Thích Chân Pháp Sỹ
Vịt trời di cư. (Ảnh: sciam.com)
Xuyên suốt cuộc hành trình từ miền Bắc xuống miền Nam. Dù chặng đường ấy xảy ra biến cố gì, dù núi cao hiểm trở, dù bị loài khác tấn công, và có lúc dừng chân để tìm thức ăn hoặc nghỉ ngơi. Điểm nổi bật của loài chim di cư là vẫn bay theo đàn. Chúng không bao giờ bỏ đàn để bay một mình, nhất là lúc di cư vào ban đêm. Vì chúng biết đó là việc nguy hiểm cho mạng sống, ảnh hưởng cho cuộc hành trình của đồng loại. Cũng có lúc, một số bay với nhau thành nhóm, cánh liền cánh, về nơi an toàn. …
Từ miền Bắc Canada hay vùng Alaska để tới miền Nam Mỹ, loài chim hét (Swanson) phải vượt qua 4.800 km. Mùa xuân là thời điểm để chúng bay về quê cũ. Chim Swanson thường bay vào ban đêm. Dường như chúng bay suốt đêm và chỉ dừng lại ban ngày để nghỉ ngơi. Giấc ngủ rất quan trọng đối với mọi cơ thể sống. Vì thế, khi dừng lại, đó là khoảng thời gian để chim Swanson ngủ. Mỗi lần của những chú chim này ngủ khoảng 9 giây và ngủ nhiều lần như thế. Có khi chúng chỉ nhắm một mắt và mắt kia mở ra để tự vệ và tránh được những điều nguy hiểm.
Khi nghiên cứu và thực nghiệm về loài chim di cư liên lục địa, cơ quan sinh học Rybachy (Viện động vật học Nga) cho biết: chim di cư có khả năng định hướng, có thể điều chỉnh hướng bay và nhận diện được tọa độ, kinh độ, vĩ độ địa lý. Với thử nghiệm là bắt một loài chim đầu nhọn trong đợt di cư đầu mùa xuân, khi chúng đã bay được chặn đường 1000 km, nhưng sau khi được thả ra, chúng có thể đi đúng lộ trình cũ và hướng tới điểm ban đầu. Để lý giải cho khả năng kỳ diệu của loài chim này, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng; nhờ vị trí của mặt trời vào giữa trưa hoặc thông qua địa từ của trái đất, mà chim có thể định vị được dễ dàng vĩ độ, hoặc chim di cư có thể sử dụng được từ tính của trái đất để định hướng. Nhưng cũng có giả thuyết không ủng hộ quan điểm trên. Cơ quan quan sinh học Rybachy lập luận rằng - có thể nhờ vào hai đồng hồ sinh học bên trong cơ thể của chúng: một cái theo giờ nơi tránh rét, một cái theo giờ “quê nhà” nên chim di cư có thể sử dụng cảm giác thời gian đôi.
Chim đầu nhọn. (Ảnh: iStockphoto / Iurii Konoval)
Nhưng rồi, các nhà nghiên cứu lại cho biết, kiến thức của họ về phương hướng định vị không gian - thời gian của những loài chim di cư chỉ mang tính suy luận. Cơ sở nào để loài chim này có thể xác định phương hướng, định vị trong không gian? Thêm một nghiên cứu đưa ra : khi bay xa, chim sử dụng la bàn cơ thể để định hướng mà chìa khóa của cơ thể ấy là ở đôi mắt. Tại trường đại học Oldenburg, nhóm nghiên cứu Dominik Heyers cho biết: chim sử dụng các Neuron chuyên biệt trong mắt, nhạy cảm với hướng từ trường, nhận biết từ trường như là một dạng thị giác, một la bàn dẫn đường cho chúng vòng quanh thế giới.
Sếu đầu đỏ (nguồn Internet)
Ở nước ta, vào những ngày cuối tháng 12, loài chim quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (Sếu đầu đỏ) từ bắc Campuachia và nam Lào, di trú tại đồng bằng sông Cửu Long. Vườn quốc gia Tràm Chim từng là nơi cư trú cho tập đoàn Sếu lên tới một ngàn thành viên. Những năm gần đây, số lượng Sếu di cư này giảm xuống đáng kể do sự can thiệp thiếu ý thức của con người lên môi trường, làm thay đổi hệ thống sinh thái. Việc quản lý thủy văn chưa phù hợp, đã làm thu hẹp diện tích đồng cỏ, không còn nguồn thức ăn cho chim Sếu, dẫn đến mật độ cá thể của loài chim này bị giảm theo hàng năm - Với 2.700 ha đang bị lấn chiếm để thành lập các đầm nuôi tôm. Lợi dụng các kênh thoát lũ, nhiều người đã đến đây chiếm đất, đưa nước mặn vào nơi vốn là hệ sinh thái nước ngọt để nuôi tôm sú. Việc lấn chiếm diễn ra rất khẩn trương, trên quy mô rộng, đe dọa xóa sổ toàn bộ khu vực phụ hồi này - theo Tuổi Trẻ (23.03. 2002).
Chim bồ nông trắng - (ảnh: nguồn Internet)
Loài chim di cư ấy, đáng chú ý nhất là loài bồ nông trắng. Bao giờ chúng cũng bay theo đội hình chữ V chỉ vì hai lý do: dễ dàng kết nối liên lạc và giữ gìn năng lượng. Khi bay chung với nhau, những chú bồ nông trắng sẽ bay được nhanh hơn so với những chú bay một mình (giữ gìn năng lượng). Để không bị lạc đàn, đội hình chữ V là một giải pháp hiệu quả để chúng có thể quan sát bạn đồng hành phía trước, nhất là khi có tín hiệu dừng lại nghỉ ngơi, hoặc đổi hướng bay (kết nối liên lạc).
Điều đáng khâm phục ở loài chim di trú là khả năng định vị, nhận biết năng lượng từ trường và từ tính của trái đất bằng chính những giác quan trong cơ thể để tìm ra phương hướng chính xác trong cuộc vạn lý hành trình. Trong khi đó con người, khả năng nhận biết và định vị của các giác quan rất hạn chế. Để hiểu biết về thế giới, con người phải chế tạo những thiết bị khoa học hiện đại, lúc ấy mới khám phá ra phần nào phương hướng, định vị trong không gian.
Tuy nhiên, nhận xét trên chỉ là tương đối, không nhằm so sánh khả năng giữa con người với loài chim. Các loài sinh vật, động vật, v.v… dù chúng có khả năng thương yêu (trong phạm vi bé nhỏ), nhưng khả năng ý thức về khổ đau và hạnh phúc, khả năng tư duy hướng tới sự sống cao đẹp như con người - với chúng - đó là những khả năng có chỉ số cực thấp, hoặc chưa xảy ra, mà phần nhiều chúng thuần về bản năng. Những áp lực làm chim phải di cư; một phần do tập quán chủng loài, một phần vì môi trường sống và biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chính (theo W. Alice Boyle, Đại học Arizona) vẫn là thiếu nguồn thức ăn. Không hẳn vì di cư theo mùa nên chúng bay cùng nhau, điều thực tế hơn, chỉ vì mục đích để dễ dàng tìm ra thức ăn.
Thông tin về một số loài chim di cư được ghi nhận ở trên, không chỉ để trình bày những khám phá của các nhà nghiên cứu sinh vật học. Thông qua một vài ghi nhận ấy, nhất là những nét sinh hoạt đặc thù trong môi trường tự nhiên của các loài chim di cư, chúng ta cần có những suy nghiệm và cùng nhận diện về nhiều góc độ trong cuộc sống này. Khi loài chim có một số khả năng ưu việt, mà những khả năng này nơi con người, ở tình người, nhiều khi rơi vào tình trạng bế tắc, hoặc vô cảm, hoặc vị kỷ.
Những chuyến hành trình xuyên không gian, có loài bay xa đến hàng ngàn dặm, có loài vút cánh chạm mây trời. Trên hư không mênh mông, xuyên suốt cuộc hành trình vạn dặm mây trời, loài thiên di biết nương tựa, biết hỗ trợ, và biết bảo hộ nhau. Những con bay ở vị trí đầu thường có sức khỏe tốt và độ bền cao. Bay phía sau là những con có sức khỏe yếu hơn. Khi những con dẫn đàn có dấu hiệu đuối sức, thì những con bay sau lướt lên phía trên để đảm nhận trách nhiệm dẫn đàn. Chúng tiếp sức nhau, có lúc chờ nhau, có lúc cùng quyết định chuyển hướng bay về nơi khác khi phát hiện môi trường nơi này bị ô nhiễm, đầy kẻ xấu ác tấn công. Vùng đất mầu mỡ, đồng cỏ xanh rì, lượng thức ăn dồi dào, chưa hẳn là miền đất lành để chúng phải dừng chân. Thỉnh thoảng, những chú chim thiên di cất tiếng gọi nhau, gọi bạn đồng hành còn đam mê, lẻ đàn. Khi không là một cá thể riêng biệt, thì sức mạnh của quần thể đủ sức chuyên chở để vượt qua những lộ trình đầy khó khăn.
Chim bắt ruồi. (Ảnh: LiveScience)
Loài thiên di đủ thông minh để chúng nhận biết, nếu tách đàn, nếu sống như một cá thể, có nghĩa là chúng sẽ tự đánh mất sự sống của chính mình trước khi đối diện mối nguy hiểm nào đó rình rập trên lộ trình di trú. Một là tất cả, tất cả là một (như đàn thiên di) không phải là quy luật định sẵn, càng không thể do một chủ thể nào đó đặt ra, mà đó là sự sống tự nhiên, vốn có mặt cùng khắp trong cuộc đời. Năm nào cũng thế, cuối mùa thu và lúc sắp lập đông, thời tiết dần rét buốt. Đó là thời điểm thích hợp để hàng trăm loài chim di cư tạm rời quê hương, bay về phương nam. Đất lành chim đậu.
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/canh-chim-thien-di-hieu-va-thuong-a26269.html