Điểm nhấn chính:
- Thất nghiệp là tình trạng người lao động tích cực tìm kiếm việc làm nhưng chưa hoặc không thể tìm được việc làm.
- Thất nghiệp gây ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu trong nền kinh tế, từ đó kìm hãm tăng trưởng và tạo vòng lập thất nghiệp.
- Ngày nay, người lao động có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp từ công ty và bảo hiểm thất nghiệp dựa trên cơ sở tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thất nghiệp là gì?
Thất nghiệp đề cập đến tình trạng một người đang trong độ tuổi lao động, có đầy đủ khả năng lao động và tích cực tìm kiếm việc làm nhưng không thể tìm được việc làm. Định nghĩa thất nghiệp không bao gồm những người rời bỏ lực lượng lao động vì những lý do như nghỉ hưu, nghỉ việc để học cao hơn hoặc khuyết tật. Thất nghiệp được coi là thước đo chính cho sức khỏe của nền kinh tế.
Thước đo thất nghiệp được sử dụng phổ biến nhất là tỷ lệ thất nghiệp - là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp được công bố theo quý và năm.
Tỷ lệ thất nghiệp (%) = Số người thất nghiệp *100 / Lực lượng lao động
Thất nghiệp là một chỉ số kinh tế quan trọng vì nó báo hiệu khả năng (hoặc không có khả năng) của người lao động có được công việc và đóng góp vào sản lượng sản xuất của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế, nhiều công nhân thất nghiệp hơn nghĩa là tổng sản lượng kinh tế ít hơn. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ càng cao.
Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng cho thấy nền kinh tế đã sản xuất gần hết công suất, đây cũng là dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và nâng cao mức sống theo thời gian.
Phân loại thất nghiệp
Dựa vào các đặc điểm của thất nghiệp, thất nghiệp được chia thành 4 loại như sau:
1. Thất nghiệp ma sát
Thất nghiệp ma sát (Frictional Unemployment), hay còn gọi là thất nghiệp tạm thời, tồn tại thường xuyên trong nền kinh tế và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Thất nghiệp ma sát xảy ra khi mọi người tự nguyện thay đổi công việc, tìm kiếm công việc khác tốt hơn và phù hợp với mình hơn. Chẳng hạn như người lao động tìm việc làm mới do thay đổi nơi ở, sinh viên mới ra trường đang tìm kiếm việc làm, những người muốn thay đổi công việc để phù hợp với chuyên môn và trình độ của mình hơn,… Đây là loại thất nghiệp mang lại ít rắc rối cho xã hội nhất.
2. Thất nghiệp theo chu kỳ
Thất nghiệp theo chu kỳ (Cyclical unemployment) hay thất nghiệp do cầu giảm, xảy ra khi nền kinh tế bị suy thoái, dẫn đến giá cả tăng cao và sản lượng sụt giảm khiến cho nhu cầu lao động giảm dần. Vì thế, doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất, cắt giảm lương, thậm chí là sa thải người lao động để tiết kiệm chi phí, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế tăng lên. Trong trường hợp này, các công ty thường có một khoản trợ cấp thất nghiệp từ việc "sa thải" nhân viên, hoặc đơn giản là thông báo sớm để nhân viên có thời gian tìm công việc mới. Thất nghiệp và phân loại thất nghiệp trong kinh tế
Thất nghiệp theo chu kỳ là hậu quả trực tiếp của suy thoái kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người trong xã hội. Các ngành có tính chu kỳ cao như sản xuất, xây dựng, chế biến thường xuyên trải qua các giai đoạn chu kỳ và đóng góp nhiều nhất cho thất nghiệp chu kỳ. Loại thất nghiệp này có thể làm tăng đà suy thoái kinh tế vì những người thất nghiệp không còn thu nhập để chi tiêu, dẫn đến sức mua giảm sút, kinh doanh ảm đạm và số người thất nghiệp tiếp tục tăng lên.
