Thanh khoản là một khái niệm quan trọng trong tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thanh toán và sự ổn định của thị trường. Vậy thanh khoản là gì, và tại sao nó lại có vai trò quan trọng trong các quyết định tài chính và đầu tư? Hãy để ngân hàng số Timo by BVBank giải đáp những câu hỏi này thông qua bài viết.
Thanh khoản là gì? Tại sao cần hiểu về tính thanh khoản của tái sản
Thanh khoản là gì?
Tính thanh khoản (liquidity) là một thuật ngữ thể hiện mức độ linh hoạt của một tài sản bất kỳ trong đó việc mua bán trên thị trường không làm thay đổi giá trị thị trường của tài sản đó. Hiểu đơn giản hơn, tính thanh khoản thể hiện khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của 1 tài sản hoặc sản phẩm.
Khả năng thanh khoản là một tiêu chí quan trọng để các tổ chức tín dụng đánh giá khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.
Một ví dụ dễ hiểu của tính thanh khoản là tiền mặt. Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì bạn có thể sử dụng nó ngay lập tức để mua sắm hoặc thanh toán các khoản nợ. Ngược lại, một ngôi nhà hoặc một cổ phiếu không thể bán ngay lập tức mà không ảnh hưởng đến giá trị của nó, do đó chúng được xem là có tính thanh khoản thấp hơn.
Tại sao tính thanh khoản lại quan trọng?
Tính thanh khoản là một khái niệm cốt lõi trong tài chính, giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ về khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến giá trị tài sản đó.
Một tài sản có tính thanh khoản cao, chẳng hạn như tiền mặt hoặc chứng khoán, giúp đảm bảo khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trong ngắn hạn.
Ví dụ, một doanh nghiệp có tính thanh khoản cao sẽ có khả năng trả lương nhân viên, thanh toán các khoản nợ, và duy trì hoạt động kinh doanh ngay cả khi gặp khó khăn. Trong khi đó, nếu một doanh nghiệp sở hữu nhiều tài sản có tính thanh khoản thấp, như bất động sản hoặc máy móc, việc xoay vòng vốn có thể trở nên khó khăn trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, tính thanh khoản còn phản ánh sức khỏe tài chính của thị trường. Một thị trường với tính thanh khoản cao sẽ có giao dịch sôi động, giúp nhà đầu tư dễ dàng mua bán mà không lo mất giá.
Ý nghĩa của tính thanh khoản
Thanh khoản có ý nghĩa quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quản lý tài chính cá nhân đến các quyết định đầu tư và chiến lược của các doanh nghiệp. Sau đây là một số ý nghĩa của tính thanh khoản:
Đối với doanh nghiệp
Trong môi trường kinh doanh, tính thanh khoản đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động ổn định. Nếu một doanh nghiệp không có đủ thanh khoản, họ có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, trả lương cho nhân viên, hoặc đầu tư vào các cơ hội mới. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề tài chính nghiêm trọng, thậm chí phá sản.
Trong đầu tư, chiến lược quản lý thanh khoản cho doanh nghiệp bao gồm việc phân bổ tài sản hợp lý, sao cho doanh nghiệp có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền mặt khi cần gấp mà không làm ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư dài hạn.
Đối với tài chính cá nhân và người tiêu dùng
Đối với tài chính cá nhân, hiểu về ý nghĩa của tính thanh khoản giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận tiền mặt khi cần thiết mà không phải chịu thiệt hại lớn về giá trị tài sản. Điều này có thể giúp họ đáp ứng các nhu cầu tài chính khẩn cấp như chi phí y tế, sửa chữa nhà cửa, hoặc các tình huống bất ngờ khác.
Nếu bạn là người mới tham gia vào thị trường đầu tư tài chính thì việc hiểu được ý nghĩa của tính thanh khoản sẽ giúp bạn dự trù được các rủi ro khi phải đầu tư vào các loại tài sản có giá trị cao, từ đó đưa ra các chiến lược đầu tư dài và ngắn hạn cho riêng mình.
Phân loại các tài sản theo tính thanh khoản
Xếp hạng các loại tài sản theo tính thanh khoản từ cao tới thấp (Nguồn: Internet)
Các tài sản được phân loại theo khả năng thanh khoản của chúng. Chúng ta có thể chia thành các nhóm: tài sản thanh khoản cao và tài sản thanh khoản thấp.
