Từ lý luận về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đến quan điểm “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ lý luận về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đến quan điểm “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ với học sinh

Phạm trù thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức là một trong những lý luận cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Lý luận này chỉ ra rằng việc nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, học đi đôi với hành. Vận dụng sáng tạo lý luận về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tuyên truyền mô hình giáo dục mới theo quan điểm “Học đi đôi với hành”. Người chỉ rõ phương pháp để đào tạo nên những người vừa có đức, vừa có tài là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.

Từ lý luận về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin

Theo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin: “Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội”(1). Khác với hoạt động nhận thức, trong hoạt động thực tiễn, con người sử dụng những công cụ vật chất tác động vào những đối tượng vật chất làm biến đổi chúng theo mục đích của mình. Những hoạt động ấy là những hoạt động đặc trưng và bản chất của con người.

Hoạt động thực tiễn rất đa dạng với nhiều hình thức ngày càng phong phú, song có ba hình thức cơ bản là hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học. Thực tiễn có hai vai trò lớn đối với nhận thức:

Thứ nhất, thực tiễn là cơ sở, động lực và mục đích của nhận thức: Sở dĩ như vậy bởi vì thực tiễn là điểm xuất phát trực tiếp của nhận thức. Thực tiễn đề ra nhu cầu, nhiệm vụ, cách thức và khuynh hướng vận động và phát triển của nhận thức. Chính con người có nhu cầu tất yếu khách quan là giải thích và cải tạo thế giới mà buộc con người phải tác động trực tiếp vào các sự vật, hiện tượng bằng hoạt động thực tiễn của mình. Nhờ có hoạt động thực tiễn mà các giác quan của con người ngày càng được hoàn thiện; năng lực tư duy logic không ngừng được củng cố và phát triển.

Thứ hai, thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý: Thực tiễn luôn vận động và phát triển trong lịch sử. Nhờ đó mà thực tiễn thúc đẩy nhận thức cùng vận động, phát triển. Mọi sự biến đổi của nhận thức suy cho cùng không thể vượt ra ngoài sự kiểm tra của thực tiễn. Nhận thức thường xuyên chịu sự kiểm nghiệm trực tiếp của thực tiễn. Thực tiễn có vai trò là tiêu chuẩn, thước đo giá trị của những tri thức đã đạt được trong nhận thức. Thực tiễn bổ sung, điều chỉnh, sửa chữa, phát triển và hoàn thiện nhận thức. Như vậy, thực tiễn vừa là điểm xuất phát của nhận thức, là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của nhận thức, vừa là nơi nhận thức phải luôn luôn hướng tới để thể nghiệm tính đúng đắn của mình.

Lý luận về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin yêu cầu việc nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, phải coi trọng công tác tổng kết thực tiễn. Việc nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành. Nếu xa rời thực tiễn sẽ dẫn đến sai lầm của bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, máy móc, quan liêu. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa vai trò của thực tiễn sẽ rơi vào Chủ nghĩa thực dụng, kinh nghiệm Chủ nghĩa.

Đến quan điểm “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quan điểm “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Theo quan điểm của Người, “học” là một hoạt động nhận thức, là quá trình tiếp thu tri thức, thông qua đó hình thành các nhân cách, năng lực cần thiết; “hành” là thực hành, là làm việc, là sự vận dụng những điều đã học để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Giữa “học”(nhận thức) và “hành” (thực tiễn), Người cho rằng có mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ với nhau và thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau:

Thực tiễn cuộc sống là cơ sở, động lực và mục đích của việc học tập: Trong bài “Chống nạn thất học” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 04/10/1945, Người viết: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”(2). Mục đích của việc học tập được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt là “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(3). Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc ngày 23/3/1956, Người động viên các thầy, cô giáo: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân, của Nhà nước.Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa”(4). Trong thư gửi các cháu lưu học sinh Việt Nam học ở Mát-xcơ-va đề ngày 19/7/1955, Người căn dặn: “Các cháu học kỹ thuật và học tiếng Nga cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(5).

Mặc dù mục đích cốt yếu của việc học tập là để giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý, nội dung học tập cần phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, mỗi bậc học. Trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Người nhấn mạnh: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”(6).

Thực tiễn cuộc sống là tiêu chuẩn để kiểm tra những tri thức, hiểu biết đã được nhận thức thông qua học tập:

Ngay từ những ngày còn dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý áp dụng phương pháp giáo dục “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”(7). Không chỉ gò bó học trò trong khuôn viên lớp học, vào những ngày nghỉ, Người đã chọn phương pháp học mới là đưa học trò tham quan, học tập ở ngoài trời, giúp học trò có những trải nghiệm thực tế, hiểu rõ hơn những gì đã được học, cũng là cách để gần gũi với cuộc sống của người dân, thấu hiểu và chia sẻ với cảnh sống khó khăn cơ cực, lầm than thống khổ của đồng bào. Sau này, trong bài viết “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 14/3/1960, Người tiếp tục khẳng định: “Chúng ta cần học nhiều thứ: Học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật. Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo,v.v., có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến”(8).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Người cho rằng: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”(9). Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên về phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế; học xong, về xí nghiệp, về hợp tác xã, về cơ quan,phải biến những điều đã học thành hành động cách mạng thực tế; học phải đi đôi với hành.

Ngày nay, đất nước ta đang xây dựng một nền giáo dục xã hội Chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Đảng và Nhà nước ta khẳng định, hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, quan điểm “Học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là đúng đắn, sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho hoạt động giáo dục trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay./.

Hoàng Thị Thu Hiền

Ghi chú:

(1). Nguyễn Hữu Vui, Nguyễn Ngọc Long (2005), Giáo trình Triết học Mác - Lê-nin, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr. 295.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 4, tr. 44.

(3, 9). Sđd, tập 5, tr. 684, tr.472.

(4,5, 6). Sđd, tập 8, tr. 138, tr. 25, tr. 81.

(7). Sđd, tập 11, tr. 333.

(8). Sđd, tập 10, tr. 104

Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/tu-ly-luan-ve-vai-tro-cua-thuc-tien-doi-voi-nhan-thuc-cua-chu-nghia-mac-le-nin-den-quan-diem-hoc-di-doi-voi-hanh-cua-chu-tich-ho-chi-minh-a25782.html