Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2022, trong 8 người thì có 1 người bị béo phì (1). Đây là một trong những bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khó lường cho sức khỏe tổng thể. Hiện tại thước đo phổ biến nhất để đánh giá thừa cân, béo phì chính là chỉ số khối cơ thể (BMI). Vậy chỉ số BMI bình thường bao nhiêu? Béo phì, thừa cân là bao nhiêu?
Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM.
Chỉ số BMI là gì?
Chỉ số BMI (hay chỉ số khối cơ thể) là một công cụ sàng lọc y tế dùng để đánh giá sự cân đối của cơ thể dựa trên tỷ lệ giữa chiều cao và cân nặng. Chỉ số BMI thường phản ánh lượng mỡ trong cơ thể, chỉ số cao có thể giúp dự đoán việc bạn tích tụ nhiều mỡ trong cơ thể, tuy nhiên sẽ có 1 vài trường hợp ngoại lệ. Lượng mỡ trong cơ thể cao nguy cơ dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường tuýp 2, trong khi đó lượng mỡ trong cơ thể thấp dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. (2)
Chỉ có lượng chất mỡ vừa đủ mới giúp vitamin và khoáng chất hấp thụ vào cơ thể nhanh chóng, giúp cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể, giúp giữ ấm và duy trì nhiệt độ cơ thể, tạo lớp đệm bảo vệ các cơ quan khác. Bác sĩ sẽ sử dụng BMI cùng các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát.
BMI dùng để làm gì?
Bác sĩ sử dụng chỉ số BMI để chẩn đoán mức độ cân nặng và đây cũng là công cụ sàng lọc một số tình trạng sức khỏe nhất định.
1. Chẩn đoán mức độ cân nặng bằng chỉ số BMI
Chỉ số BMI giúp phân loại các loại cân nặng khác nhau:
- Suy dinh dưỡng (Thiếu cân).
- Bình thường.
- Thừa cân.
- Béo phì độ I.
- Béo phì độ II.
Công cụ BMI không phải là cách duy nhất dùng để phân loại cân nặng. Một số công cụ khác cũng có thể sử dụng như:
- Đo chu vi vòng eo.
- Đo tỉ lệ vòng eo trên vòng mông.
- Đo độ dày của da bằng cách sử dụng thước đo nếp gấp da ở một số khu vực nhất định trên cơ thể, chẳng hạn như cẳng tay và dưới xương bả vai.
2. Đo lường khả năng mắc các bệnh khác
Nếu chỉ số BMI dưới 18,5 (suy dinh dưỡng), bạn sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh như:
- Thiếu máu.
- Loãng xương.
- Suy dinh dưỡng.
- Vô sinh.
- Hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, dễ dẫn đến nhiễm trùng và mắc nhiều bệnh lý khác.
Trường hợp bạn bị thiếu cân, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác để kiểm tra sức khỏe tổng thể xem liệu cơ thể có bệnh khác hay không.
Khi chỉ số BMI càng lớn thì nguy cơ mắc các bệnh sau đây càng cao:
- Bệnh tiểu đường loại 2.
- Sỏi mật.
- Viêm xương khớp.
- Bệnh tim.
- Huyết áp cao (tăng huyết áp).
- Chứng ngưng thở lúc ngủ.
- Một số bệnh ung thư, bao gồm ruột kết, vú, nội mạc tử cung và túi mật.
- Trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm lý, tâm thần khác.
Bạn vẫn có nguy cơ mắc các bệnh trên mặc dù chỉ số BMI không cao, hoặc điều ngược lại cũng có thể xảy ra, bạn có thể có chỉ số BMI cao nhưng lại không mắc bất kỳ bệnh nào trong số này.
Nếu chỉ số BMI cho thấy bạn có nguy cơ bị béo phì, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu một số xét nghiệm máu bổ sung để kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Những hạn chế của BMI
Trên thực tế, mặc dù chỉ số BMI có thể không chính xác đối với tất cả mọi người, tuy nhiên BMI vẫn là thước đo phổ biến nhất vì đây là công cụ nhanh nhất để đánh giá tình trạng cân nặng của một người.