Tài sản thanh khoản cao
- Tiền mặt và các công cụ tài chính ngắn hạn (như tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi) đều là các tài sản có tính thanh khoản cao.
- Cổ phiếu của các công ty lớn cũng được xem là có chỉ số thanh khoản cao nhờ vào sự sôi động của thị trường chứng khoán trong việc mua bán chúng.
Tài sản thanh khoản thấp
- Bất động sản và các khoản đầu tư dài hạn như trái phiếu có thể có tính thanh khoản thấp hơn, vì việc bán chúng thường mất thời gian và có thể phải giảm giá để bán nhanh.
- Hàng tồn kho: Đây là tài sản có tính thanh khoản thấp nhất. Tài sản này khi bán được cần phải trải qua nhiều quy trình thủ tục phức tạp như: kiểm kê, vận chuyển, phân phối,…
Xem thêm: Cách đầu tư tài chính cá nhân hiệu quả, an toàn
Tính thanh khoản ngân hàng
Dựa vào tính thanh khoản, ta có thể đánh giá một ngân hàng đang hoạt động tốt hay xấu. Ngân hàng được đánh giá có tính thanh khoản tốt hay không thông qua việc đáp ứng các nhu cầu rút tiền mặt hoặc giải ngân 1 cách tức thì như đã cam kết hay không.
Nguồn cung cấp thanh khoản cho ngân hàng
Thanh khoản của ngân hàng đến từ các nguồn như sau:
- Từ các khoản tiền gửi của khách hàng;
- Từ các khoản phí của các dịch vụ cung cấp của ngân hàng;
- Từ các khoản thu tín dụng;
- Từ việc bán các tài sản đang kinh doanh và sử dụng;
- Từ các khoản vay mượn trên thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.
Nhu cầu tạo thanh khoản từ ngân hàng
Một số hoạt động giúp tạo thanh khoản từ ngân hàng bao gồm:
- Các khoản tiền gửi từ ngân hàng được khách hàng rút về;
- Khách hàng không yêu cầu vay vốn;
- Thông qua việc thanh toán các chi phí cho vay;
- Chi phí để tạo ra sản phẩm và các dịch vụ ngân hàng;
- Tất toán các khoản cổ tức cho các cổ đông.
Tính thanh khoản trong thị trường tài chính và chứng khoán
Tầm quan trọng của thanh khoản đối với nhà đầu tư
Thanh khoản cao trong đầu tư chứng khoán mang lại sự linh hoạt cho nhà đầu tư, giúp họ dễ dàng thực hiện các giao dịch mà không cần lo lắng về sự biến động quá lớn của giá trị tài sản. Nhà đầu tư có thể mua hoặc bán cổ phiếu nhanh chóng mà không lo mất giá trị lớn, giúp giảm thiểu rủi ro.
Cách thanh khoản ảnh hưởng đến cổ phiếu và trái phiếu
Cả cổ phiếu và trái phiếu đều có mức độ thanh khoản khác nhau. Các cổ phiếu của các công ty lớn thường có tính thanh khoản cao hơn, vì các loại cổ phiếu này được đa số nhà đầu tư tin tưởng vào giá trị của chúng. Do đó, nếu trong trường hợp giá các loại cổ phiếu này có giảm thì sẽ chỉ giảm ở mức tương đối. Trong khi đó thì cổ phiếu của các công ty nhỏ sẽ biến động nhiều hơn. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các tài sản.
Công thức tính thanh khoản
Hiện nay có rất nhiều công thức tính thanh khoản khác nhau, bạn có thể tham khảo một số công thức sau đây:
- Tính thanh khoản hiện thời: Là khả năng thanh toán nợ đến hạn được đo bằng hệ số thanh toán vốn lưu động
Tỷ số thanh khoản hiện thời = Tài sản lưu động/Nợ ngắn hạn
- Nếu tỷ số thanh khoản hiện thời bé hơn 1: Doanh nghiệp có khả năng trả nợ yếu, đang gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ phá sản.
- Nếu tỷ số thanh khoản hiện thời lớn hơn 1: Doanh nghiệp có khả năng trả nợ đúng hạn.
- Tính thanh khoản nhanh: Là tỷ số đo lường khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp mà không cần xử lý hàng tồn kho.
Tỷ số thanh khoản nhanh = (Tài sản lưu động hoặc Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
- Nếu tỷ số thanh khoản nhanh bé hơn 0,5: Tính thanh khoản thấp. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả nợ.
