Hiện nay, đối với sản phẩm chế biến bao gói sẵn được sản xuất trong nước và nhập khẩu, có nhiều cách ghi hạn sử dụng sản phẩm khác nhau, do đó người tiêu dùng cần có thông tin để hiểu về cách ghi hạn sử dụng của các sản phẩm thực phẩm để có thể sử dụng đúng cách tránh các hiểu lầm về hạn sử dụng sản phẩm và gây lãng phí thực phẩm.
Theo một khảo sát, tính ra có đến 90% người Mỹ vứt đi những loại thực phẩm vẫn còn sử dụng được và đã vô tình lãng phí tiền bạc của mình.
Thời hạn sử dụng thực phẩm được định nghĩa là "thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn". Hạn sử dụng thực phẩm sẽ đưa ra hướng dẫn về thời gian của thực phẩm cho người tiêu dùng; thời gian sản phẩm có thể giữ được chất lượng và an toàn trước khi bắt đầu hư hỏng và có thể trở nên không an toàn.
Theo Luật An toàn thực phẩm 2010, quy định về hạn sử dụng của thực phẩm và thời gian ghi nhãn của thực phẩm như sau:
1. Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi "Hạn sử dụng", hoặc "Sử dụng đến ngày" đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi "Sử dụng tốt nhất trước ngày" phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm.
2. Đối với thực phẩm ghi "Hạn sử dụng" hoặc "Sử dụng đến ngày" thì không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này.
3. Đối với thực phẩm ghi "Sử dụng tốt nhất trước ngày" thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong hai hình thức "Hạn sử dụng", hoặc "Sử dụng đến ngày". Chỉ nhà sản xuất thực phẩm mới được kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm thực phẩm của mình và hạn sử dụng kéo dài tối đa chỉ bằng hạn sử dụng đã quy định lần đầu tiên.
Nếu gom các cách ghi trên về hạn sử dụng được các nước trên thế giới sử dụng phổ biến là "sử dụng đến ngày" (use by date) và "sử dụng tốt nhất trước ngày" (best before date). Các nhà cung cấp thực phẩm phải chịu trách nhiệm pháp lý với việc ghi hạn sử dụng.
Thế nhưng, theo một nghiên cứu của Hội Đồng Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và Viện Chính Sách Luật Thực phẩm của trường đại học Luật Khoa Harvard, hầu hết ngày hết hạn sử dụng được ghi ở ngoài vỏ bao bì các loại thực phẩm là vô nghĩa và chỉ làm người tiêu thụ bối rối.
Tồi tệ hơn, nó còn là nguyên nhân khiến chúng ta huỷ hoại các món ăn lẽ ra có thể được chấp nhận, vì chúng ta không bị hề hấn gì khi ăn vào.
Nhà khoa học Dana Gunders, thành viên của Hội đồng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, viết tắt là NRDC nói rằng có nhiều sự ngộ nhận xung quanh quy định hạn sử dụng của một loại thực phẩm và đó là sự lãng phí rất lớn.
Bà ước lượng rằng mỗi bà nội trợ đã vứt đi một khối lượng thực phẩm trị giá từ 275 đến 400 Mỹ kim mỗi năm và đây không chỉ là một vấn đề đáng quan tâm riêng tại Hoa Kỳ.
Một cuộc nghiên cứu ở Anh cho thấy khoảng 20% số lượng thực phẩm trên thị trường đã bị các bà nội trợ ném thẳng vào thùng rác vì sự nhầm lẫn hoặc vì sự giải thích sai lạc về ngày hết hạn sử dụng.
Để tránh việc bạn sẽ vứt đi những món ăn còn dùng được chúng tôi sẽ gợi ý 1 số điểm khi bạn xem hạn sử dụng như sau.
- Hạn Use by date (UB) (hạn sử dụng/sử dụng đến ngày…) thường được dùng cho những sản phẩm dễ bị hỏng như: sữa, pho mát mềm, thịt, hay thủy hải sản... Khi đọc được những dòng hướng dẫn hạn sử dụng này có nghĩa là người dùng nên sử dụng chúng trước ngày này vì sau đó sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đồng nghĩa là không nên ăn hay uống các loại thực phẩm sau ngày đã được ghi trên bao bì. Nếu người tiêu dùng cố ý sử dụng những thực phẩm đã quá ngày quy định, sẽ có nguy cơ bị ngộ độc. Đối với nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm khi đã quá ngày được ghi trên bao bì sẽ là vi phạm pháp luật.
- Hạn Best before date/ Best before (BB) (sử dụng tốt nhất đến ngày…). Đây là loại hạn sử dụng thường thấy trên các sản phẩm đông lạnh, đồ hộp hoặc thức ăn khô, các thực phẩm có thể để được lâu.
Best-before date nhằm chỉ chất lượng thực phẩm hơn là độ an toàn của nó. Khi bắt gặp loại hạn sử dụng này có nghĩa là sản phẩm có thể để đến ngày cuối cùng mà vẫn đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất. Còn sau đó, giá trị của sản phẩm sẽ giảm dần.
Đối với thực phẩm có hạn sử dụng này thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán ra thị trường và không bị tính là phạm luật nếu nhà sản xuất chứng minh được nó an toàn đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và lúc này phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong hình thức "Hạn sử dụng" hoặc "sử dụng đến ngày".
- Hạn Sell by / Sell by date / Display until (chỉ được bày bán đến ngày...). Loại hạn sử dụng này thường được dùng cho những nhà phân phối, bán hàng. Trên thực tế, "sell by" hay "display until" không hẳn nghĩa là ngày hết hạn, bởi hầu hết đồ ăn vẫn sử dụng được sau ngày được ghi trên bao bì, tuy nhiên, sản phẩm sẽ không còn được chất lượng như trước nữa.
Ngoài ra, còn có một loại hạn sử dụng nữa là Expiry date / EXP (ngày hết hạn). Đối với loại hạn dùng này thương được dùng cho những thực phẩm chức năng, bánh quy đóng hộp, kem đánh răng... Khi sản phẩm được định hạn dùng này có nghĩa là đến này được ấn định trên bao bì thì sản phẩm không còn chất dinh dưỡng hoặc đã hết công dụng (đối với thuốc).
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chúng ta không nên sử dụng bất cứ loại sản phẩm nào đã quá hạn sử dụng.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)