Biết điều là gì? Làm sao để trở thành một người sống biết điều đúng ng

Mở rộng mối quan hệ là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng thành công sự nghiệp, tuy nhiên, trong giao tiếp, chắc chắn không ít lần chúng ta bị cho là bất lịch sự, thiếu tinh tế, tựu chung là không biết điều. Vậy biết điều là gì, tiêu chuẩn đánh giá ra sao và làm thế nào để không bị người khác nhận xét “Cái gì cũng biết, chỉ có biết điều là không biết”? Nhiều nội dung cần tìm hiểu quá, nhưng bạn đừng lo, quân sư TalentBold sẽ luôn đồng hành cùng bạn. MỤC LỤC: 1. Khám phá khái niệm Biết điều là gì? 2. Vì sao “Biết điều” lại giúp con người cải thiện chất lượng cuộc sống 3. Người biết điều có phải là người luôn được lòng người khác? 4. Làm sao để trở thành một người sống biết điều đúng nghĩa? 4.1. Tích lũy năng lực chuyên môn 4.2. Đặt mình vào vị trí của người khác 4.3. Đối xử công bằng, hòa nhã 4.4. Thực hành lối sống tích cực

1. Khám phá khái niệm Biết điều là gì?

“Biết điều” nghĩa là biết điều hay lẽ phải, biết cư xử phải phép, biết đối nhân xử thế một cách khiêm cung, hướng đến lợi ích của tập thể chứ không phải chỉ chăm chăm quyền lợi cao nhất cho riêng mình. Người biết điều không mưu cầu vượt quá những gì mình cống hiến, họ thậm chí chia sẻ bớt một vài quyền lợi nhỏ để hỗ trợ người khác trong những lúc khẩn cấp, đáp lại tấm chân tình mà mình đã nhận được từ họ.

Những giá trị mà người biết điều hướng đến đều đúng đắn, được mọi người xung quanh chấp thuận, ủng hộ nên những người biết điều có rất nhiều bạn bè, ai cũng sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ họ mà không lo bị thiệt thòi. Chẳng hạn như:

Biết điều là gì? Làm sao để trở thành một người sống biết điều đúng ng

>>> Bạn có thể xem thêm: Lạc quan là gì? Vì sao người lạc quan dễ thành công?

2. Vì sao “Biết điều” lại giúp con người cải thiện chất lượng cuộc sống

2.1. Tạo lợi thế cạnh tranh

Tính cách quyết định mức độ hòa hợp của một cá nhân cùng tập thể. Điển hình như trong môi trường cần sự phối hợp cao, giữa một người có kỹ thuật chuyên môn tốt nhưng kiêu ngạo, coi thường người khác và một người chưa giàu kinh nghiệm nhưng cư xử biết điều thì nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ chọn người thứ hai. Vì sao ư, vì doanh nghiệp là một tổ chức, và tổ chức chỉ có thể lớn mạnh khi tất cả mọi người đối đãi với nhau bằng sự tôn trọng và hết lòng vị mục tiêu chung.

2.2. Hạn chế xung đột nội bộ

Người biết điều là người làm chủ được cảm xúc của bản thân, biết điều gì nên được ưu tiên thực hiện trong từng tình huống cụ thể. Ví dụ, rõ ràng tình huống đó bạn hoàn toàn có thể dương dương tự đắc để chứng tỏ năng lực của mình trước Sếp, nhưng nếu làm vậy, đồng nghiệp sẽ bị mất mặt trước mọi người. Chứng minh chút năng lực nhỏ không đủ sức tạo bệ phóng cho bạn, nhưng hoàn toàn có thể tạo ra ấn tượng không hay về cách cư xử trong mắt tất cả đồng nghiệp.

