Vi sinh vật được phân bố khắp mọi nơi trong tự nhiên và trên cơ thể con người và tất cả các loài động vật. Trong đó xuất hiện một số ít loài vi sinh vật gây ra một số căn bệnh cho con người.
Vi sinh vật là gì?
Vi sinh vật bao gồm các sinh vật đa bào, đơn bào, nhân sơ hoặc nhân thực. Chúng có kích thước rất nhỏ không thể quan sát được bằng mắt thường. Vi sinh vật được phát hiện tới thời điểm hiện tại gồm có: Vi khuẩn, virus, tảo, nấm, và nguyên sinh động vật. Đây là loài xuất hiện lâu đời nhất trên thế giới. Các nhà khoa học nếu muốn nghiên cứu về chúng phải sử dụng phương pháp nuôi cấy.
Các sinh vật đa bào, đơn bào, nhân sơ hoặc nhân thực được gọi chung là vi sinh vật
Các đặc điểm của vi sinh vật
Vi sinh vật có kích thước rất nhỏ bé, nhưng số lượng của nó lại rất đông đảo. Đây là một trong những thành phần và yếu tố rất quan trọng trong môi trường cũng như cần thiết đối với con người và sinh vật sống. Ngoài ra, khi nhắc đến vi sinh vật sẽ kèm theo những đặc điểm nổi bật sau:
- Khả năng sinh trưởng của vi sinh vật rất nhanh và tốc độ phát triển mạnh. Nếu so sánh với các sinh vật khác thì nó có tốc độ sinh trưởng vô cùng lớn.
- Vì rất nhỏ nên các loại vi sinh vật sẽ được đo bằng đơn vị micromet.
- Khả năng hấp thụ và chuyển hóa rất nhanh. Điển hình như vi khuẩn lactic, trong 1 giờ nó có thể phân giải được một lượng đường lactose gấp 1000 - 10.000 lần khối lượng của chúng.
- Khả năng thích nghi rất “đáng nể” và dễ dàng có thể tồn tại trong nhiều môi trường, điều kiện khác nhau.
- Vi sinh vật được phân bố rộng khắp mọi nơi trên trái đất, thậm chí ở những nơi mà bạn tưởng chừng như sự sống không thể tồn tại như núi lửa, nam cực,...
- Vi sinh vật có rất nhiều loại theo thống kê hiện nay có khoảng trên 100.000 trong đó có 2.500 loài vi khuẩn lam, 30.000 loài động vật nguyên sinh, 1.500 loài vi khuẩn, 1.200 loài virus, 1.200 loài vi tảo và rickettsia, 69.000 loài nấm. Do tính chất dễ phát sinh đột biến nên vi sinh vật có số lượng ngày càng gia tăng. Ví dụ như nấm trung bình mỗi năm sẽ phát hiện thêm khoảng 1500 loài mới.
Đặc điểm dễ nhận biết của vi sinh vật là có kích thước rất nhỏ
Phân loại vi sinh vật
Hiện nay có 3 loại môi trường chính để vi sinh vật có thể sinh sống là môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí. Vi sinh vật hiện nếu được phân loại dựa trên lợi ích của chúng thì sẽ có 2 loại như sau:
- Vi sinh vật có hại: Là những loài vi sinh vật gây bệnh cho sinh vật sống, con người,...
- Vi sinh vật có lợi: Bao gồm hệ vi sinh đường ruột, vi sinh vật trong thực phẩm,...
Vi sinh vật trong cơ thể người có đặc điểm gì?
Vi sinh vật tồn tại và sống trên cơ thể người được gọi là vi hệ sống trên cơ thể người khỏe mạnh. Trên cơ thể người vi sinh vật có thể được phân chia thành những loại sau: Vi sinh vật cộng sinh có lợi cho cả người và vi sinh vật, vi sinh vật ký sinh có hại cho con người, loại trung gian là vi sinh vật hội sinh. Ngoài ra dựa trên thời gian mà vi sinh vật cư trú trên cơ thể, sẽ phân chia thành 2 nhóm sau:
- Nhóm có mặt thường xuyên: Những loại này tồn tại trên cơ thể người hằng năm hoặc vĩnh viễn.
