Kết thúc Chương trình giáo dục phổ thông 2006: Mối lo cần được giải tỏa

Kết thúc Chương trình giáo dục phổ thông 2006: Mối lo cần được giải tỏa

Một tiết học của học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Quang

Còn nhiều băn khoăn

Thời điểm này, cùng với học sinh phổ thông trên cả nước, học sinh Hà Nội đã chính thức bước vào kỳ nghỉ hè năm 2023. Ghi nhận chung, các nhà trường đã hoàn thành kế hoạch thời gian năm học đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Năm học 2022-2023 là năm học thứ ba toàn ngành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với sáu khối lớp (lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10) với nhiều kết quả tích cực, làm tiền đề cho việc tiếp tục mở rộng với ba khối lớp tiếp theo (lớp 4, lớp 8 và lớp 11) vào năm học mới 2023-2024.

Năm học 2023-2024 cũng là năm học cuối cùng toàn ngành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với ba khối lớp còn lại là lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đây lại là ba khối lớp cuối cấp, nên việc học tập của học sinh thường được các bậc phụ huynh học sinh quan tâm nhiều hơn. Bà Trần Thị Hoa, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: “Chúng tôi khá lo lắng bởi năm học tới, cả trường chỉ có khối 9 học theo chương trình cũ. Năm 2024, các con sẽ thi tuyển vào lớp 10 thế nào? Đề thi lớp 10 liệu có nằm trong chương trình mới?”.

Các phụ huynh học sinh có con chuẩn bị vào lớp 5 cũng lo về việc, liệu các con có đáp ứng được với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi chuyển lên cấp trung học cơ sở hay không, khi toàn bộ 5 năm ở cấp tiểu học đều học Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Chia sẻ với những băn khoăn của phụ huynh học sinh có con sắp bước vào năm học cuối cấp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho rằng, học sinh cứ yên tâm học tập thật tốt. Các nhà trường luôn đặt ưu tiên dành cho khối học sinh cuối cấp, trong đó đặc biệt quan tâm tới học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Dù học theo chương trình nào, học sinh cũng được bảo đảm đáp ứng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp học.

Về phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang nghiên cứu kỹ về nhiều mặt, song sẽ luôn bảo đảm thuận lợi nhất cho học sinh.

Lối nào cho học sinh trượt tốt nghiệp?

Lo lắng hơn cả có lẽ là lứa học sinh sắp bước vào lớp 12 năm học 2023-2024. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng dành cho học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số học sinh không đỗ tốt nghiệp hằng năm là hơn 1.000 em. Nếu chẳng may trượt, học sinh sẽ phải thi lại với khóa đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương so sánh, học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hiện nay thi tốt nghiệp với 3 bài thi bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ; chọn một trong 2 bài tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, học sinh thi 4 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử; 2 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học - công nghệ. Thuận lợi là các môn thi theo chương trình mới đều có trong chương trình hiện tại, trừ môn giáo dục kinh tế và pháp luật. Tuy nhiên, đây là môn thi tự chọn, học sinh không cần quá lo lắng.

Để chủ động phương án từ sớm, em Trần Tuấn Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) đề xuất, ngay sau khi chốt phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố đề thi minh họa sớm nhất có thể. Trong trường hợp cần thiết, học sinh có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo để tự học, bổ túc kiến thức phù hợp và có thể phần nào hình dung ra cấu trúc đề thi để tập dượt.

Liên quan đến nội dung này, nhiều hiệu trưởng trường trung học phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đều có chung đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có phương án và hướng dẫn các địa phương về công tác tổ chức dạy học, ôn tập cũng như định hướng thi cử. Với những học sinh không đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Bộ cần có hướng dẫn các nhà trường trong việc tổ chức ôn tập, bổ trợ kiến thức, kỹ năng để đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp chung với lứa học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/ket-thuc-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2006-moi-lo-can-duoc-giai-toa-a25208.html