Vì, có lẽ, hầu hết sẽ trả lời tắp lự: “Câu chuyện chứ làm sao mà câu truyện được!”. Nhưng vấn đề không đơn giản đến thế, dù đúng sai ra sao.
Tôi đặt câu hỏi này là bởi liên quan đến một cuốn sách mà cách đây độ 2 tuần trong một status viết vui cho ngày Lễ tình nhân, tôi đã trích dẫn và chép sai tên sách: “Câu truyện triết học” bị tôi gõ thành “Câu chuyện triết học”. Một bạn facebook khi phát hiện ra điều này đã “phê bình” khá gay gắt. Tôi rất cảm ơn vì sự phát hiện ấy, tuy thế vẫn thấy cần phải bàn bạc thêm cùng nhau để làm sáng tỏ một số khía cạnh.
Trước tiên, xin trích lời tác giả bài viết: “Ngày nay, người ta đã không còn phân biệt được sự khác - biệt giữa tiếng - từ 'chuyện' và 'truyện', nên khi tôi đăng hình - ảnh quyển 'Câu truyện triết - học' do Trí Hải và Bửu Đích dịch, có người đã bình luận một cách rất hằn - học, trịch - thượng và "nắn gân" rằng 'phải là /chuyện/ mới đúng chứ' ...!”.
Tôi thừa nhận ngay rằng việc tôi chép lại tên sách là “Câu chuyện triết học” là tôi sai, vì “tên khai sinh” của nó là “Câu truyện triết học”. Trong trường hợp này, cái tên khai sinh ấy có đúng tiếng Việt hay không thì không quan trọng lắm, vì khi nó đã được in ra sau đầy đủ các thủ tục hành chính lẫn pháp lý thì người dẫn [tôi] phải có nghĩa vụ ghi đúng nguyên văn. Dù nó có sai thì vẫn phải ghi nguyên văn và sẽ chú thích ở cuối bài viết (nếu thấy cần), chứ không được tự tiện sửa tên sách.
Tuy nhiên, nếu vì hai dịch giả đã viết là “câu truyện” mà nói rằng trong tiếng Việt “câu truyện” mới đúng còn “câu chuyện” là sai, thì lại phải coi lại. Tra từ điển tiếng Việt, hiện chưa thấy bộ nào ghi nhận “câu truyện” cả, mà chỉ có “câu chuyện”. Trong thực tiễn nói năng đồng đại, rất hiếm gặp cách nói “câu truyện”, trừ những trường hợp đặc biệt mà tôi sẽ trở lại ở phần sau.
Trong ngữ pháp tiếng Việt, “câu” chỉ kết hợp với “chuyện”, không có “câu” + “truyện”; cũng như chỉ có trò chuyện/chuyện trò, không có trò truyện/truyện trò, chỉ có chuyện vãn/chuyện gẫu, không có truyện vãn/truyện gẫu, chỉ có “Câu chuyện làm quà”, không có “Câu truyện làm quà”… Điều này cho thấy có một sự phân biệt rạch ròi giữa “chuyện” và “truyện” trong phạm vi rất bao quát.
Xét về nghĩa, “truyện” là những sáng tác văn học, tức là những câu chuyện ít nhiều hư cấu; còn “chuyện” là sự việc được kể lại, nhắc lại, không hàm ý tính chất hư cấu. Từ điển Hoàng Phê giảng: “Câu chuyện: sự việc hoặc chuyện được nói ra”. Và không ghi nhận một từ “câu truyện” nào cả.
Vậy thì có thể kết luận ngay rằng hai dịch giả Trí Hải và Bửu Đích đã sai khi dịch “story” thành “ câu truyện”? Nếu mọi chuyện trên đời có thể đơn giản như vậy thì tiện cho ta biết mấy! Hãy đọc “Đôi lời giới thiệu” của nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn cho tác phẩm chuyển ngữ này: “Tuy nhiên, Will Durant, xuất thân là một ông nghè triết học của đại học Columbia, Hoa Kỳ từ 1917, không chỉ khéo léo về phương pháp viết lịch sử triết học như một câu truyện mà còn có đủ thẩm quyền chuyên môn để hiểu bản chất của lịch sử triết học (Tây phương) như một câu chuyện”.