1. Hạn chế của việc sử dụng BMI để giúp chẩn đoán các loại cân nặng
Chỉ số BMI tiêu chuẩn có những hạn chế trong việc chẩn đoán các loại cân nặng, bao gồm:
- Chỉ số BMI không phân biệt giữa khối lượng cơ nạc (trọng lượng của mọi thứ trong cơ thể ngoại trừ mỡ) và khối lượng mỡ. Bởi vậy, vẫn có khả năng tồn tại tình trạng một người có thể có chỉ số BMI cao (do cơ bắp) nhưng vẫn có khối lượng mỡ rất thấp và ngược lại.
- Chỉ số BMI được sử dụng tương tự cho người trưởng thành ở cả 2 giới, mặc dù nữ trưởng thành thường tích tụ nhiều mỡ trong cơ thể hơn nam trưởng thành.
- Chiều cao trung bình ngày càng tăng, tuy nhiên chỉ số BMI vẫn chưa có những cập nhật phù hợp trong những năm qua.
Không nên sử dụng biểu đồ BMI tiêu chuẩn để đánh giá lượng mỡ trong cơ thể của những nhóm đối tượng sau:
- Trẻ em và thanh thiếu niên.
- Người trên 65 tuổi.
- Phụ nữ mang thai.
- Vận động viên thể dục thể thao và người tập thể hình.
- Người bị teo cơ do tình trạng bệnh lý.
2. Hạn chế của việc sử dụng BMI làm công cụ sàng lọc tình trạng sức khỏe
Chỉ số BMI với vai trò là công cụ sàng lọc để đánh giá nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim, tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế bao gồm:
- Chỉ số BMI không đo lường vị trí hoặc sự phân bổ mỡ trong cơ thể. Sự tích tụ mỡ thừa ở một số vùng trên cơ thể, chẳng hạn như ở bụng, có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh về sức khỏe cao hơn so với việc tích tụ mỡ thừa ở các vùng khác trên cơ thể, chẳng hạn như ở đùi.
- Mối quan hệ giữa BMI và tỷ lệ tử vong thường không tính đến các yếu tố như tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim mạch và cholesterol cao (rối loạn lipid máu); tuổi thọ gia đình trung bình; hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
Chỉ số BMI bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số BMI bình thường sẽ dao động trong khoảng từ 18,5 đến 22,9. Đây là các con số cho thấy bạn đang ở mức cân nặng lý tưởng. Tuy nhiên chỉ số BMI không phản ánh được hết lượng mỡ trong cơ thể, vì vậy cần kết hợp với các chỉ số khác để đánh giá sức khỏe toàn diện.
Cách tính chỉ số BMI
Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy cân nặng tính bằng kilôgam (kg) chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét (m). (3)
Chỉ số BMI giúp phân loại các loại cân nặng khác nhau:
- BMI suy dinh dưỡng: Dưới 18,5.
- BMI bình thường: 18,5 đến 22,9.
- BMI thừa cân: 23 đến 24,9.
- BMI béo phì độ I: 25 đến 29,9.
- BMI béo phì độ II: Trên 30.
Bảng chỉ số chiều cao cân nặng BMI
Dưới đây là bảng đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO dành cho người Châu Á: (4)
BMI (kg/m²)Phân loại < 18,5 Thiếu cân 18,5 - 22,9 Bình thường 23 - 24,9 Thừa cân 25 - 29,9 Béo phì độ I ≥ 30 Báo phì độ IIChỉ số BMI ở người thừa cân, béo phì là bao nhiêu?
Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 23 được xem là thừa cân và trên 25 được xem là béo phì. Năm 2019, ước tính có khoảng 5 triệu ca tử vong do bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân do vượt ngưỡng chỉ số BMI bình thường.
Hiện nay, tỷ lệ thừa cân, béo phì tiếp tục gia tăng ở người lớn và trẻ em. Từ năm 1990 đến năm 2022, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 - 19 tuổi bị béo phì đã tăng gấp 4 lần từ 2% lên 8% trên toàn cầu, trong khi tỷ lệ người lớn từ 18 tuổi trở lên bị béo phì tăng hơn gấp đôi từ 7% lên 16%.
Béo phì cùng với suy dinh dưỡng là một vấn nạn sức khỏe kép đối với xã hội hiện đại. Ngày nay, số người béo phì vượt xa số lượng người bị suy dinh dưỡng ở mọi khu vực, ngoại trừ khu vực Đông Nam Á. Từng được coi là vấn đề chỉ có thể xảy ra ở các nước có thu nhập cao, ngày nay một số nước có thu nhập trung bình có tỷ lệ thừa cân và béo phì cao nhất trên toàn thế giới.
