I. Nhạc Pop:
Ắt hẳn đây là thể loại của nhạc đương đại và rất phổ biến trong làng nhạc đại chúng. Nhạc Pop thường được phân biệt với các thể loại khác nhờ một số đặc điểm về phong cách nghệ thuật như: nhịp nhảy hay nhịp phách, những giai điệu đơn giản dễ nghe, cùng với một số đoạn trong bài hát được lặp đi lặp lại.
Ca từ trong nhạc Pop thường nói tới tình yêu, xúc cảm và sự nhảy múa. Là loại nhạc phổ biến (popular) hiện nay ở hầu hết các ca khúc như của Celine Dion, Madonna, Frank Sinatra, Brandy…Pop chú trọng nhiều hơn Rock về giai điệu và nhịp điệu, âm thanh cũng mềm hơn.
Ở Việt Nam, đến cuối những năm 1990, Pop mới bắt đầu phát triển. Đây được xem như thời kỳ vàng son của làng nhạc Việt khi có tới 4 nữ ca sĩ được phong hàng diva: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà. Không chỉ tiên phong với dòng nhạc này, họ còn thành công rực rỡ khi ghi được tên tuổi của mình trong lòng khán giả.
II. Nhạc Country (đồng quê)Lắng đọng và êm dịu, cái tên nói lên tất cả! Country = Đồng quê
Nhạc Country gắn liền với một nển văn hoá cao bồi ở Mỹ chính là quê hương. Nhạc đồng quê ra đời ở Mỹ dựa trên nhạc thượng du miền Nam, chịu nhiều ảnh hưởng từ những hệ thống nhạc khác như Blues, Jazz. Loại nhạc này thường có giai điệu trầm buồn.
Bắt đầu xuất hiện đầu tiên từ những người dân Anh nhập cư đến Mỹ. Họ mang theo những ca khúc Ballad Celtic với phần lời theo lối kể chuyện mộc mạc, bình dân. Dòng nhạc này, không cần nhiều nhạc cụ, đôi khi chỉ là một cây guitar; người ta vẫn say sưa hát. Nội dung đơn giản, thường là những triết lý nhỏ về cuộc sống của những người lao động. Hay đơn giản là sự cô đơn hay những niềm tin và các mối quan hệ trong gia đình.
Để đáp ứng thị hiếu của người nghe, các nhà sản xuất thường pha trộn giữa Country với nhạc Pop và Rock đã phần nào làm cho người nghe, nhất là giới trẻ, khó có thể nhận và phân biệt từng loại nhạc. Tuy nhiên, cũng phải nhờ họ mà nhạc Country không bị rơi vào sự lãng quên.
III. Nhạc Rock :
Còn gọi là Rock’N’ Roll, do Elvis Presley khai sinh từ thập kỷ 50.
Dựa trên tiết tấu của ca ba loại nhạc trước đó (Blues, Jazz, Country) nhưng Rock lại có tiết tấu mạnh và nhanh, thường sử dụng các loại nhạc cụ điện tử. Rock chú ý tới hiệu ứng âm thanh của các nhạc cụ hơn là giọng hát.
Tất cả những ban nhạc nổi tiếng thập kỷ 60 đều bắt đầu bằng nhạc rock and roll. Đó là Beatles, Rolling Stones, The Kinds, The Who, Manfred Mann, The Animals.
Càng ngày càng có thêm nhiều sân chơi cho các ban nhạc Việt. Rock Việt không chỉ còn là những phong trào nhỏ lẻ. Các ban nhạc rock đã có cơ hội được đứng trên những sân khấu lớn như RockStorm, Rock Concert…
IV. Nhạc R&B
R&B là viết tắt của Rhythm and Blues. Thể loại nhạc này có nguồn gốc từ cộng đồng người Phi da đen này đã phát sinh từ đầu thế kỉ 20 và trở thành một loại nhạc phổ biến trên nhiều quốc gia vào khoảng thập niên 40.