Trở lại với nghĩa từ điển của hai từ này (câu chuyện và câu truyện), chúng ta thấy qua sự gián tiếp giải thích của Bùi Văn Nam Sơn thì việc dịch giả viết “câu truyện” chứ không viết “câu chuyện” là có dụng ý, cái dụng ý đề cập đến tính chất “truyện kể” theo kiểu của sáng tác văn học trong cách viết lịch sử Triết học của Will Durant, tuy không chỉ có thế.
Như vậy, đây là một “thủ pháp”, là cách chơi chữ hay có thể gọi chung là một phép tu từ của hai dịch giả khi cố ý dùng “câu truyện” thay vì “câu chuyện”. Và cũng vì thế, phải xem cách sử dụng tiếng Việt kiểu này là một sản phẩm cá nhân mang tính sáng tạo. Nghĩa là nó thuộc vào phương diện Lời nói, chứ không phải phương diện Ngôn ngữ, tức cá biệt và không phải là quy tắc mà cộng đồng phải tuân thủ.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công có chia sẻ cho tôi một “tư liệu” khá thú vị, đó là ở quê anh, trong một số trường hợp thay vì dùng “chuyện” người ta đổi thành “truyện”, ví dụ: “truyện trò!”, hoặc “trò truyện!”. Trong những ngữ cảnh đó, âm “tr” luôn được nhấn mạnh và kéo dài, theo cách cố ý. Để làm gì vậy? Họ sẽ nói theo cách ấy khi cần thể hiện sự ý mỉa mai, châm chọc (Vd: Khi nghe xong một câu chuyện ai đó kể lại, người nghe sẽ buông ra một câu cảm thán: “Truyện trò!”, hoặc “Trò truyện!”, hàm ý nhận xét rằng, sao mà câu chuyện anh vừa kể nó trớ trêu, rắc rối, li kì thế, nó cứ giống như là “truyện” chứ đâu phải “chuyện”!).
Như thế, từ cả ngôn ngữ của dịch giả lừng danh đến lời ăn tiếng nói của dân cày, có một số trường hợp “chuyện” biến thành “truyện”, nhưng là dùng một cách có dụng ý, cố tình “nói sai” để chuyển tải một thông điệp - nhưng không phải là cách dùng phổ biến.
Tóm lại, hai dịch giả có sai không? Không thể kết luận rằng sai, nếu không muốn nói là “vẫn đúng”. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào cái “đúng” cá biệt này để cho rằng tiếng Việt phải được dùng như thế mới đúng, còn dùng “câu chuyện” là sai, là “không phân biệt được” thì lại thành lộn ngược.
Nguyễn Du viết, “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”, “hôn hoàng” là sai với quy tắc chung, nhưng nó được chấp nhận, thậm chí được coi là một sáng tạo độc đáo. Nhưng không vì thế mà bảo rằng tiếng Việt phải viết “hôn hoàng” mới đúng!
Lê Đạt viết: “Nắng tạnh heo mày hoa lạnh/ Mimôza chiều khép cánh mi môi xa”, thế chẳng lẽ lại bảo “heo mày” mới đúng còn “heo may” là sai? Cũng thế, “Áo trắng bước bồng bềnh mây trắng/ Trời sáng ngần thân phố khỏa xuân”, nếu căn cứ vào một câu thơ hay để từ nay nói rằng “khỏa xuân” mới đúng, còn “khỏa thân” là sai, e phải gặp phải một cuộc biểu tình, dù hiếm người phản đối mấy chữ “heo mày” và “khỏa xuân” trong những câu thơ cụ thể ấy.
Tóm lại, trong cách dùng có chủ đích của mình, hai dịch giả không sai khi dùng “câu truyện”, nhưng nếu coi nó (câu truyện) mới là “chuẩn tiếng Việt” thì lại không chấp nhận được, như đã phân tích và chứng minh.
Năm 2022, The story of philosophy đã có thêm một bản dịch mới, của dịch giả trẻ Hoàng Đức Long. Tôi đã tìm và trao đổi trực tiếp với dịch giả, hỏi anh lý do vì sao anh không chọn dịch story thành “câu truyện” như các dịch giả tiền bối mà lại quyết định chọn “câu chuyện”. Sau đây là câu trả lời mà tôi nhận được, xin trích.