Những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số béo phì BMI
Điều quan trọng cần nhớ là lượng mỡ trong cơ thể không phải là yếu tố duy nhất quyết định sức khỏe tổng thể. Ngoài chỉ số BMI, yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt, mức độ vận động và tình trạng sức khỏe tâm thần cũng đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nói chung. Vì vậy để xác định được chính xác lượng mỡ cơ thể đang tích tụ, bạn nên đến bệnh viện có nhiều chuyên khoa điều trị kết hợp để được các bác sĩ tư vấn phác đồ giảm cân an toàn và hiệu quả nhất.
Chỉ số béo phì BMI cao có hại đến sức khỏe không?
Thừa cân và béo phì do chỉ số BMI cao là yếu tố nguy cơ chính gây ra một số bệnh mãn tính, bao gồm các bệnh tim mạch như bệnh tim và đột quỵ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đã tăng gấp 4 lần trên toàn thế giới kể từ năm 1980. Thừa cân cũng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và các tình trạng liên quan như mù lòa, hoại tử chi và gây ra các vấn đề về thận. Thừa cân có thể dẫn đến rối loạn cơ xương bao gồm bệnh viêm xương khớp.
Béo phì cũng liên quan đến một số bệnh ung thư, bao gồm: nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận và ruột kết. Nguy cơ mắc các bệnh này tăng lên ngay cả khi bạn chỉ hơi thừa cân và tình trạng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng cao dần.
Trẻ em bị béo phì dễ dẫn đến một loạt các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng và tăng nguy cơ khởi phát sớm các bệnh liên quan. Nếu không có sự can thiệp y tế, trẻ em và thanh thiếu niên béo phì có thể sẽ tiếp tục có xu hướng béo phì khi trưởng thành.
Câu hỏi thường gặp
1. Chỉ số BMI đo béo phì có chính xác không?
Có. BMI tính đến những thay đổi tự nhiên về hình dáng cơ thể, đưa ra phạm vi cân nặng hợp lý cho một chiều cao cụ thể. Cùng với việc đo chỉ số BMI, bác sĩ sẽ cần thêm thông tin về các yếu tố khác khi đánh giá bạn có cân nặng khỏe mạnh hay không.
Cơ bắp đặc hơn mỡ rất nhiều, vì vậy những người có cơ bắp săn chắc, chẳng hạn như võ sĩ quyền anh hạng nặng, người tập tạ và vận động viên, có thể có cân nặng khỏe mạnh mặc dù chỉ số BMI của họ được xếp vào loại béo phì. BMI cũng không ứng dụng được ở phụ nữ mang thai.
Sắc tộc cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe. Ví dụ, người trưởng thành gốc Nam Á có nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe cao hơn so với các sắc tộc khác, chẳng hạn như chỉ số BMI là 23 thường được coi là khỏe mạnh, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường đối với người trưởng thành gốc Nam Á.
2. Có cách tính chỉ số béo phì nào khác ngoài BMI không?
Ngoài BMI, các biện pháp nhân trắc học như chỉ số cân nặng theo chiều cao, chu vi vòng eo (WC), tỷ lệ eo - hông (WHR) và tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể được ước tính theo độ dày nếp da (ST) được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Từ những năm 1990, BMI đã được sử dụng rộng rãi để phân loại thừa cân và béo phì ở cả người lớn và trẻ em. BMI vẫn được xem như một thước đo lý tưởng khi phân loại cân nặng vì dễ đo lường và liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác có liên đới đến béo phì.
Trung tâm giảm cân Tâm Anh là trung tâm chuẩn toàn diện, đa mô thức, chuyên sâu, tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì, giảm cân hiệu quả, an toàn. Trung tâm giúp đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc chăm sóc sức khỏe, cá thể hóa cho từng khách hàng có nhu cầu kiểm soát cân nặng, giảm cân, làm đẹp khoa học, an toàn và hiệu quả.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin về “Chỉ số BMI bình thường là bao nhiêu? Thừa cân, béo phì là bao nhiêu?” Và để duy trì chỉ số BMI chuẩn và ổn định bằng chế độ ăn uống phù hợp kết hợp cùng luyện tập thể chất đều đặn là chìa khóa vàng để bảo vệ sức khỏe.