Bộ sách 'Chiến tranh tiền tệ' có hay như mọi người nói

Bộ sách 'Chiến tranh tiền tệ' có hay như mọi người nói

Phần một của bộ Chiến tranh tiền tệ.

Thời gian gần đây mình thấy khá nhiều người đang tìm hiểu bộ Chiến tranh tiền tệ của Song Hong Bin. Từ người không có bất kỳ kiến thức gì về tài chính, kinh tế học, chính trị cũng thấy bộ sách này hấp dẫn và thú vị. Ban đầu mình nghĩ "chiến tranh" và "tiền tệ" đều là những khái niệm rất lớn. Nếu không đủ kiến thức nền làm sao có thể hiểu rõ được điều tác giả nói. Hơn nữa, mình có một quy tắc rằng khi đọc sách khoa học (hay còn gọi là phi hư cấu) buộc phải hiểu rõ để không đánh tráo khái niệm đưa ra trong sách.

Để tìm hiểu điều này, mình đã tìm đọc Chiến tranh tiền tệ. Bộ sách đồ sộ với mỗi sáu phần, mỗi phần hơn 600 trang, được chia thành 9 đến 11 chương. Mình sẽ nhận xét trên hai phương diện, điểm được và chưa được của cuốn sách này để mọi người có thể tiện tham khảo.

Sức hấp dẫn của hai khái niệm lớn khi đặt cạnh nhau

Tác giả Song Hong Bin là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Tài chính Hoàn cầu. Ông bắt đầu nghiên cứu về lịch sử nước Mỹ cũng như lịch sử tài chính thế giới từ năm 1994. Xét về mặt học thuật, đây là tác giả có uy tín và có thâm niên đối với chủ đề đặt ra trong bộ sách Chiến tranh tiền tệ.

Về cấu trúc cuốn sách, nội dung trải dài tới năm bộ, tuy nhiên chúng có sự liên kết cụ thể, đặc biệt là phần một và hai. Mình thấy mọi người thường lựa chọn đọc hai phần này. Cho những ai chưa biết, phần ba sẽ nói về lịch sử tài chính của Trung Quốc từ đời nhà Thanh, nhấn mạnh vào sự thay đổi kinh ngạc của đất nước rộng lớn này dưới sức ép của phương Tây. Phần bốn, tác giả tập trung vào cuộc chiến giành ngôi vị đầu bảng của đồng đôla Mỹ và đồng bảng Anh, phân tích tác động của thế chiến thứ hai đến dòng chảy của tiền tệ. Phần năm, Song Hong Bin đưa ra lập luận và dự báo về nền kinh tế Mỹ và đồng đôla thông qua dữ liệu từ thị trường vàng, chứng khoán, trái phiếu, việc làm...

Mình nghĩ mọi người nên đọc theo trình tự mặc dù cuốn sách không bám quá chặt vào các diễn tiến lịch sử như một dấu mốc định vị việc viết lách. Lập luận của tác giả đến từ những câu chuyện đời thường được ghi chép lại trong lịch sử từ địa phương lên tới cấp độ toàn cầu. Các dẫn chứng rất phong phú và sống động.

Bộ sách 'Chiến tranh tiền tệ' có hay như mọi người nói

Ba phần đầu của bộ sách Chiến tranh tiền tệ. Ảnh: Binbook.

Để nói về sự giàu có và ảnh hưởng của một thế lực tài chính, Song Hong Bin sẽ nói về quá trình hình thành một gia tộc, cách họ vượt qua những khó khăn để xây dựng đế chế của riêng mình. Các gia tộc giống như bông bồ công anh. Họ tản đi các lục địa, ấn định tiềm lực của mình lên nhiều vùng lãnh thổ. Chẳng hạn gia tộc Rothschild của Đức, độc giả sẽ thấy rất nhiều trong phần một. Đây là những người tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng. Đến phần hai, gia tộc này vẫn xuất hiện nhưng nó có độ giãn xa hơn để độc giả có thể thấy được chiều kích lớn lao của họ sau hàng thập kỷ phát triển. Hình ảnh Rothschild trở đi trở lại như một thế lực tài chính mà các chính phủ khao khát tiếp cận để khơi thông nguồn vốn.

Trước mỗi chương luôn có những đoạn dẫn nhập ngắn để mọi người có thể hiểu được ý đồ của tác giả và hé lộ những chi tiết thú vị có thể được đề cập đến. Ngôn ngữ của tác giả không quá hàn lâm. Có những thuật ngữ nhất định đòi hỏi độc giả phải tìm hiểu nhưng chúng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình đọc.

Những điều cần chú ý khi tìm hiểu về Chiến tranh tiền tệ

Cuốn sách không bám vào các chỉ mốc thời gian hay có một nhân vật chính nào cả, tuyến nhân vật khá dày bởi đây là cuốn sách viết về lịch sử tài chính thế giới. Người đọc nếu mất tập trung trong ít phút thôi có thể bỏ lỡ những móc nối quan trọng dẫn sau phần sau. Đây là một trong những điểm khó khi mình tìm hiểu Chiến tranh tiền tệ.

Các sơ đồ trong này khá khó hiểu với người không có kiến thức tài chính. Mình nghĩ nên có những phiên bản tóm gọn hơn hoặc cuối sách nên có phần lý giải cụ thể. Mình từng mất đến 30 phút chỉ để cắt nghĩa các thành tố trong một sơ đồ. Các mối liên kết chặt chẽ nhưng chúng được trình bày phức tạp, không đưa ra thông tin trực tiếp. Còn lại các hình minh họa lại tỏ ra khá hiệu quả.

Có những đoạn mọi thứ được nén vào khiến mình cảm thấy khó hiểu và cần phải khai thác thêm. Mặt khác, điều này cũng giúp mình chủ động lên mạng tìm hiểu nhiều hơn, có được các thông tin bổ trợ để quay lại đọc tiếp cuốn sách. Mình nghĩ các biên tập viên nên tận dụng thêm phần chú thích hoặc một bản sơ lược bằng đồ họa để bức tranh lớn tác giả đưa ra dễ hình dung hơn.

Nhìn chung, đây vẫn là một bộ sách thú vị để nghiền ngẫm. Cuốn sách luận giải hai khái niệm lớn bằng một cách sáng tạo và lớp ngôn ngữ gần gũi với đại chúng. Mình nghĩ đây là lí do chính khiến bộ sách này được nhiều người tìm đọc đến vậy.

Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/bo-sach-chien-tranh-tien-te-co-hay-nhu-moi-nguoi-noi-a26449.html