2.3. Mở rộng mối quan hệ giao tiếp

Bên cạnh người biết điều, mọi người luôn cảm thấy thoải mái, thư thái như tìm được một chỗ dựa tinh thần bình an vậy. Vì ở đó họ vẫn có thể đón nhận những lời nhận xét, khuyên bảo nhưng với thái độ chân thành, khiêm tốn, khiến cho bản thân không cảm thấy bị kém cỏi hay mất mặt. Chính nhờ năng lực này mà người biết điều được đánh giá là nhân tố sở hữ chỉ số EQ rất cao, dễ dàng xây dựng thành công nhiều mối quan hệ tích cực. Biết điều là gì? Làm sao để trở thành một người sống biết điều đúng ng

2.4. Dễ dàng nhận được sự hỗ trợ

Người biết điều luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của người khác, họ không để bất cứ ai bị thiệt thòi khi đã tin tưởng và giúp đỡ họ khi khó khăn. Vì vậy, một khi mở lời cần hỗ trợ, rất nhiều cánh tay sẽ giơ lên, xung phong đồng hành cùng người biết điều. Ngược lại, những người không biết điều thì dù có trò chuyện vui vẻ, có năn nỉ ỷ ôi thì người khác cũng viện lý do để từ chối vì biết chỉ khi cần họ mới đối tốt, còn xong việc thì xem như “chúng ta không thuộc về nhau”.

2.5. Sở hữu cái nhìn tích cực

Cái nhìn tích cực trong mọi vấn đề xuất phát từ sự bao dung, hiểu mình và biết nghĩ cho người khác của người biết điều chính là liều thuốc tinh thần giúp tâm hồn họ luôn lạc quan, không chấp nhặt, không bị cảm xúc tiêu cực xâm chiếm dù đôi khi phải nhường lại một lợi ích nhỏ cho những đồng nghiệp khác để đồng nghiệp nâng cao nghiệp vụ. Bởi lẽ, ngoài tinh thần sẵn sàng chia sẻ, người biết điều còn tin tưởng vào chính mình, họ biết người thành công không nhất nhất cái gì cũng phải đến tay, hỗ trợ đồng nghiệp cũng chính là phát triển nguồn lực mà họ có thể nhờ cậy sau này.

3. Người biết điều có phải là người luôn được lòng người khác?

Người biết điều tạo ấn tượng tốt về cách cư xử với mọi người nhưng nói họ là người luôn được lòng người khác thì không hẳn, bởi vì:

3.1. Hành động theo điều đúng đắn

Người luôn được lòng người khác thường là người ba phải, thảo mai, nói chuyện với ai thì theo ý người đó để lấy lòng, bất kể điều đó là đúng hay sai. Nhưng người biết điều thì khác, họ nói chuyện hòa nhã với mọi người nhưng vẫn giữ chính kiến của mình, cư xử theo điều đúng, không thỏa hiệp với cái sai chỉ vì muốn lấy lòng người khác. Cho dù không đồng tình, họ cũng sẽ chọn cách phản hồi phù hợp dựa trên cảm xúc của đối phương chứ không gắt gỏng phản bác. Biết điều là gì? Làm sao để trở thành một người sống biết điều đúng ng

>>> Bạn có thể quan tâm: Đối nhân xử thế là gì? Cách đối nhân xử thế trong công việc

3.2. Giữ vững thái độ, quan điểm

Những hành động, cư xử của người biết điều đều dựa trên cái nhìn đúng trong một vấn đề, nên dù trước mặt hay sau lưng đối phương họ đều không thay đổi. Đây được xem là tố chất chính trực mà người luôn được lòng người khác ít khi làm được vì trước mặt họ nói thuận theo ý đối phương nhưng không chắc là đúng với quan niệm, suy nghĩ của họ, nên khi ở sau lưng, mọi điều có thể trái ngược hoàn toàn.

3.3. Sẵn sàng nói “Không” khi cần thiết

Vì không muốn mất lòng ai dù là chuyện nhỏ nhất nên người luôn được lòng người khác sẽ cảm thấy khó khăn khi phải từ chối lời đề nghị của một ai đó, nên dù không thích hoặc không đủ năng lực để hỗ trợ họ cũng sẽ nhận lời.

Phía người biết điều thì việc nhận lời luôn dựa trên sự đánh giá về năng lực và giá trị đúng, nên họ không ngần ngại nói “Không” nếu điều đó là sai, kèm theo lý do phù hợp để đối phương không cảm thấy khó chịu. Còn nếu đó là đúng nhưng chỉ vì họ không có đủ năng lực thì họ sẽ không để đối phương về tay không, nhất là khi người đó từng giúp đỡ họ, do vậy, một là họ sẽ cố gắng hỗ trợ một phần trong nội dung mà đối phương nhờ cậy, hai là họ sẽ giúp đối phương tìm đến người có đủ năng lực giúp đỡ.