Đó cũng là thời gian những người châu Phi bị bắt đưa sang châu Mỹ sống tập trung tại miền Nam và sau đó họ đã có những cuộc chuyển cư hàng loạt đến vùng Trung, Bắc, Tây Mỹ. R&B đã cùng họ phát triển rộng ở khắp châu Mỹ. Những bản ghi âm chính thức đầu tiên được thực hiện vào năm 1938 và cho đến thập kỉ 60 người ta đã biết nhiều đến những cái tên như B.B. King, James Brown… Cũng trong khoảng thời gian đó, R&B phân hoá thành 3 luồng chính: Chicago Soul, Motown Sound và Southern Style phát triển khá mạnh mẽ. Thập niên 60 cũng có thể gọi là thời kì vàng son của thể loại nhạc này.
Dòng nhạc R&B ở Việt Nam hiện nay chỉ đứng vị trí thứ ba về mức độ yêu thích sau Pop trữ tình và Rock. Tuy vậy, nó vẫn có sức hút đối với một bộ phận khán giả lứa tuổi teen. Những ca sĩ khi phát hành album hiện nay cũng hay thể hiện 1 đến 2 ca khúc R&B.
Mặt khác, khả năng sáng tác của đa số nhạc sĩ trẻ còn va vấp nhiều nhược điểm như giai điệu thiếu sáng tạo, chưa khai thác được những điểm mạnh của thể loại nhạc này. Nhưng bên cạnh đó nhạc Việt vẫn sở hữu một vài nhân tố nhạc sĩ sáng giá như Anh Quân - Huy Tuấn, Võ Thiện Thanh, Hồ Hoài Anh, Dương Khắc Linh, Nguyễn Hoàng Duy, Lương Bằng Quang…Họ được ví như những “con bài chủ lực” để giúp các ca sĩ yêu thích thể loại R&B xây dựng tương lai hưng thịnh cho dòng nhạc được xem là sang trọng và tinh tế này.
V. EDM
Electronic Dance Music (viết tắt: EDM) là thể loại âm nhạc thường được chơi trong các quán bar, club hay các lễ hội âm nhạc bởi tính chất sôi động và tiết tấu mạnh. Có nguồn gốc từ nhạc disco của những năm thập niên 1970, những bản nhạc EDM được tạo ra bằng các nhạc cụ điện tử tạo nên những âm thanh khác biệt và độc đáo. EDM thịnh hành và phát triển trong nhiều năm sau này và được chia thành nhiều thể loại nhỏ khác nhau như Electronic, Dance, House, Dubstep, Trapstep…
Trong nhiều năm qua, EDM đã “bành trướng” các nền âm nhạc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Kpop và Austrailia. Nhiều Dj và nhà sản xuất âm nhạc lộ diện và trở thành sao lớn trong bầu trời âm nhạc như Will.I.Am, David Guetta, Calvin Harris, Zedd, Skrillex… Bản thân làng nhạc cùng dần được “điện tử hóa” với sự pha trộn của nhạc EDM với các thể loại khác như pop, hip-hop.
Có thể nói EDM càng phát triển tại Việt Nam càng thu hút khán giả quan tâm và đồng thời thôi thúc người làm nhạc chú ý đến dòng nhạc này. Trong những ngày đầu tiên của năm 2015, khán giả được “quay cuồng” trong những bản nhạc điện tử bắt tai như Put your hands up (Cường Seven), Hai cô tiên (365 Daband), Bad boy (Đông Nhi)…
Không những thế, chương trình truyền hình thực tế The Remix - Hòa âm ánh sáng đang là chương trình truyền hình thực tế thu hút sự quan tâm của khán giả. Những bản nhạc cũ được”khoác áo mới” bởi các “phù thủy âm thanh” (Dj) cũng như sự sáng tạo nên các bản phối của producer và ca sĩ đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng.
Với sự phát triển của EDM tại VPop thời gian qua, không khó để dự đoán dòng nhạc này sẽ tiếp tục phát triển và được yêu thích tại Việt Nam. Nhiều khán giả hy vọng trong năm 2015, dòng nhạc này lại càng phát triển và có thêm nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa.