Bệnh ba hoa hiện nay nhìn từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những biểu hiện của thói ba hoa được chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ cách đây hơn 60 năm vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa thời sự, thiết thực đối với cuộc sống hiện đại.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (Nhà xuất bản Sự thật, 1947), dưới bút danh X.Y.Z, Hồ Chủ Tịch đã “bắt” được nhiều bệnh trầm kha trong lề lối làm việc, công tác của cán bộ, công chức. Trong hàng loạt các loại bệnh như bệnh địa phương, bệnh ham danh lợi, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh cẩu thả, bệnh chủ quan, Bác Hồ đã rất quan tâm đến bệnh ba hoa. Không những đặt nó lên hàng đầu, Người còn dành hẳn một chương sau cùng có tên gọi “chống thói ba hoa” để tìm hiểu các “triệu chứng” và những liều thuốc đặc trị căn bệnh này.

Những thể hiện của thói ba hoa được Người nêu lên cách đây hơn 60 năm vẫn còn có ý nghĩa thiết thực, tích cực đối với cuộc sống hiện đại, khi mà sự tái phát của căn bệnh này đã đến lúc báo động. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thói ba hoa thể hiện ở những điểm chính: dài dòng, rỗng tuếch; cầu kì, khó hiểu; khô khan, lúng túng; báo cáo lòng thòng, giả dối, ít xuýt ra nhiều; rối rắm, khó hiểu; hay nói chữ, không đúng giờ quy định v.v...

Bệnh ba hoa hiện nay nhìn từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyên nhân gây nên căn bệnh quái ác này, ngoài khả năng hạn chế trong lập luận, trình bày, sự kém tự tin trong giao tiếp có tính chất trực diện, trang trọng của người nói, còn là do sự lụp chụp, cẩu thả, không chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi lên trình bày, sở thích “tung hỏa mù” để tạo hiệu ứng giả, thích phô trương để lòe thiên hạ... Điều này nếu nhiều lần cộng hưởng với tình trạng “mũ ni che tai” của người nghe sẽ đẩy bệnh sang một biến chứng mới: bệnh vĩ cuồng, người nói tự cho rằng số (người nghe) ấy chẳng có ai bằng ta, họ đờ ra như thế là đang ngất ngây bởi sự uyên bác của ta đấy mà.

Bệnh ba hoa không chỉ là một căn bệnh nan y của văn hóa hành chính lúc này, mà nó còn tạo sức ỳ rất lớn trong học thuật, là những rào cản không nhỏ hạn chế những tinh thần, phương thức đi tìm tiếng nói đối thoại cởi mở, thẳng thắn, dân chủ trong không ít hội thảo, hội nghị... hôm nay.

Hệ quả là, không ít người dù chịu khó để duy trì sức bền của sự chịu đựng - cũng phần nào là sự tôn trọng với người nói - nhưng cuối cùng vẫn không thể chế ngự sự thất vọng, nhàm chán, khó chịu mỗi khi phải “hân hạnh” được làm cử tọa trong những buổi sinh hoạt kiểu này. Việc trình bày, lập luận thường theo kiểu dài dòng văn tự, cứ lặp đi lặp lại từng ấy lời, từng ấy ý, lời lẽ đao to búa lớn mà công thức, mòn cũ nên chỉ cần thoáng nghe qua người ta cũng đã biết diễn giả định nói chuyện gì. Có không ít bản báo cáo, những phát biểu trực tiếp mà độ dài thường tỉ lệ nghịch với hàm lượng thông tin.

Vậy là cử tọa nhanh chóng tìm cho mình những phương thức "chống chán" đầy hiệu quả. Thường cách thức để họ “cải thiện” tình hình lại rất phong phú nhưng xem ra chẳng tích cực là bao. Nếu để ý, người ta sẽ dễ nhận ra một sự thật đáng buồn: nói là việc của diễn giả ở trên; phía dưới, cử tọa cứ tha hồ lướt web, hoặc thì thầm "buôn" với nhau thoải mái.

Độ rộng của khán phòng, số lượng người dự càng tăng thì tình trạng trên diễn ra càng phổ biến. Chỉ cần lắp ghép các hình ảnh này lại, ta sẽ có một phóng sự không cần lời bình nhưng vô cùng sống động về sự thật chẳng lấy làm khả quan của không ít hình thức hội họp hiện nay. Hậu quả là: Các hội thảo, hội nghị, sinh hoạt... càng tổ chức nhiều thì càng làm giảm sút hoặc biến tướng chất lượng; cả người nói lẫn người nghe đều cảm thấy bức bối vì không được tôn trọng; thậm chí có lúc đánh mất ấn tượng tốt đẹp của mình trong mắt người khác...

Bên cạnh tính vấn đề, tính thời sự của thông tin, sự hờ hững của người nghe một phần cũng do hình thức trình bày các văn bản gây nên. Báo cáo dài lê thê, dù rằng mỗi đại biểu ai cũng đều có một bản trên tay. Người báo cáo khản giọng đọc, cử tọa cắm cúi nhìn vào tài liệu phát sẵn. Điều này vừa tốn thì giờ, vừa tạo ra sự lệch lạc trong kênh giao tiếp giữa người nói và người nghe, sự thiếu nghiêm túc của hội thảo, hội nghị,... Nó khiến những sinh hoạt này thành rơi vào tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh và rồi chỉ “thành công một nửa” : hội là chính, nghị và thảo là phụ, bởi điều đó còn tùy thuộc vào vấn đề... thời gian trình bày báo cáo.

Ai cũng biết rằng một khi ngưòi ta đến với những cuộc họp, hội thảo, hội nghị bao giờ cũng với mong muốn được cập nhật những thông tin mới mà bản thân chưa nghe, chưa biết để bồi bổ thêm kiến văn hạn hẹp của mình, để bản thân cũng có dịp trình bày chủ kiến để được ghi nhận những đóng góp của người khác. Nhưng rồi không ít người khi đến hăm hở, hi vọng bao nhiêu thì khi về thất vọng bấy nhiêu. Tình hình lặp lại nhiều lần, không ít người xem những hoạt động này như là sự bất đắc dĩ, “đi thì cũng dở không xong”.

Quốc hội, Chính phủ nhiều năm nay đã cải tổ lối làm việc này: Gửi báo cáo trước cho đại biểu (qua các nền tảng số hiện đại); khi tiến hành các hội nghị chỉ cần đề cập những nội dung chính; thời gian còn lại để cho đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến. Đây cũng là một kinh nghiệm quý để các tổ chức, đơn vị... vận dụng để làm mới, làm hấp dẫn những nội dung sinh hoạt, tạo nên tính dân chủ của một môi trường lao động, sinh hoạt, học thuật... mà sự đồng thuận bao giờ cũng được tạo ra nhờ rất nhiều tiếng nói, nhiều quan điểm có tính đối thoại, phản biện cao.

Công nghệ thông tin hiện đại đã góp phần không nhỏ để con người cô đúc hóa những bài viết, công trình, các bài nói chuyện của mình trước cử tọa. Cho nên, việc chuẩn bị kĩ càng trước khi đăng đàn diến thuyết là điều tối quan trọng. Nói như vậy không phải là ngắn gọn đến mức bí hiểm, đến độ đánh đố hoặc xem thường người khác. Những dẫn giải vừa phải, đúng lúc vẫn rất cần thiết; tuy nhiên vẫn không quá thời lượng cho phép, vẫn đảm bảo để cho nhiều người còn có cơ hội được trình bày suy nghĩ, thể hiện tâm huyết như mình.

Dân gian Việt Nam có không ít câu thành ngữ đề cập đến văn hóa giao tiếp: Nói hay hơn hay nói; Ăn lắm thì hết miếng ngon - Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ; Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Đây cũng là sự gặp gỡ thú vị giữa văn hóa phương Đông với phương Tây: Càng nói nhiều người ta càng nhớ ít. Lời càng ít, ích lợi càng nhiều (Fénelon - nhà thơ, nhà văn người Pháp); Nghĩ càng ít thì nói càng nhiều (Montesquieu - nhà triết học Pháp)... Ngoài sự khẳng định tính chất văn minh, hiện đại, bản lĩnh trong giao tiếp, việc khắc phục bệnh ba hoa cũng thể hiện rất rõ quan điểm tích cực trong thực hành tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm về thời gian - cái gốc của sự phồn thịnh của xã hội, khả năng tự làm chủ cuộc sống của con người.

Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/benh-ba-hoa-hien-nay-nhin-tu-quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-a24218.html