- Nếu tỷ số thanh khoản nhanh nằm trong khoản 0,5 - 1: Tính thanh khoản cao. Doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt.
- Tỷ số khả năng thanh toán tức thời: Là tỷ số thanh toán bằng tiền mặt
Tỷ số khả năng thanh toán tức thời = Vốn bằng tiền/Nợ ngắn hạn
Vốn bằng tiền là tổng hợp các khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, chứng khoán ngắn hạn và các tài sản tài chính khác có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian ngắn mà không gặp các rủi ro lớn.
Các câu hỏi thường gặp về tính thanh khoản
Làm thế nào để đánh giá tính thanh khoản?Tính thanh khoản thường được đánh giá qua các chỉ số thanh khoản như tỷ lệ thanh khoản hiện tại (tài sản lưu động trừ nợ ngắn hạn), tỷ lệ thanh toán nhanh (tài sản có khả năng thanh khoản cao nhất so với nợ ngắn hạn).
Tính thanh khoản cũng có thể được tính dựa trên tỷ lệ tiền mặt (lượng tiền mặt so với nợ ngắn hạn). Những chỉ số này giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp nhận định khả năng tài chính và từ đó có thể xây dựng kế hoạch quản lý tài chính phù hợp.
Tại sao tính thanh khoản quan trọng?Thanh khoản là yếu tố then chốt trong quản lý tài chính. Một công ty hoặc cá nhân có thanh khoản tốt sẽ dễ dàng vượt qua các cú sốc tài chính hoặc biến động kinh tế. Ví dụ, khi thu nhập bị gián đoạn, các tài sản có tính thanh khoản cao sẽ giúp duy trì các khoản thanh toán cần thiết như nợ vay, tiền lương, hoặc chi phí sinh hoạt.
Thanh khoản ngân hàng là gì?Đây là khả năng ngân hàng đáp ứng các nhu cầu rút tiền mặt hoặc giải ngân tín dụng. Thanh khoản ngân hàng phụ thuộc lớn vào cung - cầu tiền tệ. Khi thanh khoản cao, ngân hàng có thể đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu này, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với chi phí cơ hội nếu phải bán tài sản sinh lời để duy trì tính thanh khoản.
Hệ số thanh khoản là gì?
Hệ số thanh khoản, hay còn gọi là chỉ số thanh khoản, là các tỷ lệ tài chính quan trọng giúp đo lường khả năng của doanh nghiệp trong việc thanh toán các nghĩa vụ nợ ngắn hạn bằng tài sản lưu động. Các hệ số này bao gồm: Tỷ số thanh toán hiện hành (Current Ratio), tỷ số thanh toán nhanh (Quick Ratio, tỷ số thanh toán tiền mặt (Cash Ratio).
Bẫy thanh khoản là gì?
Bẫy thanh khoản là một tình trạng kinh tế đặc biệt xảy ra khi các chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, không còn hiệu quả trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế hoặc đầu tư. Trong bẫy thanh khoản, dù lãi suất giảm xuống mức rất thấp hoặc bằng không, người dân và doanh nghiệp vẫn không muốn đầu tư hay chi tiêu, mà thay vào đó giữ tiền mặt để đảm bảo an toàn tài chính.
Hiện tượng này thường xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hoặc suy thoái, khi niềm tin thị trường bị suy giảm nghiêm trọng. Bẫy thanh khoản có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm suy yếu hệ thống tài chính.
Mất thanh khoản là gì?
Mất thanh khoản là tình trạng khi một cá nhân, doanh nghiệp, hoặc tổ chức không thể đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính đến hạn do thiếu tiền mặt hoặc tài sản có thể chuyển đổi nhanh chóng thành tiền. Điều này thường xảy ra khi dòng tiền bị gián đoạn, tài sản bị đóng băng, hoặc do áp lực nợ quá lớn.
Tình trạng mất thanh khoản có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, như mất uy tín tài chính, phá sản hoặc làm suy yếu hệ thống kinh tế.
Với những thông tin cơ bản cung cấp trên đây, Timo by BVBank hy vọng đã giải đáp được những thắc mắc của bạn về tính thanh khoản là gì và nó có vai trò gì đối với việc ra quyết định đầu tư của một cá nhân hay tổ chức nào đó.
Ngoài ra để có thêm những thông tin đầu tư hữu ích, hãy thường xuyên truy cập vào Timo by BVBank để theo dõi các tin tức về tài chính ngân hàng sớm nhất.