Khi nền kinh tế phục hồi, sản lượng sẽ gia tăng trở lại, thúc đẩy các doanh nghiệp thuê thêm lao động và tình trạng thất nghiệp chu kỳ sẽ chấm dứt.
3. Thất nghiệp cơ cấu
Thất nghiệp cơ cấu (Structural Unemployment) xảy ra khi có sự thay đổi công nghệ trong thị trường lao động. Những thay đổi về công nghệ đòi hỏi người lao động phải có chất lượng tay nghề, kĩ năng chuyên môn cao hơn, ai không đáp ứng được sẽ bị sa thải. Lao động chân tay là những người dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thất nghiệp cơ cấu, vì chủ kinh doanh sẽ muốn áp dụng công nghệ hiện đại đối với công việc mang tính lặp lại đi lại, giúp tiết kiệm thời gian và đẩy nhanh sản lượng.
Ngoài ra, khi sản phẩm mới ra đời, mang lại nhiều tiện lợi hơn cho người sử dụng, sản phẩm cũ trở nên lỗi thời làm cơ cấu kinh tế thay đổi theo chiếu hướng gia tăng sản xuất sản phẩm mới và giảm sản xuất sản phẩm cũ. Vì thế, những ngành cũ sẽ bị thu hẹp, dẫn đến thừa lao động và lao động này cũng có thể sẽ không đáp ứng được yêu cầu của ngành mới. Ví dụ, khi điện thoại di động ra đời, số lượng điện thoại bàn được sử dụng giảm, công nhân ngành sản xuất điện thoại bàn sẽ trở thành thất nghiệp cơ cấu nếu không thích nghi được với ngành điện thoại di động.
4. Thất nghiệp do yếu tố ngoài thị trường
Thất nghiệp do yếu tố ngoài thị trường xảy ra khi tiền lương được ấn định không phải bởi cung và cầu thị trường và cao hơn mức lương cân bằng. Vấn đề này bị chi phối bởi chính phủ, nhằm bảo vệ người lao động khỏi việc bị trả mức lương thấp hơn và tránh cho giới tư bản “lộng hành”. Tuy nhiên, một vài quốc gia có quy định cứng nhắc, thiếu linh hoạt về mức lương tối thiểu đã dẫn đến một bộ phận mất việc làm hoặc khó tìm việc làm.
Ảnh hưởng của thất nghiệp lên nền kinh tế
Thất nghiệp là một hiện tượng tiêu cực trong nền kinh tế, khiến cho nguồn lao động bị lãng phí và không được sử dụng hiệu quả. Thất nghiệp làm giảm thu nhập của các cá nhân, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp. Chi tiêu của người này còn là thu nhập của người kia, vì thế, tỷ lệ thất nghiệp tăng, chi tiêu giảm, không những người thất nghiệp mất đi thu nhập, mà chính những người cung cấp sản lượng ra nền kinh tế cũng mất đi thu nhập, dẫn đến một vòng lặp thất nghiệp trong nền kinh tế.
Lâu dần, nền kinh tế sẽ mất đi hiệu quả hoạt động, khả năng sản xuất giảm dần và tăng trưởng kinh tế giảm theo. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cao cũng có thể dẫn đến lạm phát tiền tệ, vì họ phải dùng trợ cấp nhận được từ chính phủ, dẫn đến cung tiền trong nền kinh tế tăng lên.
Bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp là một phần trong chương trình bảo hiểm xã hội mà ngưới lao đông tham gia, nhằm hỗ trợ người lao động và ổn định thu nhập cho họ cho đến khi họ tìm được việc làm khác dưa trên cơ sở trích tiền lương đã đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng các điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm, lý do chấm dứt hợp đồng lao động và thời hạn nộp hồ sơ theo Luật Việc làm 2013. Nắm bắt được mức trợ cấp thất nghiệp trước khi bạn kết thúc hợp đồng lao động rất quan trọng, vì nó có thể là nguồn thu nhập cho bạn khi bạn trong tình trạng thất nghiệp đấy nhé!