- Nhóm có mặt tạm thời: Những loại này không thường xuyên tồn tại ở trên cơ thể người, thường chỉ xuất hiện trong vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần.
Trên cơ thể người vi sinh vật được chia làm hai nhóm
Vai trò hệ vi sinh vật bình thường trên cơ thể người
- Vi sinh vật trên cơ thể người sẽ tổng hợp và tiết ra một số enzyme để giúp chúng tồn tại và phát triển. Quá trình này, đồng thời giúp cơ thể được tăng cường khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Ví dụ như: Vi khuẩn đường ruột (E.coli) trong quá trình hoạt động sẽ sản sinh ra vitamin K, vitamin B12,....
- Các vi sinh vật cư trú tại chỗ giúp ngăn cản sự xâm nhập của một số loại vi khuẩn gây bệnh từ nơi khác tới
- Vi sinh vật còn có khả năng kích thích sinh kháng thể phản ứng chéo.
Phân bố của các vi sinh vật trên cơ thể người
Vi sinh vật trên da
Da là bộ phận tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều nhất rất dễ chứa nhiều loài vi sinh vật tồn tại ký sinh. Các vi sinh vật sẽ lấy thức ăn trên da từ các chất tiết ra của tuyến mồ hôi hay tuyến bã nhờn. Môi trường tại những nơi có độ ẩm cao như: Da mặt, da đầu, kẽ ngón tay, ngón chân,...
Việc vệ sinh, tắm rửa cơ thể thường xuyên sẽ làm giảm đến 90% vi sinh vật ở trên da. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng vì chỉ sau vài giờ tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi tiết ra lại tạo điều kiện cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển. Chủ động vệ sinh cơ thể thường xuyên sẽ giúp con người để hạn chế sự gia tăng vi sinh vật trên da.
Vi sinh vật đường hô hấp
Vi sinh vật đường hô hấp thường tồn tại ở đường hô hấp trên, mũi, ở họng miệng và ở đường hô hấp dưới bao gồm phế nang, phế quản. Việc bảo vệ đường hô hấp của bạn khỏi xâm nhập của vi khuẩn sẽ hạn chế được nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp, ốm vặt, cảm cúm thông thường.
Vi sinh vật đường tiêu hoá
Ở đường tiêu hoá vi sinh vật sẽ phân bố ở các vị trí như:
- Miệng: Đây là môi trường thuận lợi cho các loài vi khuẩn có thể phát triển điển hình như: Liên cầu khuẩn, cầu khuẩn kị khí,...
- Dạ dày: Trong dạ dày các loại vi sinh vật có hại sẽ gây ra bệnh: Viêm loét, đau dạ dày, tá tràng như: Vi khuẩn H.Pylori.
- Đường ruột: Vi sinh vật ở đây có tác dụng lợi khuẩn, chuyển hóa sắc tố, tổng hợp vitamin A, cân bằng các chất dinh dưỡng và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh.
Vi sinh vật có lợi đường tiêu hóa giúp tổng hợp các chất có lợi cho cơ thể
Vi sinh vật đường tiết niệu
Đường tiết niệu ở phía ngoài cùng của niệu đạo sẽ có một số ít loài vi khuẩn nguy hiểm như: Enterococcus faecalis, Escherichia coli,... Các vi sinh vật cũng thường xuất hiện trong nước tiểu đầu.
Vi sinh vật ở bộ phận sinh dục
Vi sinh vật ở cơ quan sinh dục thường xuất hiện các loại vi khuẩn như: Cầu khuẩn, Lactobacillus, và trực khuẩn,... Tiêu biểu, Lactobacillus giúp chuyển hóa glycogen thành axit lactic chống lại sự xâm nhập các vi sinh vật gây bệnh và nấm.
Đến đây chắc hẳn bạn đã hiểu được phần nào vi sinh vật là gì? Với số lượng được phân bổ đông đảo trên và trong cơ thể người. Chú ý chăm sóc cơ thể mỗi ngày để hạn chế các vi sinh vật có hại đến sức khỏe bạn nhé!
Xem thêm: Sinh vật là gì
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp