Trong cuộc sống hay môi trường làm việc, thái độ cầu thị luôn là yếu tố cần thiết giúp mọi người đạt được thành công. Vậy cầu thị là gì? Nếu bạn chưa hiểu rõ thì hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Cầu thị là gì?
“Cầu thị là sự khát khao và mong muốn tìm tòi, học hỏi những điều chưa biết để trau dồi và ngày càng hoàn thiện bản thân.”
Trong công việc, cầu thị được thể hiện qua việc một người có ý thức rằng vị trí hiện tại của bản thân chưa phải là điểm dừng mà cần liên tục cập nhật kiến thức mới, kỹ năng mới từ nhiều nguồn khác nhau. Tri thức là không giới hạn, càng khám phá càng thấy những điều mình biết trước đây chỉ là hạt muối giữa đại dương bao la. Chính vì hiểu được điều này nên người có tính cầu thị luôn giữ tư duy cởi mở và luôn trong tâm thế sẵn sàng học hỏi.
Đặc điểm nhận biết người cầu thị
Dấu hiệu nhận biết người có tính cầu thị là gì? Hãy cùng theo dõi tiếp nội dung sau đây nhé.
Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của người cầu thị là họ có khả năng tự nhận thức bản thân và mong muốn ngày càng phát triển. Họ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh, sau đó nhìn nhận và đánh giá lại bản thân để dần dần cải thiện trở thành phiên bản tốt hơn. Ngoài ra, người cầu thị còn có nhiều đặc điểm khác như:
Tư duy mở và tinh thần ham học hỏi những điều mới
Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy ở người có tính cầu thị. Họ luôn mở lòng tiếp nhận ý kiến của người khác dù đó là ý kiến hay quan điểm hoàn toàn khác biệt. Họ thích học hỏi những điều hay từ bạn bè, đồng nghiệp hay bất kỳ nguồn nào khác. Họ biết mình có điểm yếu gì, cần cải thiện điều gì và nên đi theo hướng nào, vì vậy họ sẵn sàng tiếp thu những điều mới mẻ để nâng cao khả năng của mình.
Có tinh thần trách nhiệm
Dù là trong công việc hay cuộc sống, người có tính cầu thị luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, luôn tìm cách khắc phục những hạn chế của bản thân và luôn tìm cách để hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao nhất. Khi có thiếu sót hoặc mắc lỗi, họ sẽ không đổ lỗi mà đứng ra chịu trách nhiệm và tìm mọi cách khắc phục. Điều này sẽ thúc đẩy họ liên tục nỗ lực để hoàn thiện bản thân.
Luôn tìm tòi những điều mới mẻ
Người cầu thị cũng có thái độ khiêm nhường cùng niềm đam mê học hỏi vô tận. Họ siêng năng, cống hiến hết mình cho công việc, không ngừng học hỏi và không ngại đầu tư thời gian, công sức cho sự phát triển của bản thân. Ngoài ra, họ còn tích lũy kinh nghiệm từ nhiều trải nghiệm khác nhau, áp dụng những điều này vào công việc và cuộc sống cá nhân. Họ tận dụng mọi cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, mở rộng tầm nhìn cá nhân nhằm thăng tiến hơn trong công việc.
Lợi ích của thái độ cầu thị
Tính cầu thị không làm bạn trở nên nhỏ bé mà ngược lại đây chính là động lực để tự trau dồi và phát triển bản thân ngày càng tốt hơn.
Đầu tiên, cầu thị khiến bạn luôn muốn tạo cơ hội để bản thân được học hỏi và cập nhật những kiến thức mới, mở rộng tầm nhìn cũng như sự sáng tạo, đổi mới. Từ đó bạn sẽ nâng cao được giá trị bản thân.
Bên cạnh đó, nhờ tinh thần cầu thị bạn sẽ giữ được tư duy cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người khác mà không phán xét hay tỏ ra khó chịu. Đây là cách để bạn nhìn nhận lại bản thân đồng thời tích lũy những bài học hay kinh nghiệm đáng giá.
Cuối cùng, tính cầu thị sẽ giúp bạn trở thành người được mọi người xung quanh yêu mến và đánh giá cao.
Làm gì để trở thành người cầu thị?
Nếu bạn được sinh ra không có tính cầu thị thì đừng lo. Phẩm chất này có thể được rèn luyện và phát triển theo thời gian nếu bạn áp dụng những cách sau:
Phát triển nhận thức về bản thân
Điều đầu tiên và quan trọng nhất để rèn luyện tính cầu thị là có khả năng tự nhận thức sâu sắc về chính mình. Hiểu bản thân có điểm yếu gì, thế mạnh nào, con đường bạn đang đi có phù hợp với bản thân hay không sẽ giúp bạn biết mình nên bổ sung, trau dồi thêm những điều gì. Ngoài ra, phát huy đúng thế mạnh sẽ giúp bạn tự tin hơn trong mọi khía cạnh và có được sự cân bằng.
Chấp nhận sai lầm, thất bại và rút ra bài học từ đó
Sự thấu hiểu về mặt hạn chế của bản thân không chỉ là nhìn ra điểm yếu mà còn là tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của chúng. Điều này đòi hỏi bạn phải thành thật với chính mình và quá trình tự phê bình nghiêm túc để định hình lại bản thân theo hướng tích cực.
Thực tế, khi hiểu rõ nguyên nhân của những sai lầm hay thất bại sẽ giúp bạn có hướng cải thiện để bản thân ngày càng tốt hơn, từ đó tạo được nền tảng vững chắc và trở nên tự tin hơn khi đối diện với thử thách.
Sẵn sàng học hỏi và tìm kiếm phản hồi từ mọi người xung quanh
Nếu ngừng học hỏi kiến thức mới, đó là lúc bạn đang tụt lùi về phía sau và đánh mất tinh thần cầu thị đáng quý. Hãy đọc sách, tham gia các khóa học, thậm chí là kết bạn với nhiều người để có cơ hội học hỏi thêm nhiều điều mới lạ.
Bên cạnh đó, tìm kiếm và lắng nghe phản hồi cũng là yếu tố quan trọng để cải thiện, mở rộng tầm nhìn và tiến xa hơn trong việc phát triển bản thân. Các phản hồi dù không đúng theo ý bạn mong muốn nhưng đó là nguồn thông tin quý báu, là góc nhìn khách quan sẽ giúp bạn có những bài học quan trọng và áp dụng chúng vào công việc lẫn cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bạn cần lắng nghe những phản hồi này một cách khôn ngoan và có chọn lọc.
Bằng việc nỗ lực rèn luyện tính cầu thị, bạn sẽ thu hút được những người có tinh thần cầu thị giúp bạn hình thành cách tư duy, suy nghĩ và lối sống tích cực. Dần dần cầu thị trở thành một đặc điểm tính cách rất tự nhiên mà không phải gồng mình thể hiện. Qua bài viết này, CareerLink hy vọng rằng bạn đã hiểu hơn về cầu thị là gì cũng như cách để rèn luyện đặc điểm tính cách đáng quý này.
Đừng quên truy cập vào CareerLink.vn để cập nhật cách viết CV, bí quyết tìm việc và tìm hiểu các thông tin tuyển dụng mới nhất nhé.
Thu Trang