Bên cạnh từ thuần Việt, tiếng Việt còn có một bộ phận từ Hán - Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu tường tận ngữ nghĩa và sử dụng chúng một cách chuẩn xác. Chưa kể, một số vùng lại có cách phát âm khác nhau dẫn đến việc hiểu và viết sai chính tả. Một trong những trường hợp điển hình là "sán lạn", "sáng lạn", "xán lạn", "sáng lạng"... Dạo một vòng trên các trang mạng có thể nhận thấy sự thiếu đồng nhất trong cách sử dụng từ này. Vậy "xán lạn" hay "sáng lạng", từ nào mới đúng với văn phong và văn cảnh? Hãy cùng VOH khám phá trong bài viết sau.
"Xán lạn" hay "sáng lạng": từ nào mới đúng chính tả?
Cùng nói về một tương lai tươi sáng, rực rỡ, huy hoàng, nhưng có văn bản lại sử dụng "xán lạn", một số khác lại dùng "sáng lạng", "sáng lạn"... khiến nhiều người không khỏi bối rối.
Để xác định đâu mới là từ đúng chính tả, trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa của từng từ.
"Xán lạn" nghĩa là gì?
Trong cuốn Đại từ điển Tiếng Việt do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 1999 (GS.TS Nguyễn Như Ý chủ biên), tại trang 1849 giải thích từ "xán lạn" như sau:
- "xán" có nghĩa là rực rỡ.
- "lạn" có nghĩa là sáng sủa, rực rỡ.
Ghép hai từ này với nhau sẽ tạo thành một tính từ mang nghĩa tích cực, diễn đạt về một điều tươi sáng, rực rỡ.
Còn theo Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ Điển Học - 2003) giảng, "xán lạn" là tính từ, có nghĩa rực rỡ, huy hoàng (trang 1141).
Ví dụ:
- Tiền đồ xán lạn.
- Tương lai xán lạn.
Ngoài ra, nhiều tài liệu khác cũng thống nhất với cách tiếp cận trên.
"Sáng lạn" hay "sáng lạng" có nghĩa không?
"Xán lạn" là từ gốc Hán, ý chỉ một điều sáng sủa và tươi đẹp.
Những từ như “sáng lạng”, “sáng lạn”, "sán lạn", "xán lạng", "xáng lạng" hay "xáng lạn" đều không có nghĩa và không được ghi nhận trong từ điển tiếng Việt.
"Sáng lạng" hay "xán lạn": tại sao lại dễ nhầm lẫn?
"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" tuy là câu nói vui nhưng lại đúng với thực tế. Mặc dù "xán lạn" mới là cách viết đúng, nhưng không ít các văn bản của trường học, cơ quan hay báo chí truyền thông lại sử dụng sai. Việc này được cho là xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Các từ “sáng lạng”, “sáng lạn”, "sán lạn"... có cách phát âm gần giống với từ “xán lạn”.
- Một số địa phương, vùng miền phát âm chưa chuẩn nên khi áp từ văn nói vào văn viết sẽ bị sai.
- Người đọc, người viết và người nói không thường xuyên tiếp xúc với mặt chữ.
Từ chỗ phát âm sai, phát âm lẫn lộn, khi chuyển văn nói vào trong văn viết dễ dẫn đến sai sót chính tả.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi: "Xán lạn hay sáng lạng, từ nào mới đúng?". Sự đa dạng và phong phú của tiếng Việt là điều không thể bàn cãi. Việc hiểu, phát âm chuẩn và viết đúng chính tả là cần thiết để truyền đạt đầy đủ nội dung. Đồng thời góp phần giữ gìn sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.