Trái đất có bốn hay năm đại dương?

Trái đất có bốn hay năm đại dương?

Nguồn: “How many oceans are there?”, The Economist, 21/06/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Một đại dương mới đã xuất hiện trên bản đồ của Hiệp hội Địa lý Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu và bảo tồn của Mỹ. Nam Đại Dương (Southern Ocean), bao quanh Nam Cực, từ nay sẽ có cùng địa vị như Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhưng tất nhiên Nam Đại Dương không thực sự mới. Khối nước này không những đã tồn tại ở đó khoảng 30 triệu năm, kể từ khi Nam Cực và Nam Mỹ tách rời nhau, mà việc gọi nó là gì cũng được nghiên cứu và tranh cãi nhiều lần trước đó. Vậy có bao nhiêu đại dương? Và việc xác định các đại dương được quyết định như thế nào?

Tất cả các đại dương của Trái đất đều là một phần của một hệ thống liên kết với nhau. Những người vẽ bản đồ chia nó thành các khu vực khác nhau, bao gồm các đại dương, và các đại dương cũng bao gồm các vùng biển. Các đại dương thường được bao quanh bởi toàn bộ các lục địa trong khi các vùng biển thường được bao quanh bởi các vùng đất nhỏ hơn. Nhưng tại nơi hai vùng nước giao nhau, các nhà khoa học phải xét đến các điều kiện của vùng nước để quyết định ranh giới của chúng.

Các vùng nước thường có nhiều tên. Ví dụ Nam Đại Dương đôi khi được gọi là Nam Cực Dương hay Nam Băng Dương (Antarctic Ocean). Đôi khi những cái tên này phản ánh những tuyên bố chính trị mâu thuẫn nhau. Ví dụ, vùng biển giữa Nhật Bản và Triều Tiên được gọi là Biển Nhật Bản ở Nhật Bản, Biển Đông ở Hàn Quốc và Biển Đông Triều Tiên ở Bắc Triều Tiên. Hầu hết các chính phủ đều có các cơ quan được giao nhiệm vụ khảo sát, lập bản đồ và đặt tên cho các thực thể hải dương học nhưng trọng tài giải quyết những tranh chấp đó là Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO), nơi có 94 quốc gia thành viên. (Ngày 21 tháng 6 cũng là Ngày Thủy văn Thế giới của IHO.)

Theo định nghĩa của Hiệp hội Địa lý Quốc gia, Nam Đại Dương bao gồm hầu hết các vùng nước bao quanh Nam Cực ngược lên vĩ tuyến 60° Nam, ngoại trừ khu vực Eo biển Drake và Biển Scotia. Vĩ tuyến 60o Nam gần tương ứng với đường đi của Dòng hải lưu Nam Cực, dòng nước theo chiều kim đồng hồ từ tây sang đông và đánh dấu ranh giới giữa các vùng nước lạnh, chảy theo hướng bắc từ Nam Cực, và vùng nước cận Nam Cực ấm hơn. Các vùng biển ở Nam Đại Dương lạnh hơn và ít mặn hơn so với các vùng biển phía nam Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Điều này đã cho phép một hệ sinh thái khác biệt phát triển, có đời sống động thực vật phong phú, bao gồm nhuyễn thể, chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi và chim hải âu. Tính chất băng giá làm cho vùng nước này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Ủy ban Định danh Địa lý Hoa Kỳ đã coi Nam Đại Dương là một đại dương khác biệt so với các đại dương khác, và cũng sử dụng vĩ tuyến 60o Nam làm ranh giới. Nhiều chính phủ, nhà khoa học và tổ chức khác cũng vậy. Nhưng lập trường của IHO phức tạp hơn. Trong ấn bản đầu tiên của tài liệu “Ranh giới của các Đại dương và Biển” được xuất bản vào năm 1928, tổ chức này xác định Nam Đại Dương kéo dài lên tới tận rìa nam Châu Phi, châu Úc và châu Nam Mỹ. Đến lần xuất bản thứ hai vào năm 1937, các ranh giới phía bắc của Nam Đại Dương đã được dịch chuyển về phía nam, không còn tiếp xúc các lục địa kia nữa. Trong lần xuất bản thứ ba vào năm 1953, Nam Đại Dương đã bị bỏ qua hoàn toàn vì các tác giả của nó không còn thấy lý do “biện minh” cho việc gọi vùng nước này là đại dương nữa, do “các ranh giới phía bắc của nó rất khó xác định bởi thay đổi theo mùa.” Thay vào đó, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã được kéo dài xuống Nam Cực.

Năm 2000, khi ấn bản thứ tư của tài liệu sắp được xuất bản, các thành viên IHO đã bỏ phiếu để đặt tên cho vùng biển bên dưới vĩ tuyến 60o Nam là “Nam Đại Dương”. Argentina và Úc phản đối [việc giữ tên cũ], lập luận rằng Nam Đại Dương , chứ không phải Ấn Độ Dương, mới là đại dương bao quanh bờ biển phía nam của họ. Nhưng các tranh chấp khác giữa các thành viên, chẳng hạn như tên gọi Biển Nhật Bản, đã khiến phiên bản thứ tư của tài liệu không được chính thức thông qua. Điều này khiến IHO bị mắc kẹt ở phiên bản tài liệu năm 1953, khi tên gọi Nam Đại Dương vẫn chưa tồn tại chính thức.

Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/trai-dat-co-bon-hay-nam-dai-duong-a24117.html