Hãy bắt đầu bằng những tờ tiền quen thuộc chúng ta đang dùng để mua bán hằng ngày ở thời điểm hiện tại, rồi “ngược dòng” lịch sử, để thấy được sự thay đổi, biến động của tiền Đồng Việt Nam.
Hiện trên thế giới đã có 23 nước lưu hành đồng tiền in trên chất liệu polymer, trong đó có ba nước sử dụng toàn bộ tiền polymer trong hệ thống tiền tệ; một số nước dùng giấy polymer cho một số mệnh giá; 6 nước hiện đang thử nghiệm tiền polymer dưới hình thức tiền lưu niệm.
Tiền polymer tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 2003, có giá trị lưu hành song song với các đồng tiền cũ, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại. Tiền polyme có nhiều ưu điểm, như: khó làm giả, độ bền cao, không thấm nước, thích hợp sử dụng trong các thiết bị hiện đại như ATM, máy đếm tiền.
Trước thời kỳ Việt Nam sử dụng tiền polymer là các tờ tiền giấy cotton có mệnh giá 10.000 và 20.000 được in năm 1990, tờ 50.000 được phát hành từ 15/10/1994 còn tờ 100.000 từ ngày 1/9/2000.
Trong khi đó, tiền xu có một vài năm xuất hiện trên thị trường nhưng không phù hợp với phong cách tiêu tiền của người Việt Nam, nên nhanh chóng bị xếp thành loại vật dụng lưu niệm.
Năm 1985, trước diễn biễn phức tạp của nền kinh tế và tình hình khan hiếm nghiêm trọng tiền mặt trong thanh toán, Nhà nước công bố đổi tiền theo tỉ lệ 10 đồng thống nhất đổi 1 đồng tiền mới phục vụ cho cuộc cách mạng về giá cả và lương. Ngân hàng quốc gia Việt Nam đã ban hành các loại tiền 10, 20, 50 đồng.
Sau thống nhất đất nước 30/4/1975, tiền lưu hành ở miền Nam mất giá và được đổi tên thành tiền giải phóng. Đến năm 1978, sau khi Nhà nước ổn định và thống nhất về tài chính, tiền Việt Nam tiếp tục thay đổi. Ở miền Bắc, 1 đồng giải phóng đổi 1 đồng thống nhất, ở miền Nam 1 đồng giải phóng đổi 8 hào thống nhất. Đồng thời nhà nước cũng phát hành thêm các loại tiền 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng.
Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, với các nhiệm vụ: phát hành giấy bạc, quản lý kho bạc, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với thực dân Pháp.
Từ đó tiền giấy do Ngân hàng quốc gia Việt Nam phát hành chính thức được đưa vào sử dụng. 1 đồng ngân hàng đổi được 10 đồng tài chính (đồng Cụ Hồ), và gồm nhiều mệnh giá: 1, 10, 20, 50, 100, 200, 500, 1000, 5000. Hình thức tiền ngân hàng khá giống với trước đây và chỉ thay đổi về các bức hình in ở mặt sau cùng màu sắc ở mỗi mệnh giá tiền.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông để khẳng định chủ quyền của đất nước tự do. Bắt đầu từ thời điểm này cho tới nay, chúng ta đã thay đổi tiền cả về hình thức, chất liệu đến mệnh giá.
Trước khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra đời, trên mỗi tờ tiền đều in chữ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt sau của tờ tiền thường in các hình ảnh khác về giai cấp Nông - Công - Binh. Các con số ghi mệnh giá đều được viết theo số Ả- Rập hoặc bằng chữ Hán, Lào, Campuchia. Người Việt Nam thời ấy luôn gọi tiền giấy là “giấy bạc Cụ Hồ”.
Tờ tiền giấy đầu tiên được lưu thông ở Việt Nam là đồng Đông Dương mệnh giá 100 đồng bạc, được người Pháp phát hành và lưu thông trong thời gian từ năm 1885 đến năm 1954. Trên đó có in hình 3 thiếu nữ với trang phục truyền thống của 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam.
Link nội dung: https://brightschool.edu.vn/tien-giay-o-viet-nam-xuat-hien-khi-nao-to-tien-dau-tien-trong-ra-sao-a26662.html