“Em và ban biên tập chọn từ "câu chuyện" thay vì "câu truyện" do cho rằng từ "story" ở tên gốc chỉ nội dung các sự việc được kể lại, thuật lại (thường bằng cách truyền miệng, tuy có thể dưới cả dạng văn bản), tức là gần với nghĩa của từ "câu chuyện" trong ngôn ngữ hiện nay hơn. Từ "truyện" chỉ một thể loại, một tác phẩm văn học có cấu trúc, có nhân vật và tình tiết (nhiều khi hư cấu), và thường được lưu truyền dưới dạng văn bản”. “Một lý do nữa là em cho rằng từ "câu chuyện" nghe gần gũi và thân thiện hơn từ "truyện" (vì đã là truyện thì phải được tồn tại dưới một hình thức có tính ước lệ nhất định, ít nhất là ước lệ hơn "chuyện”), và thân thiện như vậy thì sẽ sát với tinh thần "nhân văn hóa tri thức" của Will Durant hơn”. “Tinh thần nhân văn hóa tri thức này là một tiêu chí quan trọng trong quá trình dịch và biên tập cuốn này, và là lý do khiến em lẫn ban biên tập nhiều lúc chọn cách dùng từ ít học thuật hơn, và không chọn cách dùng từ của Trí Hải và Bửu Đích”. “Em không rõ tiền bối đã sử dụng một nghĩa tu từ nào (nếu có). Việc họ sử dụng các từ với nhiều tầng nghĩa phức tạp hay phép tu từ cũng đã được em nghĩ đến khi đối chiếu bản dịch. Cuối cùng em quyết định dựa theo nguyên tắc "humanizing" mà làm, vì ít nhất đó là căn cứ vững chắc nhất để mình dựa vào. Khi dịch, em thường cố gắng tưởng tượng xem nếu tác giả là một người hiểu tiếng Việt và tự mình dịch thì ông sẽ dịch nó sang tiếng Việt với tinh thần như thế nào. Vì thế em mới lấy humanizing là nguyên tắc trong trường hợp này. Mà đã humanizing thì không nên làm phức tạp hóa vấn đề trong mắt độc giả đại chúng. Xét trong tinh thần đó, dịch giả tiền bối có dùng phép tu từ hay không - câu hỏi này cũng không quá quan trọng nữa, vì việc biết được phép tu từ đó là gì cũng chỉ giúp dịch giả mới có thêm kiến thức về cách dịch, chứ khó có thể trực tiếp đóng góp vào cách dịch mới theo đúng tinh thần humanizing knowledge” (Hết trích).
Xin lưu ý, tác giả của “bài phê bình” tôi cho rằng Hoàng Đức Long dịch thành “câu chuyện” là dịch sai!
Liên quan đến “câu truyện” và “câu truyện”, xét trong lĩnh vực âm vị học và ngữ âm học lịch sử thì câu chuyện của âm “tr” và “ch” lại còn phức tạp bội phần. Tuy thú vị nhưng xin không trình bày vì ít liên quan trực tiếp đến vấn đề đang bàn, và không có mấy ý nghĩa đối với nó. Chỉ xin mở ngoặc rằng, trong tiếng Việt cả “truyện” và “chuyện” đều được dùng một cách phổ biến và có nghĩa khác nhau rõ ràng, chứ không phải do nói ngọng hay viết sai chính tả.
Đến đây, có thể tạm kết lại cho phần trình bày đã khá dài ở trên: Việc tôi bất cẩn mà chép “Câu truyện triết học” thành “Câu chuyện triết học” là sai về mặt văn bản học. Xin cảm ơn tác giả đã có lời nhắc nhở và phê bình nghiêm khắc. Tuy nhiên, không thể vì thế mà coi rằng trong tiếng Việt “câu truyện” mới đúng, còn “câu chuyện” là sai. Không thể lấy một sáng tạo cá nhân để áp đặt như một quy tắc cho một cộng đồng ngôn ngữ. Những sáng tạo cá nhân có thể trở thành trò cười (như “thu giá”) hoặc được ghi nhận như là “tài sản trí tuệ”, nếu nó may mắn thành công. Và mỗi một thành công như vậy sẽ góp phần làm giàu cho ngôn ngữ chung, nhưng dứt khoát không phải vì thế mà nó có thẩm quyền phủ nhận quy tắc ngôn ngữ của cộng đồng. “Câu truyện” là một trường hợp như thế.