Chỉ số VN-Index được tổng hợp và tính toán dựa trên sự biến động giá mỗi ngày của tất cả các công ty đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Chỉ số VN-index là gì?
Chỉ số VN-Index được dùng để phân tích, đánh giá về sự biến động của thị trường và giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư.
Lấy ví dụ chỉ số VN-Index ngày 6/9/2021 đang là 1346.39 điểm. Điều này có nghĩa là tổng giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HOSE có giá trị gấp 1346.39 lần giá trị gốc ngày 28/7/2000.
Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) là đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam và tổ chức phiên giao dịch lần thứ nhất vào ngày 28/7/2000, đánh dấu sự ra đời chính thức của Thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Về dài hạn, thị trường vẫn luôn đi lên mặc dù có một số biến động ngắn hạn vào năm 2019 do chiến tranh thương mại Mỹ Trung và năm 2020 với đại dịch COVID-19. Do vậy, bạn cần xác định khẩu vị rủi ro của bản thân để có chiến lược đầu tư dài hạn hay ngắn hạn.
Nếu đầu tư dài hạn từ 3-5 năm, chứng khoán là kênh đầu tư có tỉ suất lợi nhuận trung bình hàng năm lên đến 14%.
Trong vòng 10 năm (2010-2020), cổ phiếu có 4 đợt đạt tỷ suất lợi nhuận trên 10%, năm 2017 đạt đỉnh 50%, cao hơn hẳn so với các kênh đầu tư khác như Vàng, Trái Phiếu và Gửi Tiết Kiệm (6-8%).
Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh, chỉ báo VN-Index được dự báo tăng lên mốc 1500 điểm. Với việc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng và giao dịch trong ngày (T+0), dòng tiền nước ngoài sẽ tiếp tục được đổ vào thị trường chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư tích cực khiến thị trường càng trở nên sôi động hơn.
Ý nghĩa của chỉ số VN-index
VN-Index giúp nhà đầu tư có thể định giá và so sánh sự tăng trưởng chỉ số thị trường VN-Index với các nước trong khu vực. Với chỉ số P/E tổng hợp bởi TVSI vào tháng 5/2021, kết hợp bối cảnh kiểm soát dịch bệnh tốt ta thấy chỉ số P/E bị định giá thấp so với khu vực, với mức P/E = 13.8. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tỏ ra hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.
VN-Index giúp các nhà đầu tư lựa chọn nhóm ngành có chỉ số khỏe để tối ưu hóa lợi nhuận. Ví dụ, vào 5/2021, các ngành ảnh hưởng tới VN-Index tăng điểm bao gồm Ngân hàng, Nguyên vật liệu, Dịch vụ tài chính, Phần mềm dịch vụ và Năng lượng. Vì thế, nhà đầu tư có thể dựa vào chỉ số này để cân nhắc lựa chọn các nhóm cổ phiếu tốt.
Yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số VN-index
Thông thường, giá của cổ phiếu phụ thuộc vào quy luật cung - cầu trên thị trường, vì vậy tâm lý của nhà đầu tư sẽ phản ánh rất rõ vào sự biến động của chỉ số VN-Index. Ví dụ vào cuối tháng 6/2021, chỉ số VN-Index cán mốc 1400 điểm, cán mức cao nhất trong lịch sử. Dựa vào đó ta có thể thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất lạc quan với thị trường và họ sẽ tiếp tục rót vốn vào để sinh lời.
Chỉ số VN-Index không những cho ta nhìn nhận được tâm lý của nhà đầu tư mà còn cho ta thấy được sự phát triển hay suy giảm của nền kinh tế. Khi nền kinh tế có dấu hiệu phát triển, các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính tốt, tăng trưởng đều đặn, các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu nhiều hơn như là kênh đầu tư và tích lũy tài chính, từ đó chỉ số VN-Index tăng.
Thu nhập của một công ty là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu. Mà giá cổ phiếu sẽ có ảnh hưởng cùng chiều với chỉ số VN-Index. Giá cổ phiếu tăng nếu lợi nhuận của công ty tăng và ngược lại giá cổ phiếu giảm nếu lợi nhuận của công ty giảm hoặc tăng trưởng chậm.
Tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý rằng, nếu tốc độ tăng của giá mạnh hơn tốc độ tăng trưởng của công ty thì nên cẩn trọng. Bởi nếu vậy bạn sẽ mua hớ nếu bạn chỉ mua theo số đông, vì vậy bạn cần xác định xem liệu giá thị trường có đang phù hợp với giá trị thực hay không.
Cách tính chỉ số VN-Index
Chỉ số VN-Index hiện đang được xác định bằng phương pháp trọng số giá trị thị trường dựa vào mức độ chi phối của từng cổ phiếu.
Công thức tính:
VN-Index = (Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết hiện tại / Tổng giá trị của các cổ phiếu niêm yết cơ sở) x 100
hoặc
Trong đó:
- Q1i là khối lượng cổ phiếu i đang lưu hành.
- P1i là giá cổ phiếu i hiện hành.
- Q0i là khối lượng cổ phiếu i thời kì gốc.
- P0i là giá cổ phiếu i thời kì gốc.
VN-Index được xác định và thay đổi trong thời gian giao dịch. Trong khoảng thời gian này, sự biến động về giá cổ phiếu sẽ làm thay đổi giá trị của VN-Index.
Bên cạnh đó, vào tháng 11/2020, HOSE đã câp nhận Bộ quy tắc xây dựng và quản lý bộ chỉ số HOSE - Index phiên bản 3.0, các chỉ số như (VN-Index, VN30-Index, VNMidcap,….) sẽ được tính theo phương pháp giá trị vốn hóa điều chỉnh Free-float.
Một vài chỉ số quan trọng khác
Các chỉ số chứng khoán khác nhau có vai trò chỉ dẫn dòng tiền đầu tư theo các nhu cầu khác biệt. Vì vậy ngoài Vn-Index là chỉ số phổ biến và được quan tâm, sàn HOSE vẫn còn một số chỉ số khác đáng chú ý như VN100, VN30, VNALL,…
Trong đó:
- VNAllShare (VNALL) là chỉ số vốn hóa gồm tất cả cổ phiếu niêm yết trên HOSE đáp ứng tiêu chí sàng lọc về tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và thanh khoản. VNAllShare giúp cho nhà đầu tư có thêm 1 chỉ số tham chiếu, khắc phục được tình trạng chỉ số bị bóp méo phản ánh không đúng diễn biến của thị trường.
- VN30 là chỉ số vốn hóa đo lường mức tăng trưởng của 30 công ty hàng đầu về vốn hóa thị trường và thanh khoản trong VNAllshare. Chỉ số VN30 chiếm tỷ trọng hơn 80% giá trị vốn hóa của VN-Index
- VNMidcap (VNMID) là chỉ số vốn hóa đo lường mức tăng trưởng của 70 công ty có quy mô vừa trong VNAllshare.
- VN100 là chỉ số vốn hóa kết hợp các cổ phiếu thành phần của VN30 và VNMidcap.
- VNSmallcap (VNSML) là chỉ số vốn hóa đo lường mức tăng trưởng của các công ty có quy mô nhỏ trong VNAllshare. Bao gồm các cổ phiếu còn lại của VNAllshare, sau khi loại trừ cổ phiếu thành phần của VN100.
Mặc dù có những hạn chế nhất định về cách tính giá trị vốn hóa nhưng VN-Index vẫn là chỉ số chiếm phần lớn thị trường Chứng khoán Việt Nam. Bạn cũng có thể tham khảo các chỉ số khác như HNX30-Index, VN30-Index hoặc UPCOM Index.