3.4. Không quá đặt nặng sự yêu thích của người khác

Nhận xét của người khác về mình rất quan trọng với những ai luôn muốn làm hài lòng người khác. Họ luôn cảm thấy bản thân chưa đủ tốt, luôn có cảm giác vẫn có ai đó chưa thích mình, và thế là họ thay đổi mình theo hướng mà người khách yêu thích.

Người biết điều hiểu được rằng làm theo điều đúng chắc chắn những người không nhận được lợi ích sẽ không thích họ nhưng họ không quá đặt nặng nhu cầu được mọi người yêu thích. Vì họ tin rằng chỉ những mối quan hệ xây dựng trên nền tảng tôn trọng nhau và tôn trọng lẽ phải thì mới gắn kết lâu dài và mới bổ trợ nhau cùng phát triển.

4. Làm sao để trở thành một người sống biết điều đúng nghĩa?

4.1. Tích lũy năng lực chuyên môn

Trước khi muốn làm một người biết điều, bạn phải là người biết phân định cái nào đúng, cái nào sai theo từng môi trường giao tiếp cụ thể. Muốn vậy, việc học tập, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm và sự trải nghiệm nhiều khía cạnh cuộc sống là điều cần thiết. Như thể một người muốn góp ý cho dự án của một ai đó thì bản thân họ phải có kiến thức chuyên sâu cùng lĩnh vực dự án để có thể thấy được cái sai cần điều chỉnh, từ đó mới thể hiện sự biết điều thông qua cách góp ý sửa đổi đúng trọng tâm với những lời lẽ dễ chấp nhận nhất. Biết điều là gì? Làm sao để trở thành một người sống biết điều đúng ng

4.2. Đặt mình vào vị trí của người khác

“Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, câu nói này muốn nhắc nhở chúng ta khi giao tiếp phải cẩn trọng lời nói, dành cho bản thân một khoảng ngừng để cảm nhận tâm trạng của đối phương, để phân định đúng sai và để cân nhắc câu từ sắp thể hiện. Như vậy sẽ giúp bản thân tránh được nhiều sự nuối tiếc khi vô tình làm đối phương bị tổn thương chỉ vì lỡ lời trong một tích tắc.

4.3. Đối xử công bằng, hòa nhã

Mỗi đối tượng giao tiếp sẽ có một tiêu chuẩn xưng hô và cư xử khác nhau, tuy nhiên, thái độ tươi tắn, nụ cười thân thiện thì bạn có thể trao cho tất cả mọi người. Bất kể người đó thuộc cấp bậc thấp hơn hay nhỏ tuổi hơn bạn, chỉ cần mở lòng trước, bạn sẽ khiến họ cảm thấy bản thân được tôn trọng và nhận định ngay bạn là một người tử tế, biết điều.

4.4. Thực hành lối sống tích cực

Chỉ khi tâm hồn tích lũy sự tích cực, lạc quan thì ta mới có thể đối đãi với cuộc đời bằng thái độ tương tự. Những người biết điều cũng vậy, họ dành sự quan tâm và hành xử đúng mực với người khác vì trong họ không có sự ganh đua, ích kỷ, không níu kéo tổn thương quá khứ để dằn vặt mình. Chọn cách sống lạc quan, biết tha thứ cho người và cho mình chính là cách loại bỏ cảm xúc tiêu cực ra khỏi tâm hồn, mở rộng không gian cho những ý niệm tốt đẹp, thiện lành hòa nhập vào bản thân, làm nền tảng phát triển giá trị biết điều trong chính bạn.

Biết điều là việc con người cư xử một cách đúng mực, phải phép với mọi người xung quanh, họ luôn biết quan tâm đến cảm xúc của người khác trước khi đưa ra bất cứ phản hồi hay sự đánh giá nào. Một tố chất chính trực và chu đáo như vậy sẽ luôn mang đến cho người biết điều nhiều lợi ích trong các mối quan hệ. Dù là người già hay trẻ nhỏ, dù là nhân viên hay quản lý cao cấp thì tố chất này luôn là ưu tiên mà quân sư TalentBold khuyến khích mọi người rèn luyện.

-

Chi tiết liên hệ: Talentbold - We bold your talents Hotline: 077 259 1080 Mail: [email protected] Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam

Nguồn ảnh: internet

Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/biet-dieu-la-gi-lam-sao-de-tro-thanh-mot-nguoi-song-biet-dieu-dung-ng-a25689.html