Hình sự là việc trừng trị những tội phạm xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, luật hình sự được hiểu là tập hợp có hệ thống các quy phạm pháp luật xác định rõ những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt có thể áp dụng đối với chủ thể đã thực hiện các tội phạm đó.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến trật tự xã hội mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.
Như vậy, người phạm tội và những hình phạt là nội dung cơ bản trong pháp luật hình sự.
- Luật Hình sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật vì nó có đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng biệt.
- Luật Hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật quy định tội phạm, xác định hình phạt với các tội phạm nhằm đấu tranh chống tội phạm, loại trừ mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội.
- Luật Hình sự bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với những tội phạm ấy.
Vi phạm hình sự (tội phạm) là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.
Vi phạm hình sự là gì? Luật Hình sự là gì? Luật Hình sự trong hệ thống pháp luật Việt Nam (Hình ảnh từ Internet)
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ luật hình sự là một văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hình sự, quy định những hành vi nguy hiểm cho xã và bị coi là tội phạm, hình phạt cũng như các biện pháp hình sự phi hình phạt khác được dùng để áp dụng đối với các tội phạm đó. Và hiện nay Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đang là văn bản mới nhất và có hiệu lực thi hành.
- Gồm 02 loại quy phạm:
+ Những quy phạm pháp luật quy định về các vấn đề chung liên quan đến hình sự, tội phạm và hình phạt.
+ Những quy phạm pháp luật quy định các hành vi tội phạm cụ thể và mức phạt tương ứng.
* Đối tượng điều chỉnh của Luật Hình sự
Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi tội phạm xảy ra. Ngành luật hình sự điều chỉnh mối quan hệ xã hội này bằng việc xác định chính xác quyền và nghĩa vụ pháp lý của hai chủ thể, đó là Nhà nước và người phạm tội.
Trong đó:
- Quyền của chủ thể này, tương ứng sẽ là nghĩa vụ của chủ thể kia.
- Nhà nước có quyền buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc người đó thực hiện những hành vi và bị coi là tội phạm thông qua các hoạt động tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
- Người phạm tội có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hình sự, chịu bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tuy vậy, họ cũng có quyền yêu cầu Nhà nước chứng minh việc họ phạm tội, truy cứu họ đúng với các quy định của pháp luật, đúng người đúng tội.
Vậy, đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi người này thực hiện tội phạm.
* Phương pháp điều chỉnh của Luật Hình sự
- Phương pháp điều chỉnh của luật hình sự là phương pháp mệnh lệnh- phục tùng.
- Theo đó, Nhà nước, trong quan hệ pháp luật hình sự, có quyền buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, chịu hình phạt- biện pháp cưỡng chế Nhà nước nghiêm khắc nhất do những hành vi mà người đó gây ra và bị coi là tội phạm, người phạm tội không có cách nào khác ngoài nghĩa vụ phải tuân thủ điều đó.
- Cũng như các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ngành luật hình sự cũng được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản, trong đó có các nguyên tắc chung cho cả hệ thống pháp luật và các nguyên tắc có tính đặc thù. Ba nguyên tắc chung cơ bản nhất bao gồm:
+ Nguyên tắc nhân đạo;
+ Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật;
+ Nguyên tắc pháp chế.
Ba nguyên tắc đặc thù của ngành luật hình sự là nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, nguyên tắc hành vi và nguyên tắc có lỗi.
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/vi-pham-hinh-su-la-gi-luat-hinh-su-la-gi-luat-hinh-su-trong-he-thong-phap-luat-viet-nam-a23847.html