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân”. [4, tr.1026]
Theo thuật ngữ ngôn ngữ học, tục ngữ là một câu hoàn chỉnh (cho nên viết hoa đầu câu), diễn đạt trọn vẹn một ý có nội dung là một nhận xét về kinh nghiệm đời sống, ví dụ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “Ăn vóc, học hay”...
Còn thành ngữ chỉ là một cụm từ cố định (cho nên không viết hoa từ đầu cụm), nêu ra một khái niệm một cách có hình ảnh, chẳng hạn: “đẹp như tiên”, “mẹ tròn con vuông”, “trăm năm hạnh phúc” ...
Có nhiều cách để phân biệt sự khác nhau giữa tục ngữ và thành ngữ, phổ thông nhất chúng ta có thể tạm căn cứ vào hai phương diện sau:
Ngữ liệu sách giáo khoa... cần lựa chọn phù hợp1. Về hình thức: Tuy cả hai loại đều có vần hoặc không có vần, có nhịp điệu hoặc không có nhịp điệu, nhưng tục ngữ thường là câu nói ngắn gọn, còn thành ngữ chỉ là cụm từ cố định.
Tục ngữ là một câu hoàn chỉnh, còn thành ngữ chưa thành câu, mới chỉ là cụm từ (cho nên chỉ nên nói “câu tục ngữ”, chứ nói “câu thành ngữ” là chưa đúng)
2. Về nội dung: Tục ngữ diễn đạt trọn vẹn một ý, có thể là một nhận xét, một sự đánh giá, một kinh nghiệm, một tâm lý, một phong tục tập quán, một chân lý quen thuộc, nhằm giáo dục khuyên răn, hướng dẫn con người trong ứng xử, cuộc sống; còn thành ngữ, chưa diễn đạt một ý trọn vẹn, chỉ đề cập đến một khái niệm.
Như vậy, thành ngữ là một đơn vị thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, còn tục ngữ thuộc lĩnh vực văn học. Tục ngữ thường dùng độc lập, kiểu như “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”...
Còn thành ngữ chỉ là một vế câu nên thường dùng để tạo câu, chêm xen vào trong câu nói, chẳng hạn: “Chúc hai bạn sống với nhau đến “răng long đầu bạc”, “Chúc chị mẹ tròn con vuông”, “Bạn đừng nên “đứng núi này trông núi nọ”...
Mặc dùthành ngữ và tục ngữ đều chứa đựng và phản ánh tri thức của nhân dân về các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, nhưng chúng khác nhau ở chỗ những tri thức ấy khi được rút lại thành những khái niệm thì tạo nên thành ngữ, còn khi được trình bày thành những nhận xét, đánh giá thì tạo nên tục ngữ.
Qua sự phân tích trên, ta có thể khẳng định sự khác nhau giữa thành ngữ và tục ngữ về cơ bản là sự khác nhau giữa thành ngữ là một đơn vị ngôn ngữ thuộc từ vựng - đối tượng nghiên cứu của khoa ngôn ngữ học (có thể tìm thấy trong từ điển tiếng Việt), khác xa tục ngữ là một đơn vị thuộc thể loại văn học - đối tượng của nghiên cứu văn học (không phải là đơn vị từ vựng, không có mặt trong từ điển tiếng Việt).
Suy cho cùng, hiểu biết nội dung ý nghĩa và phân biệt được những đơn vị thành ngữ, tục ngữ để sử dụng phù hợp với ngữ cảnh, đạt hiệu quả cao, cũng chính là trân trọng tiếng mẹ đẻ - một biểu hiện tôn trọng nét đẹp truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Ngữ văn 7, Tập 1, NXB Giáo Dục.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Ngữ văn 7, Tập 2, NXB Giáo Dục.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Ngữ văn 10, Tập 1, NXB Giáo Dục.
[4] Hoàng Phê chủ biên (1995), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/phan-biet-thanh-ngu-tuc-ngu-a23837.html